Không rõ ở các miền quê khác thế nào chứ ở quê tôi tâm lý “Học cho giỏi để thoát khỏi làng” cực kì mạnh.

Nhà nào cũng mong con học giỏi để sau đó thi đỗ đại học ra thành phố học và thoát khỏi làng cho khỏi phải chân lấm tay bùn.

Tôi đã từng nghe có người nói rằng nhiều nhà, nhiều làng đã thành công khi đẩy được các thành viên của mình “di cư ra thành phố”.

Tâm lý ấy là dễ hiểu và có nhiều phần hợp lý. Đô thị là nơi cá nhân có điều kiện học nhiều thứ, có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp và trên hết là có thể thưởng thức cuộc sống thị dân. Cho dù chia sẻ mẫu số chung là bối cảnh – hình thái toàn thể xã hội, cuộc sống thị dân ở đô thị ít nhiều tôn trọng tự do cá nhân và đời sống riêng tư hơn ở nông thôn.

Người sống ở nông thôn hiếm khi gọi tên được các mĩ từ như “tôn trọng tự do cá nhân” hay “đời sống riêng tư” nhưng như một bản năng khao khát, họ cũng thèm muốn điều đó.

Nhịp điệu sống ở đô thị cũng nhanh. Nó phù hợp với tuổi trẻ và người trong độ tuổi lao động. Ở quê, thanh niên dễ cảm thấy buồn chán. Trong truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có kể một cô gái trẻ, đẹp, hừng hực sức sống ra nằm ở rõng mía cho kiến cắn và mong kiến cắn chết luôn cho khỏi buồn. Đấy là câu chuyện không hẳn là văn chương thuần túy.

Vì quan niệm như vậy nên tuy làm nông nghiệp nhưng có rất nhiều người không hề yêu đồng ruộng, quê hương xứ sở, yêu chính công việc của mình. Đấy là một sự thật ít người dám thừa nhận. Họ làm chẳng qua vì buộc phải làm. Vậy thôi.

Vậy nên sẽ rất kì quái khi ai đó đã thoát nó rồi lại đi làm các công việc đó.

Khi tôi đi học và sau này khi đã trở thành giảng viên đại học về nhà làm các công việc nhà nông, nhiều người rất tò mò và xôn xao bàn tán. Người thì bảo “Đã thoát rồi mà lại còn làm”.

Một số người thì nói thẳng luôn là “Nhà mày tham thế. Đã là người nhà nước ăn lương rồi còn làm ruộng nữa…”.

Trong suốt thời còn học phổ thông tôi sống cùng bố mẹ ở làng. Lúc đó làng tôi còn lũy tre xanh, các ao, con ngòi, sông Thương còn rất sạch. Tôi cũng thấy nó đẹp nhưng cái cảm giác thấy nó đẹp không mãnh liệt và rõ ràng bằng khi tôi đã rời khỏi nó để sống ở Hà Nội khi tôi là sinh viên và nhất là khi tôi sang Nhật.

Khi những bức ảnh chụp làng tôi hiện tại được in trên báo và xuất bản trên báo mạng, rất nhiều người trầm trồ khen “Đẹp quá”. Thú thật tôi cảm thấy ngạc nhiên vì so với 20 năm trước, cái đẹp bây giờ kể cả trong ảnh chẳng là gì cả.

Bây giờ làm gì còn lũy tre xanh chạy dọc toàn bộ đường làng? Làm gì có con sông Thương xanh biếc? Làm gì có hàng cây gạo bung hoa đỏ rực vào mùa xuân? Làm gì có hoa xoan rải trắng? Làm gì có cây cầu Chẹm bắc qua con ngòi nước trong, trẻ con tắm reo hò ầm ĩ? Cũng chẳng có cảnh đêm trăng trẻ con tắm dưới cánh đồng nữa…

Điều đó có nghĩa là khi đang ở trong không gian đó, bị dính mắc vào nó và thiếu vật so sánh người ta không ý thức sâu sắc về giá trị thứ mình thấy, thứ mình đang có.

Phải rời xa nó, phải đi ra khỏi nó một khoảng cách nào đó… người ta mới nhận ra.

Thế nên, người về nông thôn, miền núi chơi rồi chụp ảnh check-in toàn là… người thành phố.

Roi xa moi nhan ra 01
Ảnh: Làng Sấu – nơi tôi sinh ra. Nghệ sĩ Hữu Thông chụp. Rặng tre này hiện còn một nửa bên trái phía con ngòi. Phía trong đã bị chặt.

Nguyễn Quốc Vương

Tựa do tòa soạn đặt

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: