Bức “Jan Usmovets Stopping an Angry Bull”, 1849, của Evgraf Semenovich Sorokin. Bảo tàng Nghệ thuật Viễn Đông, Khabarovsk, Nga. (Public Domain)
Trong cuộc sống, mỗi người đều ấp ủ khát vọng trở thành “phiên bản tốt nhất” của chính mình. Đã có bao nhiêu lần bạn tự nhủ thầm với bản thân: “Ngày hôm nay mình sẽ thay đổi”, và đã bao nhiêu lần mong muốn thay đổi đó không trở thành hiện thực? Dù có quyết tâm đến đâu, người ta vẫn dễ dàng rơi vào vòng lặp của những khuyết điểm và thói quen cũ. Quyết tâm dễ bị xói mòn bởi một ý nghĩ bốc đồng, dẫn đến nỗ lực thay đổi trở nên không trọn vẹn.
Một ẩn dụ sâu sắc về cuộc đối đầu giữa ý chí và ham muốn có thể tìm thấy trong tác phẩm hội họa “Jan Usmovets Stopping an Angry Bull” (Jan Usmovets ngăn cản con bò đực đang nổi điên) của họa sĩ người Nga Evgraf Semenovich Sorokin vào thế kỷ 19.
Bức tranh phác họa Jan Usmovets (Jan Usmar) – một nhân vật trong kho tàng dân gian Nga – với đôi chân trụ vững chãi và khuôn mặt điềm tĩnh, đang khống chế một con bò hung dữ chỉ bằng đôi tay trần. Cảnh tượng đối lập giữa sự điềm tĩnh của Usmovets và sức mạnh hoang dại của con bò mang đến suy ngẫm sâu xa về bản chất của sự kiềm chế.
Câu chuyện về Usmovets kể rằng chàng đã tham gia trận chiến giữa người Nga và người du mục Pechenegs vào năm 992. Trước trận đấu, người Pechenegs đã đưa ra một lực sĩ để đọ sức và thách thức quân Nga đưa ra một lực sĩ xứng tầm. Bấy giờ, Jan Usmovets (Jan Usmar) đã bước ra và chứng minh năng lực của mình bằng cách dùng tay không chặn một con bò đực, thậm chí khiến da của con bò bị rách toạc. Quân Nga sau đó đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Điều đặc biệt trong tranh của Sorokin không chỉ là sức mạnh cơ bắp, mà là vẻ điềm nhiên trên gương mặt của Usmovets. Bất chấp cơn cuồng nộ của con bò, Usmovets vẫn duy trì được sự bình tĩnh, như thể chàng đã tìm thấy sức mạnh lớn nhất trong chính sự kiềm chế của bản thân. Đôi chân chàng vững vàng như rễ cây bám sâu xuống đất, biểu tượng cho nội lực và sự quyết đoán. Đôi tay chàng giữ chặt con bò không chỉ là hành động vật lý, mà còn là sự cam kết toàn tâm toàn ý vào việc kiểm soát chính mình. Khuôn mặt bình thản giữa cơn bão của bạo lực và hỗn loạn là minh chứng cho một tâm trí tĩnh lặng – nền tảng để giữ vững lý trí trước mọi thử thách.
Hình ảnh con bò hung dữ trong tranh có thể xem như một phép ẩn dụ cho những ham muốn bốc đồng tồn tại trong mỗi người. Đó là những thôi thúc bất ngờ, những cám dỗ tiềm ẩn nguy hiểm, có thể đẩy con người ra khỏi quỹ đạo của sự phát triển tốt đẹp. Khi không thể kiểm soát được trong thoáng chốc, con người sẽ dễ trở thành nạn nhân của cơn bốc đồng.
Nhân vật nằm dưới chân bò, bị con bò kéo lê trong bức tranh gợi nhắc rằng, khi để những ham muốn bốc đồng lấn át, kết quả sẽ chỉ là dấu tích của một cuộc chiến vô nghĩa.
Nhiều người thường cho rằng để đạt được mục tiêu, chỉ cần cố gắng hết sức và liên tục thúc đẩy bản thân ở điểm giới hạn. Tuy nhiên, điều này đôi khi sẽ dẫn đến sự kiệt sức và căng thẳng, mà không đem lại kết quả mong muốn. Kỳ thực sức mạnh nội tâm không chỉ nằm ở việc luôn tiến về phía trước, mà còn nằm ở khả năng kiềm chế, giữ vững bản thân. Kiềm chế không đồng nghĩa với sự từ bỏ hay yếu đuối. Ngược lại, nó đòi hỏi một sức mạnh nội tại lớn lao. Đó là sự kiên nhẫn để không vội vàng trước những cơ hội hấp dẫn, là khả năng nói “không” trước những cám dỗ dễ dàng, và là sự tự chủ để không bị cuốn vào vòng xoáy của cảm xúc nhất thời.
Bức tranh khắc họa một người khống chế con bò hung tợn, một người khác bị kéo lê dưới đất – đó là cảnh tượng hùng tráng đầy sức vận động. Nhưng cảnh nền đằng xa lại rất tĩnh lặng, rào gỗ và phần cây cối bên trái tranh cũng không chịu tác động gì. Thậm chí những người đứng xem cuộc đấu từ xa cũng không có biểu hiện phấn khích. Một chút bụi tung lên ở dưới đất không hề khiến cho tranh bớt tĩnh lặng hơn. Người xem tranh qua đó có một cảm giác yên tâm và tin tưởng, thậm chí lại còn có một chút hệt như thời gian lắng đọng. Có thể thấy sự kiềm chế không chỉ mang lại điều tốt cho cá nhân, mà còn lan tỏa điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Có thể thấy, hành trình trở thành “phiên bản tốt nhất” của bản thân không phải là cuộc chạy đua không ngừng nghỉ mà là hành trình học cách kiểm soát những ham muốn bốc đồng, duy trì một tâm trí tĩnh lặng, và tăng cường khả năng kiềm chế của tâm trí.
Dựa theo “The Power of Restraint: Ian Usmovets Stopping an Angry Bull“
Đăng trên Epoch Times
Tác giả: Eric Bess
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Cục Điều tra Liên bang (FBI) tái điều tra vụ phát hiện chất cocaine tại…
Chính quyền tổng thống Trump sẽ hủy bỏ toàn bộ các quỹ liên bang còn…
Tập đoàn Sơn Hải gửi văn bản kiến nghị kiểm tra lại quy trình đấu…
Một người nổi tiếng trên nền tảng Douyin đã công khai bàn luận về việc…
Gần đây, trên mạng lan truyền thông tin rằng một nữ sinh lớp 7 ở…
Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố bị can đối với 8 bị can…