Văn Hóa

Hương thơm trong cuộc sống đời thường của phụ nữ xưa

Khuê phòng của nữ nhân thời cổ đại vì sao được gọi là “hương khuê”? Cuộc sống hàng ngày của người phu nữ xưa đã gắn liền với hương thơm như thế nào? Văn hóa về hương thơm đã hình thành nên sợi dây liên kết không thể chia cắt với hình ảnh người phụ nữ.

Người xưa sử dụng hương thơm theo những cách truyền thống như xông, tắm, trộn, bôi, điều chế hương vào thuốc và thức ăn… Mỗi một loại phương pháp đều chứa đựng những quy trình phức tạp, tinh tế và có nội hàm ý vị sâu sắc. Thưởng thức hương đã trở thành thú vui của giới văn nhân nhã sĩ. Đời sống sinh hoạt cũng không thể tách rời khỏi hương thơm. Trong tế tự khánh điển nhất định phải có hương để kính Thần. Khi đánh đàn và pha trà cần đốt hương để thanh tẩy tay, quần áo…

Hương thơm không hình dạng, không màu sắc, thông qua khứu giác mà tác động đến cơ thể và tâm trí con người. Người xưa cho rằng sự sạch sẽ ở bên ngoài cũng quan trọng như sự sạch sẽ ở bên trong. Đốt hương có thể tẩy trừ ô uế, dưỡng thần cho nên bất luận là nam hay nữ, già hay trẻ đều thích dùng hương.

(Tranh minh họa: Tranh thời Minh, Public Domain)

Hương liệu và hương khí trong khuê phòng

Khuê phòng của người phụ nữ xưa là một thế giới nhỏ nơi họ dệt nên cuộc sống đầy màu sắc. Khuê phòng của mỗi người đều có điểm thú vị riêng nhưng hầu hết đều có một đặc điểm chung, đó là hương thơm khiến con người trở nên vui vẻ sảng khoái. Cũng vì thế mà khuê phòng còn có cái tên tao nhã là “hương khuê”. Để đốt hương trong phòng thì cần sử dụng đồ vật đốt đặc biệt, như lò, lồng xông, quả cầu.

Lò đốt ban đầu được làm bằng đồng, có bụng to tròn, hai bên có khuyên hình tròn, tạo hình rất thuần phác và cổ xưa. Về sau xuất hiện công nghệ làm bằng ngọc, gốm, bạc, vàng, men sứ, tạo hình càng thêm phần tinh xảo độc đáo. Bên ngoài lò được bao phủ bởi một lớp lồng, có thể tăng thêm hương thơm và giữ ấm. Lồng có kích cỡ và hình dạng khác nhau, vô cùng linh hoạt. Ngoài ra, trong các gia đình quý tộc còn có một loại quả cầu đốt hương bằng kim loại, có thể treo trong màn ngủ, như thế ngay cả khi ngủ người ta cũng ngửi thấy mùi thơm. Người xưa thực sự đã mang văn hóa hương thẩm thấu vào từng chi tiết của cuộc sống.

(Tranh: Họa sĩ Quản Bình Hồ, Public Domain)

Dụng cụ xông hương phổ biến trong khuê phòng có hai loại chủ yếu là lò hương và lồng hương với tạo hình tinh xảo. Cuộc sống hương thơm tràn ngập trong các tác phẩm của nữ thi sĩ thời nhà Tống, Lý Thanh Chiếu. “Bạc vụ nồng vân sầu vĩnh trú, thụy não tiêu kim thú”, chính là ghi lại hương long não tỏa khói bay lượn lờ trong lư đốt hương hình thú. “Trầm hương đoạn tục ngọc lô hàn, bạn ngã tình hoài như thủy”, nói về nỗi lòng buồn tẻ của nữ chủ nhân giống như trầm hương lúc tàn lúc tỏa ở trong lư ngọc. “Hương lãnh kim nghê, bị phiên hồng lãng, khởi lai dung tự sơ đầu”, nói đến hương trong lư đồng hình sư tử đã cháy hết rồi, nhà thơ dậy sớm nhưng lại chưa muốn trang điểm. Qua đó có thể thấy, trong khuê phòng của nữ nhân thời xưa có rất nhiều loại hương thơm và dụng cụ đốt, thật sự là những người am hiểu về hương thơm.

Cách thức đốt hương

“Hương” mà chúng ta thường thấy trên thị trường hiện nay là hương dây, hương sợi, được sử dụng bằng cách cắm hoặc để vào lư hương và đốt bằng lửa. Phụ nữ xưa kia không phổ biến dùng loại này, và đồ dùng cũng phức tạp hơn. Thôi Oanh Oanh trong “Tây Sương ký” có đoạn đốt hương cùng bà mối ở hoa viên lúc đêm khuya. Trong cuốn “Thiên thu tuyệt diễm đồ” của Cừu Anh thời nhà Thanh có một bức miêu tả cảnh Thôi Oanh Oanh đốt hương thưởng trăng.

Trong bức tranh này, bên cạnh Thôi Oanh Oanh đặt một cái ghế cao hình vuông, trên đó có một lư hương màu xanh và một bình cổ dài bên trong có cắm chiếc xẻng và đôi đũa nhỏ, trong tay cô ấy đang cầm một chiếc hộp nhỏ, còn tay kia đang cầm một thứ gì đó cho vào lư. Ba món đồ này, chính là ba vật dụng cần thiết để đốt hương thời cổ đại gồm lư hương, bình hương và hộp hương, được gọi chung là “Lô bình tam sự”.

