Khởi nghĩa Yên Thế (P1): Từ Đề Nắm tới Đề Thám
- Trần Hưng
- •
Trong các cuộc khởi nghĩa chống quân Pháp ở Bắc hà thì khởi nghĩa Yên Thế là kéo dài nhất và khiến cho quân Pháp phải vất vả đối phó. Ở thời điểm mà người Pháp đã dẹp được các cuộc khởi nghĩa khác và chỉ tập trung quân đánh Yên Thế, thì họ vẫn không sao dập tắt được cuộc khởi nghĩa này.
Yên Thế là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Bắc Giang. Vào thời nhà Nguyễn trước khi quân Pháp đến thì đây là vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Người dân từ các nơi khác nhau bị truy đuổi, phạm tội, hoặc vì mưu sinh hay các lý do khác nhau mà tìm đến nơi này. Họ khai phá vùng đất này, nhưng bị các toán thổ phỉ cướp bóc, khiến họ phải tự thành lập lực lượng để bảo vệ chính mình.
Các nhà sử học coi khởi nghĩa Yên Thế là cuộc “khởi nghĩa nông dân” cho phù hợp với lý thuyết cộng sản. Kỳ thực cũng như rất nhiều cuộc khởi nghĩa trong lịch sử, người dân vì bị áp bức mà tự phát tập trung lại để phản kháng thôi.
Các nghĩa quân ở Yên Thế đều chống quân Pháp
Khi người Pháp đánh chiếm Bắc Hà, ở Yên Thế có nhiều toán quân độc lập chống quân Pháp. Tháng 11/1890, quân Pháp tổ chức tấn công vùng Cao Thượng, nhưng nghĩa quân ở đây giành được thắng lợi.
Tháng 12/1890, quân Pháp 3 lần tấn công Hố Chuối. Trước sức mạnh của quân Pháp, các nghĩa quân Yên Thế bình thường hoạt động độc lập đã liên kết với nhau, nhờ đó cả 3 lần quân Pháp đánh Hố Chuối đều bị nghĩa quân đánh bại và đẩy lui. Từ đó nghĩa quân Yên thế ngày càng mạnh và mở rộng địa bàn hoạt động.
Đến cuối năm 1891, nghĩa quân mở rộng đến phủ Lạng Thương (thành phố Bắc Giang ngày nay).
Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân Yên Thế, quân Pháp đẩy mạnh tấn công vào Hố Chuối. Nghĩa quân không chặn được phải rút về Đồng Hom. Quân Pháp tiến tiếp vào Nhã Nam rồi dựng các đồn bốt để bao vây cô lập nghĩa quân.
Người hồi sinh nghĩa quân Yên Thế
Nhằm ngăn chặn quân Pháp, thủ lĩnh các nghĩa quân ở Yên thế là Đề Nắm, Bá Phức, Đề Tâm, Đề Tuất, Đề Chung, Tổng Tài đã xây dựng một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự ở phía bắc Yên Thế để ngăn quân Pháp. Lúc này trong các nghĩa quân thì nghĩa quân của Đề Nắm mạnh nhất, ông cũng tạo được uy tín trong hàng ngũ các thủ lĩnh Yên Thế lúc đó.
Năm 1892, quân Pháp với sự giúp sức của Lê Hoan thực hiện chính sách mua chuộc tướng sĩ trong các nghĩa quân, ám sát thủ lĩnh các nghĩa quân ở Bắc hà, vì thế mà rất nhiều cuộc khởi nghĩa bị dập tắt (Xem bài: Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà – P11). Quân Pháp rảnh tay hơn và huy động quân tấn công Yên Thế.
Tháng 3/1892, Pháp huy động 2.200 quân cùng pháo binh do tướng Voiron chỉ huy tấn công nghĩa quân. Sức mạnh vượt trội của vũ khí Pháp khiến nghĩa quân bị thiệt hại nhiều, phải rút lui, một số thủ lĩnh như Đề Tuân, Đề Kiều, Tổng Chế, Bá Phức đầu hàng Pháp.
Tháng 4/1892, thủ lĩnh Đề Nắm bị thủ hạ là Đề Sặt sát hại, nghĩa quân Yên Thế mất chủ tướng, nhiều thủ lĩnh đã hàng, tàn quân tản mát, đứng trước nguy cơ tan rã hoàn toàn. Đúng lúc đó một tướng của Đề Nắm là Hoàng Hoa Thám (hay gọi là Đề Thám) lên thay, tổ chức lại các nghĩa quân ở Yên Thế nhằm thống nhất làm một và trở thành thủ lĩnh. Dù quân Pháp tổ chức bao vây, nhưng nhờ thông thạo địa hình, nghĩa quân đã tổ chức thoát vây thành công.
Đề Thám thu thập các tàn quân ở Yên Thế, cũng như các cuộc khởi nghĩa ở các nơi khác, trở về Hố Chuối xây dựng lại căn cứ nơi đây. Dù quân số ít hơn trước nhưng nghĩa quân vẫn mở rộng địa bàn hoạt động ra Bắc Ninh và Bắc Giang.
Do các cuộc khởi nghĩa khác đã bị dập tắt, quân Pháp tập trung quân đánh vào Yên Thế, cuộc chiến kéo dài khiến nghĩa quân gặp nhiều khó khăn. Quân Pháp sử dựng kế sách bao vây cô lập, dụ dỗ các tướng sĩ đầu hàng cho đến tàn sát.
Đề Thám cho quân sử dụng lối đánh du kích, tránh thế mạnh của Pháp, cho quân mai phục đánh rồi rút đi, khiến quân Pháp chịu nhiều tổn thất. Nghĩa quân cũng diệt được Đề Sặt là kẻ phản bội đã giết thủ lĩnh Đề Nắm để hàng Pháp.
Người hoạch định mọi kế sách cho nghĩa quân
Đối mặt với quân Pháp, nghĩa quân Yên Thế cũng dần hao tổn và bị phân tán các nơi. Đầu năm 1894, một bộ phận phải lánh sang Thái Nguyên, Đề Thám bị truy lùng ráo riết phải trốn vào rừng núi.
Một lần Đề Thám đi đến làng Vạn Vân thì gặp một cô gái tên là Đặng Thị Nho. Do đang trốn sự truy bắt của Pháp nên ông phải nói dối mình là lái buôn, bị cướp hết tiền hàng, trời lại sắp tối. Thương cảm, cô Đặng Thị Nho liền đưa ông về nhà diện kiến, xin cha cho ông ở tạm qua ngày.
Đăng Thị Nho sớm mồ côi mẹ, ở với cha vốn là người hay chữ lại đoán việc như thần, người dân gọi là thầy mo. Tương truyền rằng ông có thể đoán việc như thần là bởi ông biết dùng cả tam thức là thái ất, kỳ môn độn giáp và lục nhâm. Ông dạy chữ và truyền cả tam thức cho cô con gái của mình.
Đề Thám khi tới nhà cô Nho thì đàm đạo với cha cô, đúng lúc đó lại gặp cả Thông Luận vốn là thuộc hạ của mình lại cũng là con nuôi của cha cô Nho. Đề Thám không giấu diếm nữa, nói rõ thân thế của mình. Ông cùng với cô Nho nói chuyện tâm đầu ý hợp. Được sự cho phép của cha, hai người đã thành hôn với nhau.
Từ đó Đặng Thị Nho trở thành trụ cột trong nghĩa quân, là người ra kế sách giúp nghĩa quân Yên Thế cầm cự với Pháp suốt 15 năm ròng rã.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem thêm:
- Cuộc hải chiến giữa người Việt và người Tây phương vào thế kỷ 17
- Nhà Nguyễn từng chú trọng kỹ thuật đóng tàu phương Tây
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam quân Pháp khởi nghĩa Yên Thế