Quay về Việt Nam, tử vi đến Việt Nam từ thời vua Trần Thái Tông nhưng chỉ trong gia tộc họ Trần, mãi đến thế kỷ 18 Lê Quý Đôn mới truyền ra dân chúng.

Chom sao nam dau
Chòm sao Nam đẩu. (Ảnh: Dinhminhthetai, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Lê Quý Đôn được tặng sách tử vi

Tử vi truyền vào Việt Nam từ thời vua Trần Thái Tông, từ đó chỉ truyền trong các Hoàng thân nhà Trần. Khi nhà Trần mất thì chỉ truyền trong gia tộc, vì thế mà trong dân gian không biết đến tử vi, hoặc có biết cũng chỉ là qua một vài tiếp xúc nhỏ.

Thời Nam – Bắc triều, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tặng các cuốn sách về huyền học, ông cũng là một người tu Đạo, qua nghiên cứu đã viết sách về Thái ất và phú tử vi sau này được gọi là “Phú tử vi Trạng Trình”. Bài phú này mở đầu như sau:

Tử Phủ đồng cư dần thân,
Trọn đời phúc hậu mười phân vẹn mười.

Tử vi được biết đến nhiều hơn, nhưng Trạng Trình không có sách hướng dẫn xem cụ thể, nên việc xem tử vi vẫn còn ít phổ biến.

Việc này kéo dài mãi đến tận thế kỷ 18 thời Lê Trung Hưng.

Năm 1759 vua Lê Ý Tông mất, Triều đình cử người đi sứ sang nhà Thanh báo tang và nộp cống, Lê Quý Đôn được cử làm phó sứ. Khi sang nhà Thanh, Lê Quý Đôn được tặng sách về huyền thuật, trong đó có “Tử vi âm dương chính nghĩa”.

Cuốn sách này của một đạo sỹ là Ma Y viết vào thời nhà Tống, về sau các nhà tử vi Nam tông đã bổ túc sửa đổi và được phát hành vào thời vua Khang Hy.

Dù được tặng sách tử vi nhưng Lê Quý Đôn là người học rất giỏi, xưa này toàn dựa vào sức mình, thi đỗ đầu Bảng Nhãn còn treo biển “vô tri vấn bảng Đôn” để thiên hạ ai không biết thì đến hỏi mình, vì thế mà ông không tin vào tử vi bói toán. Khi được tặng sách thì ông cũng vui vẻ nhận rồi để đấy chứ không ngó ngàng đến.

Thần khê định số

Dù là nhà bác học nổi tiếng, nhưng công danh của Lê Quý Đôn lại không như ý, lúc đang hanh thông thì bị giáng chức, lắm kẻ chữ nghĩa so với ông chẳng đến đâu nhưng lại làm quan to hơn.

Phải đến khi đã về già, Lê Quý Đôn mới xem các cuốn sách được tặng để tìm hiểu về số mệnh, càng xem tử vi lại thấy đúng đắn, thấy rõ số mình công danh lận đận, ông đã viết lại những điều này trong lời mở đầu phú “Thần khê định số”:

Tuổi đời nay đã ngoại ngũ tuần
Mới tường số mạng chuyển vần nghiệm thay
Nhớ thuở nhỏ tài hay, học giỏi
Sách Thánh hiền theo đuổi công danh
Rừng Nho bể học ai bằng
Thông minh đáng bậc tài năng hơn đời
Nghe Khổng Tử than trời cầu thọ
Để san xong dịch số huyền vi
Ta cười “Khổng Tử ngu si”
Khôn ngoan tất thắng mà khờ thì thua
Môn tướng số là đồ mê tín
Đoán ba hoa, bàn chuyện vu vơ
Các điều di bại còn kia
Kẻ thì bỏ vợ, người thì gia vong
Nào Trần Đoàn – Tử Bình – Bát Tự
Đọc càng nhiều trí lự hoang mang
Cho nên ở thuở thiếu niên
Ta không tin tưởng ở môn học này
Giàu sang đều do tay mình tạo
Nào ai cho mà bảo tại trời
Chẳng qua mê muội đó thôi
Tài hèn, ngu muội bảo trời không cho
Học lười, dốt nên thi chẳng đậu
Buôn vụng suy, giàu có làm sao
Thế nhân tin tưởng bảo sao
Đem câu số mạng thay vào bình phong

*

Nay xét lại trong vòng quá khứ
Bạn đồng liêu kẻ dở người hay
Giàu nghèo, thọ yểu lạ thay
Khó đem hoàn cảnh giãi bày cho thông
Sức Hạng Võ sao không hưởng thọ
Lại sớm về, bởi gió nhập xâm
Giàu như Vương Khải – Thạch Sùng
Chỉ trong khoảnh khắc, tay không than trời

* *

Vấn tấm lòng những u hoài
Bách khoa – chủ tử đương thời ai hơn
Chữ “Vô tri vấn bảng Đôn”
Nay coi lại số, tủi hờn mới vơi
Thấy xương – khúc ở nơi hảm địa
Và quan cung khôi ngộ kình – hình
Vướng câu “Lạc hảm văn tinh”
Mới tường số mạng, muôn phần đa đoan
Tuổi cao rồi liệu toan dịch số
Và đem câu “Luận cổ suy kim”
Trần Đoàn đẩu số khảo xem
Qua bao kinh nghiệm viết nên sách này

Lê Quý Đôn nghiên cứu các môn huyền học, ngoài tử vi ông cũng biết tướng pháp và thái ất, ông là tác giả của cuốn sách “Thái ất giản dị lục”.

Về tử vi, Lê Quý Đôn viết một số sách và phú về tử vi, từ đó tử vi được truyền cho dân chúng mà trước đó vốn chỉ có trong gia tộc họ Trần.

Lê Quý Đôn qua chiêm nghiệm thấy rằng việc bình giải lá số không phải khi nào cũng hoàn toàn chính xác, xem sách thấy Trần Đoàn viết rằng: “Diệc sinh đồng niên, đồng nguyệt, đồng nhật, đồng thì, nhi phú quý thọ yểu bất đồng, khán trường chân, trường giã”, nghĩa là nếu sinh cùng năm cung tháng cùng ngày, cùng giờ, mà phú quý, thọ yểu không giống nhau, thì xem nét tướng để phân định số mạng

Trong thực tế nghiệm lý, ông thấy khi lấy lá số rồi nhưng còn phải xem có ăn các sao ở mệnh hay không, vì dù có sao đó thủ hay chiếu mệnh nhưng không phải đều nhận ảnh hưởng hết của các sao đó, mà mức độ ảnh hưởng khác nhau. Mức độ ảnh hưởng của sao đến mệnh thể hiện ra ở hình tướng, vì thế mà cuối đời Lê Quý Đôn viết phú tử vi “Thần khê định số”. Việc xem hình tướng để xem việc ăn sao giúp việc luận đoán chính xác hơn rất nhiều.

“Thần khê định số” giúp nhận biết ảnh hưởng của sao đến mệnh thông qua hình tướng, không chỉ thể hiện sự ảnh hưởng của 1 hay 2 sao ở cung mệnh mà cả một bộ, như bộ Cơ Nguyệt Đồng Lương trong câu phú sau:

Người nào Cơ Nguyệt Đồng Lương
Thân hình phải được như hàng Nho sinh
Mặt tròn, da trắng, môi hồng
Thiếu niên khoa bảng, sân rồng có phen
Nhưng cũng phải nhìn vào thần mắt
Như sao băng mới được công khanh

Riêng cuốn “Thần khê định số” thì Lê Quý Đôn viết xong chỉ để cho gia đình dùng chứ không truyền ra ngoài, từ đó người trong gia tộc dùng và xem như gia bảo.

Còn tác phẩm khác về tử vi do Lê Quý Đôn viết ra thì dần dần phổ biến trong dân chúng. Tiền nhân qua nghiên cứu đúc kết kinh nghiệm rồi phổ biến thành các câu phú cho dễ nhớ như:

Tuổi hoa nở đăng cao bảng chiếu
Bởi Thiên lương thủ mệnh tý cung
Xương Lộc hội Nhật chiếu xung
Đè đầu sĩ tử văn hùng nhất danh

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: