Hoàng Thị Thế: Minh tinh điện ảnh người Việt đầu tiên tại trời Tây

Ai là diễn viên điện ảnh người Việt đầu tiên? Minh tinh người Việt nào từng thành danh và nổi tiếng khắp nước Pháp đầu thế kỷ 20? Đây là cả một câu chuyện kỳ lạ về bà Hoàng Thị Thế, người con gái có cha là lãnh tụ Đề Thám nổi tiếng chống Pháp một thời.

Cha mẹ chống Pháp

Sau khi người Pháp khống chế được triều đình nhà Nguyễn, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Đến năm 1893, thì về cơ bản các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã bị dập tắt ngoại trừ cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Nhờ vậy quân Pháp tập trung tiến đánh nghĩa quân Yên Thế của thủ lĩnh Đề Thám.

Năm 1894 Đề Thám phải cho một bộ phận quân lánh sang Thái Nguyên, bản thân ông bị quân Pháp truy lùng ráo riết.

Trong tình cảnh khó khăn ấy, Đề Thám tình cờ gặp được Đặng Thị Nho, một cô gái mồ côi mẹ, ở với cha. Cha cô vốn là người hay chữ lại đoán việc như thần, nên người dân hay gọi ông là phù thủy hoặc thầy mo. Ông tinh thông tam thức là thái ất, kỳ môn độn giáp, lục nhâm, và truyền cả tam thức cho con gái.

Đề Thám cùng Đặng Thị Nho nói chuyện tâm đầu ý hợp, cuối cùng xin cha cô cho hai người được kết hôn với nhau.

Từ đó Đặng Thị Nho trở thành trụ cột trong nghĩa quân Yên Thế, là người ra kế sách giúp nghĩa quân Yên Thế cầm cự với Pháp suốt 15 năm ròng rã.

Năm 1901, Đặng Thị Nho sinh được con gái đầu lòng đặt tên là Đặng Thị Thế .

Đề Thám cùng các con cháu của ông. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Sau khi kế hoạch đầu độc lính Pháp và đánh úp Hà Nội của nghĩa quân Yên Thế không thành, tháng 1/1909, quân Pháp huy động 15.000 quân tiến đánh nghĩa quân. Nghĩa quân rút khỏi các vị trí ở Yên Thế sau khi gây thiệt hại lớn cho quân Pháp.

Ngày 17/11/1909, vợ chồng Đề Thám cùng nghĩa quân trở về đồn Phồn Xương ở Yên Thế, quân Pháp tấn công vào đây nhưng bị nghĩa quân đẩy lui. Quân Pháp tăng cường bao vây, chặn mọi đường tiếp tế. Nhận thấy không thể ở đây lâu hơn, bà Nho khuyên chồng nên rút vào rừng, nhưng Đề Thám chần chừ chưa rút ngay.

Ngày 1/12/1909, bà Nho cùng con gái Hoàng Thị Thế và một số người đến chợ Gồ thì bị quân Pháp bắt được. Đề Thám đến cứu nhưng bị rơi vào ổ phục kích khiến việc giải cứu không thành.

Đặng Thị Nho cùng hơn 70 thành viên nghĩa quân bị giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó bà bị kết án đày ở đảo Guyane (Nam Mỹ).

Năm 1910, bà Đặng Thị Nho bị đưa lên tàu đến đảo Guyane. Bà Nho tính vận số biết vận mình đã hết, liền nhảy xuống biển vào ngày 25/12/1910. Sĩ quan Pháp Bourchet là người có điều kiện tiếp xúc nhiều đã nhận xét về bà Nho như sau: “Đó là một nhân vật kỳ lạ, đầy lòng kiên nhẫn, biết nhìn xa và can đảm có thừa”.

Được Toàn quyền Đông Dương nhận làm con nuôi

Cảm phục bà Đặng Thị Nho, Bourchet đã nhận nuôi cô bé Hoàng Thị Thế một thời gian ngắn, sau đó giao cô lại cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc.

Hoàng Thị Thế năm 13 tuổi ở Hài Phòng. (Ảnh: Khoinghiayenthe.wordpress.com)

Do lãnh tụ Đề Thám nhiều lần tha mạng cho người Pháp, nên cô con gái Hoàng Thị Thế cũng được nhiều người lúc đó giúp đỡ. Sau này cô được Toàn quyền Đông Dương là  Albert Sarraut nhận làm con nuôi, đặt tên là Marie Beatrice Destham rồi đưa sang Pháp, học tại trường nội trú E anne d’Arc ở Biarritz.

Hoàng Thị Thế đi học năm 12 tuổi, đến 21 tuổi thì xong tú tài. Năm 1925 cô trở về nước làm Thủ thư ở Phủ Thống sứ Bắc kỳ. Cuối năm 1927 cô quay lại Pháp để học tiếp.

Qua đài RFA, một du học sinh ở Pháp thời kỳ này từng gặp gỡ quen biết với cô Thế là kỹ sư Nguyễn Bá Lãng kể rằng, khi cha nuôi của cô Thế mất, anh em người Pháp tranh giành tài sản, cô Thế phải ở cùng với người anh nuôi là con trưởng. Cảm thấy người anh nuôi không thật sự thân thiết, Hoàng Thị Thế quyết định từ giã anh nuôi, ra ngoài tự lập, sống phiêu bạt với nghề thư ký và bán hàng để nuôi sống mình.

Bước chân vào làng điện ảnh

Lúc này một đạo diễn có tiếng ở Pháp là Louis Mercanton đang khó khăn khi tìm người đóng vai công chúa Trung Hoa cho bộ phim “Một bức thư” (La Lettre) của mình. Một lần vào tiệm buôn nọ, ông bỗng thấy một cô gái Á Đông rất duyên dáng đang đứng tiếp khách. Qua quan sát, Mercanton thấy đây đúng là hình mẫu cho vai diễn của mình.

Cô gái Á Đông duyên dáng ấy chính là Hoàng Thị Thế. Đạo diễn Mercanton nói chuyện với cô Thế cùng chủ tiệm buôn và được chủ tiệm đồng ý để Thế theo đóng phim với đạo diễn.

Bà Hoàng Thị Thế trên poster bộ phim La Lettre. (Ảnh: Fair Use)

Được tham gia đóng phim, lương của cô Thế cao gấp 10 lần so với trước, từ đó mà có được cuộc sống sung túc. Bộ phim được trình chiếu năm 1930 và gây được tiếng vang ở Pháp, người Pháp rất yêu công chúa Trung Hoa (vai mà cô Thế đóng), bộ phim thành công ngoài dự kiến.

Từ đó Hoàng Thị Thế phải đón tiếp nhiều người hâm mộ mỗi ngày. Họ tới hỏi thăm, tặng hoa, phỏng vấn rồi nói lời an ủi, mời cô dự tiệc. Các công tử và giới nhà giàu thì cạnh tranh để được đưa “công chúa” đi chơi.

Nhiều du học viên người Việt sau này trở thành những người nổi tiếng như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Nguyễn Bá Lãng, kỹ sư Thái Thiện Nghĩa đều lui tới tặng hoa hỏi chuyện cô Thế.

Hoàng Thị Thế trong ngày cưới năm 1931. Ảnh chụp ở Tòa thị chính Saint Amand. Người làm chứng là Albert Sarraut, Thượng nghị sĩ toàn quyền các thuộc địa và Đại sứ Pháp. (Ảnh: Khoinghiayenthe.wordpress.com)

Trong thời điểm được nhiều người ái mộ như thế, một thanh niên trí thức Pháp có thế lực đã lọt được vào mắt xanh của Hoàng Thị Thế. Đám cưới linh đình được tổ chức vào năm 1931 trong sự chia vui và tiếc rẻ của rất nhiều người hâm mộ.

Sau bộ phim “Một bức thư” thành công vang dội, Hoàng Thị Thế tiếp tục được mời đóng các phim như “La donna Bianca” năm 1931, “Le secret de l’émeraude” (Bí mật ngọc lục bảo) năm 1935.

Mâu thuẫn hôn nhân

Sau một thời gian, chồng của Hoàng Thị Thế hỏi cô về gia sản trước đây. Cô Thế có kể rằng trong thời gian nghị hòa giữa nghĩa quân Yên Thế với Pháp, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer có cắt vùng Yên Thế cho cha cô cai quản.

Người chồng suy tính vùng đất rộng 5.000 km2 cũng là số tiền rất lớn, liền dùng thế lực của mình yêu cầu Toàn quyền Đông Dương lúc ấy là Pasquier phải trả lại vùng đất này cho vợ mình, trị giá khoảng 100 triệu Franc. Tuy nhiên Toàn quyền Đông Dương đã không đồng ý.

Chồng của cô Thế kiện ra tòa, và theo vụ kiện suốt 2 năm trời, nhưng cuối cùng thất bại. Trong thời gian này hai vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, cuối cùng đi đến đổ vỡ.

Lúc này tuổi trẻ đã đi qua cùng nhan sắc, Hoàng Thị Thế không còn được các đạo diễn mời, cuộc sống trở nên khó khăn, bà phải đến nhà người quen để mong được giúp đỡ.

Trở về Việt Nam

Cuối năm 1939, Hoàng Thị Thế rời Pháp sang Bỉ, mấy tháng sau thì chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, quân Đức tấn công Bỉ rồi tràn sang đánh Pháp. Sau khi kết thúc chiến tranh, bà Thế trở lại Paris.

Đến năm 1961 thì bà trở về miền bắc Việt Nam, sống ở Hà Bắc (hợp nhất từ tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay) gần vùng đất Yên Thế nơi bà sống thời thơ ấu.

Bà Hoàng Thị Thế ở Hà Bắc năm 1963, khi bà đang viết cuốn “Kỷ niệm thời thơ ấu”. (Ảnh: Khoinghiayenthe.wordpress.com)

Năm 1963, bà Thế bắt đầu viết hồi ký bằng tiếng Pháp nói về thời thơ ấu, về tình cảm nồng ấm gia đình, về nghĩa quân Yên Thế từ năm 1906 đến 1909.

Cuốn nhật ký mô tả những tháng ngày gian khó, cầm cự với quân Pháp của nghĩa quân Yên Thế, cũng nói về việc người Pháp thừa nhận tinh thần thượng võ, vị tha của Đề Thám khi nhiều lần tha mạng cho người Pháp mặc dù họ luôn tìm cách trừ khử ông.

Năm 1974 thì bà Thế đến Hà Nội ở phòng 31 khu tập thể Văn Chương. Năm 1975, khi đã ngoài thất tuần, bà đặt tên cho cuốn hồi ký của mình là “Kỷ niệm thời thơ ấu”. Cũng năm này cuốn hồi ký đã được Hoàng Cầm (bút danh Lê Kỳ Anh) dịch sang tiếng Việt, có sự hiệu đính của Khổng Đức Thiêm.

Tấm ảnh chụp bà Hoàng Thị Thế trước nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế. (Ảnh: Khoinghiayenthe.wordpress.com)

Năm 1988, bà Hoàng Thị Thế mất tại khu tập thể Văn Chương Hà Nội, thọ 87 tuổi, mộ của bà được đặt tại khu di tích Yên Thế (Bắc Giang). Cuộc đời của bà từ lúc bị bị bắt, sống lạc lõng trên nước người, rồi trở thành diễn viên nổi tiếng khắp nước Pháp, rồi lại mất rất nhiều sau ly hôn… có thể nói câu chuyện cuộc đời ấy ly kỳ như phim ảnh.

Điều may mắn cuối cùng là bà đã trở về với quê hương đất nước, được mất tại mảnh đất bà đã sinh ra với nhiều kỷ niệm thân thương như được miêu tả trong hồi ký của bà.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

9 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

46 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

1 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago