(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)
“Thịnh vì tích đức, bại vì thất đức” là một đạo lý quan trọng trong việc trị quốc thời xưa, được minh chứng qua những lần hưng thịnh và suy vong của vô số vương triều. Câu chuyện về Tuyên Chiêu Đế Phù Kiên của nhà Tiền Tần là minh chứng sống động cho quy luật ấy. Nhờ thuận Thiên tích đức, ông đã dựng nên một thời kỳ thịnh trị hiếm có. Nhưng khi ham thắng không biết bại, mù quáng không quan tâm đến dân chúng, Phù Kiên đã phải trả giá bằng chính vận mệnh của bản thân và sự sụp đổ của vương triều.
Phù Kiên nổi tiếng là vị quân vương có chí lớn, giết hoàng đế Phù Sinh vô đạo, tự lập làm thiên vương. Ngay từ khi lên ngôi, ông đã không ngần ngại chấn chỉnh xã hội, xử lý nghiêm khắc những quan lại tham lam, áp bức dân chúng. Phù Kiên không khoan nhượng trước những thế lực quý tộc ỷ quyền ức hiếp dân lành. Ông ra lệnh cho Vương Mãnh và Đặng Khương điều tra, xử phạt thẳng tay kẻ gian ác, không ngại trừng phạt thành viên trong gia tộc để làm gương. Chính sự kiên quyết này đã đem lại niềm tin cho bách tính, chấm dứt nạn tham ô, hà hiếp.
Mặt khác, Phù Kiên sai quan khâm sai đi tuần tra khắp bốn phương đất nước, giúp đỡ người góa bụa, cô đơn, côi cút và người già, trừng phạt những quan lại dùng hình phạt bất công khiến người dân chịu khổ, khen ngợi những người có đức hạnh tốt, người thúc đẩy việc trồng trọt, người có tài năng xuất chúng, người có lòng hiếu thảo và trung nghĩa.
Phù Kiên còn thành lập Thính Tụng Quán, và xuống chiếu thông báo với mọi người dân rằng, nếu có oan sai, họ có thể đốt khói ở phía bắc kinh thành. Sau khi Phù Kiên trông thấy, ông sẽ đích thân đến Thính Tụng Quán để lắng nghe xử án, nhằm khuyến khích các quan chức tuân theo pháp luật, giảm thiểu việc xảy ra các vụ án oan.
Phù Kiên đã có thể đồng cảm nỗi đau khổ của người dân, và thúc đẩy nông nghiệp để nuôi dưỡng bách tính. Một năm nọ, có một đợt hạn hán nghiêm trọng, đời sống nhân dân điêu đứng, Phù Kiên đã làm gương bằng cách giảm bữa ăn, bãi bỏ ca hát, tặng hết vàng ngọc, gấm, đồ thêu cho tướng sĩ, đồng thời ra lệnh cho các phi tần hậu cung không được mặc tơ lụa đắt tiền, và độ dài của quần áo không được kéo lê trên mặt đất. Phù Kiên cũng tự mình làm ruộng, trong khi vợ ông là Cẩu Thị nuôi tằm ở ngoại ô. Đồng thời, triều đình mở cửa núi rừng, hồ nước để chia sẻ tài nguyên với người dân, ngừng chiến tranh để bách tính được nghỉ dưỡng. Ông đã phát triển thủy lợi, dẫn nước tưới cho đất nông nghiệp, nhờ đó mùa thu năm sau bội thu, rất nhiều người dân được hưởng lợi.
Phù Kiên cũng là minh quân có thể tiếp nhận lời can gián, tự kiểm điểm bản thân. “Tấn thư” có ghi lại, Phù Kiên từng đi săn ở dãy núi Tây Sơn ở Nghiệp Thành hơn mười ngày, vui thích không nghĩ tới quay về. Vương Lạc khuyên rằng: “Bệ hạ là cha mẹ của bách tính, là chỗ dựa của muôn dân. Nếu trong lúc đi săn xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn thì đất nước và Thái hậu sẽ ra sao?” Phù Kiên thừa nhận sai lầm của mình, từ đó không đi săn bắn nữa.
Ngoài ra, sau khi nhà Tiền Tần thống nhất phương Bắc, ngân khố quốc gia đầy ắp, Phù Kiên bất tri bất giác sống một cuộc sống xa hoa, cung điện, xe ngựa và đồ dùng của ông đều được trang trí bằng những báu vật quý hiếm. Thượng thư lang Bùi Nguyên Lược nói: “Các triều đại Nghiêu, Thuấn và Chu đều tôn sùng tiết kiệm, thế nên ba triều đại đã được hưởng hòa bình và ổn định lâu dài. Thần hy vọng bệ hạ có thể coi thường vàng ngọc và từ bỏ báu vật, như thế mới có thể khiến dân chúng thuần hậu và không xa hoa.” Phù Kiên đã loại bỏ những thứ xa hoa, và Bùi Nguyên Lược còn được thăng chức vì việc này.
