Chưa đến 20 tuổi, chưa hề có đỗ đạt gì, cũng không phải Hoàng thân quốc thích, không có bất kỳ sự giới thiệu hay quen biết nào, vậy mà Đoàn Nhữ Hài lại được phong chức quan đầu triều. Đây quả là một câu chuyện lịch sử ly kỳ về định mệnh…

Câu chuyện định mệnh ly kỳ này được ghi chép cẩn thận trong “Đông A di sự”, một cuốn sách do Trần Triều Bình Chương Quốc Sư, Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán chắp bút. Cuốn sách cổ này là một tư liệu quý, do chính những người trong dòng tộc nhà Trần ghi chép lại từng chi tiết về các sự kiện của triều đại nhà Trần. Dưới đây xin được gửi tới độc giả câu chuyện về Đoàn Nhữ Hài.

Câu chuyện định mệnh của vị thư sinh thời Trần làm quan đầu triều khi chưa đến 20 tuổi
Câu chuyện của Đoàn Nhữ Hài gắn liền với câu chuyện Thượng hoàng Trần Nhân Tông giáo dục con là Vua Trần Anh Tông – Bức “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” mô tả cảnh vua Trần Anh Tông đón cha. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Định mệnh phải chăng là có thật?

Thời còn đang chuẩn bị cho kỳ thi Thái học sinh (tiến sĩ), thư sinh 20 tuổi Đoàn Nhữ Hài là một học trò của trường Quốc Tử Giám tại kinh thành Thăng Long. Vào một ngày nọ, cậu đến chơi chùa Diên Hựu (ngày nay còn gọi là Một Cột), tình cờ gặp một vị hòa thượng. Nghe nói người tu hành có thể đoán biết tương lai, Đoàn Nhữ Hài đã tò mò hỏi về con đường làm quan của mình.

Vị hòa thượng hỏi Đoàn Nhữ Hài ngày tháng năm sinh và nhận được câu trả lời rằng: “Tôi tuổi kỷ mão, tháng 9 ngày mồng 1, giờ mão”.

Vị hòa thượng bấm đốt ngón tay thong thả nói: “Số của tiên sinh là số tá cửu trùng ư kim điện, nghĩa là số phò tá Vua ở sân rồng, tức là số làm tới Tể tướng”.

Vị hòa thượng giải thích kỹ hơn:

“Mệnh tiên sinh lập tại mùi, xương, khúc, kình miếu địa thủ mệnh. Lại được Nhật mão, Nguyệt tại hợi tịnh minh chiếu, thêm cách giáp Quang, Quý. Đây là cách của Đại thần phò tá Đế vương. Năm nay Đại hạn của tiên sinh ở Tỵ có hình, tang, cơ, mã được nguyệt chiếu. Tiểu hạn ở thân, ngoại triều có tham vũ, tướng, quyền, lộc, tả, hữu tất thành đại hỷ sự, đại hỷ sự sẽ đến một cách bất ngờ. Khi tiên sinh bị ngựa đá hoặc cắn thì là khi công danh tới đấy”.

Đoàn Nhữ Hài nghe xong thì mừng lắm, trở về chăm chỉ học hành. Nhưng tháng sau khi cậu thi khảo hạch của Quốc Tử Giám thì bị trượt vì lời văn ngông nghênh, kênh kiệu quá.

Đoàn Nhữ Hài giận lắm, tìm tới vị hòa thượng trách mắng: “Hôm trước đại sư đoán rằng sau này tôi sẽ làm Tể tướng, thế sao tôi thi trượt? Không đậu thì làm sao thi Thái học sinh được? Không đậu Thái học sinh thì sao có thể làm Tể tướng?”

Vị hòa thượng điềm tĩnh giảng giải:

“Bần tăng đoán tiên sinh làm Tể tướng, chứ có đoán tiên sinh thi đậu đâu? Năm nay tiểu hạn tiên sinh nhập cung Dậu được Thái dương miếu địa, Hóa khoa từ Mão chiếu sang thì thanh vân đắc lộ gặp được thiên nhan. Nhưng đại hạn đóng ở cung Tỵ. Thiên mã gặp Đà la tức là ngựa què. Ngựa đã què lại còn đi đến cung Dậu gặp Tuần thì ngựa bị chặt cụt chân. Vậy khi nào tiên sinh gặp ngưạ cắn hoặc đá là lúc gặp Vua. Đây tôi cho tiên sinh biết: ngày 13/6 này tiên sinh sẽ được gần Thiên tử”.

Cuối cùng, vị hòa thượng còn không quên dặn dò: “Sau này ở địa vị cực cao quý, tiên sinh phải thương yêu muôn dân”.

Đoàn Nhữ Hài khấp khởi mừng thầm, về chờ đến ngày 13/6. Tuy nhiên ngày hôm đó chờ mãi mà chẳng có gì lạ. Cậu ta lại tức tốc tìm đến chùa Diên Hựu, lần này là để hỏi tội hòa thượng. Nhưng trên đường đi, cậu đụng phải một người đang cưỡi ngựa, ngã lăn vào bụi cỏ.

Doan Nhu Hai 01
Chùa Diên Hựu là nơi Đoàn Nhữ Hài đã gặp vị hòa thượng và biết được định mệnh của mình. Trong ảnh là kiến trúc Liên hoa đài bên trong quần thể chùa Diên Hựu. (Ảnh: Firmin André Salles, Wikipedia, Public Domain)

Đoàn Nhữ Hài tóm lấy dây cương hạch tội: “Nhà ngươi đi đâu mà có mắt như mù đụng phải ta?”

Người cưỡi ngựa, mình chỉ mặc áo lót, mũ đội ngược phía sau ra trước, nhảy xuống ngựa tạ lỗi: “Xin lỗi tiên sinh, tôi đi tìm cha tôi để tạ lỗi. Tiên sinh có biết chữ không? Tôi muốn nhờ tiên sinh một việc đây!”

Đoàn Nhữ Hài bức xúc: “Ta học trường Quốc tử giám, sắp thi Thái học sinh, thì Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo đều thông. Sao lại không biết chữ?”

Biết Hài đang buồn vì thi rớt, người cưỡi ngựa tiếp lời: “Vậy tiên sinh làm dùm tôi bài biểu tạ tội với cha tôi, tôi sẽ bảo quan Quốc Tử Giám tư nghiệp cho tiên sinh đậu. Năm sau thi Thái học sinh tôi sẽ lấy tiên sinh đậu Trạng nguyên, được chăng?”

Đoàn Nhữ Hài tiếp tục lớn tiếng: “Nhà ngươi có biết, chỉ có một người cho Thái học sinh đậu Trạng nguyên, đó là Vua. Nhà ngươi là ai mà dám nói lớn lối như vậy?”

Người kia đáp: “Tôi là Vua đây”.

Lúc này Đoàn Nhữ Hài thất kinh hồn vía, nhìn lại thấy người này dù mặc áo lót, mũ đội ngược phía sau ra phía trước, nhưng mũ ấy là mũ của thiên tử, chân đi hài bên thêu Long, bên thêu Phụng. Hài quỳ xuống tung hô vạn tuế và tạ tội.

Nguyên chuyện là thế này, khi Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông rồi đi tu, Vua Anh Tông thường hay rượu chè say sưa. Một hôm Thượng hoàng Trần Nhân Tông bất ngờ từ Thiên Trường về Thăng Long mà không một ai biết trước. Thượng Hoàng thong thả đi lại trong cung điện từ giờ Thìn sang giờ Tỵ mà không thấy con đâu. Thượng Hoàng hỏi thái giám, vị thái giám đến tìm thấy Vua Anh Tông nhưng Vua đang say mèm không sao dậy nổi. Vậy là Thượng Hoàng giận quá bỏ về, lệnh cho các quan đến họp ở Thiên Trường với ý phế truất Vua Trần Anh Tông.

Đến giờ mùi, Vua Trần Anh Tông mới tỉnh dậy nghe báo sự việc thì sợ quá, không kịp ăn mặc gì cả, nhảy lên ngựa chạy vội về và đụng phải thư sinh Đoàn Nhữ Hài.

Vậy là Đoàn Nhữ Hài đã cùng Vua Trần Anh Tông tức tốc về Thiên Trường (Nam Định ngày nay). Trên đường đi, Đoàn Nhữ Hài làm tờ biểu dài 2.200 chữ tạ tội. Đến nơi, vì Thượng hoàng Trần Nhân Tông còn giận, không cho Vua Anh Tông gặp, nên hai người dâng biểu rồi quỳ ở ngoài.

Các quan lấy tờ biểu truyền cho nhau đọc rồi cùng trầm trồ khen hay. Thượng hoàng nghe được bèn sai người đưa biểu vào. Thượng hoàng Nhân Tông xem biểu tạ tội, quả nhiên lời văn hàm súc, ý tứ cao thâm, hỏi thăm biết được người làm biểu tạ tội đi cùng Vua, bèn truyền lệnh tha tội cho Vua Anh Tông, rồi truyền gọi Đoàn Nhữ Hài vào.

Thượng Hoàng Nhân Tông nhìn Đoàn Nhữ Hài rồi nói: “Trông tiên sinh dung quang khác lạ, chắc thế nào cũng là bậc văn thần sau này. Để bần tăng coi lại lá số tử vi cho tiên sinh xem”. (Thượng Hoàng sau khi nhường ngôi cho con liền đi tu, nên khi xưng hô vẫn hay tự gọi mình là bần tăng)

Câu chuyện định mệnh của vị thư sinh thời Trần làm quan đầu triều khi chưa đến 20 tuổi
Cảnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông (ngồi thiền trên lọng) xuất sơn trong bức “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Đoàn Nhữ Hài trình bát tự (ngày tháng năm sinh). Thượng Hoàng bấm tay xem qua mừng lắm: “Ta đang lo không có một văn thần trẻ tuổi phò tá con ta. May gặp tiên sinh đây là người trung liệt, văn mô vũ lược, chí cả, tâm hùng đáng là bậc Đại thần vậy”.

Lúc này Đoàn Nhữ Hài mới kể câu chuyện gặp một hòa thượng ở chùa Diên Hựu và đoán trước việc gặp được Vua, mọi việc ngẫm lại quả nhiên chính xác vô cùng. Thượng Hoàng cười bảo Đoàn Nhữ Hài:

“Khoa Tử vi do Hoàng Bính tiên sinh truyền cho Thái Tông nhà ta. Con gái người là Hoàng Thái Phi (tức con gái Hoàng Bính được gả cho vua Trần Thái Tông, được đặt là Huệ Túc Phu Nhân) truyền cho bần tăng, còn thượng phụ cũng được người truyền (thượng phụ tức là đức thánh Trần). Thượng Phụ truyền cho Tuệ Trung thượng sĩ. Chính bần tăng là đệ tử của ngài Tuệ Trung. Người xem tử vi cho tiên sinh là ngài Tuệ Trung đấy.”

(Xem bài: Người phụ nữ giúp Trần Quốc Tuấn giữ chức “Quốc Công Tiết Chế” đánh bại quân Nguyên Mông)

Thượng Hoàng xem kỹ lá số của Đoàn Nhữ Hài rồi nói thêm rằng:

“Số của tiên sinh là số của bậc tể thần. Sau này làm nên sự nghiệp hiển hách. Nhưng tiếc rằng Đào, Hồng cư Nô, thì thế nào cũng xảy ra một chuyện bất chính trong tình trường, lại thêm Tham, Hình nữa thì thế nào cũng vì má đào mà sự nghiệp tan vỡ, chết vì nghiệp tình, đáng tiếc thay.”

Lúc này Vua Trần Anh Tống mong Thượng Hoàng có thể cứu giúp: “Thần nhi nghe nói căn cứ vào khoa Tử vi có thể cải được số mạng. Thỉnh cầu phụ hoàng có cách nào cứu được Đoàn tiên sinh không?”

Thượng Hoàng liền lấy từ bìa cuốn kinh Kim Cương viết mấy chữ “Tứ đại giai không, miễn tử” rồi trao cho Đoàn Nhữ Hài và nói:

“Ta xem số thấy cái vạ vì má đào của tiên sinh sắp tới. Nay ta trao cho tiên sinh mảnh giấy này, khi bị nạn, có thể dùng nó để cứu mạng. Muốn giải cái nạn Hồng, Đào, Hình, Tham thì phải dùng đến Quyền. Nay ta viết chữ miễn tử tức là dùng Quyền rồi, phụ với Hóa-quyền đóng chung ở Tham-lang nữa. Muốn giải hạn Thiên-hình thì dùng đến Không vong. Ta dùng bìa cuốn kinh Kim Cương, tức là dùng cái Không của đạo Phật. Như vậy mong có thể cứu được tiên sinh.”

Trở về thành Thăng Long, Vua Trần Anh Tông phong cho Đoàn Nhữ Hài làm chức quan Ngự sử trung tán, đây là chức quan vào hàng đầu triều, có nhiệm vụ can gián nhà Vua. Lần đầu tiên một người chưa hề đỗ đạt gì, không phải Hoàng thân quốc thích, không người tiền cử lại được phong làm quan đầu triều. Định mệnh dường như là có thật, thiên ý quả có thể đoán trước qua 8 quẻ hay các môn toán mệnh, tử vi.

Tuy nhiên nhiều người thời đó ganh ghét chế giễu Đoàn Nhữ Hài rằng: “Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ, Khẩu tồn nhũ xú Đoàn trung tán”. Có nghĩa là: “Ôn câu cổ ngữ tại đài Ngự sử. Miệng của Trung tán Đoàn Nhữ Hài còn hôi sữa”.

Dù bị đàm tiếu, nhưng Đoàn Như Hài cũng chỉ mìm cười. Qua câu chuyện ly kỳ của mình, ông đã hiểu rõ rằng định mệnh là có thật, ông được ngồi vào chức quan trọng yếu này là do khuôn thiên định mệnh sắp xếp cho ông.

Nhớ lại dặn dò của vị hòa thượng Tuệ Trung, ông hết lòng phục vụ cho triều đình, chăm lo cho dân chúng.

den-tho-doan-nhu-hai
Mộ và đền thờ Đoàn Nhữ Hài cho thấy ông cũng được lòng dân chúng. (Ảnh qua nghean.gov.vn)

Tứ đại giai không, miễn tử

Năm 1298, Đoàn Nhữ Hài được phong chức Xử Mật Viện và nhập cung, được Khâm Từ Thái Hậu dẫn đến diện kiến với Huệ Túc Phu Nhân (vợ vua Trần Thái Tông, người chỉ dạy tử vi cho các Hoàng thân nhà Trần) tại Lầu Tinh Các (lầu chuyên quan sát thiên văn).

Huệ Túc Phu Nhân thấy Đoàn Nhữ Hài đến thì phán rằng: “Sáng nay thấy thủy tiên nở mười cánh, ta bấm độn biết là có đại thần đến viếng, tiếc rằng ta đón trễ, e không đủ lễ với bậc trung lương”.

Khâm Từ Thái Hậu kể lại rằng: “Tâu tổ mẫu, tiểu hài nhi (chỉ vua Anh Tông) vì say rượu suýt bị tội . Được Đoàn tiên sinh đây dùng văn tài tạ tội cho mới thoát”.

Huệ Túc Phu Nhân cho biết rằng:

“Thủa Hoàng Thượng (chỉ vua Anh Tông) mới ra đời, ta tính số thấy Đồng, Lương, Tang, Mã ở Mệnh thêm Hình… ta đã biết có việc này rồi. Đồng, Lương ham chơi có thể gây ra tai họa. Nhưng là phúc tinh thì không bao giờ bị truất ngôi cả. Có Tang, Hình đắc địa thì sau này càng lớn càng nghiêm cẩn, uy nghi tài ba, thái hậu đừng lo”.

Khâm Từ Thái Hậu kể lại chuyện Đoàn Nhữ Hài được hòa thượng Tuệ Trung và Thượng Hoàng xem số tử vi, rồi quay lại nói với Đoàn Nhữ Hài rằng các Hoàng thân nhà Trần biết được tử vi đều là do Huệ Túc Phu Nhân truyền dạy lại. Huệ Túc Phu Nhân bấy giờ mới hỏi Đoàn Nhữ Hài ngày sinh, Hài thưa rằng Tuỗi Kỷ Mão, tháng 9, ngày 1, giờ Mão.

Huệ Túc Phu Nhân bấm số rồi nói:

“Cái cách của tiên sinh gọi là Nhật Nguyệt tịnh minh thì thế nào cũng phò tá Đế vương. Bậc cao nhất là Tể tương. Lại có Xương, Khúc, Long, Phượng, Kỵ thì văn tài xuất chúng. Có Kình miếu thì vũ lược siêu quần”.

Huệ Túc Phu Nhân am hiểu hơn về tử vi hơn, nên chỉ nói Đoàn Nhữ Hài có số phò tá Đế vương, bậc cao nhất có thể tới Tể tướng, nhưng không khẳng định ông sẽ làm tới Tể tướng như vị hòa thượng Tuệ Trung.

Khâm Từ Thái Hậu hỏi về vận hạn xấu sắp tới của Đoàn Nhữ Hài: “Cung Nô của tiên sinh tại Tý có Tham là Phiếm Thủy Đào Hoa, lại thêm Quyền, Tả, Hồng có gì đáng lo chăng?”

Huệ Túc Phu Nhân đáp rằng:

“Tham cư Nô tại Tý thì thế nào cũng có ngày tỳ thiếp làm rối kỷ cương. Quyền, Tả chế được. Tham 3 độ, Đào 3 độ, Hồng 3 độ ở cùng chung nhau thành 27 độ xấu. Quyền 3 độ, Tả 3 độ thành 9 độ không đủ chế 27 độ xấu. Nhưng Mệnh có Xương, Khúc, Kình thì bình thường chế được mà gia cang vững. Sợ là khi hạn gặp các dâm tinh thì như giặc ngoài đột nhập, trong nhà khó giữ nổi kỷ cương. Sang năm tới đây, đại hạn tiên sinh ở Tỵ, có Cơ, Hình, Mã, Đà, Tang. Tiểu hạn tại Dậu có Riêu, Hao, Hỏa, Hư. Lưu Kình nhập Mệnh, lưu Đà nhập đại hạn. Dâm tinh quá mạnh, cung Nô phát dậy thế nào cũng vì má đào mà gây họa nguy khốn. Phải nhờ lưu Thái Tuế gặp Thái Âm thành Quyền tinh tại cung Hợi giải cho nên thoát nạn”.

Đoàn Nhữ Hài tâu: “Thượng Hoàng xem số bảo thần vì má đào mà bị trảm, nên xé bìa kinh Kim Cương viết cho mấy chữ: ‘Tứ đại giai không, miễn tử’ để khi hữu sự thì dùng đến”.

Huệ Túc Phu nhân mới bảo: “Thượng Hoàng cũng là Nô cung của tiên sinh đấy, tờ giấy ấy là Tả, Quyền đấy, tiên sinh đưa cho ta giữ cho”.

Đúng như dự đoán trong tử vi, tháng 4 năm 1299 vận hạn của Đoàn Nhữ Hài đến. Mối tình của Đoàn Nhữ Hài với cung nữ tên là Giao Châu bị phát hiện. Luật của triều đình lúc đó rất khắt khe với tội ngoại tình, ngay cả đối với thường dân thì dâm phu sẽ bị tử hình, dâm phụ xử thế nào còn tùy người chồng có tha thứ hay không. Vì thế Đoàn Nhữ Hài và cung nữ đều bị khép vào tội xử trảm.

Huệ Túc Phu Nhân hay tin liền đến sân rồng, triều đình đồng loạt bái lạy. Phu nhân nói: “Xin Hoàng thượng và triều đình cho ta góp vài lời quê mùa nên chăng?”

Huệ Túc Phu Nhân tiếp lời rằng:

“Thái Tông nhà ta đức rộng như biển. An Sinh Vương dặn Thượng Phụ (tức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) cướp ngôi, ngài biết cả, thế mà vẫn trọng dụng Thượng Phụ, nên họ Đông A (tức họ Trần) mới làm nên đại nghiệp phá Thát Đát. Nay Giao Châu bất quá 16 tuổi, Đoàn tiên sinh bất quá 21 tuổi. Tiên sinh chưa vợ. Giao Châu tiến cung đã 6 tháng không gặp thiên tử. Trai tài gái sắc họ cảm nhau là chuyện thường. Nay vì chút ít kỷ cương mà giết một công thần tài đức, làm mất đi đức bao dung của Tiên đế không? Sao bằng tác hợp cho Đoàn tiên sinh đây và Giao Châu thành phu phụ để tuyên đức bao dung của triều đình. Trọn đời họ là kẻ chịu ơn triều đình, nhất tâm khuôn phò xã tắc, quý thay.”

Nhưng Vua Anh Tông đáp rằng: “Hài nhi không chủ trương được việc này. Hình pháp đã định”.

Phu Nhân cho rằng: “Giao Châu là cung phi, thì để cho nội cung xử. Ta là phu nhân của Thái Tông, bậc cao nhất nội cung, để ta lãnh xử. Còn Đoàn tiên sinh làm Xử Mật Viện là người của họ Đông A hơn của triều đình, xin giao cho Thân Vương xử”.

Theo lệ nhà Trần thì các Thân Vương đều về ấp ở, mỗi tháng chỉ cần một vị ở triều đại diện cho các Thân Vương. Vị Thân Vương đại diện tháng 4 năm ấy đã tâu rằng: “Thánh đức của Thái Tôn nhà ta nên giữ lấy. Thần xin tác hợp cho Đoàn tiên sinh và Giao Châu”.

Cảm thấy mấy lời của mình và ý kiến của Thân Vương chưa thuyết phục hẳn các quan trong triều, lúc này Huệ Túc Phu Nhân mới rút trong tay áo ra tấm bìa kinh Kim Cương có bút tích của Thượng Hoàng. Trên đó viết: “Tứ đại giai không, miễn tử”. Lúc này cả Vua và triều đình đều tung hô vạn tuế.

Đoàn Nhữ Hài làm quan được lòng cả Vua Anh Tông và Thượng hoàng Nhân Tông. Sau sự việc đi sứ Chiêm Thành (1303), Vua Anh Tông càng trọng dụng Đoàn Nhữ Hài hơn. Trong cuộc dấy binh chinh phạt Chiêm Thành năm Tân Hợi (1311) của vua Trần Anh Tông, Đoàn Nhữ Hài góp phần quan trọng để giành lấy thắng lợi mà không hề tốn xương máu.

Năm Ất Hợi (1335), dưới triều vua Trần Hiến Tông, biên giới phía Tây Đại Việt bị Ai Lao quấy nhiễu. Quân Ai Lao xâm phạm cả ấp Nam Nhung thuộc đất Nghệ An. Lúc này, Đoàn Nhữ Hài đang chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An nên được trao chức đốc tướng. Xuất thân là quan văn, Đoàn Nhữ Hài đã đánh giá sai tình hình và có phần chủ quan.

Ngày giao chiến, mây mù che tối, quân Ai Lao phục sẵn voi ngựa, hai mặt giáp công. Quân của Đoàn Nhữ Hài bị đánh thua tan tác, bản thân ông sa xuống nước chết đuối. Sau khi ông tuẫn tiết, Thượng hoàng Minh Tông bình rằng Đoàn Nhữ Hài đã thất trận chỉ vì muốn lập kỳ công, có nói: “Thế mới biết sự mong muốn của con người không thể vượt quá giới hạn được!”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: