Chiếc La Dalat lắp ráp nội địa, được tiếng là “Made in Vietnam”, nhưng máy móc, bánh xe, thắng, trục chuyển động nhập từ Pháp, còn người Việt làm kèn, hộp đèn, ghế ngồi và khung thùng, lại lấy tên thương hiệu của thành phố sương mù Ðà Lạt…
Năm 1936, hãng xe Citroën nổi tiếng của Pháp thiết lập một cơ xưởng tại Đông Dương, tên là Société Automobile d’Extrême-Orient, đặt tại góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ (ngày nay là Caféteria Rex). Cho đến thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, cơ sở trên được dời qua số 37 Lê Thánh Tôn và đổi tên thành Công Ty Xe Hơi Citroën, về sau là Công Ty Xe Hơi Saigon.
Năm 1969, công ty Citroën mua bản quyền cho thiết kế của chiếc Babybrousse từ công ty Ateliers et Forges de l’Ebrié (Hãng này cũng là của người Pháp, nhưng có tổng hành dinh tại Ivory Coast). Các kỹ sư của chi nhánh Société Automobile d’Extrême-Orient tại Sài Gòn bắt tay vào mục tiêu mới: sản xuất và lắp ráp ngay tại Việt Nam Cộng Hòa một chiếc xe tuy không sang trọng và mạnh như xe Mỹ, nhưng giá thành và chất lượng ăn đứt tất cả các loại xe của Nhật.
Nửa cuối thập niên 60, một vài linh kiện kỹ thuật quan trọng của chiếc Citroen Mehari và Babybrousse được nhập vào Việt Nam, còn lại khung sườn, ghế nệm, đèn và còi… được thiết kế gia công tại bản xứ. La Dalat từ đó ra đời.
Xe có động cơ 4 thì, 602 phân khối, 2 xi-lanh dạng flat twin, hộp số 4 cấp và truyền động bánh trước. Kích thước xe : 3.5 x 1.53 x 1.54 (mét, dài x rộng x cao). Nặng 480kg đến 590kg tùy kiểu xe.
Mức độ tiêu hao nhiên liệu của La Dalat được cho là vào khoảng 3 lít xăng/100km. Vài người có thâm niên chơi xe cho biết, La Dalat có thể dễ dàng đạt tới vận tốc 70km/h và tốc độ tối đa vào khoảng 80 – 85km/h.
Giá một chiếc La Dalat 1971 là 650.000 đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa. Thời bấy giờ, lương giáo viên công chức hạng A khoảng 20.000đ/tháng theo lời kể của những người đi trước.
Ban đầu, tỉ lệ nội địa hóa của La Dalat là 25/75. Đến năm 1975, trước khi bắt buộc ngừng sản xuất, con số này đã là 40/60.
Năm 1973, 3 chiếc La Dalat đã được chuyển về Pháp để phân tích về thiết kế. Dựa vào sự tinh giản trong thiết kế không đòi hỏi quá cao về công nghệ sản xuất và sự tối ưu vận hành của La Dalat, hãng mẹ Citroën đã áp dụng để cho ra đời một dòng sản phẩm mới, sản xuất và tiêu thụ chủ yếu ở Bờ Biển Ngà, với chiếc mui trần đặt tên là FAF. La Dalat chính là tiền thân của FAF. (FAF : Facile À Fabriquer, Facile À Financer – Dễ sản xuất, Dễ trả tiền)
Ảnh và thông tin đăng lại từ Fanpage Sài Gòn Năm Xưa
Instagram của Page Sài Gòn Năm Xưa
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…