Sau khi thực hiện các chính sách nhân đức của Phù Kiên, người dân được an cư lạc nghiệp, đạo đức được đề cao, ngoài đường không nhặt đồ rơi, bách tính dùng ca dao truyền nhau hát rằng: “Trên đường phố lớn Trường An, hai bên trồng đầy cây dương và cây hòe, có xe ngựa quý tộc đi lại phía dưới, có kẻ sĩ hiền minh ở trên xe vào triều đình. Rất nhiều người trí tụ tập về đây để giáo hóa bách tính lê dân”.
Phù Kiên còn thực hiện chính sách hòa hợp các tộc. Trong bối cảnh các dân tộc tranh giành Trung Nguyên, ông dùng đức để cảm hóa họ. Ông từng nói: “Khi đã ở địa vị cao thì phải cẩn thận không bị đổ ngã. Ngày nay, chính sự quốc gia và bách tính đã yên định, nhưng vẫn cần phải nỗ lực. Người dân cần an dưỡng, các dân tộc cần hòa thuận. Thuận theo Thiên Đạo thì sẽ thuận lợi, tu dưỡng đức hạnh thì có thể tiêu trừ được tai họa.”
Khi ra lệnh cho quân viễn chinh, Phù Kiên cũng căn dặn tướng lĩnh phải tìm cách “hàng phục và xá tội”, “không được tàn hại cướp đoạt”, khiến các tộc người và các chư hầu chủ động sai sứ đến triều cống.
Tuy nhiên, điểm đáng tiếc nhất cuối cuộc đời Phù Kiên chính là việc ông đã đi ngược lại con đường mà mình từng chọn. Sau khi thống nhất phương Bắc, khát vọng lớn nhất của Phù Kiên là thống nhất toàn cõi Trung Nguyên. Bấy giờ điều cản đường cho chí hướng này là nhà Đông Tấn ở phương Nam. Vương Mãng, trọng thần mà Phù Kiên tin cậy nhất, trước khi qua đời đã can gián: “Không nên có mưu đồ với Đông Tấn. Điều đất nước cần là gần gũi người nhân đức, thân thiện với láng giềng.” Phù Dung, người em ruột của Phù Kiên, cũng nói quân dân đã mệt mỏi, không nên chinh phạt.
Quả thật là mặc dù chính sách của Phù Kiên rất được lòng người, nhưng vùng đất Trung Nguyên trải qua nhiều chiến loạn nay đã mệt mỏi. Nước Tiền Tần tuy kho lẫm đầy cũng đã phải trải qua nhiều trận đánh để thống nhất phương Bắc. Lúc này điều người dân thực sự cần là có một thời gian hòa hoãn ngơi nghỉ. Hơn nữa Đông Tấn đang ở trong thời kỳ ổn định, kéo người dân vào chiến tranh để thỏa mãn tham vọng của bản thân thì quả là không phải hành động của minh quân. Nhưng đáng tiếc là Phù Kiên đã để lòng kiêu căng che mờ lý trí, nhất là khi trọng thần Vương Mãng phò tá ông không còn.
Năm 383, Phù Kiên tự mình dẫn 10 vạn quân đội chinh phạt Đông Tấn. Trong trận Phì Thủy, ông phải nhận lấy thất bại thảm hại khi quân Đông Tấn chưa đến 1 vạn đã đánh tan đại quân 10 vạn của Tiền Tần. Mà nếu xem xét kỹ thì nguyên nhân chính là do Phù Kiên kiêu căng, tự đồng ý lui quân để nhường chỗ cho quân Đông Tấn sang sông. Cuối cùng quân Tiền Tần vì hành động lui quân này mà tự rối loạn rồi tan rã, chuốc lấy thảm bại.
Phù Kiên trúng tên lạc, một mình một ngựa chạy đi, rất đói. Dân chúng có người dâng giỏ cơm bầu nước, xương đùi lợn. Phù Kiên ăn xong, nói là sẽ ban cho lụa và bông, người đó nói: “Bệ hạ chán ghét yên vui, tự rước nguy khốn. Thần là con của Bệ hạ, Bệ hạ là cha của thần, lẽ nào con cho cha ăn lại cầu được báo đáp ư!”. Nói rồi người đó quay đi. Phù Kiên cảm thán nói: “Ta còn mặt mũi nào trị lý thiên hạ đây!”
Quân Tiền Tần sau trận đó hoảng loạn, các dân tộc từng quy phục nổi dậy. Cuối cùng, Phù Kiên bị một viên quan phản loạn bắt được, bị giam lỏng, rồi bị siết cổ, chấm dứt cuộc đời của một bậc quân vương có đức, từng được ca ngợi là “hiếu thuận, bác học”.
Dựa theo Minghui.org
Tác giả: Khởi Huệ
Xem thêm:
Mời xem video:
Khi trò chơi điện tử bắt đầu thay thế các mối quan hệ và trách…
5 công nhân bị ngộ độc khí CO khi tăng ca vào rạng sáng tại…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói với các nhà báo rằng ông "không…
Chính quyền Trump được cho là đã phái một nhóm chuyên viên sang Vương Quốc…
Báo cáo cho rằng các bệnh mạn tính phổ biến ở trẻ em thời hiện…
Ông Gordon Chang chỉ ra rằng 'Thỏa thuận Thịnh vượng Kinh tế Mỹ-Anh' là một…