Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4.1975 (Kỳ 1)
- Lê Nguyễn
- •
Gần nửa thế kỷ qua, những ngày tháng tư hàng năm bao giờ cũng là thời khoảng mang đến cho nhiều lớp người Việt Nam những kỷ niệm khó quên, nhiều ám ảnh nặng nề của quá khứ. Chúng được mở đầu bằng “Ngày nói dối” (1.4) và kết thúc bằng thời điểm 30.4 làm thay đổi số phận của hàng triệu con người.
Lớp người từng trải qua những ngày tháng tư ấy nay hầu hết đã thuộc về thành phần “thất, bát, cửu thập cổ lai hy”. Một số người đã bị thời gian loại ra khỏi sân khấu cuộc đời, số còn lại, người thì nghễnh ngãng, người phải vật lộn với nhiều căn bệnh mãn tính lăm le vùi dập kiếp người. Một thiểu số còn lưu giữ trong ký ức của mình những hình ảnh cũ trong tâm thế không vui, cũng chẳng buồn, coi như đó là những màn biến ảo, đầy hỷ nộ ái ố, trong một vở trường kịch kéo dài.
Những câu chuyện vụn vặt này được kể ra không phải để trách phiền quá khứ, hay nung nấu thêm những tình cảm đã một thời dằn vặt mỗi con người. Kể lại chúng chỉ để bổ sung vào bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam sau 1975, vì chúng là một phần không thể thiếu của lịch sử.
Tại miền Nam, sau tháng 4.1975, trùng trùng lớp lớp những con người cùng sẻ chia với nhau một số phận, cùng nếm chung với nhau sự cay đắng của kiếp người, nhưng nhiều năm sau, khi trở lại với cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, một cái nhìn riêng rẽ về cuộc sống, và cũng có thể từ đó, nhiều sự phân hóa bắt đầu.
Người kể chuyện hôm nay rất yêu cái chất “Ta về” của một Tô Thùy Yên, coi những gì mình đã trải qua sau tháng 4.1975 là một “kiếp nạn”, trở về gia đình với một tâm trạng tuy có buồn đau nhưng không oán hận cuộc đời.
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Vì thế, hồi ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui buồn của một phận người sau khi cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào những mục tiêu chính trị và không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một quá khứ đã lùi sâu nửa thế kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với một tâm thế như vậy, bình tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình.
I. Bước vào cuộc đời mới
Những ngày sau 30.4.1975, quang cảnh của thành phố Sài Gòn và hầu hết các tỉnh dưới vĩ tuyến 17 đã làm yên lòng những người chiến thắng. Hàng triệu con người từng cầm súng chiến đấu hay điều hành bộ máy cầm quyền cũ chấp nhận sự thay đổi số phận một cách an nhiên, họ rùng rùng đi trình diện đăng ký với mong mỏi làm lại cuộc đời, dù biết rằng sẽ không ít chông gai. Họ tham dự những buổi học ngắn ngày tại địa phương để nắm bắt được ít nhiều quy luật của một xã hội mới, hoặc với những người ở cấp bậc, chức vụ cao hơn, sự tập trung “học tập cải tạo” với thời gian được tin là sẽ kéo dài 10 ngày hay 1 tháng cũng được tuân thủ ngoài sự dự tưởng của nhiều người.
Khoảng thượng tuần tháng 5.1975, mình thơ thẩn trước cổng Bộ Nội vụ cũ, định len lách vào để trình diện đăng ký, cốt có được cái giấy chứng nhận có giá trị duy nhất như một thẻ thông hành. Chạm mặt người bạn đồng môn Nguyễn Văn Thọ, được bạn đưa ra một sáng kiến bất ngờ: bọn mình là Phụ tá Tỉnh trưởng kinh tế (xếp ngang Phó Tỉnh trưởng hành chánh) trong hệ thống của Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo (Phó Thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm Bộ trưởng Canh nông), trình diện chi ở đây, hãy qua Ban quân quản Nông nghiệp (tại Bộ Canh nông cũ) mà trình diện!
Thế là chiếc xe đạp cà tàng đưa hai anh quan chức ngã ngựa chạy cà rịch cà tang qua Bộ Canh nông (cũ) ở đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trình diện với Ban Quân quản Nông nghiệp, lúc bấy giờ còn nằm trong tay các cán bộ tập kết người miền Nam. Trình diện xong, bọn mình được xếp vào thành phần chuyên viên của ông Hảo, được nhận vào làm việc tại văn phòng cũ của ông Hảo chung với Bộ Canh nông, với thu nhập theo quy chế tạm thời lúc bấy giờ:
– Công chức cũ hạng A (Kỹ sư, Đốc sự …): 23.000 đ/tháng
– Công chức cũ hạng B (Cán sự, Tham sự, Thư ký …): 20.000 đ/tháng
– Công chức cũ hạng C (Tùy phái, tài xế …): 17.000 đ/tháng
(Giá tham khảo vào tháng 5.1975: 160.000 đ/ 1 lượng vàng)
Vào thời điểm này, các lớp học tại địa phương kéo dài 3 ngày dành cho hạ sĩ quan và binh sĩ của chế độ cũ được tổ chức khắp nơi; sau 3 ngày, họ “hồ hởi, phấn khởi” (tiếng mới không có tại miền Nam trước tháng 4.1975), cầm tấm giấy chứng nhận đi làm lại cuộc đời.
Khoảng 10.6.1975, Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định ban hành thông cáo yêu cầu đi trình diện tập trung cải tạo các thành phần sau: công chức từ chức vụ Phó Quận, Phó Ty đến Phó Tổng thống, sĩ quan từ cấp Thiếu tá trở lên. Thông cáo ân cần nhắc nhở các đương sự: “mang theo tiền bạc, vật dụng đủ dùng trong một tháng”. Mỗi đương sự phải đóng cho cơ quan tổ chức học tập hơn 13.000 đ là tiền nuôi ăn của một tháng đó.
Khoảng ngày 11 hay 12.6.1975, anh Ba Lộc, Trưởng ban quân quản Nông nghiệp, triệu tập các viên chức cũ thuộc diện tập trung cải tạo với lời nhắc nhở mà người viết bài này vẫn còn nhớ rõ: “các anh nên đi trình diện học tập, vì việc này rất có lợi cho các anh!”
Cái “lợi” đó, trong suy nghĩ của mọi người, chính là cái giấy chứng nhận đã hoàn thành thời gian cải tạo, để có thể tạo dựng lại cuộc đời từ con số không, hoặc tốt hơn nữa, là sự trở lại cơ quan nông nghiệp mình đã từ đó ra đi.
Cũng theo thông cáo trên, thời gian trình diện cải tạo dành cho hai thành phần sĩ quan và viên chức trên là các ngày13,14 và 15.6.1975. Sĩ quan trình diện ở nhiều nơi, riêng thành phần dân sự thì ngày 13 và 14.6 tại trường Gia Long, ngày 15.6 tại trường Trưng vương, gần Thảo cầm viên (Sở thú).
Một sự tình cờ đã chi phối khá nhiều vào lịch trình diện này: ngày 13.6 rơi vào “ngày thứ sáu 13”, một điều kỵ của người Công giáo; còn ngày 14.6 lại là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, người Phật giáo ít ai quên câu: Mùng 5, mười bốn, hăm ba – Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn. Phải chăng sự tình cờ này đã biến ngày 15.6 còn lại thành ngày “ám ảnh” của mọi người?
Mình thì không dị đoan, song vì lưu luyến hai cô con gái còn quá nhỏ (6 và 3 tuổi) nên cũng chờ đến ngày cuối cùng mới đi trình diện.
Sáng ngày hôm ấy, dòng người xếp hàng chờ “nhập trường” Trưng vương trải dài từ cổng Thảo cầm viên đến đường Hồng Thập tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), ban tổ chức cho vào từng nhóm một để còn có thì giờ lập nhiều thủ tục khác ở trường. Tiếng là gọi đến cấp Phó Tổng thống, song trong thành phần trình diện, chỉ có một ông cựu Chủ tịch Hạ viện (Nguyễn Bá Lương) và một ông cựu Chủ tịch Tối cao pháp viện (Trần Minh Tiết), từng là hai nhân vật thứ 4 và thứ 5 của chế độ. Riêng với thành phần dân biểu, nghị sĩ, một số người – tự nhận hoặc được báo chí xếp hạng – thuộc “thành phần thứ ba” như Lý Quý Chung (Chánh Trinh), Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba … thì được miễn đi học, sau đó lại còn được phép phát hành tờ báo Tin Sáng, và chỉ “hoàn thành nhiệm vụ” vào đầu thập niên 1980.
Với các cựu dân biểu, nghị sĩ khác phải đi HTCT, chuyện cũng chưa hết. Họ xoay được từ Ban quân quản Quốc hội một tờ giấy giới thiệu, có lẽ nhằm giúp họ được… vào tù sớm và nhanh hơn, nên trong lúc dòng người xếp hàng có thứ tự đang nôn nóng đợi đến phiên mình thì khoảng một chục ông dân cử ấy từ đâu chen ngang vào, xuất trình tờ giấy giới thiệu cầm trên tay như tấm bùa hộ mệnh.
Sự xuất hiện bất ngờ của đám người bon chen này đã gây ra một phản ứng sôi nổi của đám đông, căng thẳng đến mức mấy cán bộ bảo vệ trẻ xem đây là dịp thử súng tốt nhất. Họ chỉa thẳng mũi súng lên trời, thị uy bằng mấy loạt đạn nhắm vào tàng cây me cổ thụ gần nhất. Một trận mưa lá me rơi lên đầu các sĩ tử, và nếu lúc đó được như bây giờ, đã có smartphone để quay phim hay chụp ảnh, thì đó sẽ là một trong những khung hình đẹp và lãng mạn nhất kể từ tháng 4.1975!
Cuối cùng thì mọi việc cũng êm xuôi. Đại đa số “sĩ tử” được nhập trường Trưng vương, lập thủ tục “nhập học”. Một thiểu số không nhỏ bị từ chối vì trường đã quá đông, mà trời sắp tối, phải lủi thủi trở về nhà trong tâm trạng bất an.
Mà họ có lý khi bất an như vậy! Vì tuy chỉ mới sau hơn một tháng mà chính quyền nhân dân đã hoạt động có hiệu quả. Với tai mắt nhân dân, ngay trong đêm 15.6 đó, hầu hết những người không được cho “nhập trường” đều bị gõ cửa nhà và bị dẫn giải đi, với cái tội “trốn trình diện cải tạo”. Mặc cho đã thanh minh thanh nga với mọi lý do lý trấu, họ bị tống hết vào trại giam Chí Hòa, cung cấp bữa tiệc máu bất ngờ cho đám muỗi đói, để rồi sáng hôm sau, sau khi các cơ quan đều biết rõ về lý do bất khả kháng của họ, họ mới được thả về. Cuối tháng 6, họ được lệnh đi trình diện bổ sung, theo diện HTCT 30 ngày, cùng lúc với các sĩ quan cấp úy, được thông báo phải “mang theo tiền bạc và vật dụng đủ dùng trong 10 ngày”!
Lê Nguyễn
3.4.2024
Đăng lại từ Facebook Lê Nguyễn
Đăng tải theo sự cho phép của tác giả
Kỳ sau: Chuyến xuất hành giữa đêm hôm khuya khoắt
Xem thêm: