Lúc này nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động ở bên ngoài còn rất ít, chủ yếu là quân của Đề Ban và Đề Vinh. Đề Ban trước đây vốn là một tướng của Triều đình nhà Nguyễn, khi vua Tự Đức không có ý muốn chống Pháp mà muốn hòa hoãn, ông liền từ quan gia nhập nghĩa quân Bãi Sậy và trở thành một trụ cột của nghĩa quân.
Nghĩa quân Đề Ban có nhiều trận thắng lớn, như trận đánh ở làng La Mát khiến quân Pháp sợ hãi, trận đánh này đã được đề cập ở phần 10 trong bài này.
Cuối tháng 10/1891, quân Pháp dựng thêm 3 đồn là Đỗ Mỹ, Mỹ Hào và Đống Mối ở Ân Thi gần khu vực hoạt động của nghĩa quân Đề Ban để tiêu diệt nghĩa quân.
Ngày 19/11/1891, hay tin nghĩa quân đang ở làng Hoà Đam, quân Pháp liền kéo đến, nhưng đến nơi thì nghĩa quân đã rút đi.
Ngày 12/12/1891, quân Pháp rất đông kéo đến bao vây 10 nghĩa quân của Đề Ban ở vùng Chu Xá (thuộc Ân Thi). Nghĩa quân có ít người cố đánh thoát ra ngoài, quân Pháp đuổi theo, Đề Ban bị bắn gãy chân, ông được nghĩa quân thân tín cùng xóm là Nguyễn Văn Bòng cõng chạy đến huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Quân Pháp vẫn truy kích theo. Vì Đề Ban bị thương nên Đề đốc Nguyễn Đình Tuyển tạm thay chỉ huy tìm nghĩa quân chia nhỏ ở các nơi đến ứng cứu, nghĩa quân có gần 100 người.
Nguyễn Đình Tuyển đưa quân rút đến làng Đoàn Lâm huyện Thanh Miện, nơi đây có địa thế hiểm trở có thể ngăn quân Pháp. Ngày 15/12, nghĩa quân đến Đoàn Lâm, dân chúng nơi đây đều ủng hộ nghĩa quân, tìm thấy thuốc chạy chữa cho thương binh và cả Đề Ban.
Nghĩa quân ở đây dưỡng thương được 10 ngày, đến ngày 25/12 thì có tin báo người của Lãnh binh Nguyễn Văn Khoát đã hàng Pháp chỉ điểm, quân Pháp cùng Lãnh Binh Khoát đang kéo đến đây.
Nghĩa quân rội rút ra khỏi làng, nhưng vừa ra thì quân Pháp cũng vừa ập đến. Hai bên gặp nhau nơi địa hình bằng phẳng không có lợi cho nghĩa quân. Hai bên đánh giáp la cà suốt một tiếng.
Quân Pháp kéo đến ngày một đông hơn, Đề Ban không đi được, không muốn làm vướng víu nghĩa quân, ông rút súng tự sát.
Nhiều nghĩa quân khác cũng hy sinh. Nguyễn Đình Tuyển cùng số nghĩa quân còn lại mở đường máu, chạy sang Chí Linh, Đông Triều nhập với cánh quân do Đề Vinh chỉ huy.
Lúc này nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động bên ngoài hầu như chỉ còn lại quân của Đề Vinh, nên thủ lĩnh Nguyễn Thiện Kế cũng đến đây cùng nghĩa quân hoạt động chống Pháp.
Tháng 4/1892, nghe tin Đề Vinh có hơn 200 quân đang ở làng Mậu Duyệt, tổng Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên (làng Mậu Duyệt xưa kia nằm sát kế làng Ngọc Quan, sát làng Ngọc Quan là thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), Pháp huy động quân từ nhiều nơi kéo đến rất đông. Nghĩa quân có các trạm gác từ xa và dân chúng đến cấp báo, nên rút đi. Một cánh do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy 150 quân rút đến Gia Bình, một cánh do Đề Vinh chỉ huy 80 quân chạy đến làng Ngọc Trì để đến làng Ngô Phần, tổng Dịch Trì, huyện Lang Tài.
Quân Pháp đến nơi thấy nghĩa quân rút rồi thì lần dấu, đuổi theo hướng nghĩa quân của Đề Vinh đến làng Ngọc Trì. Quân Pháp đến nơi thì Đề Vinh cho quân rút đi đến làng Ngô Phần ở kế bên Ngọc Trì.
Làng Ngô Phần cũng có lực lượng nghĩa quân riêng do Tổng Quế và 3 con trai chỉ huy. Vì thế mà làng được xây dựng như một hệ thống vững chắc để chống Pháp. Có 3 con đường vào làng, nhưng đường nào cũng nhỏ và hiểm trở.
Quân Pháp rất đông kéo đến bao vây rồi tấn công vào làng Ngô Phần. Nghĩa quân Đề Vinh phối hợp cùng nghĩa quân của cha con Tổng Quế nấp sau các lũy tre, gò đất chống trả đánh lui hết cuộc tấn công này đến cuộc tấn công khác của quân Pháp. Dân làng giúp nghĩa quân lương thực, sửa chữa công sự, chăm sóc thương binh.
