Hồi ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui buồn của một phận người sau khi cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào những mục tiêu chính trị và không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một quá khứ đã lùi sâu nửa thế kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với một tâm thế như vậy, bình tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình…
Câu chuyện xảy ra vào những ngày trước cái tết xa nhà đầu tiên của lũ chúng tôi, một cái tết mà ai nấy cũng biết là sẽ rất đau buồn. Bữa nọ, cụ Phạm Trọng Nhân (đã giới thiệu trong một bài trước) lục đâu ra một vở kịch thơ có nhan đề Chiến Sĩ Triều Trần và nuôi ý định tổ chức trình diễn tác phẩm này.
Hai nhân vật chính trong tác phẩm là vị tướng Trần Bình Trọng của nhà Trần bị giặc Nguyên-Mông bắt giữ và cô công chúa Mông cổ được giao nhiệm vụ dụ hàng ông. Vai cô công chúa phải có mặt xuyên suốt vở kịch và ngâm thơ từ đầu đến cuối. Bên cạnh hai nhân vật chính này còn có nhân vật tướng Mông cổ, anh lính hầu tướng Mông cổ và cô a hoàn của công chúa Mông cổ.
Sau khi tham khảo bạn bè, cụ Nhân nhất trí giao vai Trần Bình Trọng cho anh Dorohiem, người Chăm, em ruột anh Đỗ Hải Minh, học khóa 11 QGHC, chức vụ cuối cùng là Giám Đốc tại Bộ Phát triển sắc tộc. Còn vai công chúa Mông cổ thì cụ chỉ sang tôi, vì hai lẽ:
– Tôi là 1 trong 5 giọng ngâm thơ của nhà 2. Thành thực mà nói, tôi ngâm thơ… khá dở, song đọc thơ hay ngâm theo kiểu thoại trong kịch thơ thì giọng nhấn nhá của tôi lại khá mượt mà.
– Anh Nguyễn Cao Quyền, nguyên đại tá Nha Quân Pháp, Cố vấn ngoại giao tòa đại sứ VN tại Pháp, thành viên cùng tổ ngoại giao với cụ Nhân, người sẽ phụ trách việc tạo trang phục và trang điểm trong vở kịch, cho rằng gương mặt tôi phù hợp với hóa trang nữ, nói vui theo ngôn ngữ hiện đại là “chuyển đổi giới tính”.
Thế rồi, cuối cùng tôi bị ép phải “chuyển đổi giới tính”.
Ngoài đời, tôi vốn thuộc thơ rất nhanh, và nhớ lâu nữa, nên chỉ trong một thời gian ngắn, tôi nhập tâm toàn bộ phần đối thoại bằng thơ của mình trong vở kịch. Chàng Dorohiem Trần Bình Trọng lại khá vất vả với vai của anh, anh bị vấp váp thường xuyên, nên vào các buổi trưa và buổi tối, trong lúc mọi người nghỉ ngơi, anh ra khu vườn vắng ôn tập một mình.
Vai viên tướng Mông cổ phù hợp với anh Nguyễn Đình Xướng, người cao to, nước da rám nắng.
Trong một status cách đây khá lâu, tôi có bài tường thuật chi tiết về chuyện trình diễn vở kịch này, một vài trang ngoài nước cũng có đăng lại, nay chỉ xin nhắc mấy nét chính. Anh Nguyễn Cao Quyền từng là Chánh thẩm Tòa án quân sự mặt trận (xử bắn Tạ Vinh), nhưng lại là người rất có tư chất nghệ sĩ. Anh không giỏi chữ Hán, song lại viết chữ Hán rất đẹp. Anh tạo cho các bộ trang phục chúng tôi đang mặc những “biến tấu” cho phù hợp với thời xưa, trang điểm cho nhân vật bằng những sáng kiến bất ngờ. Màu hồng là một trong những màu cần thiết, cho son môi, cho má hồng và hàng chục thứ khác, lúc đầu anh lấy gạch xây, mài ra với nước, sau, khi đến gần ngày tết, anh kiếm được nhiều giấy hồng đơn (dùng để viết câu đối), dễ dàng tạo ra màu hồng hơn.
Với bộ nhung phục của nhân vật Trần Bình Trọng, anh có những tờ giấy bạc lót trong bao thuốc lá, tạo những hoa văn có nghệ thuật để không bị lẫn với quần áo của các… đạo tì.
Đêm giao thừa, đội kịch diễn trước cho anh em Nhà 2 xem, có thêm sự chứng kiến của gần 10 học viên nữ, ở nhà riêng, nhưng khi sinh hoạt thì các chị được tách ra, bổ sung vào các nhà nam. Vì chúng tôi tập kịch trong lúc các anh đi lao động, nên khi trình diễn, vở kịch cũng trở thành một bất ngờ thích thú đối với mọi người. Ai cũng tiên đoán rằng trong cuộc trình diễn văn nghệ của toàn trường 15 NV vào đêm mùng 3 tết, vở kịch Chiến Sĩ Triều Trần sẽ đoạt giải nhất.
Cuối cùng thì kết quả đêm văn nghệ chung đã diễn ra đúng như tiên đoán, cụ Phạm Trọng Nhân và những người làm nên vở kịch lịch sử nhận được sự ngợi khen nồng nhiệt của mọi người. Với riêng tui, kể từ đêm diễn đó, mình có thêm một cái tên mới được nhiều bạn bè kêu, gọi, đó là tên “công chúa Mông cổ”. Nó phổ biến đến nổi, sự nghiệp “chuyển đổi giới tính” đeo đẳng mình trong một thời gian dài!
Đêm mùng ba tết đó, khi chương trình văn nghệ đã kết thúc, những hoan lạc nhất thời sớm tan biến, trong cái tĩnh lặng của nửa đêm về sáng, nỗi nhớ gia đình nhói lên, mình không ngủ được, lấy giấy viết một bài thơ dài tặng cụ Nhân, đại ý nhắc lại những gì đã diễn ra trong đêm kịch nhiều kỷ niệm, đặc biệt trong đoạn cuối, mình viết:
Mai này mình sẽ về muôn nẻo,
Vút cánh bằng bay khắp mọi miền,
Chắc hẳn lòng mình luôn nhớ mãi,
Ảnh hình vở kịch buổi tàn niên…
(2.1976)
Đến lúc đó, cũng chỉ mới hơn 6 tháng qua đi, tuổi trẻ vẫn còn hi vọng vào một ngày về gần gũi, đâu biết đến ngày mai sẽ dành cho mình những điều gì.
Mấy tháng sau, nghiệp dĩ “chuyển đổi giới tính” lại một lần nữa tìm đến với mình! Anh bạn K.T.H., thẩm phán ở Mỹ Tho, sáng tác một vở kịch không còn nhớ nhan đề, chỉ với hai nhân vật: cô hàng nước và chàng tráng sĩ qua sông. Anh N.M.Đ., dân biểu, trưởng ban văn nghệ nhà 2, đưa mình xem nội dung, xem xong, mình đề nghị thay vì kịch gồm cả thơ và lời thoại, giờ chuyển hết lời thoại sang thơ, thành một vở kịch thơ hoàn toàn. Tất nhiên là anh Đ. hoan nghênh đề nghị này.
Trưa hôm đó, trong lúc mọi người nghỉ trưa, mình ra vườn rau, làm cái việc “thi hóa” toàn bộ các lời thoại trong vở kịch. Thần may mắn chiếu cố, khi tiếng kẻng báo thức vừa vang lên thì mình cũng vừa viết những dòng thơ cuối cùng.
Xem xong vở kịch, Đ. ngạc nhiên một cách thích thú, mình cũng ngạc nhiên về sự mau mắn của mình.
Vở kịch thơ chỉ diễn cho nội bộ nhà 2 xem, và mình cũng làm tròn vai trò cô hàng nước. Nhưng như thế chưa phải đã xong. Vin vào chuyện mình chuyển thành công lời thoại thành thơ, trưởng ban văn nghệ NMĐ thừa thắng xông lên, nghĩ ra một tiết mục táo bạo trong buổi diễn văn nghệ toàn trường 15 NV sắp tới. Đó là tiết mục toàn nhà 2 gần 300 người sẽ đồng ca ba bản nhạc đỏ: Ca ngợi Hồ chủ tịch, Như có Bác trong ngày đại thắng, và Kết đoàn. Không chỉ có thế, Đ. thuyết phục mình soạn ra ba bài thơ mở đầu cho ba bản nhạc đó.
Mình cũng “thừa thắng xông lên” như Đ., không để anh phải nài nỉ nhiều, hai ngày sau giao cho anh 3 bài thơ, mỗi bài có hai khổ.
Đêm văn nghệ toàn trường, mọi người ngạc nhiên trước hơn 200 con người dàn hàng ngang đồng ca 3 bản nhạc dưới bàn tay điều khiển điêu luyện của dân biểu NMĐ, một người có nhạc lý rất vững, và bắt giọng cũng như bắt nhịp rất chuyên nghiệp. Về việc ngâm các bài thơ trước mỗi bản nhạc, nhà trưởng nhà 2 NVNg đảm trách. Anh Ng. là dân biểu, người Huế, và là một trong những người ngâm thơ có giọng Huế hay nhất mà mình từng nghe.
Sau hai sự kiện tạm gọi là thành công, trưởng ban văn nghệ nhà 2 NMĐ cảm thấy “gắn bó” với mình hơn, song không ngờ lần kế tiếp lại đánh dấu một… tan vỡ!
Chiều hôm đó, mình đang ngủ trưa muộn, Đ. bỗng đến lay mình dậy. Ngồi lên, dụi mắt, thấy Đ. dúi cho mình hai trang giấy chi chít những dấu ký âm âm nhạc, nhờ mình viết lời cho bản nhạc anh vừa soạn. Ôi trời, mình có làm việc này bao giờ đâu, vừa bực bội vì bị phá giấc ngủ, mình từ chối một cách khá thẳng thừng. Đ. không ngờ bị phản ứng như vậy, anh quay đầu đi thẳng và giận mình luôn từ hôm ấy. Và cũng không ngờ sự giận dỗi này dẫn đến một bất lợi khá lớn đối với mình, chuyện này sẽ xin kể tiếp ở kỳ sau.
Lê Nguyễn
13.4.2024
Đăng lại từ Facebook Lê Nguyễn
Đăng tải theo sự cho phép của tác giả
Kỳ sau: Sau một năm, số phận đã an bài
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…