Khởi nghĩa Bãi Sậy – P9: Nguyễn Thiện Thuật bị giữ lại ở Trung Quốc
- Trần Hưng
- •
Sau khi ép Đốc Tít đầu hàng, khiến Lưu Kỳ phải chuyển địa bàn hoạt động, Toàn quyền Piquet xác định cần tập trung tiêu diệt nghĩa quân tại Bãi Sậy.
Được tăng viện từ chính quốc, quân Pháp tấn công Bãi Sậy
Toàn quyền Đông Dương Piquet được phe hiếu chiến ở Pháp ủng hộ, tăng cường thêm quân viễn chinh cùng vũ khí hiện đại để bình định Đại Nam.
Bộ tư lệnh quân Pháp và quân Triều đình được thành lập để tiến đánh Bãi Sậy, do thiếu tướng Négrier làm tổng chỉ huy. Hoàng Cao Khải chỉ huy quân Triều đình. Lực lượng bao gồm tiểu đoàn Âu – Phi thiện chiến, hai đại đội bộ binh Pháp, nhiều binh lính khố xanh, khố đỏ, một đại đội pháo binh trong đó có ba cỗ pháo hạng nặng. Các hạm tàu trang bị đại bác thường xuyên tuần tiễn trên sông Hồng, sông Luộc.
Hoàng Cao Khải còn điều động thêm binh lính ở Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội làm quân dự bị, đóng xung quanh khu vực Bãi Sậy, khi có lệnh sẽ sẵn sàng ứng chiến tiêu diệt nghĩa quân.
Thiếu tướng Négrier và Hoàng Cao Khải cho quân đi do thám Bãi Sậy, khủng bố các làng ủng hộ nghĩa quân, bao vây cô lập căn cứ Bãi Sậy.
Nguyễn Thiện Thuật cũng cho các tướng của mình hoạt động ở bên ngoài căn cứ, chủ yếu là đánh quân Pháp mới từ xa đến chưa quen địa hình, sẵn sàng đánh phá hậu cần quân Pháp khi chúng tiến đánh căn cứ. Phía trong căn cứ Bãi Sậy chỉ có 300 quân.
Sau khi do thám và lên kế hoạch, quân Pháp do thiếu tướng Négrier và Hoàng Cao Khải chỉ huy chia làm 3 cánh tấn công vào căn cứ Bãi Sậy. Nghĩa quân chặn quân Pháp ở tất cả các ngả đường, dân chúng cũng giúp nghĩa quân dựng các trận địa, đào hầm hào, ngả cây chắn đường khiến quân Pháp không sao vượt qua được.
Cuộc chiến giằng co ác liệt ở làng Đông Nhu (không rõ ngày nay thuộc khu vực nào), quân Pháp liên tục bắn đại bác vào làng, nhưng nghĩa quân đã chuẩn bị hầm hào chắc chắn nên không bị thiệt hại.
Quân Pháp tiến vào thì nghĩa quân ở hầm hào và lũy tre bắn trả khiến quân Pháp thiệt hại nhiều, không thể tiến được nên lại tiếp tục bắn đạn như mưa.
Sau khi quan sát thế trận quân Pháp, Đốc Cọp cùng một toán nghĩa quân bí mật đi đường tắt luồn ra phía sau lưng quân Pháp rồi bất ngờ tấn công. Quân Pháp bị thiệt hại rất nhiều, đội hình rối loạn.
Nguyễn Thiện Thuật cũng thêm quân từ căn cứ đến đánh thốc tới. Quân Pháp bị đánh cả hai đầu. Chỉ huy quân Pháp là Quản binh Legléc bị tiêu diệt, Quản binh Aubert bị trọng thương phải cho quân bỏ chạy về đồn để tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn.
Thừa thắng, nghĩa quân tấn công vào đồn, quân Pháp và lính khố xanh từ cánh khác cũng đến kịp lúc tiếp viện, nghĩa quân vừa đánh vừa rút lui trở về.
Lúc này thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật cùng một số đầu lĩnh khác đến làng Vũ Xá. Biết được tin này, ngay đêm hôm đó quân Pháp cùng quân lính khố xanh vây kín làng Vũ Xá để bắt NguyễnThiện Thuật.
Nghĩa quân bị nguy cấp vì không thể đánh lâu dài, nhưng bị vây rất chặt không thoát ra được. Trước tình thế hiểm nghèo Lãnh Chiến và Lãnh Hạ cùng nhóm nghĩa quân cảm tử xông lên bất chấp nguy hiểm khiến quân Pháp hoảng sợ, đội hình rối loạn. Nhờ đó mà Nguyễn Thiện Thuật cùng toàn quân thoát được khỏi vòng vây ra ngoài. Tuy nhiên Lãnh Chiến, Lãnh Hạ cùng số nghĩa quân cảm tử đều hy sinh.
Nghĩa quân tấn công mạnh các nơi khiến quân Pháp phân tán lực lượng
Lúc này Lưu Kỳ cùng các nghĩa quân khác hoạt động mạnh mẽ, tấn công quân Pháp ở khắp nơi. Các tướng của nghĩa quân Bãi Sậy cũng hoạt động mạnh tấn công quân Pháp ở khắp nơi bên ngoài căn cứ.
Nguyễn Thiện Thuật cũng cho một số tướng lĩnh của mình từ căn cứ Bãi Sậy đến các nơi khác chiêu mộ nghĩa quân thành cuộc khởi nghĩa mới đánh quân Pháp, khiến quân Pháp phải phân tán lực lượng đối phó, không thể tập trung vào nghĩa quân Bãi Sậy được.
Sang năm 1890, nghĩa quân Bãi Sậy vẫn hoạt động mạnh. Tháng 2/1890, người Pháp biết Đốc Sung, Đốc Mỹ đang ở làng Đồng Ngư, phủ Thuận Thành, bèn đưa 140 lính ở các đồn xung quanh đến bao vây. Tuy nhiên nghĩa quân chiến đấu quyết liệt tiêu diệt được Quản binh Legllère, bắn trọng thương Quản binh Auber.
Quân Pháp phải cho thêm 500 quân nữa đến tiếp viện nhưng nghĩa quân đã kịp rút đi.
Báo “Tin tức Hải Phòng” có bài báo ghi chép lại một bức điện của quân Pháp gửi về Hà Nội:
“Trong một cuộc đụng độ với toán của Đốc Sung và Tham Thuật ở Đồng Ngư tỉnh Bắc Ninh, một vệ binh chết, hai vệ binh bị thương, trong đó có vệ binh chisnh là Auber bị thương ở vai. Mọi sự bố trí đều nhằm bao vây toán này. Chúng có chừng 60 tay súng. Nhiều cuộc chiến đã nổ ra” .
Người Pháp thay đổi cơ cấu hành chính
Người Pháp nhận thấy muốn diệt được khởi nghĩa Bãi Sậy thì song song với quân sự cần phải có thay đổi về cơ cấu hành chính. Ngày 25/1/1890, Toàn quyền Đông Dương Piquet ra nghị định thành lập đạo Bãi Sậy bao gồm 4 huyện mới là Văn Lâm, Cẩm Lương, Yên Mỹ, Mỹ Hào được cắt từ các huyện Văn Giang, Gia Lâm, Siêu Loại của Bắc Ninh, Cẩm Giàng, Mỹ Hào của Hải Dương.
Cai quản đạo Bãi Sậy do công sứ Hưng Yên Masselier nắm quyền, trực tiếp là phó sứ Morel – người chuyên cầm quân đi đánh phá khởi nghĩa Bãi Sậy.
Masselier tăng cường lập thêm nhiều đồn bốt ở vùng giáp ranh của 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, mỗi đồn có khoảng 50-60 lính, liên lạc thường xuyên với nhau. Ngoài ra còn có mạng lưới chỉ điểm, thám báo, tai mắt rải ra khắp nơi.
Dù thế dân làng vẫn ủng hộ và giúp đỡ cuộc khởi nghĩa, gia nhập nghĩa quân chống Pháp.
Nghĩa quân Bãi Sậy vẫn hoạt động rất mạnh, liên tục tấn công các đồn bốt và lính tuần tiễu khiến quân Pháp và lính khố xanh thiệt hại nặng.
Tháng 9/1890, các cánh nghĩa quân phối hợp tấn công vào thành phố Hải Dương, nhưng kế hoạch bị lộ. Quân Pháp tập trung lại để đánh nghĩa quân, tàu chiến đưa quân từ Hải Phòng đổ bộ đến giúp sức, vì thế mà chặn được nghĩa quân.
Trước sự phát triển của nghĩa quân, Hoàng Cao Khải liền tàn sát dân lành vô tội, nhiều làng mạc bị cho là giúp đỡ nghĩa quân bị tàn phá, dân chúng phải chạy đến nơi khác sinh sống.
Dù dân chúng âm thầm giúp nghĩa quân, nhưng việc tàn sát khủng bố dân của Hoàng Cao Khải khiến nghĩa quân phải giảm hoạt động vì thiếu sự trợ giúp của dân chúng.
Nguyễn Thiện Thuật bị giữ lại tại Trung Quốc
Tháng 10/1890, thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật thấy tình thế khó khăn liền quyết định sang Trung Quốc để mưu tính, ông trao quyền chỉ huy lại cho em mình là Nguyễn Thiện Kế.
Tuy nhiên lúc này nhà Thanh thực hiện Công ước đã ký với Pháp, hai bên thân thiện hơn nên Nguyễn Thiện Thuật không nhận được sự giúp đỡ nào, thậm chí nhà Thanh còn thông đồng với Pháp giữ ông luôn ở Trung Quốc.
Bị giữ lại ở Trung Quốc, thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật không thể về nước là một tổn thất lớn cho nghĩa quân. Em trai ông là Nguyễn Thiện Kế chỉ huy nghĩa quân Bãi Sậy tiếp tục chống Pháp.
(Còn nữa)
Trần Hưng
- Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
- Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương
Xem thêm:
- Kết cục của viên tướng Việt chuyên đàn áp phong trào Cần Vương
- Đội Cấn, cuộc binh biến Thái Nguyên và ước mơ Đại Hùng Đế Quốc
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam khởi nghĩa chống Pháp