Cuối cùng quân Pháp ỷ đông cũng vào được làng, nhưng Đề Vinh cùng các chỉ huy như Quan Bá Học, Tổng Quế, Hai Dĩnh đánh bật quân Pháp ra khỏi cổng Cái, cổng Đình, cổng Mặng.
Một cánh quân Pháp do hai Giám binh là Lambert và Desmots từ phía sau làng đánh vào. Nhưng nghĩa quân phát hiện kịp thời chống trả khiến Giám binh Desmots bị trúng đạn vào bụng chết ngay tại chỗ, giám binh Lambert bị trọng thượng. Phía nghĩa quân Hai Dĩnh cũng hy sinh.
Quân Pháp tử trận nhiều nhưng không vào được làng nên quyết định vây chặt làng lại. Đề Vinh mấy lần cho quân phá vây nhưng không thanh công.
Quân Pháp cho thêm viện binh cùng đạn dược đến rồi lại tấn công vào làng nhưng không cũng không vào được, lính Pháp và lính Triều đình bị chết nhiều.
Quân Pháp cho báo cáo lên Thống tướng Voyron chiến sự ở làng Ngô Phần rồi xin đại bác hỗ trợ. Đồng thời quân Pháp tại tất cả các đồn cũng tập trung đến đây quyết diệt nghĩa quân.
Quân Pháp chặn hết các ngả đường ngăn các toán nghĩa quân khác đến ứng cứu, đồng thời cũng không cho nghĩa quân thoát ra ngoài.
Quân Pháp cho đại bác từ Bắc Ninh đến hỗ trợ bắn liến tiếp vào làng, khiến người chết và bị thương nhiều. Đề Vinh cố gắng cùng quân đánh thoát ra ngoài nhưng không được do quân Pháp quá đông vây chặt nhiều lớp.
Lúc này có mưa to gió lớn, đến tối thì đường sá lầy lội. Lợi dụng lúc đó Đề Vinh cùng quân thoát ra được khỏi làng Ngô Phần đến làng Bích Khê thuộc huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Nghĩa quân lúc này rất mệt mỏi, nhưng quân Pháp theo dấu kéo đến làng Bích Khê. Nghĩa quân nấp sau các chiến lũy dũng cảm chặn địch. Quân Pháp không tiến vào được thì lại đưa đại bác đến bắn vào vị trí của nghĩa quân.
Cánh quân của Nguyễn Thiện Kế và các cánh quân khác đến ứng cứu nhưng quân Pháp chắn hết các đường không sao đến ứng cứu được.
Nghĩa quân Đề Vinh bị đạn pháo bắn khiến một số bị tử thương, nhưng khi quân Pháp tiến vào thì vẫn quả cảm chặn lại khiến quân Pháp bị thiệt hại.
Nghĩa quân họp lại nghĩ cách thoát ra, một nửa thì muốn chạy ra dưới làn đạn quân Pháp, hy vọng sẽ có người thoát ra an toàn, một nửa còn lại thì muốn tìm nơi tránh đại bạc quân Pháp, nếu quân Pháp vào làng thì sẽ chống trả.
Cuối cùng nghĩa quân còn 60 người chia làm hai, Đề Vinh cùng 30 Nghĩa quân chạy ra ngoài dưới làn đạn quân Pháp, nhưng không một ai thoát ra được và tất cả đều hy sinh.
Quân Pháp sau khi bắn đại bác dồn dập vào ví trí nghĩa quân rồi tiến vào làng, lùng sục bắt bắt được 30 người còn lại rồi đem hành hình hết.
Sau trận Bích Khê, nghĩa quân Bãi Sậy hoàn toàn tan rã, chỉ có những trận đánh lẻ tẻ. Việc hồi phục nghĩa quân cũng rất khó vì quân Pháp đóng thêm nhiều đồn binh mới tách dân chúng với nghĩa quân, khiến nghĩa quân rất khó nếu không có dân.
Nghĩa quân cũng không thể mãi ở căn cứ mà không có hoạt động gì, nên dần dần căn cứ Bãi Sậy cũng lọt vào tay quân Pháp. Quân Pháp cũng đi các nơi tìm diệt tàn quân của nghĩa quân, làng nào ủng hộ nghĩa quân cũng bị tàn phá.
Các lũy tre dày, tường đất, gò đất ở các làng dều bị phá và san bằng hết, tránh nghĩa quân lợi dụng để làm công sự chống Pháp.
Nguyễn Thiện Kế cải trang làm người bán thuốc bôn tẩu khắp nơi, sang Trung Quốc thăm anh là Nguyễn Thiện Thuật.
Dù nghĩa quân Bãi Sậy tan rã, nhưng còn một cuộc khởi nghĩa khác mà quân Pháp chưa diệt được, đó là nghĩa quân của Lưu Kỳ.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Đối mặt với nước mắt của trẻ là bài kiểm tra lớn dành cho người…
Một mùa giáng sinh nữa đang đến gần. “Ông già Noel bí mật” nổi tiếng…
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…