Ý nghĩa thâm sâu của văn hóa Thần truyền
- Trí Chân
- •
Người xưa cho rằng Đạo sinh ra vũ trụ, Đạo sinh ra trời đất, Đạo là nguồn gốc của vạn vật, là nhân (nguyên nhân) của vạn nhân. Văn hóa truyền thống là do Thần truyền cho con người, là thành tựu bởi Đạo, và lấy Đạo làm gốc rễ. Các Thánh hiền cổ đại thừa Thiên mệnh mà đến thế gian giáo hóa muôn dân, khiến mọi người trọng đức hướng Đạo. Nội dung chủ yếu của văn hóa truyền thống bao gồm rất nhiều tầng diện như tín ngưỡng chính thống, quan niệm đạo đức, đường hướng của giá trị, chế độ lễ nghĩa, phương thức sống, phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật. Ở phương Đông, hình thức của Đạo cắm rễ ở đạo lý của 3 gia phái là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, mang nội hàm rộng lớn tinh thâm.
Lai lịch và khởi nguồn của văn hóa Thần truyền
Từ “Văn hóa” xuất hiện sớm nhất trong “Dịch thư”: “Quan sát thiên văn để xét sự đổi thời, quan tâm nhân văn để giáo hóa thiên hạ”. Thiên văn, địa văn, nhân văn, đây là khái niệm có trọng lượng lớn trong văn hóa truyền thống. Thiên – Địa – Nhân được gọi là Tam Tài.
Về thiên tượng, câu mở đầu sách “Hoàng Đế thư” viết rằng: “Quan sát Đạo của trời, nắm được sự vận hành của trời, đó là tận thiện tận mỹ rồi”. Ý nghĩa là: có thể phân biệt rõ các “tượng” mà thiên văn thể hiện ra để quy phạm đạo đức xã hội, hành vi con người hợp với thiên tượng, như thế là điều tốt đẹp nhất.
Sách “Thuyết văn giải tự” cũng viết: “Cái hiển thị của Đạo gọi là văn”, “Hóa là dạy thực hành”. Thuận theo hiển tượng mà trời hiển thị ra để giáo hóa thiên hạ, đó chính là hàm nghĩa của văn hóa.
Từ “Nhân văn” ở đây xuất hiện cùng với “Thiên văn”, là chỉ quy tắc vận hành của xã hội nhân loại, đạo lý và quy phạm của thế giới nhân gian. Những điều của con người như vậy đều nên phải tuân theo quy luật của Thiên Đạo, phép tắc của vũ trụ.
Trong lịch sử, những Thánh hiền quân tử đạo đức cao thượng là những người cảm ngộ và thực hành chân lý, họ hành xử thuận theo Thiên ý, tu thân chứng Đạo, thiện hóa dân chúng. Phục Hy diễn dịch Bát quái; Thần Nông nếm bách thảo; Nghiêu, Thuấn, Vũ dùng đức trị sửa thế nhân, dẫn dắt người dân thờ Trời; Văn Vương có tài tiên đoán như Thần; Kinh Dịch ghi chép, luận thuật về quy luật trời đất, âm dương, vũ trụ, xã hội và nhân sinh ra đời; Lão Tử kế thừa văn hóa Thượng cổ để lại Đạo đức kinh; Khổng Tử kế thừa văn hóa Nho gia trị thế an bang; Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ truyền Pháp… Tín ngưỡng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đã kiến lập một thể hệ đạo đức vô cùng ổn định cho người Á Đông nói chung. Thể hệ đạo đức này là nền móng mà xã hội dựa vào đó để tồn tại, an định và hài hòa.
Nội dung và giá trị chủ yếu của văn hóa truyền thống
Nghĩa lý của Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo là cốt lõi của văn hóa truyền thống, nó không chỉ có tác dụng đối với diện mạo tinh thần của con người, mà còn sinh ra quan niệm và khí tiết chung của cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Nét đặc trưng dân tộc biểu hiện ra trong văn hóa truyền thống là kính Trời kính Thần, trọng lễ hiểu nghĩa, sùng đức báo ân…
Đơn cử như bộ “Nhị thập tứ sử” đồ sộ chẳng hạn. Nhìn từ bao quát mà nói, đây là một bộ liệt truyện tiết nghĩa “Phú quý không thể mê hoặc được, bần tiện không làm thay đổi được, uy vũ không thể khuất phục được”, nó đã được viết bằng khí tiết và tín niệm.
Đạo gia giảng Chân, Phật gia giảng Thiện, Nho gia giảng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… trong đó chứa đầy sự tìm tòi và cảm ngộ đối với chân lý vũ trụ và ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Trong đó đã trả lời câu hỏi con người từ đâu đến, rồi đi về đâu, cuộc đời có phải còn có ý nghĩa cao cả hơn và có giá trị vĩnh hằng hay không. Đồng thời các chính tín này cũng cho con người biết đạo làm người ra sao, thăng hoa cảnh giới đạo đức như thế nào, cho đến đạt tiêu chuẩn của Phật Đạo Thần, đã chỉ ra phương hướng tâm linh cho con người.
Đạo đức quan của văn hóa truyền thống là chỗ dựa để tâm linh vươn lên và là chuẩn mực quy phạm hành vi con người, nó chứa đựng suối nguồn tinh thần bất tận cho người đời sau, hơn nữa nó trực tiếp thúc đẩy sự hình thành phát triển và nâng cao cảnh giới của các loại hình nghệ thuật truyền thống như văn học, âm nhạc, hội họa, thư pháp… Nội hàm thâm sâu của nó cần con người trong chính tín thăng hoa cảnh giới đạo đức để từng bước từng bước cảm nhận và thể nghiệm.
Sức mạnh của tín ngưỡng đạo đức có thể khiến thế giới không có phân tranh, chỉ có sự bình hòa thâm trầm. Đối diện với thế sự hỗn loạn và cảnh khốn cùng, nó cũng có thể khiến con người có được một miền Tịnh Thổ của tâm linh, có thể khiến con người giữ được sự bình lặng của tâm hồn. Trước sự chia rẽ giữa lợi ích và đạo đức, chúng ta còn có một ranh giới tiêu chuẩn đạo đức, do đó chúng ta không bị mê mất tự ngã, trong bất kỳ lúc nào cũng không trái với ý nguyện và lương tâm mình, vĩnh viễn không suy bại, vĩnh viễn có thể nhìn thấy hy vọng.
Bởi thế, người ta nếu có thể thuận ứng theo lẽ trời, làm đến cùng thì có thể làm đến bậc Thánh nhân, hiền nhân, thành Tiên thành Phật, chứng ngộ Đại Đạo, tế thế độ nhân. Còn khi mất đi nền văn minh đạo đức thì những thứ hư vọng tà tịch sẽ thừa sơ hở lẻn vào, khiến con người bước sang con đường hủy diệt.
Tính chất đặc trưng của văn hóa truyền thống
Nền văn hóa nói trên, trải qua toàn bộ lịch sử văn minh nhân loại, biểu hiện ra sức dung hợp và sức sống cực lớn. Tính bao dung to lớn của nó thể hiện trên quan niệm bao dung rộng lớn, hình thành nên khí chất và truyền thống đặc biệt “kiêm thu tính súc” (thu nạp dung nạp những thứ khác nhau), “hữu dung nãi đại” (bao dung nên trở nên vĩ đại), “hòa nhi bất đồng” (hài hòa nhưng không hòa đồng), “cầu đồng tồn dị” (tìm kiếm những cái tương đồng và bảo lưu những khác biệt).
Tinh thần “đức dày chở vật” và triết lý “hòa” hàm chứa trong văn hóa truyền thống được thể hiện đầy đủ trong tinh thần của tư tưởng “vô vi” của Đạo gia, “nhân nghĩa” của Nho gia, “từ bi” của Phật gia. Như Lão Tử đã nói: “Thứ mềm mại nhất thiên hạ thì có thể sai khiến thứ rắn chắc nhất thiên hạ”. Bởi vậy mấy có câu: “Không từ chối những hòn đất nhỏ nên trở thành núi cao; không từ bỏ những dòng nước nhỏ nên trở thành biển cả”. Nền văn hóa này có tính dung hợp không gì không bao hàm, và tính thẩm thấu không nơi nào không tới, sinh trưởng phát triển không ngừng.
Người phương Đông cổ xưa kính ngưỡng nhất có lẽ chính là thời kỳ thịnh Đường. Đây là thời kỳ mà triều chính trong sạch sáng sủa, nền kinh tế phát triển phồn vinh thịnh vượng, nền văn hóa văn minh, trong các phương diện như đời sống xã hội, văn hóa nghệ thuật… đều xuất hiện những cảnh tượng thịnh vượng chưa từng có. Điều này có liên quan mật thiết với khí độ bao dung hết thảy của văn hóa Đại Đường. Sự phát triển và hoằng dương của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đồng thời đạt đến thời kỳ cực thịnh, khiến xã hội duy trì được tiêu chuẩn đạo đức khá cao, đạt được huy hoàng mà cả thế giới đều thán phục, đồng thời ảnh hưởng đến các nước phương Đông và nhiều nước khác trên thế giới.
Tinh túy của văn hóa truyền thống
1. Vũ trụ quan “Thiên – Nhân hợp nhất”
Thiên – Nhân hợp nhất là trung tâm của tinh thần văn hóa Thần truyền, luôn có địa vị chủ đạo trong văn hóa truyền thống, có ảnh hưởng sâu xa đến các lĩnh vực như luân lý đạo đức, quan niệm giá trị, ý thức thẩm mỹ, v.v.
Sách “Dịch thư” có nói: Thiên – Địa – Nhân là “Tam Tài” của vũ trụ. “Dịch thư” còn viết: “Sinh trưởng phát triển gọi là Dịch”, “Đức lớn của Trời Đất gọi là sinh”, con người cần phải kế thừa cái Thiện của Trời Đất, thành tựu cái Tính của Trời Đất, mở rộng sự sinh trưởng của Trời Đất, “Biết hết thảy vạn vật, dùng Đạo giúp khắp thiên hạ”, để đạt đến “Thiên – Nhân hợp đức”.
Văn hóa truyền thống là kính sợ Thiên mệnh, cho rằng Trời đã tạo ra con người và vạn vật, đồng thời trao cho đức hạnh và tính thiện, đặt ra phép tắc cho con người. Thiên – Nhân tương ứng, Thiên – Nhân tương thông, Thiên – Nhân nhất thể.
Khi tổng kết quy luật nhân sinh, Khổng Tử nói: “Ta 15 tuổi lập chí học Đạo, 30 tuổi thì xác lập được nền tảng đối nhân xử thế vững chắc, 40 tuổi thì không còn nghi hoặc điều gì, 50 tuổi thì biết được Thiên mệnh…”. Mạnh Tử nói: “Bảo tồn bản tâm thanh khiết, nuôi dưỡng bản tính Thiên phú, đó chính là phương pháp thờ phụng Trời”.
Phật gia và Đạo gia đều giảng Thiên lý tuần toàn, tin vào sinh tử luân hồi, thiện ác hữu báo. Trong sách “Sử lý”, phần “Nhạc thư” có viết: “Trời và người tương thông, giống như quan hệ giữa hình với bóng. Người làm việc tốt thì Trời dùng phúc báo đáp; người làm việc xấu thì Trời dùng họa báo đáp. Giống như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, là đạo lý rất tự nhiên. Vì vậy nói rằng, suy Đạo Trời để minh tỏ việc con người”.
Thời xưa, thiên tử coi trọng nhất là việc tế lễ. Tế lễ là để kính Thần, ca tụng đức hóa dục của Trời Đất. Con người phục tùng Thiên mệnh, là một hành vi đạo đức, Trời sẽ ban thưởng cho con người, nếu không thì Trời sẽ giáng hình phạt xuống cho con người. Thánh nhân vui với việc thực hành Đạo, vốn không phải là để cầu phúc. Vì cầu phúc mới hành thiện thì trong tâm đã là tư lợi rồi. Do đó chỉ nên dốc hết tâm lực của mình, thuận theo Trời, không được có một chút tâm kỳ vọng, cầu mong nào. Hành thiện trừ bỏ cái ác, cái xấu là việc trong bổn phận con người, chỉ cần bản thân có thể làm tròn việc con người, thành tâm, không gián đoạn, thì cuối cùng có thể cảm động Trời.
2. “Đạo trung dung”, “Trí trung hòa”
Sách “Trung dung” viết rằng: “Trung là gốc lớn của thiên hạ; hòa là đạt Đạo của thiên hạ. Trí trung hòa là vị trí của Trời Đất, vạn vật sinh trưởng”. Nho gia cho rằng: hết thảy những mâu thuẫn, xung đột giữa vật với mình, người với mình, lý trí và ham dục, quan hệ giữa người với người, đều nên dùng tiêu chuẩn của “Đạo trung dung”, “Trí trung hòa” để điều chỉnh, để đạt đến chí thành, chí thiện, thông hiểu đạo lý Trời Đất hóa dục vạn vật, như vậy Trời Đất vạn vật thứ gì có chỗ của thứ ấy, đạt đến cảnh giới hài hoà.
Khổng Tử nói: “Quân tử trung dung, tiểu nhân trái ngược trung dung. Sở dĩ quân tử trung dung là vì quân tử lúc nào cũng làm được trung chính thích hợp, không quá cũng không chưa tới. Sở dĩ tiểu nhân trái ngược trung dung là vì tiểu nhân trắng trợn bừa bãi, chuyên làm việc cực đoan”.
Chu Hy nói: “Trung là chính Đạo của thiên hạ, dung là định lý của thiên hạ”, Trung ở đây chính là chính xác không thiên lệch, Dung chính là bình thường không loạn.
Sách “Luận ngữ” viết: “Tác dụng của lễ là coi trọng hài hòa, đó là cái đẹp của Đạo của tiên vương”. Hòa có nghĩa là điều hòa, hài hòa. Tiên vương chế lễ làm nhạc để điều tiết quy phạm hành vi con người, để giáo hóa thiên hạ, đó chính là “bình thiên hạ”. Cổ nhân coi trọng “hòa vi quý”, tôn sùng Đạo trung dung, thực hiện lý tưởng “bình thiên hạ” là dựa vào nhân chính và tu đức, là điều gọi là “người ở xa không phục tùng thì tu sửa văn đức bản thân để đối đãi”. Tống Diệp Thích nói trong “Trung dung” rằng: “Người xưa lấy trung hòa dùng cho mình, thì Trời Đất tự ở vị trí, vạn vật tự sinh trưởng. Điều mà ta thuận theo là vua tôi Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương. Làm như thế thì cái ngụy giả không nảy sinh được”.
Người xưa coi trọng hài hòa với trời đất, tự nhiên. Về vấn đề quan hệ nhân luân, giữa quần thể và bản thân, Tuân Tử khi luận thuật đã đề xuất khái niệm “Quần Đạo”. Ông cho rằng: Sở dĩ con người có quần thể là do có phân chia chức phận và có đạo nghĩa, không bởi tư dục mà làm tổn hại người khác và quần thể; giữa người với người cần quan tâm lẫn nhau, đôn hậu khoan dung. Phép tắc và chuẩn mực của Nho gia khi xử lý mối quan hệ giữa cá nhân với người khác, chủ yếu có Nhân, Lễ, Hòa, Nghĩa, Tín. Nho gia đề xướng Nhân: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì chớ làm cho người), “Kiến lợi tư nghĩa” (Thấy cái lợi phải nghĩ đến nghĩa), “Nhân vô tín bất lập” (Con người mà không có chữ tín thì không thể xác lập được chỗ đứng xã hội)…
3. Giá trị quan, nhân sinh quan
Trong “Kinh thi – Đại nhã – Chưng dân” có viết:
Trời sinh dân chúng
Có vật có phép
Dân giữ thường Đạo
Thích đức thiện mỹ.
Xuất phát từ vũ trụ quan Thiên – Nhân hợp nhất, quan niệm làm người của văn hóa truyền thống chủ trương bắt đầu làm từ việc hoàn thiện cá nhân, “từ thiên tử cho đến thứ dân, tất cả đều lấy việc tu thân làm gốc”, cho rằng con người thông qua việc tu thân có thể đạt đến cảnh giới Thiên – Nhân hợp nhất, có thể trực tiếp cảm ứng tương thông với Đại Đạo, cảm ứng với Thần. Nho gia giảng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khổng Tử đề xuất dùng Thận độc (cẩn thận ngay cả khi ở một mình) để tự đánh giá hành vi, suy nghĩ của bản thân. Con người cần có chí hướng lớn lao cao xa, tạo dựng nhân cách cao thượng “tòng tâm sở dục” (tùy theo ý muốn của cái tâm), quang minh lỗi lạc, mà lại “bất du củ” (không vượt ra ngoài phép tắc) (Luận ngữ – Vi chính). Chu Hy cũng đề xuất: người quân tử cần phải có thái độ đoan chính “tâm chính, ý thành”. Đạo gia giảng phản bổn quy chân, tu thành Chân nhân. Phật gia tu thiện, đạt đến cảnh giới của Phật.
Văn hóa truyền thống coi trọng tinh thần nhân ái, người quân tử nhân đức thuận Thiên tri mệnh, an bần lạc Đạo, đối với bản thân thì yêu cầu nghiêm khắc và toàn diện, đối với người khác thì khoan dung và giản ước. Văn hóa truyền thống yêu cầu mọi người phải nghĩ cho người khác, đối xử tốt và giúp đỡ người khác. Như Lão Tử đề xuất: “Thượng thiện nhược thủy” (Cái thiện cao nhất giống như nước), đề xướng hành vi tuân theo Đạo, hành động theo lý, dẫn dắt theo thế, hợp với tự nhiên, khiêm tốn, yên tĩnh, ở chỗ thấp, khoan dung như biển cả. Khổng Tử đề xuất “Nhân đức là yêu thương người”, “yêu thương rộng khắp”, cho rằng nên yêu thương hết thảy mọi người, không phân biệt xa gần, thân sơ. Sách “Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng” viết: “Người quân tử không việc gì lớn hơn là thiện với người khác”, ý nghĩa là đức hạnh tối cao của người quân tử là ở chỗ “chí thiện”.
Trong văn hóa truyền thống, tinh thần và ý thức Đạo thống của Nho gia giúp khắp thiên hạ, của Phật gia đại từ đại bi, đã ảnh hưởng sâu sắc đến người phương Đông hết đời này đến đời khác. Mọi người coi việc truy cầu chân lý và đạo đức là quan trọng hơn hết thảy, luôn luôn kiên trì nguyên tắc của mình, trong bất kỳ tình huống nào cũng quyết không dao động. Trang Tử nói: “Đạt đến tận cùng của con người tức là Thần vậy. Đầm lớn đốt mà không nóng, sông lớn đông mà không lạnh, sét nhanh phá núi, gió nổi rung biển mà không kinh”.
Hàng trăm hàng nghìn năm nay, đức hạnh tốt đẹp của vô số chí sĩ nhân đức đã được truyền tụng rộng rãi: Đào Uyên Minh không khom lưng vì 5 đấu gạo; Gia Cát Lượng tiên tri biết trước sự việc; Nhạc Phi tinh trung báo quốc; Lục Du lo cho nước lo cho dân… có thể nói là nhiều không kể xiết. Những người này siêu vượt được mất cá nhân, không vui vì được, không buồn vì mất, hoặc một thân chính khí, hoặc hai tay gió mát, hoặc thỉnh mệnh cho dân, hoặc tinh trung báo quốc. Chính khí hạo nhiên của họ rực rỡ sử sách, chiếu sáng ngàn thu.
Văn hóa là do Thần truyền, con người là do Thần tạo ra, trung tâm của tín ngưỡng và chính tín truyền thống là dạy con người hướng thiện, tôn chỉ là làm theo quy luật vũ trụ, đạt đến sự hài hòa giữa con người và vũ trụ. Mục đích và ý nghĩa của văn hóa Thần truyền là ở chỗ dẫn dắt mọi người dùng tiêu chuẩn đạo đức đánh giá hết thảy sự vật, dùng thái độ chính xác để nhận thức những vấn đề có tính nguyên tắc như Thiện và Ác, Chính và Tà, khích lệ con người truy cầu chân lý, khiến sinh mệnh tự ngã chân chính có tương lai tốt đẹp. Quy phạm đạo đức chính thống và sự rộng lớn tinh sâu của văn hóa truyền thống cũng hàm chứa sứ mệnh Thần Thánh lớn lao cao xa hơn mà lịch sử đã trao cho nó.
Đăng lại có chỉnh sửa từ “Phục hưng văn hóa Thần truyền, cảm ngộ ý nghĩa văn hóa”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Trí Chân
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Văn hóa Thần truyền Đạo gia Phật gia Nho gia