Sông với tôi yêu thương thân thiết vô cùng. Đi chăn trâu vào mùa hè ngày nào tôi cũng tắm. Chúng tôi hay tắm ở chỗ cống Chuông chảy ra. Cứ đứng trên mặt đê nhảy xuống dòng nước chảy để nó xối mình trôi tuột ra tận gốc gạo nhà ông Đức phía sông rồi lại lội vào bờ chạy lại nhảy tiếp.

Có khi chúng tôi tắm ở bến Đò Than ở phía trên một chút hoặc tắm ở phía dưới bến Gành nơi ông Phấn, ông Dần hay đánh mìn. Cũng có khi chúng tôi tắm ở Giàn Van, gần Bến Gành, nơi cửa cống lấy nước vào cho trạm bơm. Chúng tôi trèo lên đỉnh Giàn Van, nơi thò lên cái trục điều khiển cánh cống và nhảy xuống. Dễ chừng từ đó xuống mặt nước phải cao đến 5-7m. Nước sông hồi đó trong xanh, tha hồ tắm. Vào mùa lũ, nước chảy cuồn cuộn từ thượng nguồn về kéo theo đủ thứ gỗ mục, lá cây, phù sa nên nước rất đục. Đục thế nhưng chúng tôi vẫn tắm. Chúng tôi bơi cả ra giữa sông để vớt củi, vớt hoa quả từ rừng trôi về. Người làng tôi, xã tôi còn mang thuyền ra vớt củi đen cả mặt sông. Sau khi nước lụt rút đi, những khu ruộng ở ngoài đê và bãi sông, triền sông được phủ bởi một lớp phù sa mịn như bánh đúc và cực mát. Đất ở đó rất tốt, trồng gì cũng xanh non. Bây giờ, nước sông vừa cạn vừa đục đi nhiều. Vào mùa lụt, nước vẫn dâng cao hơn bình thường nhưng không còn củi, gỗ trôi trên sông nữa, cũng không còn chút phù sa nào nữa. Có người bảo do không còn rừng nên những thứ đấy chẳng còn. Người khác lại giải thích rằng do người ta xây đập làm thủy điện ngăn nước ở nhiều nơi nên nó như vậy. Chẳng biết ai đúng, ai sai. Tôi hi vọng có dịp sẽ đi bộ hoặc đi xe đạp từ hạ lưu tới đầu nguồn sông Thương xem ai là người nói đúng.

Hai bờ sông tre mọc dày, thi thoảng điểm một cây gạo, cây sung hoặc cây gáo. Ở bờ bên phía làng tôi, thi thoảng có một khoảng trống lộ ra chứ bên sông tre mọc dày như thành lũy phòng thủ, chỉ hở ra một khoảng chỗ bến đò. Nơi có nhiều cây gạo nhất là đoạn bờ sông giáp làng tôi và làng bến gọi là Làng Đồng. Nhà tôi có một ruộng chuyên trồng lạc ở phía đó vì thế tôi thường đi qua đoạn bờ sông này khi đi trồng lạc, xới lạc và thu hoạch lạc với mẹ.

Mùa xuân hoa gạo ở đây nở đỏ rực nhìn đẹp vô cùng. Chỗ cống Chuông chảy ra cũng có một cây gạo mà chúng tôi quen gọi là cây gạo ông Đức. Cây gạo khá lớn mọc sát mép nước. Mùa xuân cây trổ hoa đỏ rực như lửa cháy. Khi tôi tốt nghiệp đại học, những cây gạo này vẫn còn. Nhưng thật buồn, khi du học trở về tất cả gần như biến mất. Đoạn chỗ làng Đồng cũng chỉ còn một hai cây. Gỗ gạo nấu thì không cháy, lại khói, làm ván thì rất thường, không hiểu sao người ta lại chặt đi những cây gạo ấy. Cây gạo bến Tuần ở xã Hợp Đức ở phía trên cách làng tôi chừng 4-5 cây số cũng bị sét đánh gãy ngọn. Vậy nên, bây giờ, nhắc đến hoa gạo sông Thương người ta thường chỉ biết đến cây Gạo ở Lãng Sơn – Yên Dũng mà thôi. Những người đã từng biết đến vẻ đẹp của hoa gạo sông Thương như tôi tất nhiên là buồn và tiếc nhớ ngày xưa.

Bây giờ, người ta kè đá dọc bờ sông chảy qua làng Bến, làng Sấu tức làng tôi, làng Lãn Tranh và Liên Bộ. Đá và bê tông làm cho đê rất vững chãi. Sẽ không có cảnh cả xã, cả làng nơm nớp lo đê vỡ mỗi đêm mưa lớn như ngày trước. Nhưng sông bây giờ không còn đẹp như xưa nữa. Tre ngày một ít đi. Những cây gạo chỉ còn những cây nhỏ và thưa thớt. Nước sông, chưa đen như sông Tô Lịch hay bốc mùi hôi thối nhưng đã đục lờ, một thứ màu chỉ nhìn qua đã biết không nên tắm, rửa. Không còn ai ra sông tắm nữa, có rửa tay chân hay nông cụ cũng là khi chẳng thể đặng đừng. Có lần về quê chạy bộ dọc sông, tôi thấy khắp sông phủ kín một loại bèo nhỏ màu xanh lục, điều từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng thấy. Đấy là một sự dị thường. Một số tờ báo cũng đưa tin về hiện tượng này nhưng không tờ báo nào nêu rõ nguyên nhân tại sao. Tờ báo địa phương chỉ có một hai câu vắn tắt cho biết các cơ quan hữu quan đang điều tra làm rõ nguyên nhân.

Trên sông vẫn có thuyền qua lại nhưng không còn thuyền buồm, cũng chẳng thấy thuyền câu hay thuyền thả lưới. Những con thuyền chạy qua phần lớn là chở than, chở vật liệu xây dựng và xăng dầu. Vẻ đẹp nên thơ của con sông đang dần biến mất. Sông như đã bước qua tuổi trung niên. Bạn bè tôi ở nơi xa đến, nhất là những người sống ở nơi không có sông hoặc từ nhỏ tới lớn sống nơi thành thị khi thấy sông Thương và các cánh đồng ở xung quanh thường ồ lên khen đẹp! Tôi biết đó không phải là một cách khen xã giao, nó là cảm xúc thật. Nhưng họ đâu biết, sông Thương ngày xưa đẹp gấp 10, mà không, phải là gấp trăm lần hiện tại.

Ảnh: Thuyền trên sông Thương – Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông.

Nguyễn Quốc Vương

Tựa do tòa soạn đặt

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời nghe radio:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

28 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

36 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

46 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

56 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

1 giờ ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

2 giờ ago