Nói về dòng họ Lý của Đại Việt ở xứ Cao Ly thì phải nhắc đến hai họ lớn: họ Lý Hoa Sơn và họ Lý Tinh Thiện. Họ Lý Hoa Sơn là hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, chạy đến Cao Ly tránh nạn vào năm 1226, 2 lần đánh bại quân Mông Cổ tại vùng biển Hoàng Hải. Họ Lý Tinh Thiện thì đến từ sớm hơn, cũng vì tránh nạn, nhiều đời làm quan. Hậu duệ dời thứ 6 của họ Lý Tinh Thiện từng trở thành Tể tướng nắm mọi binh quyền tại Cao Ly trong thời gian dài.
Cuối năm 1996, chuyên gia nghiên cứu tộc phả nổi tiếng của Hàn Quốc là Giáo sư Pyon Hong Kee (Phiếu Hoằng Cơ) sau khi nghiên cứu “Tinh Thiện Lý Thị Tộc Phả” lưu trữ tại thư viện quốc gia Seoul đã đối chiếu với sử Cao Ly để kết luận rằng gia tộc họ Lý Tinh Thiện của Cao Ly có nguồn gốc từ Đại Việt.
Thông qua Đại sứ, ông Pyon đã có chuyến sang thăm Việt Nam nhằm công bố kết quả của mình. Ông Pyon đã tổ chức các buổi trình bày với các nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình Việt Nam.
Theo giáo sư Pyon, “Tinh Thiện Lý thị tộc phả” cho biết ông tổ của họ Lý Tinh Thiện là Lý Dương Côn, tự Nguyên Minh, là Hoàng tử thứ 3 của vua Càn Đức (tức Lý Nhân Tông).
Sử Việt ghi lại rằng vua Lý Nhân Tông không có con trai nên đã chọn con của một số thân thích trong hoàng tộc làm con nuôi. Trong số đó có Lý Dương Côn, vốn là con của Thành Quảng hầu em ruột vua Lý Nhân Tông.
Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng:
Tìm con trai họ tông thất để nuôi ở trong cung. Xuống chiếu rằng: “Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm Thái tử”. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoan mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, Vua rất yêu bèn lập làm Hoàng thái tử.
Năm 1127, vua Lý Nhân Tông mất. Năm sau thì Thái tử Dương Hoán lên ngôi, hiệu là Lý Thần Tông. Còn Lý Dương Côn sau khi trưởng thành thì được phong tước Kiến hải vương lãnh chức Đại đô đốc hải quân.
Năm 1138, vua Lý Thần Tông mất, Thái tử Thiên Tộ mới chỉ được 2 tuổi. Triều đình có ý muốn tìm Hoàng tử khác lên ngôi để ổn định. Mẹ của Thiên Tộ là Linh Chiếu Hoàng thái hậu cùng quan đại thần được tin dùng là Đỗ Anh Vũ đã đưa Thiên Tộ lên ngôi Vua, hiệu là Lý Anh Tông. Vì Vua còn nhỏ nên Linh Chiếu Hoàng thái hậu nắm quyền, để Đỗ Anh Vũ làm Phụ quốc Thái úy.
Trước tình thế đó các quan triều Lý đã tổ chức binh biến bắt Đỗ Anh Vũ giam vào ngục chờ xét xử. Nhưng Linh Chiếu Hoàng thái hậu đã ra tay cứu Đỗ Anh Vũ và giúp phục chức Thái úy, khiến ông ta ra tay trấn áp giết hại các thế lực khác trong triều đình.
Cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép rằng:
Khi nhà vua mới lên ngôi, không cứ việc lớn hay nhỏ, đều do Anh Vũ quyết định cả. Hắn ra vào nơi cung cấm, tư thông với Lê Hậu (tức Linh Chiếu). Nhân thế, Anh Vũ lại càng kiêu rông: Ở triều đình hắn vén tay, quát tháo, chỉ huy người bằng cách hất hàm, sai bảo người bằng khí sắc. Mọi người đều hé mắt sợ sệt, không ai dám nói gì.
Để củng cố quyền lực, Linh Chiếu Hoàng thái hậu cùng Đỗ Anh Vũ đã tìm giết các hoàng thân của nhà Lý, các con nuôi của vua Nhân Tông, anh em của vua Thần Tông.
Đoạn sử về Linh Chiếu Hoàng thái hậu và Đỗ Anh Vũ đến thời nay cũng gặp phải nhiều ý kiến trái ngược nhau về tính xác thực, tuy nhiên do được chép trong chính sử nên vẫn được coi là chuẩn xác hơn.
Lý Dương Côn lúc này đang đóng quân ở Đồ Sơn, biết ở lại sẽ bị giết nên nhanh chóng đem toàn bộ gia tộc lánh nạn, chạy sang nước Tống.
Tại nước Tống, Lý Dương Côn làm quan dưới thời vua Tống Huy Tông, giữ chức Bình chương sự. Tuy nhiên nhà Tống đang hồi suy yếu, không thể chống nổi sự xâm lược của quân Kim. Sau sự kiện Tĩnh Khang thì Bắc Tống diệt vong, cả Vua cùng gia quyến và hoàng thân quốc thích bị bắt giải sang nhà Kim.
Lý Dương Côn lại cùng gia tộc và thuộc hạ xuống thuyền đến Cao Ly, ngụ tại Tinh Thiện thuộc đạo Giang Nguyên (một vùng thuộc đông nam Hàn Quốc ngày nay). Từ đó gia tộc họ Lý ở đây được gọi là họ Lý Tinh Thiện.
Từ đó họ Lý Tinh Thiện nhiều đời làm quan trong Triều đình Cao Ly. Hậu duệ đời thứ 2 là Lý Lan làm đến chức Kim tử Quan lộc đại phu Lễ Nhi phán thư. Hậu duệ đời thứ 3 là Lý Mậu Trinh làm chức Khuông Tĩnh đại phu Chính đường văn học. Đến hậu duệ đời thứ 6 là Lý Nghĩa Mẫn thì được phong Đại tướng quân, Tây Bắc bộ binh mã sứ, trở thành Tể tướng đầu triều, nắm mọi quyền hành tại Cao Ly suốt một thời gian dài.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…