Môi trường sống sẽ hạn chế suy nghĩ của người ta, còn sự tự mãn và kiêu ngạo sẽ dẫn đến những suy nghĩ hẹp hòi nhỏ bé. Đó chính là hàm nghĩa của câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”. Chính vì thế, trong thiên “Thu thủy” của Nam Hoa Kinh, Trang Tử bàn rằng: “Không thể cùng con ếch ngồi trong đáy giếng luận bàn về biển cả; không thể cùng côn trùng mùa hè bàn luận về băng tuyết; không thể cùng anh học trò chốn thôn quê hẻo lánh bàn luận về đạo lý.”
Chuyện kể rằng, một chú ếch sống trong chiếc giếng cạn đã lên giọng nói với chú rùa rằng: “Cuộc sống dưới giếng của tôi thực sự là vui! Khi muốn ra ngoài, tôi chỉ cần leo lên thành giếng. Rồi khi trở lại, tôi nghỉ ngơi tại khe nứt trong giếng. Lúc bơi lội, nước ngập đến nách nhưng đầu tôi nổi lên trên. Tôi nhúng chân vào đám bùn mềm mại và chơi đùa với nó.”
Ếch nói tiếp: “Không những thế chiếc giếng này là lãnh thổ của tôi, chỉ phục vụ cho riêng tôi. Thật là một cuộc sống tuyệt vời. Sao anh không thử vào đây trải nghiệm điều tuyệt vời ấy nhỉ?”
Nhận lời mời của chú ếch, chú rùa chuẩn bị vào chiếc giếng. Nhưng trước khi chú rùa có thể di chuyển được chân trái thì chân phải của chú đã bị mắc vào thành giếng rồi. Chú không vào bên trong giếng nữa, và bắt đầu kể cho chú ếch nghe về biển cả.
Biển bao lớn? Có dùng cả ngàn dặm cũng không thể mô tả được sự bao la của biển, cả ngàn thước cũng không mô tả được độ sâu của biển cả.
Chú rùa kể: “Vào thời gian trị vì của vua Đại Vũ triều nhà Hạ, trong vòng 10 năm thì có 9 năm lũ lụt nhưng mực nước biển không hề dâng cao. Vào thời gian trị vì của vua Thành Thang triều nhà Thương, trong vòng 8 năm thì có 7 năm bị hạn hán nhưng nước biển không bị cạn khô.”
Thế nhưng chú ếch kia cuối cùng vẫn không tưởng tượng được biển cả có bao lớn.
Loài côn trùng mùa hè không bao giờ trải nghiệm mùa đông băng giá, làm sao có thể tưởng tượng được băng tuyết mùa đông? Cũng như con ếch dưới đáy giếng, dù có nghe chuyện rùa kể cũng không thể nào hình dung được biển cả. Tương tự như vậy, đối với những ai đóng khung tư tưởng của mình, thì khi gặp đạo lý cao hơn họ cũng chẳng thể tiếp thu được.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang đến cho nhân loại những thành công vượt bậc, và chúng ta đang có phần tự mãn với tri thức của chính mình. Thật ra, con người hiện đại vẫn còn chưa vượt qua khỏi Thái dương hệ, đích đến sao Hỏa vẫn còn đang là mộng tưởng, và những gì chúng ta đang quan sát được về những hành tinh xa xôi trong vũ trụ mới chỉ là hình ảnh của hàng chục vạn năm ánh sáng trước đây. Tri thức của con người quả thật quá nhỏ bé so với vũ trụ này.
Những nhà khoa học chân chính đều có một cái nhìn rất rộng mở đối với tri thức, và họ sẽ không xuất phát từ những quan niệm có hạn của cá nhân để phủ nhận những điều “chưa biết” vô hạn. Khoa học gia nổi tiếng Newton, trong quyển sách có tính chất khai thủy của ông là “Các nguyên lý của Toán học” phát hành năm 1678, đã giải thích rất chi tiết những nguyên lý của cơ học, sự hình thành thủy triều, và sự vận động của các hành tinh, và đã tính toán sự vận hành của Thái dương hệ. Newton, một người toàn tài như vậy, lại luôn nhắc lại rằng quyển sách của ông chỉ là một sự mô tả về các hiện tượng bề mặt, và rằng ông tuyệt đối không dám nói gì về ý nghĩa chân chính của Đấng Tối Cao trong việc sáng tạo ra vũ trụ này.
Trong lần tái bản của quyển sách “Các nguyên lý của Toán học”, để bày tỏ đức tin của mình, Newton đã viết, “Hệ thống tuyệt đẹp này bao gồm mặt trời, các hành tinh, và các ngôi sao chổi chỉ có thể bắt nguồn từ ý chỉ và quyền năng của một đấng đại trí và quyền uy… Như một người mù không có khái niệm về màu sắc, cũng như vậy chúng ta không biết được cách mà Đức Chúa tối toàn năng nhìn nhận và hiểu biết mọi thứ.”
Còn khi nói về sự thâm sâu của vũ trụ này, Albert Einstein đã viết:
“Chúng ta chỉ ở vị trí của một đứa bé đi vào trong một thư viện khổng lồ chứa đầy sách bằng nhiều ngôn ngữ. Đứa bé biết rằng chắc có một người nào đó đã viết những sách ấy. Đứa bé không biết sách đã được viết ra bằng cách nào. Đứa bé không hiểu ngôn ngữ trong những sách ấy. Đứa bé chỉ mù mờ nửa tin nửa ngờ rằng có một trật tự huyền bí trong việc sắp đặt những cuốn sách đó nhưng không biết rõ trật tự đó là gì. Hình như đối với tôi, đó là thái độ cần có của ngay cả một người thông minh nhất đối với Chúa trời. Chúng ta nhận thấy vũ trụ được sắp xếp một cách kỳ diệu và tuân theo một số quy luật nhất định, nhưng chúng ta chỉ hiểu lờ mờ những quy luật này.”
Rất nhiều người có quan niệm rằng khoa học và tín ngưỡng là hai phạm trù đối nghịch nhau, một thứ là vật chất, thứ còn lại là tinh thần. Kỳ thực ngay cả những khái niệm cơ bản nhất như ý thức con người là gì thì khoa học cũng chưa trả lời được ngọn ngành. Điều khoa học làm chỉ là tìm ra những biểu hiện có thể đo đếm được của ý thức và các hiện tượng xung quanh chúng ta.
Rốt cuộc đức tin là gì? Tinh thần là gì? Những câu hỏi đó khoa học chưa trả lời được, nhưng có một sự thật là, trong số các nhà khoa học lỗi lạc nhất trong lịch sử thế giới thì đa số đều là những người có đức tin.
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Theo giới chức Hà Nội, diễn biến sự cố sạt lở mái đê, thân đê,…
Chính phủ Mỹ mới thêm 30 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm nhập…
George Galloway: Nga có 3 tên lửa “hoàn toàn không thể ngăn chặn” với “tên…
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…
Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…
Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…