Khởi nghĩa Bãi Sậy – P10: Pháp huy động quân cả nước tiến đánh nghĩa quân
- Trần Hưng
- •
Theo tài liệu của người Pháp để lại ở Hải Dương, thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật không về nước được khiến cuộc khởi nghĩa bắt đầu sa sút. Các chỉ huy của nghĩa quân Bãi Sậy, số thì bị tử trận, số thì bị bắt, một số khác lâm đường cùng bị bức phải ra hàng.
Tuy hoạt động có giảm hơn trước, nhưng lực lượng nghĩa quân vẫn còn rất mạnh. Nghĩa quân vẫn hoạt động tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, uy hiếp đường số 5, đường 39, đánh úp các đồn lẻ, phục kích các toán quân tuần tiễu, khi đánh lớn mới tập trung quân như trước.
Nguyễn Thiện Kế cũng cho một đội quân vận chuyển đặc biệt, phối hợp với Lưu Kỳ để duy trì 3 đường dây vận chuyển vũ khí từ Quảng Đông và Quảng Tây nhằm có đủ vũ khí đạn dược cho nghĩa quân.
Nghĩa quân chia thành nhiều nhóm nhỏ 20 đến 30 người hoạt động từ làng này sang làng khác, lại dán thông báo cảnh cáo những quan phủ, quan huyện, tổng lý và những tên thám báo chỉ điểm cho Pháp đàn áp nghĩa quân. Do bố trí lực lượng như vậy, nên dù số người ít nhưng nghĩa quân vẫn hoạt động khắp các tỉnh và tả ngạn sông Hồng.
Quân Pháp cố hết cách nhưng không diệt được nghĩa quân
Mờ sáng ngày 8/10/1890, quân Pháp nghe tin Đề Ban đang đóng quân ở làng La Mát (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) liền cho quân đến. Thế nhưng cuộc tiến quân của quân Pháp được dân chúng biết và báo gấp cho nghĩa quân.
Đề Ban liền cho quân mai phục chặn cả đường tiến và đường rút lui của quân Pháp. Quân Pháp lọt vào trận địa mai phục, tử trận rất nhiều. Dân làng tiếp tế lương thực, tải đạn, cứu thương.
Quân Pháp tập trung quân cố đánh để tiêu diệt nghĩa quân, cuộc chiến kéo dài từ 5 giờ sáng đến tối. Đến khi trời tối, nghĩa quân vốn quen thuộc địa hình nên càng đánh càng chiếm lợi thế, chỉ huy quân Pháp là Montillon buộc phải cho quân rút.
Đề Ban đã cho quân mai phục sẵn ở bến đò Phù Ủng, quân Pháp rút đến đây thì bị đánh khiến thiệt hại nhiều. Quân Pháp bị chặn không rút được, Montillon bị thương nặng phải cho quân vào ngôi chùa cố thủ chờ viện binh.
Nghĩa quân bao vây ngôi chùa và tấn công ác liệt, quân Pháp không sao thoát ra ngoài để báo tin xin viện binh. Lúc này những người Công giáo thân Pháp báo cho người được gọi là “cha đạo” tên là Garcia biết, Garcia báo cho quân Pháp biết. Quân Pháp tức tốc cho quân đến cứu viện, nghĩa quân cũng đã cạn đạn nện phải rút lui.
Sự kiện này được A de Miribel viết trong quyển “La Prommes de Hưng Yên” như sau:
“Ở La Mát (Ân Thi) viên cai Montillon bị thương, trận đánh suýt trở thành thảm khốc nếu không nhờ có Đức cha Garcia, cố đạo người Tây Ban Nha phái kỵ binh phi báo cho Bần Yên Nhân biết là đơn vị đang bị vây tứ phía ở La Mát”.
Nghĩa quân Lưu Kỳ cũng có nhiều trận đánh ở Lục Ngạn (Bắc Ninh), Đông Triều (Hải Dương), Uông Bí (Quảng Yên) và vùng phụ cận gây kinh hoàng cho quân Pháp.
Để đối phó, người Pháp phải tăng thêm quân, lập các đồn bốt, 6 pháo thuyền liên tục tuần tiễu trên sông Lục Nam nhằm cắt đường tiếp tế cho nghĩa quân. Quân Pháp cũng mở nhiều đợt tấn công càn quét. Để tránh bị tổn thất, Lưu Kỳ quyết định đưa quân về Đông Triều.
Bị đánh liên tục, quân Pháp và Hoàng Cao Khải thiêu cháy nhà cửa, triệt hạ xóm làng. Nhiều làng bị giết hàng chục đến hàng trăm người. Dù thế dân chúng vẫn tìm cách giúp đỡ nghĩa quân như gia nhập, giúp đỡ lương thực, báo tin tức, nhường nhà cửa khi nghĩa quân đến, lại sẵn sàng cùng nghĩa quân xây dựng trận địa.
Tháng 2/1891, quân Pháp hành hình 75 hào mục ở khu vực Bãi Sậy, cướp bóc, đốt phá nhà cửa, tàn sát dân chúng, nhằm răn đe không cho giúp đỡ nghĩa quân.
Tài liệu của người Pháp cũng thú nhận rằng:
“Nhiều thôn xã bị đốt cháy bốn bề, nhiều người nhà quê bị bắt, bị giết và những đồn binh của chúng ta thì bị tấn công. Nhìn chung tình hình không ổn định. Chính thức thì chúng ta nói là không có cướp bóc, xứ này bình định được rồi”.
Bất lực, quân Pháp lại thay đổi cách đối phó, điên cuồng đánh phá các nơi với các cuộc hành quân “tìm” và “diệt”. Nguyễn Thiện Kế cho các tướng tránh các cuộc tìm và diệt của Pháp. Đợi khi quân Pháp đi tìm và diệt mệt mỏi rồi, lúc quay trở về thì tìm vị trí mai phục để đánh.
Ngày 4/3/1891, nhờ có nội ứng, một toán nhỏ nghĩa quân lọt được vào trong một đồn ở phủ Khoái Châu, diệt được một số ít lính, nhưng mục tiêu chính cùa nghĩa quân không phải là diệt địch, mà lấy đi 12 súng và 50 bao đạn.
Số đạn này rất lớn, giúp nghĩa quân có nguồn đạn trong thời gian dài. Chính vì thế quân Pháp trách cứ khiến viên trưởng đồn lo lắng phải tự tử, còn viên tuần phủ Hưng Yên và viên tri phủ Khoái Châu thì bị bắt giải về Hà Nội để xét hỏi.
Người Pháp dốc toàn quân cả 3 miền đàn áp
Lúc này ở miền nam và miền trung đã yên ắng hơn, vì thế mà người Pháp cho quân Pháp và quân Triều đình từ miền nam và miền trung ra bắc, tập trung quân cả nước nhằm tiêu diệt nghĩa quân Bãi Sậy.
Tháng 3/1891, Lãnh Vắn làm phản đưa quân Pháp bao vây chùa Chi Long để diệt một tướng của nghĩa quân Bãi Sậy là Đốc Sung. Nghĩa quân đánh bật hết đợt tấn công này đến đợt khác của quân Pháp, nhưng Đốc Sung trúng đạn bị thương nặng, ông cố bò đến khu ruộng ngập nước để chôn thanh đoản kiếm của vua Hàm Nghi rồi rút súng tự tử để không bị sa vào tay quân Pháp. Quân Pháp khám thấy trong người ông có đồng Kim tiền (tiền vàng) mà vua Hàm Nghi trao tặng cho những viên tướng xuất sắc.
Diệt được Đốc Sung, quân Pháp tập trung tấn công một tướng lĩnh khác của nghĩa quân là Đốc Cọp, khiến Đốc Cọp phải đưa quân đóng ở chùa Quàn thuộc xã Lôi Cầu huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay thuộc xã Việt Hoà, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
Chùa Quàn nằm ở khu Bãi Sậy trên gò cao, dân các làng xung quanh đến giúp nghĩa quân đắp lũy đất phòng thủ quanh chùa, lại cung cấp lương thực. Trong đó có sự trợ giúp rất lớn của Chánh tổng Đại Quan là Vũ Văn Chính.
Hoàng Cao Khải đưa quân đến tiến đánh suốt hơn 1 tháng mà không sao thắng được. Khải liền khủng bố dân chúng, vây chặt chùa Quàn, đốt nhà tàn sát dân chúng nhằm tách dân khỏi nghĩa quân.
Cầm cự hơn một tháng, lương thực và đạn dược đã cạn, lợi dụng đêm tối và bãi sậy cao ngập đầu, Đốc Cọp cho quân rút đến xã Tiểu Quan. Dân chúng nơi đây hết lòng giúp đỡ, cùng nghĩa quân đắp công sự sẵn sàng đón đánh quân Pháp.
Ngày 21/5/1891, được tin Đề Cọp có 300 quân đang ở Tiểu Quan, người Pháp đưa quân đến vây chặt. Đốc Côp cho quân đến các chiến lũy đất trồng tre gai dày đặc sẵng sàng đánh trả. Dân chúng cũng chuẩn bị nấu nướng cung cấp lương thực cho nghĩa quân.
Nghĩa quân từ trong lũy bắn ra khiến quân Pháp bị thiệt hại nhiều mà không sao tiến vào được, liền cho đại bác bắn liên tục vào làng. Biết nghĩa quân hết đạn nên quân Pháp vây chặt lại, chặn mọi ngả đường.
Nghĩa quân đột phá thoát ra ngoài không được, cho người về căn cứ Bãi Sậy báo cứu viện nhưng cũng không sao thoát ra được bên ngoài trước vòng vây quân Pháp.
Quân Pháp cho đại bác bắn cấp tập vào cổng làng. Nghĩa quân cạn kiệt đạn nên quân Pháp tràn được vào trong. Quân Pháp bắt được Đốc Cọp cùng 20 nghĩa quân và hành hình tại chỗ.
(Còn nữa)
Trần Hưng
- Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
- Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương
Xem thêm:
Từ khóa nghĩa quân lịch sử Việt Nam chống Pháp