Nha Trang: Chuyện lấy tên sông đặt cho tên thành phố

Cầu Xóm Bóng Nha Trang. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Có nhiều người cạn nghĩ hễ nghe nói là tin, tin rằng Nha Trang do hai chữ “Nhà Trắng” mà ra. Sự thật không phải thế.

Nha Trang là do tiếng Chàm Ya Tran mà ra. Ya là nước, là sông; Tran nghĩa là cây lau, cây sậy. Ya Tran nghĩa là sông lau. Vì con sông Cái chạy từ Diên Khánh xuống đến biển, mọc đầy lau lách ở hai bên bờ nên người Chàm gọi là Ya Tran. Sau khi đất Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam thì người Việt phiên âm chữ Ya Tran ra Nha Trang để gọi con sông Cái chạy từ Diên Khánh đến biển.

Như thế, Nha Trang là tên sông. Vì sao tên sông lại trở thành tên thành phố?

Xin đáp:

Phần đất Khánh Hòa ngày nay, khi còn thuộc về người Chiêm Thành tức là người Chàm thì gọi là Cù Huân (Kaut Hara). Ðất Cù Huân sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 18, thời Chúa Nguyễn, Chúa Nguyễn đổi tên đất Cù Huân thành dinh Bình Khang, sau đổi là Bình Hòa. Dinh Bình Hòa chia làm 2 phía là phủ Ninh Hòa và phủ Diên Khánh. Dinh quan Tổng trấn Bình Hòa đóng tại Ninh Hòa. Hậu bán thế kỷ thứ XVIII dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn và Trần Quang Diệu vào làm Tổng trấn, nhận thấy Ninh Hòa không thể dụng binh, bèn dời dinh vào Diên Khánh. Ðể trấn giữ quân Chúa Nguyễn ở phía Nam, Trần Quang Diệu bèn xây thành đắp lũy kiên cố nơi đóng binh và gọi là Diên Khánh thành.

Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy được thành Diên Khánh, và cử tướng Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bình Hòa. Nguyễn Văn Thành cho xây đắp lại thành Diên Khánh, và lấy tên Nha Trang của con sông Cái mà đặt tên cho thành là Nha Trang thành.

Ðến triều Minh Mạng (1820-1840) dinh Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Thành Nha Trang được xây lại theo kiểu Vauban và bỏ tên Nha Trang lấy lại tên Diên Khánh: Diên Khánh thành.

Sau khi thực dân Pháp chiếm được toàn cõi Việt Nam nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng, thì đặt cơ quan cai trị tại miền Duyên Hải và lấy hai chữ Nha Trang mà đặt tên cho địa phận đóng cơ quan cai trị tức là thành phố Nha Trang hiện thời. Như thế là thành phố Nha Trang đã lấy tên sông, nhưng không phải lấy trực tiếp mà lấy qua thành Diên Khánh. Có người không đi sâu vào bối cảnh lịch sử, thấy sông Nha Trang chảy qua thành phố Nha Trang thì bảo sông mang tên thành phố.

Ðể chứng minh cho những điều trình bày trên đây, tôi xin trích vài ba câu thơ cổ còn lưu truyền:

Ðại Lãnh văn viên, cô nguyệt hạ,
Nha Trang xạ hổ loạn vân gian.

Nghĩa là:

Lắng vượn trăng mờ đêm Ðại Lãnh,
Bắn hùm mây loạn núi Nha Trang.

Nha Trang đây là thành Nha Trang ở Diên Khánh chớ không phải là thành phố Nha Trang. Bởi vì thành phố Nha Trang mới bắt đầu xây dựng sau ngày thực dân Pháp đặt nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam dưới triều Ðồng Khánh (1885-1888). Còn câu thơ này làm vào khoảng cuối triều Tự Ðức (1848-1883 ). Ðó là câu thơ của Nguyễn Tư Giản làm quan ở triều đình Huế tặng Nguyễn Thông làm Án sát tỉnh Khánh Hòa, dưới triều Nguyễn vẫn gọi là Khánh Hòa là Nha Trang thành:

Lưỡng ngạn lô hoa trường đáo hải,
Tứ biên hoàng diệp tổng vi thu.

Nghĩa là:

Trắng ngập đôi bờ lau xuống biển,
Vàng bay bốn mặt lá gieo thu.

Ðó là câu thơ của nhà chí sĩ Trần Quý Cáp đã làm năm 1905, lúc cùng hai bạn đồng chí là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Chu Trinh đi cổ động cho phong trào Ðông du của chí sĩ Phan Bội Châu ghé ngang qua Nha Trang. Trong câu thơ không có chữ Nha Trang nhưng câu “Lưỡng ngạn lô hoa trường đáo hải” cho chúng ta biết đó là sông Nha Trang. Bởi “Lưỡng ngạn lô hoa” nghĩa là “hai bên bờ sông hoa lau”, mà “sông lau” tức là sông Nha Trang. Câu đó cũng cho chúng ta thấy rằng mãi đến thời thực dân phong kiến Nha Trang vẫn còn đầy lau lách ở hai bên bờ.

Như thế thì hai chữ Nha Trang quả là tên con sông Cái đã có từ xưa. Rồi tên sông lấy đặt tên cho thành, rồi tên thành lấy đặt tên cho thành phố, rồi thành phố và sông đều mang chung một tên.

Con sông Nha Trang đã đi vào lịch sử và đã vào văn chương, chẳng những văn chương chữ Hán mà cả văn chương chữ Việt. Xin cử một bài chữ Việt:

Sông Nha Trang,
Cát vàng sóng lục
Nhởn nhơ con cá đục
Lội dọc lội ngang…
Ðã nguyền cùng em giữ dạ đá vàng,
Sao anh nỡ ham tách cà phê đen, ly sữa bò trắng
Mà phụ phàng nước non?!
Bớ anh ơi,
Nét bia Hòn Chữ chưa mòn.
Lưỡi gươm rửa hận hãy còn mài trăng.

Quách Tấn
NT, 9 -1990

Trích cuốn Xứ Trầm Hương
“Nha Trang là tên sông lấy đặt cho thành phố hay là tên thành phố dùng làm tên sông”

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video:

Quách Tấn

Published by
Quách Tấn

Recent Posts

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

8 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

45 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

1 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago