…Rồi con sẽ chào đời trong một thế giới hiện đại, điều kiện vật chất đầy đủ và có thể hưởng thụ được các thành quả kỹ thuật và phát minh y học. Trẻ em được học hành và sinh mạng không còn bị đe dọa vì bệnh dịch hay các chứng nan y. Một xã hội tiến bộ, vật chất đã được cải thiện. Con người cao lớn, sống thọ hơn, khỏe mạnh hơn. Nhưng về tinh thần, đạo đức thì có lẽ đang thụt lùi.
Đạo đức con người xuống cấp nên xã hội băng hoại, chính trường chỉ hiện diện những kẻ đầu cơ chính trị, bác sĩ chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền thay vì chữa trị, lớp quan toà chỉ thích hạch hỏi để biểu thị quyền uy hơn là thi hành công lý, còn hãng xưởng thì đầy rẫy những kẻ kiêu căng, nịnh bợ, làm ăn gian dối, suy nghĩ ngắn hạn vì thiếu tâm và tầm.
Nếu nhìn tổng thể thì con sẽ thấy là trên phương diện vật chất nhân loại đã đi một bước khá dài so với những thế kỷ trước nhưng về mặt tinh thần thì vẫn nghèo như xưa. Thế giới hiện nay đang đánh mất những nấc thang giá trị và không còn gì nữa, không còn lý tưởng, không còn niềm tin, không còn điều gì vĩ đại để tin theo, vì xung quanh chỉ có một ước muốn duy nhất: kiếm tiền.
Lòng ba đầy hoài nghi về cái hệ thống kinh tế mà người ta tin là tiến bộ và sẽ cứu rỗi thế giới: Nó không đặt căn bản trên tinh thần cộng tác mà chỉ khai thác tâm lý cạnh tranh, biến thương trường thành chiến trường và xem đó là triết lý sống duy nhất mà xã hội Tây Phương đã và đang áp đặt lên toàn thế giới.
Ngày xưa mọi chọn lựa đều có một giới hạn, con người chỉ có một ý nghĩ, một con đường. Hôm nay khả năng chọn lựa có nhiều, nhưng ba cảm thấy mình như mất định hướng và lòng rất phân vân. Ngay đến việc mua sắm một món đồ nhỏ, ba cũng thấy mình bị giằng co trước hàng trăm món đồ tương tự và nghìn lời mời mọc.
Con người thời nay không còn là những cá nhân mà là “người tiêu dùng” và bị biến thành các bảng quảng cáo di động. Cứ nhìn trên áo, quần, mũ bảo hiểm, va ly, túi xách… thì thấy đủ thứ tên công ty hay hàng hóa gọi mời.
Có người nói hiện nay có một nền văn hóa vứt bỏ. Tất cả mọi thứ, không dùng thì vứt, kể cả con người. Trẻ em bị vứt bỏ vì có người không muốn có con nên nhiều em bé bị giết trước khi chào đời. Người già bị vứt bỏ vì họ không sản xuất nên không còn có ích,… Tuổi trẻ bị vứt bỏ vì không được trao cho công ăn việc làm. Khi một thế giới không tạo ra công ăn việc làm, những người trẻ còn gì nếu không là nghiện ngập, tự tử, hay bỏ nhà ra đi tìm đến những con đường bế tắc vì tuyệt vọng?
Thời của ba khác lắm. Những người trong thế hệ ba đã được dạy dỗ theo lối cổ, trong một thế giới mà sự ngẫu nhiên còn giữ một vai trò quan trọng. Giáo dục thời đó xem trọng cách sống và dạy cách ứng xử giữa những con người.
Trong cái vũ trụ của ba hồi xưa, còn có nhiều lối thoát, nhiều ngoại lệ; người ta hồi đó không nhồi mọi cá nhân vào chung một cái khuôn và tạo ra một áp lực khủng khiếp mọi lúc mọi nơi như hiện giờ.
Ba không biết sẽ gỡ áp lực cho con như thế nào đây, khi mà từ nhà trường ra ngoài xã hội con sẽ gặp vô vàn cửa ải, thi cử, tuyển chọn.
Lòng ba thật hoang mang và lo ngại.
Con ơi, ba chẳng biết cuộc đời sẽ dành cho con những gì. Con sẽ gặp những khúc quanh và chướng ngại nào trên những chặng đường đời? Phản ứng, cách hành xử của con sẽ như thế nào trong những hoàn cảnh cụ thể? Con có biết là những gì con nghĩ và mỗi hành động đều tác động đến xung quanh và kết quả theo đó xấu xa hay tốt đẹp…
Ba có thể dạy con được gì không? Từ xưa nay có ông cha bà mẹ nào truyền được cho con cách sống và kinh nghiệm của mình để con cái tiếp thu và tránh những sai lầm? Nếu bản thân đứa bé chưa bị vấp ngã… thì những lời dạy kia chỉ là lý thuyết, suông.
Hơn nữa, điều mà ba cho là đúng, thường là do những chiêm nghiệm cá nhân. Có thể chút ít thành công trong đời tạo cho ba cảm giác là mình giỏi, khôn ngoan nên chủ quan cho rằng cách của mình là đúng là hay. Nhưng trên thực tế cuộc sống biến đổi, thời đại thay đổi còn tâm lý và hoàn cảnh của con chắc chắn cũng khác thời ba mẹ. Làm sao có thể đem ra áp dụng?
Nhưng nói thế không có nghĩa là ba phải im lặng. Dù sao thì ba cũng có bổn phận truyền đạt những kinh nghiệm, phổ biến những ý tưởng mà mình tâm đắc, đem điều hay để vận động và hướng dẫn con. Nhưng ba sẽ không áp đặt. Vì ba hiểu là không có con đường nào duy nhất đúng. Ngay cả trong toán học 4+5= 9 mà 6+3 cũng bằng 9… cách khác nhau, dẫn đến đích giống nhau, thì việc gì mà con cứ khăng khăng đi theo cách của ba?
Hơn ai hết ba biết vai trò của mình là không còn thích ứng với thời đại mới. Giữ nếp suy nghĩ, hành xử như trước, trong khi thế giới đã thay đổi, đất nước Việt Nam đã thay đổi, con người Việt Nam đã thay đổi… thì cách hành xử cũ sẽ khó mà có chỗ đứng.
Bởi thế ba nghĩ là mình sẽ khó thể vạch cho con một con đường. Những hoài bão mà ngày xưa ông nội từng ấp ủ cho ba, đường đời lại lái ba theo một chiều hướng khác. Trăm nghìn yếu tố của thời thế và nhân duyên sẽ ảnh hưởng lên cuộc sống mà không ai lường được hết.
Ba chỉ mong là lớn lên con sẽ chọn và đi theo con đường của mình. Và bình tâm đón nhận những hạnh phúc, khổ đau mà không hề oán trách một ai.
Về phần ba, ba chân thành nói với con điều quan trọng này: Ba không thể giao cho con chiếc túi gấm trong đó có cách giải quyết tất cả những vấn đề trong cuộc sống. Ba cũng chẳng đủ thông thái để có thể trả lời đầy đủ về những thắc mắc hay lo sợ của con về cuộc đời… nhưng ba hứa sẽ luôn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ cùng con.
Ba sẽ dùng hết mọi khả năng để tạo điều kiện học hành và giúp con chuẩn bị vào đời, nhưng ba không thể hứa chắc là sẽ can thiệp để giúp con có một tương lai sáng chói. Tuy vậy, con vẫn có thể chắc chắn một điều, là những khi con cần, ba sẽ luôn ở cạnh con.
Trên đường đời muôn nẻo, ba không thể ngăn để con không bao giờ vấp ngã. Nhưng ba hứa là lúc nào ba cũng sẵn sàng chìa bàn tay để con khỏi té. Còn nếu con té ngã, ba sẽ cẩn thận băng bó vết thương. Bàn tay của ba sẽ luôn luôn mở rộng, sẵn sàng ôm lấy khi con chưa đứng vững hay đi bằng đôi chân của mình. Dù ba hiểu, và ý thức rằng khi con lớn lên, niềm vui, thành công hay vinh quang của con không bao giờ là của ba. Nhưng ba sẽ rất vui khi thấy con hạnh phúc.
Ba hứa sẽ không phán xét về những chọn lựa và quyết định của con trong đời. Ba chỉ giới hạn mình trong việc góp ý, khích lệ và giúp đỡ mỗi khi con cần đến. Ba sẽ không áp đặt và sẽ cố gắng tạo cho con tất cả không gian và các phương tiện mà con cần để lớn.
Rồi đây… chắc chắn là con sẽ gặp những điều bất như ý, ba biết mình chẳng thể giúp con tránh được nỗi đau và những việc làm con xé lòng… nhưng ba có thể khóc cùng con và cùng con nhặt nhạnh để hàn gắn lại những mảnh vỡ. Ba không thể và không muốn nói là con phải sống như thế nào, dù thực tình mà nói, ba mong ước là con được sống bình an để chiêm nghiệm cuộc đời chứ chẳng cần phải giàu sang hay thông minh quái dị để sống trong bi kịch do mình tự tạo. Mưu càng sâu, hoạ càng thâm, con nên nhớ điều ấy để sống với một tâm lành và biết tôn trọng người khác. Với bạn bè vui buồn cùng san sẻ, tình cảm chan hòa. Dù trong hoàn cảnh nào cũng chọn làm người lương thiện, và bao dung với tất cả các mối quan hệ. Tha thứ là một hành động đẹp và con nên mang theo trong tâm mình. Điều gì không mong muốn thì đừng làm cho người.
Dĩ nhiên cuộc đời có nhiều cung bậc và những thanh âm ấy sẽ rung theo ngọn gió của hiện thực và tạo nên hiệu ứng. Không phải là thưởng, phạt mà là hậu quả. Biết kiểm soát từng lời nói, từng thái độ là cách điều khiển cuộc sống. Hiểu được điều đó, con sẽ thiết lập được những quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.
Ba luôn yêu thương và muốn được là người bạn của con. Người mà con có thể tuyệt đối tin tưởng và không bao giờ sợ là sẽ thay lòng.
Viết cho con, ba hồi tưởng lại những gì mà ông nội dạy dỗ ba từ những ngày thơ ấu, nhớ đến những kỳ vọng của ông nội về ba… rồi nghĩ đến kết quả thực tế mà đời mang lại. Có điều đúng, điều không… vì cuộc sống thay đổi, nhịp sống cũng khác và trăm ngàn biến cố xảy ra trong đời mà không ai có thể tiên liệu được. Đó là khám phá lớn nhất của đạo Phật: Vô thường.
Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta ngồi bó tay và chờ sung rụng: Phải có ước mơ, kế hoạch… toan tính toán, đo lường… vì chúng ta có suy nghĩ, trí tuệ, vì trách nhiệm và vì chúng ta là con người…
Trích tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần”
Nhà văn Trương Văn Dân
Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả
Cuốn “Trò chuyện với thiên thần” đã được NXB Tổng Hợp xuất bản năm 2020, có thể được tìm đọc tại các nhà sách và nhà sách trực tuyến ở Việt Nam.
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…