Lời tòa soạn: Có những bậc phụ huynh muốn con theo học ngành Y bởi những điều đẹp đẽ bề ngoài của nó. Nhưng liệu đã có ai hiểu hết những vui buồn của một bác sĩ? Ngành Y, trên hết, là một ngành học để cứu người. Bạn sẽ có những niềm vui rất lớn, nhưng cũng sẽ gặp phải những nỗi đau không thể nào quên, thậm chí hóa điên vì nó. Dưới đây là tâm sự của một bác sĩ gửi tới các bậc phụ huynh muốn con theo học ngành Y.
*******
Thưa các chị,
Trước tiên tôi mong các chị hãy ủng hộ lựa chọn của con, ngành nào cũng được, miễn là các cháu có đam mê. Bởi không có đam mê thì rất khó để thành công cho dù ở bất kỳ lĩnh vực nào. Chúng ta tuyệt đối không ép mà chỉ nên gợi ý, để các cháu tự lựa chọn và quyết định hướng đi cho cuộc đời mình.
Ngành Y cũng tốt vì ít nhất là bản thân người đó có thể chữa được một số bệnh nhẹ cho người thân của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn màu áo trắng đi phấp phới ngoài hành lang thì chưa thể hình dung được những khó khăn phía sau nó.
Bạn sẽ có niềm vui rất lớn nếu bạn cứu được một mạng người, nhưng khi những thứ vượt ngoài tầm tay của bạn xảy ra, thì bạn sẽ dằn vặt rất nhiều, bởi đơn giản trái tim của bác sĩ cũng chỉ là trái tim của một con người với đầy đủ vui, buồn, giận, khóc.
Cách đây mấy năm, có một vụ tai nạn khiến một bé gái, 9 hay 11 tuổi tôi không nhớ rõ, bị vỡ lách và gặp nhiều chấn thương nặng khác do tai nạn giao thông.
Lúc ấy chúng tôi phải huy động hết các trưởng phó khoa vào đứng đông chật trong phòng mổ để hỗ trợ nhau. Giám đốc phải lên tận phòng mổ chỉ đạo vì ca này quá phức tạp.
Nhân viên xếp hàng chờ hiến máu. Máu bơm vào người cô bé trực tiếp bằng cái bơm tiêm to bằng cổ tay chứ không truyền kịp bằng dây truyền thông thường.
Em bé được cứu sống.
Một trường hợp khác là tại khoa tôi, bệnh nhân bị băng huyết, dùng bao nhiêu thuốc cũng không cầm, cắt tử cung rồi cũng không cầm. Bác sĩ trực hôm đó phải quỳ gối xuống đất và hai bàn tay ấn giữ trong âm đạo. Cứ giữ như vậy cả tiếng đồng hồ.
Đến mức cô bác sĩ ấy còn cầu Trời khấn Phật: “Cho con giảm thọ đi 10 tuổi cũng được nhưng hãy cứu lấy bệnh nhân của con”. Vẫn biết là viển vông nhưng trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, thì người ta thường bám víu vào đấng siêu nhiên như vậy.
Cũng truyền máu tính bằng xô chứ không phải tính bằng chai.
Bệnh nhân nằm hồi sức tích cực một tuần rồi cũng tỉnh như sáo.
Bác sĩ vào thăm thấy bệnh nhân khoẻ ngoài sức tưởng tượng của mình chỉ biết đứng khóc vì quá mừng.
Các chị đã tưởng tượng ra sự căng thẳng đến nghẹt thở rồi chứ?
Nhưng đó là những trường hợp may mắn.
Còn trường hợp cách đây mấy năm, bệnh nhân tử vong do thuyên tắc ối ở một bệnh viện quận trong thành phố, có lẽ một số người còn nhớ.
Bệnh thuyên tắc ối rất hiếm khi xảy ra, tỷ lệ 1/100.000 người, nhưng nếu đã xảy ra rồi thì hầu như là không cứu được, cứu kịp đứa con đã là may mắn, bởi diễn biến bệnh chỉ trong tích tắc là bệnh nhân ngưng tim ngưng thở. Nguyên nhân do tế bào trong nước ối chui vào mạch máu khi rặn sanh.
Sau ca tử vong đó bác sĩ trực hôm ấy gần như hoá điên, 2 giờ sáng vào trong khoa ngồi thẫn thờ, ai hỏi cũng không trả lời, đến gần sáng tự lặng lẽ đi về.
Trong khi báo chí thì đăng tin rất rầm rộ như một tin sốt dẻo hồi đó.
Vì các lý do trên ai muốn dấn thân thì phải cực kỳ yêu nghề, sẵn sàng đối mặt với những tình huống nghẹt thở thì hãy vào nghề, nếu không đủ yêu nghề đến cháy bỏng thì thôi, hãy lùi bước khi còn kịp.
Bên ngoài nhìn như vườn hoa nhưng bên trong là những mỏm đá tai mèo đó các chị.
Tôi là người rất yêu nghề nhưng nhiều khi cũng nản. Nhất là khi bị bệnh nhân hiểu lầm. Giờ mà có việc gì làm là bỏ nghề liền.
Vì vậy một lần nữa các chị đừng có ép con đi ngành Y. 10 năm học rồi 3 năm làm mới được cầm con dao mổ, chi phí tiền bạc và thời gian đầu tư gấp 3 lần các ngành khác, chưa kể đầu vào cũng đã cao chót vót điểm số.
Nhiều bạn sinh viên vì căng thẳng học hành cũng bị hóa điên khi con đường mới đi được một nửa. Khóa tôi có 2 người bị điên vì học. Các chị hãy suy nghĩ kỹ nhé.
Tái bút: Có bạn sẽ nói nghề nào cũng có nỗi khổ riêng nhưng tôi nghĩ không có cái nghề nào mà học lâu như nghề Y, không có cái nghề nào mà có nhiều tình huống nghẹt thở trước sinh mạng con người như ngành Y cả. Các bạn chuẩn bị vào nghề cần biết những điều này, nếu đủ can đảm thì dấn thân bước tiếp.
Bác sĩ Trúc Diệp
Độc giả gửi Trí Thức VN
Xem thêm:
Mời xem video:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…