Dòng họ Phạm ở làng Si, xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào, Vụ Bản, Nam Định) là dòng họ danh gia vọng tộc, đời đời đều có người làm quan và được ban tước. Đây cũng là nơi sinh xuất Tể tướng Phạm Đình Kính thời nhà Lê.
Họ Phạm làng Si bắt đầu từ Phạm Phúc Quảng. Ông là một vị tướng đóng quân ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, có công giữ yên biên giới phía nam. Lại có công chiêu dân lập ấp vùng Ma Linh (nay là Minh Linh thuộc phía bắc Quảng Trị). Vì có công lao lớn nên ông được phong làm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Lễ bộ Tả thị lang Cẩm phú hầu.
Phạm Phúc Quảng có người con trai là Phạm Thuần Hậu làm Thừa chính sứ Lạng Sơn, có công lao giúp dân nơi dây ổn định làm nông, mở trường khuyến học. Do có công nên ông được phong làm Kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ Tả thị lang, Trinh Nghĩa hầu.
Khi có tuổi về hưu, quay lại làng, Phạm Thuần Hậu cho người đến Lạng Sơn học nghề cót rồi về dạy lại cho dân làng mình.
Năm 1683, vợ chồng Phạm Thuần Hậu sinh được người con trai. Sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” của tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh thời nhà Nguyễn có ghi chép rằng: “Ông là người xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, trước khi ra đời thân phụ, thân mẫu mơ thấy có ông già cho một cái gương; đến giờ Tý ngày 16 tháng 1 năm Quý Hợi (1683) La phu nhân sinh ra ông, thân phụ bèn đặt tên cho là Kim Kính (gương sáng)”.
Lớn lên trong gia đình trâm anh thế phiệt, cha và ông đều được phong Hầu, nhưng Phạm Kim Kính rất khiêm tốn, không cậy gia thế, mà siêng năng học hành theo con đường khoa bảng.
Thấy con ham học, ông Phạm Thuần Hậu tìm đón thầy giỏi về dạy con trai. Phạm Kim Kính siêng học, đọc biết nhiều chuyện trong dân gian, lại thích làm thơ. Năm 20 tuổi Phạm Kim Kính dự khoa thi và đỗ kỳ thi Hương tức Hương cống.
Năm 1703, Triều đình mở kỳ thi Sĩ vọng nhằm tuyển chọn người có danh vọng trong giới sĩ phu. Phạm Kim Kính tham dự và thi đỗ, được bổ nhiệm làm Tri phủ Nghĩa Hưng.
Ông cùng dân mở rộng lòng sông Vĩnh để tàu thuyền dễ đi lại, đồng thời lấy nước tưới tiêu đồng ruộng, lại cùng dân khai phá vùng biển Nghĩa Hưng.
Khoa thi năm 1710, Phạm Kim Kính dự thi và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Làm quan, Phạm Kim Kính lấy tên mới là Phạm Đình Kính.
Năm 1723 Phạm Đình Kính được cử làm phó sứ sang nhà Thanh mừng vua Ung Chính lên ngôi. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép lại rằng: “Sai sứ sang nhà Thanh. Chính sứ là Phạm Khiêm Ích, sang mừng vua Thanh mới lên ngôi, Phó sứ là bọn Nguyễn Huy Nhuận, Phạm Đình Kính”.
Chuyến đi sứ kéo dài đến 3 năm, đoàn sứ làm rất tốt công việc bang giao. Khi trở về vua Thanh cấp thuyền bè, lại gửi tặng vua Lê 4 chữ “Nhật Nam tế độ” (Đời đời nối ngôi vua ở nước Nam) và 3 bộ sách quý.
Các chánh sứ và phó sứ cũng được ban tặng biển vàng, Phạm Đình Kính được ban tặng biển “Vạn thế vĩnh lại” (Muôn đời được nhờ). Khi về nước ông lấy hai chữ “Vĩnh Lại” thay thế cho tên xã Cổ Sư ở quê nhà, từ đó xã Cổ Sư có tên mới là Vĩnh Lại.
Sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” có ghi chép lại rằng:
“Ông làm quan Lễ bộ Thượng thư, đi sứ nước Thanh đưa lễ chúc mừng vua Thanh Thế Tông lên ngôi. Ông ứng đối trôi chảy, từng có bạn thân ở Thanh triều, được vua Thanh ban biển vàng có chữ: “Vạn thế vĩnh lại”. Nhân thế ông bèn đổi Cổ Sư ra Vĩnh Lại rồi mở chợ dạy nghề đan cót, bắc cầu sửa chùa giúp dân nghèo khó, khuyên đào giếng lấy nước ăn”.
Sau này bàn luận công trạng đi sứ, Phạm Đình Kính được phong chức Hữu thị lang bộ Binh, tước Lại khê hầu.
Đến năm 1733, nhận thấy Phạm Đình Kính có nhiều công lao, Triều đình thăng cho ông làm Binh bộ Thượng thư rồi Tham tụng kiêm Đông các đại học sĩ Nhập thị kinh diên, được gần gũi bàn việc cơ mật với vua chúa. Tham tụng là chức quan đầu triều tương đương Tể tướng.
Làm quan to đầu triều, Pham Đình Kính dâng lên nhiều kế sách ích nước lợi dân, phát triển kinh tế, chỉnh đốn quân đội, mở rộng bang giao với nước ngoài. Thế nhưng vua Lê và chúa Trịnh không thực hiện các kế sách này. Chán nản, ông lấy cớ tuổi già sức yếu xin nghỉ hưu.
Trở về quê nhà, ông quan tâm mở mang nghề cót, lại cho mở rộng chợ Si, rồi mở thêm chợ Gôi thành chợ lớn của huyện, không khí buôn bán tấp nập, nghề thủ công phát triển.
Dinh thự của ông nằm dọc theo sông Hạ Vạn, ngoài phòng để ở còn có nơi để dân đến lấy nứa, giao cót, thanh toán tiền, lại có phòng ốc dạy học. Ông duy trì trường học ngay trong dinh của mình.
Con cháu ông nhiều người đỗ đạt làm quan, một số người thì dạy học. Từ sau đời ông, dòng họ có 1 Quận công, 4 tước Hầu, 2 tước Bá, 4 người được phong Phúc Thần.
Dòng họ Phạm ở làng Si trở thành danh gia vọng tộc, nhưng từ đời trước truyền lại mà con cháu đời sau có lòng nhân ái, giúp kẻ nghèo khó hoạn nạn.
Tiến sĩ Phạm Đình Kính mất năm 1787, vua Lê Ý Tông truy tặng ông hàm Thiếu bảo, phong làm Phúc Thần xã Vĩnh Lại. Mộ ông được đặt tại lăng Vân Dương phía tây làng. Ông được thờ tại đền Vĩnh Lại, phối thờ các vị Phúc Thần khác là ông nội, con và cháu trai ông.
Người bạn đỗ cùng khoa với ông là Phạm Khiêm Ích có bài thơ Nôm về ông rằng:
Mấy người quan cách lại như ông
Biết cảnh dân cùng nỗi khổ chung
Lương thiện lấy đâu cơm áo đủ
Thấp hèn nào được sử kinh thông
Bào đỏ xênh xang người thẹn bóng
Lầu cao chót vót bước xem ngông
Tâu vua chẳng xét than đời loạn
Về với quê hương chốn ruộng đồng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…