Sau khi được Lê Quý Đôn phổ biến, ngày càng có nhiều người biết đến tử vi, từ dân chúng, hàng Nho sĩ đến cung đình. Tử vi phát triển đến thời nhà Nguyễn, nhưng không phải ai cũng tin theo. Dưới đây là một câu chuyện tử vi vào thời Nguyễn, liên quan tới Nguyễn Công Trứ.
Nguyễn Công Trứ sau khi thi đỗ Giải nguyên, làm quan qua các chức vụ khác nhau. Thời vua Minh Mạng năm 1834, ông được cử làm Tổng đốc Hải Dương, ông thường mặc trang phục thường dân rồi đi vi hành khắp nơi để quan sát dân tình.
Một lần ông cùng viên Đội Tuần đến Nam Sách thì ghé vào một quán nước. Thấy ông vào, khách trong quán cứ nhìn chằm chằm vào ông rồi lại quay sang nhìn một người khác cũng đang ngồi trong quán. Viên đội tuần nhìn sang người này thì thấy có nét giống với ông Trứ như đúc, chỉ khác là ông khách này nhìn có vẻ rất lam lũ, viên Đội Tuần liền nói lại với ông Trứ.
Ông Trứ thấy người kia quả thật rất giống mình, đi theo hỏi chuyện thì biết vị khách này làm phu cáng. Nguyễn Công Trứ hỏi thăm rồi muốn ghé nhà chơi.
Sau khi đến thăm nhà, ông Trứ hỏi xem tuổi thì thấy cùng tuổi với mình, hỏi tiếp đến giờ sinh thì vị phu cáng nói sinh ngày mồng 1 tháng 11 năm Mậu Tuất – giờ Hợi. Lúc này Nguyễn Công Trứ cũng giật mình vì người này không chỉ trùng năm sinh mà trùng cả ngày giờ sinh với mình, tức hai người cùng một lá số và có khuôn mặt dáng người rất giống nhau. Sau khi trò truyện ông Trứ bèn cho người phu cáng một lạng bạc rồi cáo biệt ra về.
Nguyễn Công Trứ xưa nay vốn không tin tử vi số mệnh cho lắm, nay ông lại thấy hai người sinh cùng giờ, nhưng mình thì làm quan lớn, người kia thì làm phu cáng lam lũ. Thế là ông kết luận tử vi không đúng, những người xem tử vi chỉ là đoán mò, may mà trúng đó thôi. Nhưng Nguyễn Công Trứ cũng tò mò.
Thời bấy giờ, với việc Kinh đô chuyển từ Thăng Long đến Phú Xuân, Phố Hiến không còn tấp nập như thời Lê Trung Hưng nữa, nhưng các khu phố người Hoa vẫn còn. Nghe nói có một người Hoa từ Quảng Đông đến ở Phố Hiến, tên là Bình Sơn, xem tử vi rất hay, Nguyễn Công Trứ bèn muốn thử.
Chắc mẩm phần thắng trong tay, Nguyễn Công Trứ lại mặc bộ quần áo dân thường đến Phố Hiến, đến nhà thầy Bình Sơn, đặt ra 3 quan tiền rồi đưa ra lá số sinh ngày mồng 1 tháng 11 năm Mậu Tuất, giờ Hợi nhờ xem cho.
Thầy Bình Sơn cầm bút lập lá số rất cẩn thận, rồi phê lên rằng: “Số này, sinh ở dưới nước đi thi đậu Thủ Khoa, làm quan đến Tổng Đốc. Nếu sinh ở trên cạn thì suốt đời nghèo túng, chỉ đi kéo xe, hoặc làm phu cáng!”
Nguyễn Công Trứ đọc lời phê này thì giật mình kinh ngạc, khâm phục không nói nổi lời nào. Thầy Bình Sơn lại nói đã biết Nguyễn Công Trứ đến đây để thử tài chứ không phải để xem số, nên số tiền xem thì không nhận, nếu có duyên sẽ còn gặp lại.
Nguyễn Công Trứ cầm lại tiền ra về, nhớ lại thuở bé năm xưa mẹ hay ru ông ngủ:
Mẹ em đẻ em dưới thuyền
Để bên thúng muối nên duyên mặn mà!
Cha ông là Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tuấn, ngụ tại làng Địa Linh, huyện Huynh Côi, tỉnh Thái Bình bấy giờ. Mẹ ông là Nguyễn Thị, làm thứ thiếp.
Khi Vũ Văn Nhậm đưa quân ra bắc, cha ông khởi nghĩa Cần Vương chống lại quân Tây Sơn nhưng thất bại, gia trang bị tàn phá, mẹ ông phải đi buôn muối sinh sống, khi mang thai ông bà thường ngồi trên thuyền muối đi buôn bán các nơi, và ông được sinh ra ngay ở dưới thuyền. Chính vì thế mà khi đọc lời chấm số của thầy Bình Sơn, Nguyễn Công Trứ đã giật mình kinh ngạc và khâm phục tài.
Nghĩ tới người sinh cùng giờ với mình, Nguyễn Công Trứ liền đưa ít tiền cho viên đội tuần đến tặng cho người phu cáng. Tháng sau, Nguyễn Công Trứ lại tìm đến gặp thầy Bình Sơn, tuy nhiên ông thầy người Hoa này đã đi nơi khác, hỏi thăm nhưng không ai biết đi đâu.
Qua một giáp tức đúng 12 năm sau, Nguyễn Công Trứ được cử làm Phủ Doãn phủ Thừa Thiên ở Kinh đô Huế. Một lần ông đến nhà Nội các Vũ Phạm Khải thì lại được gặp thầy Bình Sơn ở đấy.
Ông Trứ gặp lại người xưa thì rất mừng, mời về nhà nói chuyện thâu đêm. Thầy Bình Sơn khuyên ông nên từ quan hưởng thú thanh nhàn, Nguyễn Công Trứ thấy mình cũng có tuổi nên nghe theo.
Một lần thầy Bình Sơn cùng ông Phạm Vũ Khải đến nhà Bảng nhãn Vũ Duy Thanh lúc đó làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám. Tiếc là Bảng nhãn đi vắng nên không gặp, thầy Bình Sơn liền viết 2 câu thơ để lại trên án thư:
Nhất giáp, nhất danh, kim bảng quy
Tứ nguyệt, tứ nhật, ngọc lâu thành.
Không ai hiểu hai câu thơ này nói gì. Đến ngày mùng 4 tháng 4, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh bị bệnh cảm rồi mất, lúc này mọi người mới thấy ứng với câu thơ mà thầy Bình Sơn để lai.
Còn Nguyễn Công Trứ sau chuyện này đã hoàn toàn tin tưởng vào tử vi, ông tìm hiểu tử vi và có bài ca trù “Vịnh Trần Đoàn” như sau:
Sườn non bầu rượu túi thơ
Thảnh thơi ngồi gẫm cuộc cờ Trường An
Vạc Hậu Chu vừa khi mới đổi
Trần Hi Di lên ẩn núi Hoa Sơn
Mấy mươi năm trong cuộc bùn than
Lửa văn võ chưa rặc lò đan táo
Hà vật lão ẩu
Nặng trên vai hai chúa thái bình
Liếc trông chừng Tống nhật đã khai minh
Mây thúc quí hẳn từ rầy trong leo lẻo
Trần Kiều mộng lý giang sơn tiểu
Vãn quán xuân thâm nhật nguyệt trường
Rượu một bầu, thơ một túi, cờ một cuộc, cầm một xoang
Khi đắc ý gật trên lừa cười ra rả
Ngoài cung kiếm mặc ai xa mã
Luy trần bất đáo thử giang san
Trời riêng cho một cuộc nhàn.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…