Người Việt đánh bại quân Mông Thát ở Cao Ly
- Trần Hưng
- •
Bị mất ngôi vua vào tay nhà Trần, dòng họ Lý của Đại Việt nhiều người phải tha hương đến tận Cao Ly. Nhưng tại nơi đây Lý Long Tường đã lập chiến công lớn khi đánh bại quân Mông Thát.
Bị ép nhường ngôi vua, tôn thất tha hương đến tận Cao Ly
Năm 1224, vua Lý Huệ Tông không có con trai, Trần Thủ Độ ép vua phải nhường ngôi cho công chúa còn nhỏ là Lý Chiêu Hoàng. Năm sau Trần Thủ Độ lại ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Lý bị mất từ đó.
Sau khi Trần Cảnh lên ngôi Vua, Trần Thủ Độ loại dần nhà Lý ra khỏi triều đình, đồng thời ngầm diệt trừ hậu họa, khiến dòng họ nhà Lý phải phiêu bạt các nơi.
Lý Long Tường là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông và Hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông là em vua Lý Cao Tông và là chú vua Lý Huệ Tông. Trước sự suy vong của nhà Lý, ông cùng các tôn thất nhà Lý khác quyết định vượt biển ra nước ngoài.
Năm 1226 Lý Long Tường cùng khoảng 6.000 gia nhân cùng tôn thất nhà Lý ra cửa Thần Phù (Thanh Hóa) chia làm 3 hạm đội chạy ra biển hướng lên phương Bắc.
Khi đến Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, bờ biển phía tây Cao Ly thì bị bão đánh dạt vào đất liền.
Tương truyền ngay trước đó vua Cao Tông của Cao Ly nằm mộng thấy con chim cực lớn bay từ phương Nam lên. Vì vậy khi đoàn thuyền nhà Lý đến ông cho đón tiếp ân cần và đồng ý cho ở lại dung thân.
Tại Cao Ly dòng họ Lý sống bằng nghề trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Đồng thời họ cũng mở võ đường dạy binh pháp, võ thuật. Từ đó phái võ Hoa Sơn nổi tiếng ở Đại Việt được nhà Lý truyền dạy ở Cao Ly.
Lý Long Tường giúp đánh bại quân Mông Thát
Năm 1231 Đại Hãn Mông Cổ là Oa Khoát Đài hạ lệnh tiến đánh Cao Ly qua hai đường thủy bộ. Về đường thủy quân Mông Thát tiến vào tỉnh Hoàng Hải nơi gia tộc họ Lý sinh sống.
Lý Long Tường lãnh đạo gia thuộc, dân binh sát cánh cùng quân triều đình chặn đứng quân Mông Thát tại nơi đây. Ông thường cưỡi ngựa trắng đôn đốc binh sĩ, nên người dân địa phương thường gọi ông là Bạch Mã tướng quân.
Trong khi đó cuộc chiến ở nơi khác diễn ra rất khốc liệt theo chiều hướng khác hẳn. Cánh quân bộ của Mông Thát khi tiến vào Cao Ly, một số thành đã đầu hàng, quân Mông Thát đánh chiếm một số thành trì rồi tiến nhanh đến kinh đô.
Quân Cao Ly tập trung phòng thủ 2 thành quan trọng là Yên Châu và Quy Thành nhằm ngăn quân Mông Thát tiến vào kinh thành của Cao Ly. Sau nhiều ngày tấn công quân Mông Thát đã chiếm được Yên Châu, rồi đánh chiếm kinh đô Khai Thành.
Chiếm được kinh đô, quân Mông Thát tiếp tục tiến đánh đến tận Trung Châu thuộc miền Trung bán đảo Triều Tiên.
Nhận thấy không thể tiếp tục cuộc chiến, Cao Ly đành đồng ý nghị hòa với Mông Cổ, cống nộp 10.000 bộ da rái cá, 20.000 con ngựa, 10.000 súc lụa, quần áo; nhiều trẻ em và thợ thủ công cống nộp để làm nô lệ. Quân Mông Thát rút lui, để lại 72 quan chức giám sát phía Cao Ly thực hiện đúng ký kết trong bản nghị hòa.
Năm 1253 Đại Hãn lúc này là Mông Kha lại hạ lệnh cho quân tiến đánh Cao Ly vì không thực hiện theo bản nghị hòa. Quân Mông Thát tiến đánh Hoàng Hải theo cả hai đường thủy bộ. Lý Long Tường đã dùng binh pháp Đại Việt cũng như phái võ Hoa Sơn huấn luyện cho dân làng cùng binh sĩ Cao Ly để chống lại quân Mông Thát.
Cuộc chiến chống quân Mông Thát tại Hoàng Hải diễn ra suốt 5 tháng ròng rã, quân Mông Thát không sao tiến được, bị thua trận đầu hàng rồi rút lui.
Trong khi đó cuộc chiến ở các nơi khác không được như thế. Quân Mông Thát cho quân chiếm và cướp phá khắp vùng đồng bằng. Vua Cao Tông phải cho con trai An Khánh Công làm con tin, thỏa mãn các yêu cầu của quân Mông Thát để được ngừng chiến vào tháng 1/1254.
Mặc dù không thể giúp Cao Ly đánh bại quân Mông Thát trọn vẹn, nhưng chiến thắng tại Hoàng Hải của Lý Long Tường khiến vua Cao Ly rất đỗi tự hào.
Sau chiến công ấy, vua Cao Ly đã đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, Lý Long Tường được phong là Hoa Sơn tướng quân, nơi quân Mông Thát đầu hàng gọi là “Thụ hàng môn”. Vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công Lý Long Tường.
Sau này ở Hoa Sơn, Lý Long Tường thường hay ngồi trên đỉnh núi Quảng Đại nhìn về phương Nam mà khóc. Nơi ấy sau này được gọi là “Vọng quốc đàn”. Khi ông mất được chôn ở chân núi Di Ất.
Hậu duệ nhà Lý ở Hàn Quốc vẫn không quên cội nguồn của mình. Năm 1994 ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường đến Việt Nam, tìm đến từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bái tổ tiên. Hiện nay ông và gia đình đã định cư và nhập quốc tịch Việt Nam.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Danh nhân lịch sử nhà Trần chống quân Nguyên Mông nhà Lý người Việt lịch sử Việt Nam