Sài Gòn xưa và nay gặp nhau, một cách hoài niệm rất khác về Sài Gòn…
Kể từ khi trào lưu Dear Photograph xuất hiện, nó đã thu hút khá nhiều sự thích thú và hưởng ứng của người yêu thích chụp ảnh. Các bức ảnh thể loại này không khó để tạo ra: in ra bức ảnh cũ, tìm đến đúng địa điểm đó trong hiện tại và chụp bức ảnh trong khung cảnh đương đại.
Không màu mè, không cần biết nhiều về nhiếp ảnh, những bức ảnh thể loại này bản thân chúng đã nói lên câu chuyện: sự thay màu của thời gian, sự thay đổi của thế giới, hoài niệm về người xưa, nơi chốn xưa… tạo cho người xem nhiều cảm xúc đa dạng.
Bộ ảnh về Sài Gòn xưa và nay dưới đây không phải dự án nghiên cứu lịch sử, mà chỉ nhằm tạo cảm hứng về những hình ảnh xưa của “hòn ngọc Viễn Đông” mà nay đã ít thấy hoặc không còn nữa. Tuy như vậy, tác giả cũng cố gắng hết sức sao cho nơi chốn tái hiện được chính xác nhất.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, không chỉ ở bản thân sự mới và cũ trong hình ảnh, mà còn là quá trình đi tìm lại lịch sử và thực hiện bộ ảnh này.
Do có kiến trúc khá kỳ lạ, Hồ Con Rùa được gắn với giai thoại trấn yểm long mạch của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. Đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ. Dù con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen cách gọi cũ.
Nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1. Hàng me đặc trưng và xanh rì của con đường đã in sâu vào ký ức của nhiều thế hệ người dân Sài Gòn. Dựa vào công trình ở phía bên phải bức ảnh cũ, tác giả suy đoán đây là vị trí của Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong hiện tại.
Trước năm 1975, công viên Chi Lăng, đối diện chung cư Catinat thường được giới nhà giàu, văn nghệ sĩ thuê. Hiện nay công viên này được “bao bọc” bởi các chung tâm thương mại cao cấp.
Trong ảnh cũ là các phụ nữ mặc áo dài tại góc đường Lê Lợi – Phan Bội Châu (bên hông Chợ Bến Thành) năm 1964. Hiện nay đây vẫn là khu vực sầm uất đầy các cửa hiệu và khách du lịch.
Đường Nguyễn Huệ năm 1966 có dải phân cách khá lớn và một vài quầy bán hàng rong. Hiện nay khu vực này đã biến thành phố đi bộ.
Nơi này sau năm 1975 đã đổi tên thành sau rạp Cầu Bông, giờ là quán billiard, cafe trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Nơi này ngày nay được đổi tên thành góc Hai Bà Trưng – Võ Thị Sáu. Xa xa nơi có nhiều mảng xanh là công viên Lê Văn Tám, xưa là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Trường La San Taberd được thành lập từ thời Pháp thuộc, có công và thanh danh lớn trong việc đào tạo nhân tài trong xứ thời bấy giờ, nay là trường Trần Đại Nghĩa. Cây cối, phòng học và ngay cả cột bóng rổ đều không khác nhiều so với xưa.
Bức ảnh này suýt đã không được thực hiện. Nhờ có dòng chữ “palace” trên tấm biển hiệu xa xa mà chúng ta xác định được vị trí này là trước khách sạn Continental Palace nổi tiếng (ngày nay đã đổi tên thành Intercontinental). Chiếc áo dài “vạn người mê” vốn là hình ảnh rất quen thuộc và phổ biến của Sài Gòn xưa.
Sài Gòn ngày nay vẫn là một thành phố năng động và nhộn nhịp, mà nếu chỉ thoáng qua sẽ ít ai biết được lịch sử thâm trầm và những câu chuyện của từng địa danh, con đường… Quá trình thực hiện bộ ảnh cũng giúp chúng tôi thêm hiểu và trân trọng những góc phố mà hằng ngày đã quá đỗi thân quen.
Bộ ảnh này được thực hiện chủ yếu bằng nguồn tư liệu thu thập từ internet, nhưng chắc rằng vẫn có nhiều bức ảnh cũ ngoài kia ghi lại những dấu ấn, kỷ niệm vô giá về Sài Gòn. Vì thế, chúng tôi muốn khuyến khích quý bạn đọc, nếu có tấm ảnh nào tâm đắc, hãy tìm hiểu và tự tay chụp một tấm ảnh “quá khứ trong hiện tại” của riêng mình. Đó cũng là một cách để trở nên gắn bó hơn với thành phố này.
Ảnh: Sơn Vũ, Ánh Ngọc
Xem thêm:
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…