Nguyễn Công Trứ: Ông quan ngông nghênh mà được lòng dân chúng
- Trần Hưng
- •
Nguyễn Công Trứ là vị quan trải qua 4 đời vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Dù là người có tài, chính trực nhưng Nguyễn Công Trứ lại ngông nghênh, khiến nhiều kẻ ghét, vu cáo hãm hại, vì thế mà ông làm quan thăng giáng thất thường. Tuy nhiên ông được các đời vua yêu mến kính trọng, cũng rất được lòng dân chúng.
Thuở nhỏ Nguyễn Công Trứ là người học giỏi, hay thơ văn, tính cách phóng khoáng. Lớn lên trong giai đoạn cuối nhà Tây Sơn và đầu nhà Nguyễn, ông đi thi mấy lần nhưng không đỗ. Đến năm 1819 khi đã 41 tuổi, ông mới đậu giải nguyên, bắt đầu cuộc đời 28 năm làm quan của mình.
Đánh dẹp quân nổi loạn
Giai đoạn đầu làm quan, Nguyễn Công Trứ có công vì dẹp được các cuộc nổi loạn. Khi làm Tham hiệp trấn Thanh Hoa, ông đã đánh dẹp được cuộc nổi loạn của Lê Duy Lương năm 1826.
Theo “Châu bản triều Nguyễn”, năm 1827, trấn Nam Định cấp báo thổ phỉ nổi loạn khắp nơi, Nguyễn Công Trứ được cử đi dẹp loạn, bắt được đầu đảng Phan Bá Vành, vua vui mừng ban thưởng.
Năm 1835, Nông Văn Văn nổi dậy ở vùng biên giới phía bắc, gây khó khăn cho quan quân. Nguyễn Công Trứ được cử đánh dẹp, ông vào được tận sào huyệt và dẹp yên cuộc nổi loạn này.
Năm 1841, ông tham gia cuộc chiến chống Xiêm La (Thái Lan ngày nay) khi quân Xiêm tấn công Đại Nam.
Với công lao dẹp loạn các nơi, ông từng được thăng làm Thượng thư Bộ Binh, Tổng đốc Hải Yên. Chức Thượng thư bộ Binh nắm quân đội và binh quyền, tương đương với đại tướng quân.
Làm quan thanh bạch, giúp dân khai đất lập huyện
Có lẽ trong 4 vị vua mà Nguyễn Công Trứ phụng sự, thì vua Minh Mạng là người hiểu ông nhất. Theo “Châu bản triều Nguyễn”, năm 1826, ông xin về quê lo việc tang. Biết ông làm quan thanh bạch, vua Minh Mạng cho ông 100 lạng bạc để lo liệu.
Năm 1828 khi đang giữ chức Thị Lang bộ Hình, ông lĩnh thêm chức Dinh Điền sứ, chiêu mộ dân khai khẩn vùng đất ở Nam Định, Ninh Bình. Chỉ hơn 1 năm ông lập thêm được 2 huyện mới là Tiền Hải, Kim Sơn. (Theo “Đại Nam thực lục”).
Năm 1832, Nguyễn Công Trứ được phong làm Bố chánh Hải Dương. Lúc ông đi nhậm chức, vua Minh Mạng có dụ rằng: “Khanh nhà nghèo, trẫm vẫn biết rõ, nay ra tân lị, cứ giữ lòng thanh liêm như thế, nếu chi dụng không đủ, thì mật tâu về trẫm sẽ chu cấp cho”. (Theo “Châu bản triều Nguyễn”)
Đến Hải Dương được 2 tháng, ông quá túng bấn liền mật tấu lên, nhà vua sai thị vệ đem cho hai chục bánh thuốc, trà, mỗi bánh ở trong có một nén bạc. Cũng năm đó ông được thăng làm Tổng đốc Hải An (Hải Dương, Quảng Yên) và Binh bộ Tham tri.
Làm quan thăng trầm
Dù Nguyễn Công Trứ có tài, nhưng bởi ngông nghênh nên nhiều kẻ ghen ghét, thường biến những lỗi nhỏ thành tội to. Chẳng hạn thời vua Minh Mạng, có người vượt ngục, nhưng các quan báo cố tình báo lên thành tội to hơn, khiến ông bị giáng một lúc xuống 4 cấp, sau được phục chức ba cấp, được vài năm lại bị giáng chức.
Sau khi được phong làm Thượng thư bộ Binh, nắm toàn bộ quân đội năm 1836, chỉ 3 năm sau thì Nguyễn Công Trức bị giáng chức làm Hữu Tham Tri bộ Binh. “Đại Nam thực lục” chép: “Trứ, trước kia đi Quảng Yên bắt giặc, làm việc không khéo, đến nay triệu về Kinh giao bộ Lại xét. Bộ xin theo lệ nịch chức, xử cách chức. Vua đặc cách đổi cho làm giáng xuống chức này”.
Theo Đại Nam thực lục, vào thời vua Thiệu Trị năm 1844, Nguyễn Công Nhàn và Nguyễn Công Trứ không ưa nhau. Trước đó Nguyễn Công Trứ làm Tham tán cầm quân lập chiến công, trong khi đó Nguyễn Công Nhàn làm Lãnh binh, chức Lãnh binh so với Tham tán thì thấp hơn.
Thế nhưng sau này Nguyễn Công Trứ làm Tuần phủ An Giang thì Nguyễn Công Nhàn làm Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên). Chức Tổng đốc của Công Nhàn cao hơn Tuần phủ của Nguyễn Công Trứ, vì thế Nguyễn Công Trứ có phần bất bình, Nguyễn Công Nhàn biết điều đó nên ngầm hại Công Trứ.
Khi Nguyễn Công Trứ lo việc khơi sông thì có người phát hiện đội trưởng coi bến Châu Giang là Mai Văn Thạch tự tiện cho 4 chiếc thuyền buôn lậu chèo đi. Nguyễn Công Nhàn và Phùng Nghĩa Phương tra xét và vu cáo rằng 4 thuyền này do Nguyễn Công Trứ phái đi thăm dò Trấn Tây, nhân đó buôn lậu. Sau đó Nguyễn Công Nhàn tâu sự việc lên vua.
Vua cho người ngầm tra xét và biết được Nguyễn Công Nhàn và Phùng Nghĩa Phương vu cáo. Vua cho rằng Nguyễn Công Nhàn vu cáo đáng tội bị đày nơi xa để làm gương, nhưng xét có công lao trước đây nên chỉ bị giáng chức. Còn Nguyễn Công Trứ có sơ suất nên bị phạt trượng, cách toàn bộ chức tước, làm lính đi biên thùy tỉnh Quảng Ngãi.
Dù chỉ làm lính trơn, nhưng Nguyễn Công Trứ không từ bỏ, vẫn thực hiện tròn chức trách của một người lính. Khi đến Quảng Ngãi, ông chỉ mặc cái áo cộc màu chàm, đầu đội nón dấu, vai mang một ruột tượng gạo, bên hông đeo một cái dao tu trong một cái vỏ bằng gỗ.
Các quan thấy cảnh một người từng giữ chức Thượng thư bộ Binh nắm toàn bộ quân đội trong tay, đã 67 tuổi, nay lại làm lính trơn, cũng rất nghèo túng, thì vô cùng áy náy. Thấy vậy, Nguyễn Công Trứ nói rằng: “Cứ xin để vậy, lúc làm đại tướng tôi không thấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được”. (Theo “Châu bản triều Nguyễn”). Câu trả lời khiến các quan đều khâm phục.
Chỉ 1 năm sau vào năm 1845, Nguyễn Công Trứ được phong làm Chủ sự bộ Hình quyền Viên ngoại lang, rồi lại đổi thành quyền Viên ngoại lang Đại lý tự.
Dân chúng ghi nhận công lao
Kinh qua các chức vụ khác nhau, đến năm 1847, Nguyễn Công Trứ được thăng làm Phủ doãn Thừa Thiên khi đã 70 tuổi. Ông xin được về quê vì tuổi đã cao nhưng vua Thiệu Trị không đồng ý.
Đến năm 1848 dưới thời vua Tự Đức, ông lại xin nghỉ hưu lần nữa. Vua thương ông tuổi tác đã cao liền đồng ý nhưng vẫn cho ông thụ hàm Thừa Thiên Phủ doãn.
Về hưu rồi Nguyễn Công Trứ làm bài thơ nói về cuộc đời của mình đặt tên là “Bài ca ngất ngưởng”:
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây cầm cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên…
Nguyễn Công Trứ làm quan lập nhiều công lao nhưng vì thói ngông nghênh nên thăng giáng thất thường. Trải qua 28 năm làm quan, ông nhiều lần bị vu cáo hãm hại, nhưng lịch sử cũng nhìn nhận rằng ông dù trong hoàn cảnh nào cũng là người chính trực, làm quan thanh liêm.
Nguyễn Công Trứ là một trong những người có quãng đời binh nghiệp lâu nhất khi phải tham gia hầu hết các trận đánh thời nhà Nguyễn, từ đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống triều đình cho đến cuộc chiến chống Xiêm La.
Ông luôn trung với triều đình, mang tâm huyết phục vụ dân chúng. Do ra trận lập nhiều công lao nên triều đình phong cho ông là Uy viễn tướng công, dù quan lại nhiều người không ưa ông nhưng dân chúng xem ông là bậc hào kiệt, tài hoa, văn võ song toàn.
Nguyễn Công Trứ làm quan được lòng dân chúng, ngày nay vẫn còn rất nhiều giai thoại dân gian về cuộc đời của ông. Để ghi nhớ công lao của ông, người dân đã lập sinh từ (tức đền thờ sống), đây là vinh dự to lớn mà dân chúng dành cho ông, không phải vị quan nào cũng có được.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Đại Nam 3 lần đánh bại Xiêm La như thế nào? (Phần 1)
- Vị công thần giúp nhà Nguyễn bảo vệ vùng đất Tây Nam bộ (P1)
Mời xem video:
Từ khóa quan thanh liêm Nguyễn Công Trứ Danh nhân lịch sử nhà Nguyễn