Dù Triều đình nhà Nguyễn hòa hoãn với Pháp, nhưng dân chúng cùng binh lính đồng lòng nổi lên chống Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, một cuộc khởi nghĩa khiến quân Pháp hãi hùng là khởi nghĩa Bãi Sậy của Đinh Gia Quế.

Khởi nghĩa Bãi Sậy - P3: Thêm viện binh, quân Pháp vẫn thảm bại
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Khởi nghĩa Bãi Sậy có thủ lĩnh mới

Sau khi Nguyễn Đình Mai mất, quân Pháp lập tức tăng cường uy hiếp tấn công nghĩa quân Bãi Sậy. Thiếu tướng Négrier và Hoàng Cao Khải đốc thúc quân tấn công hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa.

Tuy nhiên thủ lĩnh mới của nghĩa quân là Nguyễn Đình Tính và các tướng như Lãnh Điển, Đốc Cợp, Đề Ban, Lãnh Tiên, Đốc Thàng, Đề Tập, Lãnh Khuy, bà Đốc Huệ chỉ huy nghĩa quân quả cảm chống cự đánh bật hết đợt tấn công này đến đợt khác của quân Pháp, giữ vững căn cứ. Dẫu vậy quân Pháp đã chiếm được các làng dân ở xung quanh căn cứ, khủng bố dân chúng.

Lúc này vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương chống Pháp, phong cho Nguyễn Quang Bích (thủ lĩnh nghĩa quân Tiên Động) làm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng quân, Lễ bộ thượng thư, đại diện nhà vua chủ trương phong trào chống Pháp ở miền bắc.

Bấy giờ có ông Nguyễn Thiện Thuật vốn đỗ cử nhân, được Triều đình cử làm Chánh sứ sơn phòng tỉnh Hưng Hóa kiêm chức Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây. Khi Triều đình nhà Nguyễn hòa hoãn với Pháp, ông kháng lệnh, cùng binh lính chống Pháp, tham gia các trận đánh thành Hưng hóa và Lạng Sơn. Khi các thành này thất thủ ông phải trốn sang Trung Quốc.

Tháng 7/1885, Nguyễn Thiện Thuật từ Trung Quốc trở về nước, đến căn cứ Tiên Động. Nguyễn Quang Bích nói cho Nguyễn Thiện Thuật biết về tình thế nghĩa quân Bãi Sậy, rồi tin tưởng giao cho Nguyễn Thuật Thuật làm thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, đồng thời thống nhất các lực lượng kháng chiến ở châu thổ sông Hồng và vùng ven biển Bắc Kỳ dưới ngọn cờ Cần Vương.

Nguyễn Thiện Thuật nhận sự ủy thác đó. Sau khi nhận tin báo từ Nguyễn Quang Bích, vua Hàm Nghi cũng phong cho Nguyễn Thiện Thuật làm “Bắc Kỳ Hiệp thống Quân vụ đại thần”.

Nguyễn Thiện Thuật đến căn cứ Bãi Sậy nắm tình hình, thấy chỉ huy nghĩa quân là Nguyễn Đình Tính là người có tài, có uy tín trong nghĩa quân, đã cố gắng bảo vệ được căn cứ. Tuy nhiên lực lượng nghĩa quân bị thiệt hại cần được bổ sung thêm quân, nếu để kéo dài sẽ khó cầm cự trước quân Pháp đông đảo được trang bị vũ khí hiện đại.

Nguyễn Thiện Thuật cho người liên hệ với miền nam Trung Quốc để mua vũ khí trang bị thêm cho nghĩa quân. Đồng thời tuyển mộ thêm được những binh sĩ mới chủ yếu từ nông dân. Dần dần nghĩa quân mới gia nhập chiếm đa số, những nghĩa quân cũ chiếm một số ít.

Khởi nghĩa Bãi Sậy - P3: Thêm viện binh, quân Pháp vẫn thảm bại
Nguyễn Thiện Thuật – Thủ lĩnh mới của nghĩa quân Bãi Sậy. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Nguyễn Thiện Thuật cũng cho người đến giúp các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Ninh xây dựng vào đào tạo nghĩa quân, cho người đưa thư đến các nơi, nói rõ về việc Cần Vương, khắp nơi đều đồng lòng đứng lên chống Pháp, nhiều trận đánh của các nghĩa quân cũng nổ ra khiến quân Pháp gặp thiệt hại nặng.

Quân Pháp tăng thêm quân từ chính quốc

Về phía Pháp, tháng 6/1885, chính quyền Pháp cử Thống chế De Courcy từ Pháp sang nhậm chức Tổng Tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp ở Trung và Bắc Kỳ với số quân lên đến đỉnh điểm là 42.000 quân. Có lực lượng mạnh và vũ khí hiện đại trong tay, Thống tướng De Courcy trước khi đến Việt Nam đã hứa với chính phủ sang năm sẽ bình định được hết các cuộc nổi dậy chống Pháp.

Tuy nhiên lúc này ở miền bắc, phong trào chống Pháp mạnh mẽ đến đỉnh điểm, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi khiến quân Pháp lúng túng đối phó và bị thiệt hại nhiều.

Đến Việt Nam, một trong những mục tiêu đầu tiên mà De Courcy thực hiện là tấn công tiêu diệt căn cứ Bãi Sậy.

Quân Pháp vội vàng bảo vệ thành Hải Dương

Bấy giờ dù lực lượng quân Pháp đông hơn, nhưng các cuộc khởi nghĩa vẫn hoạt động mạnh, giải phóng được nhiều làng mạc, nghĩa quân Bãi Sậy phối hợp cùng các nghĩa quân khác tấn công vào thành lớn cấp tỉnh là thành Hải Dương, dân chúng náo nức gia nhập nghĩa quân, lại xay thóc gạo cung cấp lương thực cho các cuộc khởi nghĩa.

Quân Pháp biết tin đã tăng cường lực lượng vũ khí bảo vệ thành Hải Dương, pháo hạm La Matsuy (Maussue) điều động đến bắn vào các toán nghĩa quân ở huyện Cẩm Giàng. Sau đó Pháp điều thêm 2 pháo hạm làm nhiệm vụ bảo vệ hai bên bờ sông Thái Bình và vùng sông ngòi phía trong.

3 toán quân gồm đại đội Âu – Phi, lính pháo thủ Bắc Kỳ, lính Triều đình Đồng Khánh càn quết các nơi. Binh lính Pháp được điều động thêm chặn các ngả đường vào tỉnh lỵ.

Quân Pháp tập trung bảo vệ tỉnh lỵ Hải Dương khiến nghĩa quân không thể tấn công, các nghĩa quân liền hoạt động ở các nơi khác mà quân Pháp tập trung ít khiến quân Pháp lúng túng đối phó.

Quân Pháp cùng quân Triều đình tấn công căn cứ Bãi Sậy

Thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật đoán ra quân Pháp được tăng thêm quân từ chính quốc sẽ tấn công Bãi Sậy, nên tập trung quân cùng lương thực vũ khí chuẩn bị sẵn sàng khi quân Pháp tiến đánh.

Tháng 10/1885, Thống tướng De Courcy giao cho thiếu tướng Négrier, trung tá Donnier, trung tá Godard chỉ huy phần lớn quân tấn công Bãi Sậy trong thời gian dài để dập tắt cuộc khởi nghĩa quan trọng này. Hoàng Cao Khải cũng đưa lính Triều đình Đồng Khánh đến phối hợp tấn công.

Mọi hoạt động của quân Pháp được được dân chúng làm tai mắt báo cho nghĩa quân biết. Nghĩa quân liền chia thành từng toán quân nhỏ đón đánh quân Pháp ngay trên đường số 5 và đường số 39. quân Pháp đang hành quân thì bị tấn công bất ngờ. Sau khi tấn công bất ngờ tiêu diệt được quân Pháp thì toán nghĩa quân rút ngay để bảo toàn lực lượng, chốc chốc lại có một toán nghĩa quân khác tấn công. Suốt quãng đường hành quân, quân Pháp liên tục bị tiêu hao binh lực.

Khi quân Pháp đến ngoại vi căn cứ Bãi Sậy thì bị bắn tỉa hoặc rơi vào hố chông, cạm bẫy. Quân Pháp tiến vào căn cứ thì liên tục bị các toán nghĩa quân phục kích tấn công bằng súng, hoặc bị nghĩa quân đánh giáp lá cà bằng gươm, mã tấu, đoản đao khiến quân Pháp kinh hoàng. Khi quân phía sau đến thì thấy quân đi phía trước đã bị diệt sạch rồi, trong khi đó không thấy bóng dáng cũng không biết nghĩa quân trốn ở đâu.

Quân Pháp và Hoàng Cao Khải chuyển sang tấn công các làng của dân chúng, đốt phá các nơi. Sự uy khiếp không làm dân chúng sợ hãi, nhiều làng dân chúng bỏ đi hết tìm cách tiếp tế giúp nghĩa quân.

Tiến sát căn cứ bãi sậy, quân Pháp đã phải chịu tổn thất lớn, lại đứng trước mê hồn trận hầm chông cạm bẫy, không biết nghĩa quân trốn ở đâu trong đám lau sậy. Nếu chui vào đám lau sậy thì dễ bị đánh bất ngờ, đi xa thì các toán quân Pháp không nhìn thấy nhau dễ bị lạc.

Hoàng Cao Khải cho quân đốt bãi sậy nhưng không tìm thấy người. Bỗng nghĩa quân từ các hầm trú ẩn dưới đất chui lên tấn công, sau khi nổ súng thì áp sát tấn công bằng gươm và mã tấu. Quân Pháp hoảng loạn tháo chạy.

Thiếu tướng Négrier, Hoàng Cao Khải đành phải hô quân tháo chạy về phủ lỵ Khoái Châu. Bị thiệt hại nặng, quân Pháp trả thù bằng cách tấn công các làng xóm thuộc huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, đốt làng và tàn sát dân chúng.

Nghĩa quân chia thành các toán nhỏ, mỗi toán quân 15 đến 20 người, trà trộn trong dân, đêm đến tấn công các nơi quân Pháp trú quân rồi rút ngay khiến quân Pháp hoảng sợ.

Nghĩa quân cũng tổ chức những trận đánh lớn tấn công các đồn và phủ đường Ân Thi giành được thắng lợi.

Quân Pháp tấn công khắp Hải Dương

Khi quân Pháp tấn công Bãi Sậy thì ở Hải Dương, nghĩa quân khác do Đề Quý chỉ huy đã phối hợp với nghĩa quân Ba Báo liên tiếp đánh phá các đồn địch, chặn đánh tàu thuyền và các toán quân Pháp đi càn quét nhằm hỗ trợ cho Bãi Sậy.

Tháng 11/1885, quân Pháp có 5 chiến hạm hỗ trợ mở cuộc tấn công lớn vào nghĩa quân ở Trại Sơn của thủ lĩnh Đốc Tít (thuộc Kinh Môn, Trung Lan). Nghĩa quân dựa vào núi và hang động cùng 3 con sông bao quanh là sông Kinh Thầy, sông Hán, sông Con chống trả.

Quân Pháp cho bắn đại bác dồn dập, công binh dọn đường rồi tấn công vào căn cứ. Nghĩa quân có 600 người dựa vào địa hình hiểm trở chiến đấu với quân Pháp suốt 12 ngày đêm, khiến quân Pháp không vào được căn cứ.

Đứng trước thất bại, Pháp phải cho thêm cánh quân đã thất bại ở Bãi Sậy của thiếu tướng Négrier, đại tá Donnier, trung tá Godard tấn công nghĩa quân của Đốc Tít. Hai bên đều thiệt hại nặng, Đốc Tít phải cho quân rút đến huyện Đông Triều, Chí Linh. Nghĩa quân nhanh chóng hồi phục sức mạnh rồi tấn công quân Pháp ở khắp nơi.

Quân Pháp chuyển sang tấn công các cuộc khởi nghĩa khác ở khắp Hải Dương, các nghĩa quân đều bảo toàn được lực lượng và rút đi. Nguyễn Thiện Thuật đến Đông Triều bàn bạc với các thủ lĩnh khác, thu xếp được việc cung cấp vũ khí cùng lương thực để các cuộc khởi nghĩa tiếp tục hoạt động mạnh.

Các cuộc khởi nghĩa đều chia nhỏ quân rồi tấn công quân Pháp. Các sĩ quan Pháp luôn cảm thấy không an toàn dù ở ngay tỉnh lỵ. Tài liệu đánh máy của Pháp ở Hải Dương cũng thừa nhận rằng:

“Năm 1885 việc chống bọn cướp bóc chưa đạt được một tiến bộ nào trừ thời gian cuối năm, chúng ta không được an toàn dù chỉ là đi lại khoảng 1 giờ trong tỉnh. Cờ đỏ giương cao, những toán cướp chiếm giữ các thôn xã chính, chiếm giữ các ngả đường lớn, kiểm soát các khách bộ hành, chặn đứng mọi sự giao liên, gây nguy hiểm cho sự qua lại của những người mà họ có ý ngờ vực. Thường xuyên trong đêm, từ tỉnh ta nhìn thấy ánh lửa của nhiều thôn xã bị đốt cháy. Nhân dân sống trong thành phố liên tục sợ hãi một cuộc tấn công mà đâu đâu cũng có tin đồn.

Đành phải điều một pháo hạm và viện binh người Pháp đến nhằm xua tan nỗi kiếp sợ bao trùm”.

Trần Hưng

  • Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
  • Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương

Xem thêm:

Mời xem video: