Mặc dù còn nhiều dấu hỏi xoay quanh thân thế của vị Hoàng đế Trung Hoa này, nhưng người ta không thể phủ nhận một khả năng lớn rằng ông là người mang dòng máu Đại Việt. Đánh bại quân Nguyên, và ngồi trên ngôi Hoàng đế Trung Hoa trong vỏn vẹn 3 năm, ông là ai?
Câu chuyện ly kỳ này phải bắt đầu kể từ vua Trần Thái Tông: Lúc bấy giờ, vua Trần Thái Tông đã có sáu hoàng tử là Trần Quốc Khang, Trần Hoảng (vua Trần Thánh Tông sau này), Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc và Trần Nhật Duật; cùng hai công chúa là Thiều Dương và Thụy Bảo. Trong đó, Trần Ích Tắc là người đã đem cả gia quyến đầu hàng quân Nguyên Mông, nên thường bị các sử gia chê trách. Tuy nhiên nếu nhìn lại thì Trần Ích Tắc có lẽ không phải là một kẻ hèn nhát, mà là một kẻ sinh nhầm thời…
Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có viết về Trần Ích Tắc như sau:
“Khi Ích Tắc chưa sinh, vua Thái Tông nằm mộng thấy một vị thần có 3 mắt từ trên trời xuống nói rằng: Thần bị Thượng Đế trách phạt, xin ký thác vào vua, sau này lại về phương Bắc. Khi Ích Tắc sinh, giữa trán có vết giống như con mắt, hình dáng cũng giống như người trong mộng”.
Đồng thời, Đại Việt sử ký toàn thư cũng mô tả về Trần Ích Tắc là con người “thông minh hiếu học, thông hiểu kinh sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v… gồm 20 người, đều được dùng cho đời”.
Tuy nhiên, khi Huệ Túc phu nhân xem lá số cho hoàng thân quốc thích nhà Trần đã nói với vua Trần Thái Tông rằng: “Thiếp xem Tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau. Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng. Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu. Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của đệ tứ thái tử Trần Ích Tắc thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi”. Đây là điều được ghi lại trong cuốn “Đông A di sự”.
Trần Ích Tắc là hoàng tử thứ năm của vua Thái Tông, nhưng Huệ Túc Phu Nhân lại dùng từ “đệ tứ”, là do bà không tính hoàng tử Trần Quốc Khang, vốn là con của bà Thuận Thiên với anh ruột vua Trần Thái Tông là Trần Liễu. (Xem bài: Người phụ nữ giúp Trần Quốc Tuấn giữ chức “Quốc Công Tiết Chế” đánh bại quân Nguyên Mông)
Trong khi hoàng tộc nhà Trần hầu như ai cũng giỏi võ nghệ vì kế thừa phái võ Đông A từ thời Trần Tự Viễn (582-637), thì Trần Ích Tắc lại không thích võ thuật. Tuy nhiên về văn thì Trần Ích Tắc lại giỏi nhất trong tất cả các hoàng tử. Ông cũng chê bai anh em của mình chỉ là bậc “võ biền”.
Nhưng Trần Ích Tắc là kẻ sinh nhầm thời. Khi quân Nguyên đánh bại nhà Tống, chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, thì tình thế giang sơn nguy ngập, các võ tướng đều rất được trọng dụng. Trong khi đó, Trần Ích Tắc lại chỉ giỏi văn, còn như võ thuật hay cách bày binh bố trận đều không am tường, nên không được trọng dụng như những người khác. Văn tài giỏi nhất nhưng không được trọng dụng, tâm tật đố và bất bình của Trần Ích Tắc nổi lên…
Năm 1285, khi đại quân Nguyên Mông tiến đánh Đại Việt, Trần Ích Tắc bèn đưa cả gia quyến ra đầu hàng, và được phong làm An Nam quốc vương. Nếu như quân Nguyên Mông đánh bại nhà Trần thì Trần Ích Tắc sẽ được lên ngôi vua. Có người nói rằng Trần Ích Tắc tham lam, cũng có người nghĩ ông ta hèn nhát sợ giặc, nhưng có lẽ phần nhiều là vì tâm tật đố. Trần Ích Tắc thật là kẻ sinh nhầm thời vậy.
Quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã đánh bại đại quân Nguyên Mông. Không chỉ thế, đến năm 1288, quân Nguyên lại một lần nữa thảm bại trước Đại Việt.
Quân Nguyên thua trận, Trần Ích Tắc mang theo cậu con trai đầu sinh năm 1275 là Trần Hữu Thành cùng gia đình đến ở Ngạc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), giữ chức quan Hồ Quảng bình chương chính sự.
Nhưng nếu nhìn lại điềm báo trong giấc mơ của vua Trần Thái Tông về Trần Ích Tắc thì phải chăng đây cũng là định mệnh?
“Thần bị Thượng Đế trách phạt, xin ký thác vào vua,
sau này lại về phương Bắc”
Việc Trần Ích Tắc phải tha hương cũng ứng với dự báo của Huệ Túc phu nhân rằng “số của đệ tứ thái tử Trần Ích Tắc thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi”.
Ở phương Bắc, Trần Ích Tắc có được thêm người con thứ đặt tên là Trần Hữu Lượng, nhưng đến đây có sự mâu thuẫn trong sử sách nhà Minh và Đại Việt.
Theo Minh sử thì Trần Hữu Lượng sinh ở tỉnh Hồ Bắc trong gia đình đánh cá. Ông nguyên họ Tạ, nhưng vì tổ tiên ở nhà họ Trần nên đổi sang họ Trần. Ông là con Trần Phổ Tài. Sau khi Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương bình định xong Vũ Xương có phong cho Trần Phổ Tài làm Thừa Ân hầu, con thứ của Trần Hữu Lượng làm Quy Đức hầu.
Theo các bộ sử Việt như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ, Đại nam thực lục, Đại Việt sử ký bản kỷ cùng gia phả nhà Trần để lại thì những ghi chép về Trần Hữu Lượng chi tiết và rõ hơn. Nhưng khác với sử nhà Minh, các bộ sử Việt đều khẳng định Trần Hữu Lượng là con thứ của Trần Ích Tắc.
Các bộ sử Việt khác như Đại Việt Sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều có nhắc đến Trần Hữu Lượng qua các sự kiện có liên quan, đặc biệt là hai lần Trần Hữu Lượng muốn được liên minh với Đại Việt đều có ghi chép.
Theo ghi chép của nhà Trần thì Trần Ích Tắc có người con là Trần Hữu Lượng ở Hồ Bắc. Khi ông qua đời, con cả là Trần Hữu Thành thay cha dạy học cho Trần Hữu Lượng. Vì thế câu chuyện về cha mình xưa kia đúng sai thế nào thì Trần Hữu Lượng không tỏ tường, nhưng nguồn gốc từ nhà Trần của Đại Việt thì Trần Hữu Lượng lại rất rõ.
Trần Hữu Lượng biết tổ tiên mình là cụ tổ Trần Tự Minh thuộc nhóm tộc người Bách Việt ở vùng Mân Việt (nay thuộc Phúc Kiến – Trung Quốc), theo dòng người Bách Việt xuống phía Nam giúp vua An Dương Vương. Trần Tự Minh cùng Cao Lỗ từng là những vị tướng tài ba trụ cột, là hai cánh tay đắc lực giúp An Dương Vương nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà.
Lúc bấy giờ, ở Trung Quốc nổi lên phong trào noi gương Đại Việt từng 3 lần đánh bại quân Nguyên, khiến nhiều cuộc khởi nghĩa chống Nguyên nổ ra. Trần Hữu Lượng âm thầm dùi mài kinh sử, học theo cuốn sách Đông A võ phái của cụ tổ là Trần Tự An.
Năm 1354, Trần Hữu Lượng tham gia khởi nghĩa chống quân Nguyên. Nhớ lại nguồn gốc từ nhà Trần ở Đại Việt của mình, ông cho người sang gặp vua Trần Dụ Tông muốn được “hòa thân”.
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép rằng: “Giáp Ngọ, [Thiệu Phong] năm thứ 14 [1354], (Nguyên Chí Chính năm thứ 14). Mùa xuân, tháng 2, quan trấn giữ biên giới phía Bắc cho chạy trạm tâu việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai sứ sang xin hòa thân (Hữu Lượng là con Trần Ích Tắc)”.
Sách Việt sử tiêu án có ghi chép rằng: “Trần Hữu Lượng khởi binh ở Giang Châu, sai sứ giả sang nước ta xin hòa (Hữu Lượng là con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh).”
Tuy nhiên từ khi Trần Ích Tắc chạy theo quân Nguyên, nhà Trần đã xem ông ta như kẻ phản bội và không công nhận là dòng tộc nữa, nên đã từ chối “hòa thân”.
Việc Trần Hữu Lượng mới khởi binh đã muốn “hòa thân” với nhà Trần cho thấy nhiều khả năng ông ta là con Trần Ích Tắc. Nếu không phải con của Trần Ích Tắc thì một người lúc mới khởi binh, không có tên tuổi hay sự nghiệp gì, thì dựa vào cớ gì mà “hòa thân” với nhà Trần? Nhà Trần đương nhiên cũng chẳng có lý do gì để “hòa thân” với một cuộc khởi nghĩa chưa hề có tiền đồ gì cả.
Sự việc Trần Hữu Lượng tham gia khởi nghĩa cũng được ghi chép trong cuốn gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản là “Viêm phương Trần tộc lưu phả”. Theo đó thì hậu duệ Trần Quốc Toản theo quân khởi nghĩa của Trần Hữu Lượng rất đông. Điều này cho thấy Trần hữu Lượng thật sự có khả năng chính là hậu duệ nhà Trần. Vì thời đó có rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống quân Nguyên khác còn mạnh hơn, vậy mà hậu duệ của Trần Quốc Toản lại về theo Trần Hữu Lượng. (Xem bài: Viêm phương Trần tộc Lưu phả: Trần Quốc Toản không hề tử trận)
Theo Minh sử ghi chép thì năm 1354, nhờ sự giới thiệu của Từ Thọ Huy, Trần Hữu Lượng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Nghê Văn Tuấn và trở thành một trong những trụ cột của nghĩa quân.
Năm 1357, ông giết Nghê Văn Tuấn vì y âm mưu định giết Từ Thọ Huy. Sau đó Trần Hữu Lượng tự xưng là Tuyên úy sứ kiêm Bình chương chính sự, khởi binh tấn công các lộ thuộc Giang Tây. Ông trở thành tổng chỉ huy quân đội các vùng Giang Tây, An Huy, Phúc Kiến.
Năm 1359, sau nhiều trận thất bại, quân Nguyên hoàn toàn suy yếu. Trong số các cuộc khởi nghĩa chống Nguyên thì mạnh nhất chính là quân của Trần Hữu Lượng, yếu hơn là đội quân của Trương Sĩ Thành, Chu Nguyên Chương. Cũng trong năm này Trần Hữu Lượng xưng làm Hán vương.
Năm 1360, trước sức mạnh vượt trội của mình, Trần Hữu Lượng xưng là Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Hán, niên hiệu là Đại Nghĩa, tiếp tục đánh đuổi tàn dư của quân Nguyên và thu phục các cuộc khởi nghĩa chống Nguyên khác.
Nếu như Trần Hữu Lượng thật sự là con của Trần Ích Tắc, thì thực chất hậu duệ của nhà Trần đã trở thành Hoàng đế Trung Hoa.
Năm 1360, Trần Hữu Lượng dẫn đại quân thủy bộ tiến đánh Chu Nguyên Chương. Quân Chu Nguyên Chương dù yếu hơn nhiều, nhưng ông ta lại có được vị quân sư lừng danh trong lịch sử là Lưu Bá Ôn. Người Trung Quốc vẫn có câu rằng:
Vạn thế quân sư Gia Cát Lượng
Nhất thống thiên hạ Lưu Bá Ôn
Khi đại quân do đích thân Trần Hữu Lượng tiến đến, quân tướng của Chu Nguyên Chương nhiều người e sợ, xuống tinh thần, có ý kiến nên lui binh về cố thủ Trung Sơn (Tử Kim Sơn, Đông Giao, Nam Kinh), có mưu sĩ cho rằng tốt nhất nên đầu hàng rồi sáp nhập vào quân của Trần Hữu Lượng. Chu Nguyên Chương lắng nghe chưa biết thế nào, nhìn lại thấy Lưu Bá Ôn vẫn lặng thinh, đoán biết ông ta đã có diệu kế nên ra lệnh ngừng tranh luận để gặp riêng Lưu Bá Ôn.
Chu Nguyên Chương mời Lưu Bá Ôn vào phòng riêng rồi hỏi: “Địch đã tới gần, tiên sinh có cao kiến gì chăng?”. Lưu Bá Ôn đáp rằng: “Kẻ địch kiêu ngạo, thì nên dụ địch vào sâu rồi dùng phục binh tiêu diệt”.
Sau khi bàn tính, Chu Nguyên Chương cho bạn cũ trước đây của Trần Hữu Lượng là Triệu Khang Mậu Tài trá hàng, sai một lão bộc mang thư đến cho Trần Hữu Lượng nói cứ đưa quân đánh vào thành Ứng Thiên, còn mình sẽ làm nội ứng ở cửa thành vào bắt Chu Nguyên Chương.
Trần Hữu Lượng rất mừng, nhưng cũng nghi ngờ, cất vấn lão bộc đưa thư nhiều điều nhưng lão này đều trả lời rất trôi chảy.
Trần Hữu Lượng đưa quân đến nhưng rất thận trọng vì nghi có thể chỉ là trá hàng. Tuy nhiên đến cầu Giang Đông thì quân Trần Hữu Lượng vẫn bị tập kích bất ngờ, thiệt hại nhiều không kể xiết. Trần Hữu Lượng nhờ các tướng hộ vệ, lên thuyền nhỏ mới chạy thoát.
Năm 1361, Chu Nguyên Chương tiến đánh Giang Châu, nhờ mưu kế của Lưu Bá Ôn mà quân Chu Nguyên Chương thắng trận, Trần Hữu Lượng phải cho quân rút về Vũ Xương. Biết mình bại bởi mưu kế của Lưu Bá Ôn, Trần Hữu Lượng đã nói rằng: “Dưới tay ta thiếu một mưu sĩ như Lưu Bá Ôn. Sau này kẻ tiêu diệt ta, chắc chắn chính là Bá Ôn rồi. Chả lẽ ý trời nghiêng về Chu Nguyên Chương, nên mới sai Bá Ôn tới trợ giúp đó chăng?”
Đại Việt sử ký toàn thư cùng các sách sử khác đều đề cập đến sự việc vào năm 1361, để đương đầu với Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng lại cho người sang Đại Việt xin hợp quân. Tuy nhiên vua Trần Dụ Tông vẫn cự tuyệt với dòng họ của Trần Ích Tắc và nhất quyết không mang quân trợ giúp.
Theo Minh sử các cuộc giao tranh giữa Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên Chương sau đó đều bất phân thắng bại. Năm 1363 diễn ra trận chiến trên hồ Bà Dương, quân của Trần Hữu Lượng có 60 vạn, Chu Nguyên Chương có 20 vạn quân.
Với lực lượng mạnh hơn, sau ba ngày đại chiến dữ dội, quân của Trần Hữu Lượng giành được chiến thắng. Tuy nhiên khi nhận thấy các thuyền của Trần Hữu Lượng đều to lớn và sát vào nhau, Chu Nguyên Chương đã nghe lời khuyên, dùng hỏa công lật ngược được thế cờ. Trần Hữu Lượng bị tử trận trong cuộc chiến này.
Trần Hữu Lượng mất, con là Trần Lý lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Đức Thọ. Năm sau Chu Nguyên Chương đưa quân đến thành Vũ Xương đánh bại Trần Lý, chính thức đánh bại triều đại do Trần Hữu Lượng dựng lập nên.
Dù Vương triều của Trần Hữu Lượng chỉ tồn tại vài năm ngắn ngủi, nhưng nếu theo như sử Việt ghi chép, thì đã có một Hoàng đế Trung Hoa mang dòng máu Đại Việt.
Sau khi Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, thì năm 1368, vua Trần Dụ Tông của Đại Việt phải sang thần phục nhà Minh. Ở Đại Việt, năm 1399, Hồ Quý Ly xử tử 370 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần, năm 1400 thì lên ngôi vua. Tuy nhiên, cha con Hồ Quý Ly cũng nhanh chóng đầu hàng khi bị quân Minh tiến đánh.
Đây là lần duy nhất Đại Việt bị mất quyền tự chủ bởi phương Bắc tính từ thời Ngô Quyền (năm 939) đến nay. Quân Minh đã vơ vét rất nhiều tài nguyên của Đại Việt. Nhiều người tài giỏi, thầy thuốc có tiếng bị bắt sang phục vụ cho nhà Minh, ví như Hồ Nguyên Trừng là nhân tài người Việt đã sang nhà Minh và sáng tạo ra súng thần công rất nổi tiếng thời đó.
Một số nhà nghiên cứu tiếc nuối cho rằng, nếu vua Trần Dụ Tông liên minh với Trần Hữu Lượng, thì nhiều khả năng Hoàng đế Trung Hoa Trần Hữu Lượng sẽ thật sự thống nhất Trung Hoa với một triều đại vững chắc, không phải chỉ vài năm ngắn ngủi mà là tồn tại trăm năm. Hai triều đại nhà Trần của hai nước sẽ tương hỗ với nhau, và như thế cũng sẽ không xảy ra cái họa Hồ Quý Ly cướp ngôi, Đại Việt cũng không bị xâm chiếm đô hộ bởi nhà Minh. Lịch sử quả thật đã có thể đi theo một chiều hướng khác.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…