Dù lịch sử không ghi chép nhiều về công trạng làm quan của Nguyễn Văn Giao, nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì hiển đạt. Bên cạnh đó, cuộc đời ông cũng là một tấm gương bền chí trau dồi tri thức, nên dù từng bị cấm thi, cuối cùng ông vẫn đỗ Thám hoa.
Theo gia phả tộc họ Nguyễn, vào thời vua Gia Long có ông Nguyễn Danh Học người làng Trung Cần, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn (nay thuộc xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), là thầy thuốc và thầy địa lý, giữ một chức quan ở trong trấn. Đến thời vua Minh Mạng thì ông nghỉ hưu ở nhà dạy con học sách Thánh hiền, được triều đình phong hàm Lục phẩm Hàn lâm viện trước tác.
Ông Danh có người con là Nguyễn Hữu Dực đỗ khoa thi năm 1825, làm quan đến Ngự sử đài.
Người con thứ của ông là Nguyễn Văn Giao học cũng rất giỏi, thi đỗ tú tài khoa thi năm 1831, đến khoa thi năm 1834 thì đỗ cử nhân, nhưng do quyển thi có chữ viết phạm quy nên bị đánh hỏng và chịu án “chung thân bất đắc ứng thí” tức suốt đời không được đi thi.
Nguyễn Văn Giao về quê dạy học suốt 18 năm ròng rã đến tận thời vua Tự Đức. Nghe tiếng của ông, các sĩ tử đến học rất đông.
Dù không được đi thi nhưng Nguyễn Văn Giao vẫn học sách Thánh hiền để làm người tốt, có thiện lương. Theo ông thì Mạnh Tử từng nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ”, nghĩa là “Con đường học vấn chẳng phải là cái gì khác, chỉ là con đường dẫn dắt chúng ta đi tìm cái bản tâm vốn thiện đã bị đánh mất mà thôi”.
Thời gian này ngoài việc dạy học ông còn sáng tác nhiều tác phẩm thơ văn, trong đó có bài “Con cu gáy” thơ nôm thể thất ngôn tứ tuyệt nói lên nỗi lòng của mình:
Hay gù, hay gáy lại hay bay
Lỡ bước sa cơ đến nỗi này
Xin chúa thả lồng cho thử sức
Rồi đây bay bổng chín tầng mây
Bài thơ đến tai vua Tự Đức. Cảm thấy có uẩn khúc, Vua liền cho điều tra rồi quyết định ân xá hủy án cấm thi cho ông.
Năm 1852, Nguyễn Văn Giao tiếp tục lều chõng đi thi để hoàn thành ước nguyện khoa cử của mình. Trong kỳ thi Hương, ông đỗ đầu tức Giải nguyên. Vào thi Hội ông lại đỗ đầu tứ Hội nguyên. Đến kỳ thi Đình ông lại đỗ đầu. Do kỳ thi này không lấy Trạng nguyên hay Bảng nhãn, nên ông đỗ Thám hoa khi đã 42 tuổi.
Đây cũng là một khoa thi đặc biệt khi có đến 2 Thám hóa, người đỗ Thám hoa cùng Nguyễn Văn Giao là Nguyễn Đức Đạt – người làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Trung Cần (nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Theo giai thoại người dân làng Trung Cần thì Nguyễn Văn Giao có tài ứng đối, lại xuất khẩu thành thơ. Sau kỳ thi, Thám hoa Đức Đạt có đến nhà Thám hoa Nguyễn Văn Giao chơi. Lúc này đúng mùa thu hoạch đậu nên nhìn chỗ nào cũng thấy đậu. Ông Đạt liền có hứng thú ra vế đối: “Trong nhà đậu, ngoài sân đậu, cha thi đậu, con thi đậu. Thi vân: Đa đậu thử chi vi dã”.
Nguyễn Văn Giao thấy hàng rào cây dâm bụt đang trổ nhiều hoa, liền đối: “Trên cây hoa, dưới gốc hoa, Bác vinh hoa, tôi thám hoa. Thi viết: Trùng hoa bất diệc nghi hồ”.
Thi đỗ, Nguyễn Văn Giao được bổ nhiệm làm Hàn lâm viện Trước tác nhận chức vụ Hành tẩu ở Nội các. Đến năm 1855 ông được thăng làm Hàn lâm viện Thừa chỉ. Đến năm 1858 ông lại được thăng lên làm Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ kiêm chức Hành tẩu Nội các. Đến năm 1862 ông làm Thị độc học sĩ, vẫn kiêm chức Tham biện Nội các.
Nguyễn Văn Giao đã để lại nhiều tác phẩm đồ sộ có giá trị, một số vẫn còn được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
Trần Hưng
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…