Con trẻ học cái tốt 3 năm không đủ, học cái xấu 1 ngày cũng dư

Tục ngữ có câu: “Học cái tốt 3 năm không đủ, học cái xấu một ngày cũng dư”. Chắc hẳn trong quá trình nuôi dưỡng con trẻ trưởng thành, rất nhiều bậc phụ huynh đều lo lắng trẻ sẽ học điều xấu. Vậy cổ nhân đối đãi với vấn đề này như thế nào?

Trong cuốn “Khổng Tử Gia Ngữ” nói rằng:

“Ở với người có phẩm đức cao thượng như được tắm trong ngôi nhà trồng đầy cây Chi Lan (một họ hoa Lan). Ở lâu sẽ không ngửi thấy mùi hương của nó, phẩm cách và đức hạnh cũng được thấm đẫm mà trở nên cao thượng. Ở với người có phẩm hạnh thấp hèn, như bước vào chợ cá. Lâu ngày sẽ không ngửi thấy mùi xú uế của nó. Bởi vì con người cũng bị đồng hoá trở nên bại hoại và thấp kém rồi. ”

Ảnh hưởng của hoàn cảnh đối với con người là rất lớn. Đặc biệt là việc gợi mở giáo dục đối với trẻ nhỏ, những người bạn kết giao và hoàn cảnh cư trú sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đạo đức của con người. Bởi lẽ trẻ nhỏ có khả năng mô phỏng rất mạnh, ngây thơ như một trang giấy trắng, và chưa hình thành được các giá trị đạo đức thiện ác thị phi. Tiếp xúc với với người nào thì tự nhiên sẽ có thể mô phỏng ngôn hành và cử chỉ của người ấy.

Hễ trẻ hình thành thói quen xấu, muốn thay đổi cũng rất khó, giống như câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Cho nên từ xưa cổ nhân đều rất coi trọng việc giáo dục trẻ nhỏ. Chọn bạn hiền thầy tốt cho trẻ nhỏ, chọn hoàn cảnh cư trú có tập quán nhân hậu đã trở thành thường thức và biện pháp thông minh nhất trong giáo dục trẻ nhỏ. Môi trường tốt ở đây không phải là nơi giàu có sung túc, mà là nơi có thể chỉ dạy đạo đức cho con trẻ.

(Tranh minh họa: Vương Thì Mẫn, Minneapolis Institute of Art, Public Domain)

Trong bài thơ “Di Cư” của Đào Nguyên Minh thời Tấn có viết rằng:

Tích dục cư Nam thôn,
Phi vi bốc kỳ trạch.
Văn đa tố tâm nhân,
Lạc dữ số triều tịch.

Tạm dịch nghĩa là:

Xưa muốn ở thôn Nam, không phải vì địa thế tốt. Nghe nói nơi đó nhiều người có tâm thuần khiết, rất hạnh phúc được ở với họ sớm chiều.

Có thể thấy người đọc sách thời xưa đều vô cùng coi trọng việc lựa chọn hoàn cảnh cư trú. Điều họ coi trọng là lòng người, chứ không phải vì nơi đó giàu có hay không, hay thân phận địa vị cao bao nhiêu.

Khổng Tử nói: “Lí nhân vi mỹ. Trạch bất xứ nhân, yên đắc tri?” Nghĩa là trong thôn cư trú có những phong tục nhân hậu, là một việc tốt. Lựa chọn nơi cư trú nhưng lại không lựa chọn nơi có tập tục nhân hậu liệu có được coi là minh trí hay không?

Điều gọi là “nhĩ nhu mục nhiễm”, hay “quen tai quen mắt”, nghĩa là trẻ nhỏ không thể phân biệt được thiện ác và rất dễ bị ảnh hưởng. Do đó, chọn hoàn cảnh sống là điều vô cùng quan trọng. Có một nền tảng tốt, con người mới biết phân biệt thiện ác thị phi.

Sau khi trưởng thành, con trẻ tự nhiên sẽ có thể đối diện được với xã hội và nhân tâm phức tạp mà không dễ dàng thụ nhận những ảnh hưởng không tốt. Thậm chí trẻ có thể làm được việc “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Lúc này con người đã có sự phán đoán chính xác, bản thân cũng hiểu được rằng điều gì nên học, điều gì không nên theo. Cho nên các bậc phụ huynh phải vô cùng chú trọng tới hoàn cảnh và bạn bè kết giao của trẻ thời ấu thơ.

Trước kia mẹ của Mạnh Tử ba lần chuyển nhà chính là vì muốn chọn một nơi có môi trường “nhân nghĩa tốt nhất”, giúp Mạnh Tử được trưởng thành một cách lành mạnh.

Nhà Mạnh Mẫu vốn ở gần nghĩa địa, nên Mạnh Tử nhìn lâu cũng quen mắt. Mạnh Tử thường cùng bạn mình chơi đùa giả xây mộ và tế mộ. Mạnh Mẫu cho rằng như vậy không tốt, bà bèn quyết định chuyển nhà. Bên cạnh ngôi nhà mới lại gần một nơi giết mổ. Mạnh Tử vốn có khả năng bất chước rất nhanh, thế là ông lại học cách mổ lợn, bán thịt với người đồ tể láng giềng. Mạnh Mẫu cảm thấy môi trường này cũng không ổn lắm, bà bèn tiếp tục chuyển nhà. Cuối cùng bà chuyển tới gần Thái Miếu, Mạnh Tử lại học theo lễ nghi của những quan văn ra vào nơi đây. Mạnh Mẫu vô cùng vui mừng, đây mới là nơi đáng để định cư.

Có người nói nghịch cảnh tạo nên con người, từ đó mà phủ định giá trị quan giáo dục của cổ nhân. Nhưng họ không nêu ra được nghịch cảnh có liên quan tới đạo đức hay không. Người trưởng thành khi bị người khác chèn ép, khi phải chịu cảnh đối đãi bất công, vẫn nhẫn nhịn và làm nên thành tựu, vì bản thân họ đã là một người trưởng thành. Một đứa trẻ tuyệt đối không thể làm được việc này.

Cho nên chúng ta nhìn vào tư tưởng của cổ nhân sẽ thấy người xưa coi trọng giáo dục trẻ ngay những ngày đầu thơ bé, nhằm đặt định một căn cơ giáo dục thật tốt. Điểm này thật vô cùng sáng suốt.

Dẫu là người đã trưởng thành cũng cần cẩn trọng với những môi trường sống nhất định. Đôi khi họ cũng không thể nắm vững hoàn cảnh. Vậy nên dù đã trưởng thành hay chưa con người vẫn đều cần cẩn trọng chọn bạn và môi trường sống. Mối quan hệ giữa người với người vẫn luôn ảnh hưởng tới nhau.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

Thiên Cầm

Published by
Thiên Cầm

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

3 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

4 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

4 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

5 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

6 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

7 giờ ago