Với một tướng lãnh võ biền, thì mục tiêu cuộc dẹp loạn là đánh tan loạn quân, rồi ca khúc khải hoàn, ăn mừng chiến thắng. Ðối với Nguyễn Công Trứ, một trí thức khoa bảng từng giữ chức lãnh đạo một trường đại học tại kinh đô (Tế tửu Quốc Tử Giám thời Minh Mệnh), thì việc đánh tan loạn quân chỉ mới là bước đầu; sau đó là việc trừng trị quan lại tham nhũng để làm yên lòng dân, rồi khai khẩn đất hoang nhắm hữu sản hoá nông dân, dẹp tan mối nguy “bần cùng sinh đạo tặc”, đó mới là cái gốc vĩnh viễn tiêu trừ mối loạn. Những điều nêu trên không chỉ là lý thuyết căn bản trong tờ biểu gồm 3 đìều, tâu lên vua Minh Mệnh. Tư tưởng “Tri hành hợp nhất” (1) của người xưa, được Nguyễn Công Trứ thể hiện qua thực tại với những việc làm như: điều quân dẹp tan loạn Phan Bá Vành, hài tội chém ngang lưng những viên quan tham nhũng thuộc trấn Nam Ðịnh, từ sào huyệt cũ của Phan Bá Vành tại cửa sông Trà Lý, khai khẩn đất hoang xây dựng nên huyện Tiền Hải trù phú ngày nay.

Sau đây là sử liệu nhắm chứng minh những điều tóm tắt nêu trên:

Vào tháng 2 năm Bính Tuất [1826], Phan Bá Vành nổi dậy tại vùng châu thổ sông Hồng thuộc các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng và Nam Ðịnh ngày nay. Bá Vành lập mưu, đưa quân triều đình rơi vào ổ phục kích khiến mất sạch khí giới thuyền bè; viên Trấn quan tuy đã tử trận nhưng vẫn bị triều đình phạt đánh roi vào thây:

“Nguỵ Phụ Dực Phan Bá Vành nổi dậy tại Hải Dương. Vành người đất Bắc Trạch, Phụ Dực; có sức lực, giỏi ném qua; với người Gia Hộ tên Cát, người Nhân Dục tên Hạnh, kết ước phù Lê Duy Lương tại Ðồ Sơn; nguỵ xưng có rồng vàng, y phục, cờ đều dùng màu đen. Từ Bổng Ðiền xây luỹ đất vào đường thuỷ Nam Ðịnh, liên kết với tướng nguỵ Tây Sơn đã trên 70 tuổi, dùng thuyền đi biển đến 200 chiếc đóng tại cửa Trà Lý(2). Sai người đến báo với trấn Nam Ðịnh rằng giặc đóng tại cảng Tiền Hải, nước cạn có thể đánh được. Trấn quan tin, điều động thuỷ quân đến Tiền Hải, Cát đón đường phục kích, quân trấn thua to, Thập kỳ coi đồn chết, Trấn quan cũng bị hại, mất sạch thuyền bè khí giới, bị xử đánh roi vào thây…”(3)

Quân Phan Bá Vành tung hoành suốt năm, khiến quan quân các trấn thuộc Bắc Thành phải co rụt lại, vào cuối năm lại giành một chiến thắng lớn tại cửa sông Văn Úc thuộc tỉnh Hải Phòng ngày nay; chém viên Thần sách thập cơ Hùng Cự, bắt viên Ðốc phủ Tiên Hưng nhưng không thèm giết, làm nhục cạo trọc tóc, thả cho về:

“Ngày mồng 2 tháng 12, Phú Vệ Hùng Cự cùng nguỵ Phan Bá Vành đánh nhau tại cửa Úc [Văn Úc] bị bại chết. Lúc bấy giờ giặc đóng tại Ðồ Sơn, quân trấn Hải Dương đóng tại Vu Mục, Hùng Cự đóng tại Cổ Trai, Hùng Cự tiến quân phá vây, chém Phó Kỳ Thân cùng đội trưởng Lục, vợ đi xin quân giải vây. Quân lên bờ đến bến Cáp Lệ đánh nhau, giặc bắn theo chiều gió, Hùng Cự bắn ngược chiều gió; rồi tuần theo ven sông, gặp giặc đông bị đánh mất hết quân tư khí giới; Thần sách Thập Cơ cùng Hùng Cự thua chết, trấn thủ Tuyên cự giặc tại Vu Mục. Giặc sai tráng sĩ chém vào chân voi, chặt vòi voi, lại sai hàng chục tên cưỡi ngựa mang đại đao xông vào, quan quân tẩu tán. Tuyên rút về giữ An Lão, giặc bắt được Ðốc phủ Tiên Hưng, cạo trọc đầu thả cho về.”(4)

Triều đình treo giải thưởng lớn cho ai bắt được những kẻ đầu đảng:

“Ngày 18, treo giải thưởng bắt đầu sỏ nguỵ. Ai bắt được Bá Vành, cùng tên Hạnh, tên Bàng, mỗi tên được thưởng 300 lượng.”(5)

Qua gần một năm nhưng quan quân tại Bắc Thành không dẹp được, vua Minh Mệnh bèn sai Binh tào Thị lang Nguyễn Công Trứ làm tham mưu, mang đạo quân Long Phi Hổ Dược từ kinh đô ra Bắc. Ðoàn quân gây sức ép, khiến Phan Bá Vành phải cho quân rút về Trà Lũ xây luỹ để cố thủ. Quân triều đình vây luỹ, rồi Nguyễn Công Trứ dùng mưu đánh tan đại quân của Phan Bá Vành trong một ngày:

“Tháng giêng mùa xuân năm Ðinh Hợi [1827], sai quan tại kinh đánh Phan Bá Vành, dẹp được. Dùng Binh tào Thị lang Nguyễn [công] Trứ Tham tán việc quân, suất lãnh các vệ Long Phi Hổ Dược dẹp giặc, tiến đến Cổ Trai, giặc rút về Trà Lũ xây đồn đắp luỹ tự thủ. Bốn bề ruộng bùn, từ trong đồn ra có một con rạch nhỏ, đặt cửa đóng mở thông thuyền đi ra biển. Thuyền giặc mấy chục chiếc qua lại trong hồ để trinh sát quan quân. Trước đó Cai tổng Hổ người Quần Anh liên kết hôn nhân với giặc, bị quan quân bắt, Hổ xin lập công chuộc tội, vào trại giặc để làm nội ứng. Vào ngày 26 tháng 2, Vành dạo hồ khao quân, Trứ sai ca kỹ vài người mở tiệc ca hát. Hổ mật ước, quan quân trữ sẵn hơn 500 sọt đựng cát, khi có hoả hiệu quan quân mang cát lấp đường thuỷ rồi vây luỹ. Vành cho mở rạch thông nước, nhưng nước cạn thuyền không hoạt động được. Quan quân giáp công, bắt được tướng ngụy tên Ðán, tên Liễn, tên Thê, tên Thự, hơn 10 người, chém đầu mấy trăm, số nhảy xuống nước chết hàng ngàn. Vành, đạn bắn trúng đùi, bị bắt; đồ đảng quận Thường, tên Hạnh, tên Hương theo bến cảng trốn ra biển. Vành cùng với Liễn bị giam giải đến Bắc Thành, Vành cắn lưỡi mà chết, Ðán, Liễn bị xử lăng trì….”(6 )

Cuộc hành quân thành công mau mà ít tổn thất, do Nguyễn Công Trứ dựa vào tính kiêu ngạo của Phan Bá Vành mà lập mưu. Trước đó y bắt được Tri phủ Tiên Hưng, cạo trọc đầu rồi thả ra mà không thèm giết, ý chê quan quân triều đình là bọn “giá áo túi cơm”. Ngoài ra trong dân gian còn để lại câu ca dao, chắc của phe Phan Bá Vành làm ra, nhắm đề cao chủ tướng thuộc loại “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”:

Trên trời có ngôi sao rua
Ở miền hạ giới có vua Bá Vành.

Xét tâm lý một con người kiêu dũng tự hào như vậy; khi gặp một ông quan văn, ra ngoài mặt trận còn mang ả đào theo để ca hát; thì không khỏi khinh thường, nên không thèm phòng bị. Kíp đến khi bị đối phương tấn công, dùng yếu tố bất ngờ lấy bao cát ngăn nước, khiến chiến thuyền không hoạt động được; thì quân phòng thủ trở nên lung túng không kịp trở tay rồi tan rã.

Thanh toán xong về mặt quân sự, nhắm trừ mối loạn tận gốc, Nguyễn Công Trứ dâng biểu lên vua Minh Mệnh gồm 3 điều, được nhà vua chấp nhận và trao chức Dinh điền sứ:

“Tháng 3 năm Mậu Tý [1828], cho Thị lang Nguyễn Công Trứ làm chức Dinh điền sứ. Khi trước Công Trứ dâng sớ xin 3 điều:

1. Nghiêm phép cấm để tuyệt bọn trộm cướp.

2. Rõ thưởng phạt để khuyên răn quan lại.

3. Mở ruộng hoang để giúp cho dân nghèo.

Ngài [vua] chấp nhận, vì thế cho làm chức này.”(7)

Thực hiện một công trình lớn như vậy, cần được dân đồng tình ủng hộ; bởi vậy việc điều tra, trừng trị những quan lại sâu dân mọt nước tại vùng Nam Ðịnh, Thái Bình được thi hành một cách nghiêm khắc:

“Chánh án ở Nam Ðịnh là Phạm Thanh, thư ký Bùi Khắc Kham tham nhũng lắm, khiến giải đến chợ chém ngang lưng; Tri phủ Nguyễn Công Tuy tham tàn, tội phải chết; lại xét Ðồng tri phủ Ứng Hoà Nguyễn Thọ Vực, Tri huyện Ðại An Nguyễn Văn Nghiêm để nha lại làm những điều tệ, phải cách chức cả.”(8)

Với chức vụ Dinh điền sứ, Nguyễn Công Trứ bắt tay vào việc khẩn hoang. Hãy nhìn bản đồ vị trí huyện Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay; huyện này phía bắc giáp sông Trà Lý, phía nam giáp sông Hồng, phía đông là biển; lúc khởi thuỷ chỉ là một vùng đất mặn bỏ hoang, làm việc khai kinh rạch để rửa mặn, đó là một công trình lớn. Rồi việc khẩn hoang bước đầu thành công, người dân thấy được tương lai nên quyết tâm ở lại, xây dựng nên một huyện trù phú như ngày nay:

“Nguyên trước gần đó có bãi Tiền Châu bỏ hoang, giặc thường trốn núp ở đó, khi quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến, chiêu dụ dạy bảo dân, nhắm đo đất hoang ở Tiền Châu và hai bên bờ, chia cấp cho dân cùng, cả thảy được 27 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, sổ đinh 2350 người, ruộng hơn 1890 mẫu, chia làm 7 tổng, tâu xin biệt lập một huyện, đặt tên là huyện Tiền Hải.”(9)

Việc thành công khẩn hoang tại huyện Tiền Hải, lại được phát triển đến tỉnh Ninh Bình. Vùng đất hoang dọc theo tả ngạn cửa sông Ðáy được khai khẩn, lập nên huyện Kim Sơn. Ngày nay du khách đến thăm nhà thờ Phàt Diệm to lớn, bốn bề đường sá thênh thang như một đô thị; hãy nhớ rằng xưa kia nơi này là một bãi hoang nơi ven biển, nhờ công trình khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ, vùng đất này mới có tên trên bản đồ:

“Mới đặt huyện Kim Sơn thuộc về phủ Yên Khánh đạo Ninh Bình, lựa người đặt làm Tri huyện để khuyên dạy dân; nhà cửa, lương tháng, ngưu canh điền khí thời đều cấp cho dân, y như lệ huyện Tiền Hải; còn ruộng thiệt trưng và ruộng thành thuộc thời lấy thuế từ năm nay, ruộng lưu hoang thì đến năm Minh Mệnh thứ 12 [1831] sẽ đánh thuế; đó là theo lời Nguyễn Công Trứ xin. Công Trứ lại dâng sớ xin lập ra quy ước, khiến cho dân biết kiềm thúc, lâu cũng nên thói hay được:

1. Lập nhà học (đặt ruộng học tha thuế, khiến dân cày ruộng để làm học bổng; học trò 8 tuổi phải vào học)

2. Ðặt xã thương, chăm dạy bảo dân làm ăn.

3. Cẩn việc phòng giữ.

4. Nghiêm việc khuyên răn.

Ngài [vua] khen là phải.”(10)

*

Nguyễn Công Trứ xứng đáng một kẻ sĩ đa năng:

– Với học vị Giải nguyên, ông là một trí thức khoa bảng.

– Với chức vụ Tế Tửu Quốc Sử Quán, ông là nhà giáo dục.

– Từ một nhà giáo, tỏ cho vua biết tài để được bổ nhiệm chức Tham tán việc quân, ông là một thuyết khách,

– Biết rõ con người Phan Bá Vành để lập mưu hay, ông là một nhà tâm lý.

– Tác giả nhiều bài Ca Trù nổi tiếng, lại mang con hát [ca sĩ] theo bên mình, ông là một nghệ sĩ.

– Tính toán đúng giờ nước cạn, để dùng bao cát ngăn rạch, khiến thuyền kẻ địch không hoạt động được, ông là nhà nghiên cứu thuỷ triều.

– Tốc chiến tốc thắng, dẹp tan Phan Bá Vành trong một ngày, ông là nhà quân sự.

– Tìm ra kẻ sâu dân mọt nước, ông là nhà điều tra tội phạm.

– Thành công trong việc khai hoang lập nên hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn; ông là nhà khẩn hoang.

– Công trình đề ra được dân ủng hộ, ông là nhà vận động quần chúng.

Tất cả những tài năng vừa kể, nằm trong một người, ông xứng đáng với lời khen của người xưa “Sĩ ư bách nghệ” (kẻ sĩ thạo trăm nghề)!

Hồ Bạch Thảo

Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (Diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.

Chú thích:

1. Thuyết “Tri hành hợp nhất” của danh Nho Trung Quốc, Vương Dương Minh.

2. Cửa sông Trà Lý: nằm giữa hai huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay.

3. Phan Thúc Trực, Quốc Sử Di Biên, trang 161, Chinese University of Hong Kong, Hong Kong: 1965.

4. Quốc Sử Di Biên, sách đã dẫn, trang 166.

5. Quốc Sử Di Biên, sách đã dẫn, trang 166.

6. Quốc Sử Di Biên, sách đã dẫn, trang 168.

7. Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, quyển 3, trang 73, Cao Xuân Dục chủ biên, nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa dịch năm 1972, bản trên mạng của Viện Việt Học)

8. Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, sách đã dẫn, trang 71.

9. Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, sách đã dẫn, trang 74.

10. Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, sách đã dẫn, trang 76.

Xem thêm:

Mời xem video: