Trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều người tự hào rằng họ có tài khéo ăn khéo nói, giỏi tranh biện. Cũng có không ít người coi việc kiệm lời, không dám tranh cường là ngốc nghếch, khờ dại. Tuy nhiên cổ nhân cho rằng “không tranh biện” không chỉ là cách đối nhân xử thế, mà còn là một loại cảnh giới tinh thần hoàn toàn khác biệt.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh”, Đạo của bậc Thành nhân là làm mà không tranh. Lão Tử cũng viết: “Tín ngôn bất mĩ, mĩ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện. Tri giả bất bác, bác giả bất tri”, nghĩa là nói lời chân thành thì không hoa mỹ; nói lời hoa mỹ thì thiếu chân thành; người thiện lương không tranh biện, người tranh biện ắt không thiện lương; người tự cho là biết thì kỳ thực không học rộng, người học rộng hiểu rằng bản thân là rất nhỏ nhoi, là “không biết”.
Khi Socrates còn sống, lời Sấm ở đền Delphi đã nói rõ: “Không có người nào uyên bác hơn Socrates”. Tuy nhiên, bản thân Socrates lại nói với mọi người rằng: “Tôi chỉ biết một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”. Bậc Thánh nhân vì hiểu rằng mình nhỏ nhoi nên không hơn thua với kẻ khác, người thiện lương vì bản tính thuần khiết nên lại càng ít nói những lời hoa ngôn xảo ngữ, ít nhấn mạnh vào đúng sai của sự việc, ít tìm lỗi ở phía đối phương.
Trong Luận Ngữ, thiên Lí Nhân, Khổng Tử giảng: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành”, nghĩa là bậc quân tử chậm rãi trong lời nói nhưng hành động thì nhanh. “Chậm rãi trong lời nói” là để kiểm soát suy nghĩ của mình, không phóng túng cái tâm của mình. Kỳ thực so sánh giữa việc làm và lời nói thì lời nói bao giờ cũng là nhanh nhất. Không chỉ vậy, lời nói cũng là thứ dễ làm tổn thương người khác nhất. Lời nói một khi sa vào tranh biện hơn thua thì lại càng khó kiểm soát hơn, dễ dẫn đến sai lầm. Trong khi đó, để làm một việc thì thông thường đều cần nhiều động tác, tự nó tạo ra một khoảng hòa hoãn nhất định. Hơn nữa người quân tử hễ quyết định việc gì là đã trải qua suy xét đúng sai rồi, nên làm việc có thủy có chung, cũng không đắn đo được mất, do vậy làm việc đều mang phong thái dứt khoát, thành thục.
Trong Luận Ngữ, thiên Học Nhi, Khổng Tử lại giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn”, tức là bậc quân tử ăn không cầu ăn no, ở không cầu an, nhanh nhẹn trong làm việc nhưng lại rất thận trọng về lời nói. Có thể thấy Lão Tử và Khổng Tử đều có cùng quan điểm về cách giữ gìn “khẩu đức” của một người.
Những người có thể làm được “không tranh biện” thông thường đều miệt mài làm việc. Có người là tự kiềm chế bản thân, biết nhẫn nhịn không nổi nóng. Có người còn thiện lương hơn, cứ như bản tính của họ đã là thế, không cần phải dùng lời hoa mỹ hay khôn khéo, cũng không cần để ý đến được mất, hơn thua. Người như vậy không để tâm đến việc dùng lời nói suông để chứng minh họ đúng. Ấy vậy mà những người xung quanh đều có thể hiểu được họ thông qua cách họ sống, cách họ làm việc, cách họ đối xử với người khác mỗi ngày.
Kỳ thực, chân lý không phải là điều cần người ta mỗi ngày đi tranh biện, bởi vì nó vốn là điều đúng đắn. Người lương thiện không cần phải tranh cãi với người khác bất luận điều gì. Họ thường cố gắng soi xét lại bản thân, sửa chữa sai lầm, nhẫn nhịn trước sóng gió, “lùi một bước biển rộng trời cao”. Hơn thế nữa, giữa trùng điệp đúng sai, bậc đắc đạo chỉ cần nói một câu thì chính là “sóng yên bể lặng”, chẳng còn gì để tranh biện nữa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…