(Tranh: Cừu Anh, Public Domain)

Hương liệu được sử dụng vào thời đó thường được làm thành bánh hương, cầu hương hoặc thậm chí là bột và được đựng trong hộp hương. Nếu đó là hương dạng phấn thì cần phải dùng ngón tay lấy từng chút một ra giống như cách làm của Thôi Oanh Oanh. Còn đũa hương hoặc kẹp hương trong bình thì dùng để gắp hương liệu, xẻng hương dùng để lấy tro sau khi đốt cháy. Cách thức đốt hương này đòi hỏi sự kiên nhẫn, động tác nhẹ nhàng, càng thể hiện được sự ưu nhã, chu đáo của người con gái.

Đổng Tiểu Uyển được xem là một trong “Tần Hoài bát diễm” (tám người đẹp ở Tần Hoài) cuối thời Minh, đối với chuyện đốt hương còn thêm phần phong nhã thoát tục. Chồng của cô là Mạo Tịch Cương đã ghi lại khoảng thời gian họ ngồi tĩnh lặng trên gác hương và thưởng thức những hương thơm nổi tiếng trong “Ảnh mai am ức ngữ”. Mạo Tịch Cương thích loại hương trầm thủy có kết cấu cứng và đường vân sọc ngang, khí của nó rất ảo diệu, nên gọi là “Hoành cách trầm”. Điều mà Tiểu Uyển trân trọng nhất chính là “Nữ nhi hương” tinh xảo, được đặt tên như vậy vì quá trình sản xuất đều từ bàn tay của những cô gái trẻ.

Cách đốt hương của Tiểu Uyển cũng khác người thường. Người bình thường cho hương liệu trực tiếp vào lửa để đốt, tinh chất của hương chưa phát ra thì đã bị đốt cháy hết. Tiểu Uyển áp dụng phương pháp đốt “mạn hỏa cách sa”, đốt mà không nhìn thấy khói, hương thơm sinh ra được Mạo Tịch Cương mô tả là thanh nhã và có dư vị vô tận.

Đeo túi hương làm vật trang sức

Hương không chỉ dùng để đốt mà còn có thể đeo, nổi tiếng nhất là túi hương hay còn gọi là bao hương, là những đồ vật tinh xảo do người phụ nữ khéo léo làm ra. Túi hương thường được làm bằng lụa và có nhiều hình dạng khác nhau như hình tròn, hình vuông, hình trái bầu, hình trái đào, dùng những sợi chỉ tơ nhiều màu sắc để thêu những hoa văn chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp. Bên trong túi có hương liệu thiên nhiên để làm cho thần trí tỉnh táo hoặc tăng thêm mùi hương, trở thành đồ trang sức mà người xưa, đặc biệt là con gái luôn mang theo.

Thói quen đeo túi hương có lịch sử lâu đời và có thể bắt nguồn từ thời tiền Tần. Trong “Lễ ký – Nội tắc” ghi chép rằng, con dâu vào sáng sớm phải súc miệng, rửa tay, chỉnh lại đầu tóc, quần áo, rồi thắt một chiếc túi lên eo gọi là “khâm anh” để giữ mùi hương cho cơ thể. Điều này không chỉ hợp vệ sinh mà còn là lễ tiết, khi họ đi thỉnh an hay chăm sóc cha mẹ chồng thì sẽ không mạo phạm trưởng bối vì mùi cơ thể của mình. Mà thiếu niên nam nữ cần đeo khâm anh, sau đó mới hầu chuyện cha mẹ.

Bởi vì túi hương là vật tùy thân cá nhân, nên dần dần nó mang ý nghĩa là tín vật tượng trưng cho chủ sở hữu. Phồn Khâm thời Tam Quốc viết rằng: “Hà dĩ trí khấu khấu, hương nang hệ trửu hậu,” thể hiện phong tục thời bấy giờ con gái dùng túi hương làm tín vật để đính ước

Vào thời nhà Tống còn có một loại trang sức dùng hương liệu tựa như vòng cổ, gọi là phất thủ hương. Phương pháp làm phất thủ hương rất đơn giản, chỉ cần nghiền nhỏ các loại hương liệu, trộn với nước thành dạng sệt, nhào thành bánh hương hình bông hoa, rồi đeo lên ngực như một mặt dây chuyền, vừa có tác dụng trang sức vừa gia tăng thêm hương thơm.

Việc nữ nhân xưa thường đốt hương, xông hương là thể hiện sự yêu thích sạch sẽ và cũng thể hiện thẩm mỹ nghệ thuật của họ, đồng thời cũng làm phong phú thêm văn hóa hương thơm truyền thống.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Du Duyệt
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

An Hòa

Published by
An Hòa

Recent Posts

Ba hộ dân xin không nhận nhà ở Làng Nủ mới: Vì gia đình không còn ai

Đại diện 3 hộ dân tại khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh,…

24 phút ago

Người đàn ông vô gia cư trở thành cảnh sát

Từ một người vô gia cư trở thành cảnh sát - câu chuyện nghe như…

3 giờ ago

Ông Putin: Lãnh đạo phương Tây nghĩ họ là đại diện của Chúa trên Trái Đất

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích các quốc gia phương Tây tiếp tục hành động…

3 giờ ago

Nghị sĩ Mỹ Cotton: Không nên cản việc hủy bỏ ‘tối huệ quốc’ đối với Trung Quốc

Ông Tom Cotton đã cảnh báo các nhà vận động hành lang không nên phản…

4 giờ ago

Quan điểm của ông Trump và Nga về tương lai của Syria

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “nắm giữ…

6 giờ ago

Chế độ bắt lính của Ukraine là một thất bại — Cựu Tổng thống Poroshenko

“Hãy nhìn các con số thống kê đi! [Ukraine] chúng ta có bao nhiêu lính…

6 giờ ago