Làng Vạc (nay là làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) là ngôi làng văn vật nổi tiếng, làng có 7 người đỗ đại khoa, trong đó họ Nhữ có đến 5 người, nổi bật nhất chính là Nhữ Đình Toản, vị tiến sĩ làm quan đến cực phẩm cả văn lẫn võ.
Thủy tổ họ Nhữ là tiến sĩ Nhữ Văn Lan ở làng An Tử Hạ huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc TP Hải Phòng). Đến đời thứ 7 có ông Nhữ Tiến Dụng mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, được ông bà ngoại đưa về làng Vạc, thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1664. Con ông là Nhữ Đình Hiền học rất giỏi, thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1680.
Nhữ Đình Hiền có người con trai là Nhữ Đình Toản sinh năm 1703, tên húy là Ban, tự là Thượng Chân. Trong bài ký “Nhữ Thượng Chân đường xuất thân”, ông hồi tưởng: “Tôi 5 tuổi đã thích chơi bút nghiên, cha tôi thấy vậy khiến tôi đọc sách, 7 tuổi tôi đã cùng các anh làm văn, viết đối nhiều lần được khen thưởng, phê bằng bốn chữ lớn: Khả vọng cao khoa (có hy vọng đỗ cao)”.
Năm 18 tuổi Nhữ Đình Toản làm văn mắc lỗi (tiếc rằng không có tài liệu nào nói mắc lỗi gì, có thể là phạm húy) nên đến 26 tuổi mới được đi thi, dù thế bài văn ấy cũng khiến ông nổi tiếng. “Lịch Triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú chép rằng: “Đình Toản lúc trẻ đã thông minh, việc học hỏi sẵn nếp nhà. Năm 18 tuổi vì văn mắc lỗi, rồi vì đó được nổi tiếng”.
Năm 26 tuổi ông đi thi Hương và đỗ cao thứ hai tức Á nguyên, được tập ấm làm Tự thừa. Đến khoa thi năm 1736 thời vua Lê Ý Tông, Nhữ Đình Toản vượt qua tứ trường kỳ thi Hội và đỗ đầu tức Hội nguyên, vào Điện thí ông đỗ tiến sĩ.
Giai đoạn Nhữ Đình Toản mới làm quan là thời kỳ chúa Trịnh Giang cầm quyền, hoạn quan chi phối Triều chính. Trịnh Giang chỉ lo ăn chơi xa xỉ, bắt dân phục vụ, xây dựng rất nhiều công trình, dân chúng đói khổ nổi lên như ong.
Năm 1740, chúa Trịnh Doanh lên ngôi với nhiều thay đổi, Nhữ Đình Toản nhận lệnh cầm quân dẹp các cuộc khởi nghĩa và loạn đảng mà Triều đình trước đó không trị được. Ông cầm quân đến các nơi, chỗ thì đánh dẹp, chỗ thì thu phục, dẹp yên các cuộc nổi dậy khi đó.
Ông làm rất tốt trọng trách của mình, lại lập nhiều công lao, được Chúa tin tưởng, năm 1745 được phong làm Tham tụng (chức quan đầu Triều tương đương Tể tướng), tước Trạch Bá hầu.
Năm 1751, Nhữ Đình Toản được tham gia hiệu đính sách Bách khoa chức chưởng. Ông cho rằng văn chương rườm rà, vụn vặt mất đi tính thuần hậu, vì vậy kiến nghị khôi phục nếp văn chương như thời Hồng Đức trước đây, bỏ đi lối viết vụn vặt, dùng lời văn giản dị. Ý kiến của ông được chấp thuận, được giới Nho học ca ngợi.
Về sự kiện này cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép lại rằng:
Khoảng năm Chính Hòa bàn khôi phục lại thể văn đời Hồng Đức, Vũ Thạnh và Ngô Vi Thực kế tiếp nhau đứng ra chấn chỉnh, nhưng chung quy cũng không sao bỏ được lối văn trước.
Đến nay, thi lại, bọn Ngô Đình Oánh ra đầu bài văn sách, lại chia ra hỏi về nhiều mục, Nhữ Đình Toản không ưa, bèn xin chỉ chuẩn ấn định: Văn sách về cổ văn thì hỏi đại lược việc phải việc trái; về kim văn thì hỏi công việc hiện thời. Thi Hương, thi Hội và thi Đình đều theo thể văn đời Hồng Đức. Trịnh Doanh y theo.
Cũng trong năm nàỳ, vâng mệnh chúa Trịnh Doanh, Nhữ Đình Toản tham khảo điển lễ các Triều trước, soạn ra 9 điều áp dụng cho các tướng phủ, sắp đặt phẩm chức.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép rằng
Tháng 6, chấn chỉnh chức trách các quan giữ việc chính trị. Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước gần được bình định, cần phải chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trị bèn hạ lệnh cho tham tụng Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ các triều, xếp đặt quan chức phẩm trật thành từng loại, gọi là “Tấn thân thực lục”.
Sau này khi về già, Nhữ Đình Toản muốn rời xa quyền thế, nên chuyển sang quan võ. Năm 1762, ông chuyển sang giữ chức quản lãnh quân cấm vệ, sau thăng đến Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Quyền Phủ sự đồng dự chính vụ, tước Trung Phái hầu.
Làm cả quan văn lẫn võ, ông trở thành trụ cột không thể thay thế của Triều đình. Vua Lê Hiển Tông khen tặng ông rằng:
“Cây cả nối dấu thơm, trải ba đời tiếng tăm lừng lẫy một mình ông kiêm cả “tác và thuật”; Gốc cam đường rủ bóng, hơn trăm năm mà chính tích như mới, trẫm còn nhớ muôn miệng ngợi khen”
(“Lịch Triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú).
Năm 1771 Nhữ Đình Toản 69 tuổi, ông xin nghỉ hưu, Vua ban cho ông lá cờ thêu:
Văn Tiến sĩ, Võ Quận Công, triều trung hiển hoạn
Quốc trung thần, gia hiếu tử, thiên hạ hoàn danh
Dịch nghĩa:
Văn Tiến sĩ, Võ Quận Công, triều đình quan lớn
Nước trung thần, nhà hiếu tử, thiên hạ nổi danh
Nhữ Đình Toản văn võ song toàn, làm quan đến cực phẩm cả ban văn lẫn ban võ, hơn 10 năm ở ngôi tể phụ, được xem là bậc danh thần hiếm có. Con trai ông là Nhữ Công Chân đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1772, làm quan đến Hàn lâm thị chế, Hữu thị lang bộ Lễ.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…