Văn Hóa

Trịnh Đình Kính: Từ đứa bé mồ côi đến doanh nhân thủy tinh nổi tiếng (P1)

Đầu thế kỷ 20, sản phẩm thủy tinh phát triển khắp thế giới. Và mặc dù là nước thuộc địa, người Việt vẫn có sản phẩm thủy tinh cao cấp của mình, khiến người Pháp không còn muốn nhập khẩu thủy tinh từ Pháp nữa.

Đứa bé mồ côi giữa Hà Nội xa lạ

Trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp, hàng ngũ nghĩa quân có ông Trịnh Đình Thành, hậu duệ đời thứ 8 của chúa Trịnh Căn. Là người trung nghĩa nên ông được tin tưởng giao cho giữ các tài liệu cơ mật của nghĩa quân Bãi Sậy.

Trong cuộc chiến cuối cùng, nghĩa quân thất thế, Trịnh Đình Thành ôm tráp quân cơ đựng tài liệu mật nhảy xuống dòng sông Cái, không để tài liệu này rơi vào tay quân Pháp.

Ông Thành ra đi để lại người vợ cùng hai người con, con trai đầu là Trịnh Đình Kính. Cuộc sống quá khó khăn, năm Đình Kính lên 10 tuổi thì cả gia đình rời quê đến Hà Nội kiếm sống. Ngay sau đó người mẹ lâm bệnh nặng rồi qua đời, cô em gái nhỏ bị bắt cóc đi mất tích.

Trịnh Đình Kính khi ấy chỉ mới 10 tuổi bơ vơ không nơi nương tựa, Hà Nội dù sầm uất nhưng lại rất xa lạ với cậu.

Được truyền nghề nhờ đức tính trung thực

Lúc này ở phố Hàng Bồ có người Hoa độc quyền làm thủy tinh. Cậu bé Trịnh Đình Kính đến đây làm thuê, hàng ngày phải gánh than xỉ từ các lò nấu thủy tinh của người Hoa ở phố Hàng Bồ đến đổ nơi hồ Sao Sa ở Hàng Giày. Một ông chủ người Hoa để ý thấy cậu bé nhỏ tuổi rất siêng năng làm việc liền đưa về nhà giúp việc cho mình. Sau đó ông chủ nhận thấy cậu bé này không chỉ siêng năng mà còn rất thông minh, đặc biệt rất quý mến đức tính trung thực của cậu nên quyết định nhận làm con nuôi.

Người Hoa làm thủy tinh ở đây chỉ truyền nghề cho con cháu trong nhà chứ không bao giờ truyền cho người ngoài, vì thế mà thời đó ở Hà Nội chỉ có độc nhất người Hoa làm nghề thủy tinh. Nhưng ông chủ người Hoa rất quý tính trung thực của Đình Kính nên muốn truyền hết nghề cho với mong muốn sau này cậu bé sẽ trở thành một thương gia lớn.

Người Hoa học làm thủy tinh khi đó theo 3 bước: đầu tiên làm giúp việc (tài chạp), sau đó là học thổi thủy tinh (học xí), cuối cùng là thợ. Sau khi thành thợ rồi mới có thể phát triển thành cai hoặc ông chủ. Để qua được 3 bước ấy, Trịnh Đình Kính phải làm 18 năm, suốt từ năm 10 tuổi đến khi 28 tuổi, từ học việc trở thành thợ lành nghề.

Người thầy truyền nghề cho Trịnh Đình Kính là một người Hoa chống lại Triều đình nhà Thanh, bị quân Triều đình truy tìm nên phải trốn sang Đại Nam mang theo nghề làm thủy tinh.

Trịnh Đình Kính học được tất cả các bí kíp của người Hoa từ đắp lò nấu, làm khuôn hàng, kỹ thuật thổi thủy tinh đến cả bí quyết pha màu thổi thủy tinh màu xanh. Đặc biệt ông nấu được thủy tinh có màu xanh rất trong và đẹp, là bí kịp độc quyền của người Hoa khi đó.

Sản phẩm có mặt khắp Đông Dương

Thời đấy ở Hà Nội và miền bắc hầu như chỉ có người Hoa làm thủy tinh và các sản phẩm cũng nghèo nàn như bóng đèn, chai lọ đựng kẹo, thông phong (là bóng đèn dùng cho đèn Hoa Kỳ đốt bằng dầu hỏa). Trịnh Đình Kính mong muốn có một xưởng làm thủy tinh của người Việt.

Dù muốn mở xưởng nhưng không có nhiều vốn, Đình Kính hùn chung vốn với một cai thầu giàu có nổi tiếng ở Hà Nội là Trưởng Hoàn. Hai người cùng mở chung xưởng thủy tinh đặt tên là Thanh Đức ở số 65 Hàng Bồ. Tuy nhiên ông Trưởng Hoàn có đến 7 bà vợ, vợ con mâu thuẫn khiến ông Hoàn khổ trí, lại thêm việc cai thầu khiến ông không thể phát triển xưởng Thanh Đức. Trịnh Đình Kính đành quyết định dồn tiền mua lại xưởng để một mình trở thành ông chủ xưởng thủy tinh Thanh Đức.

Ban đầu xưởng Thanh Đức chỉ cho ra những mặt hàng thủy tinh vốn đã quen thuộc như lọ đựng bánh kẹo, thông phong, chỉ bán được cho tầng lớp bình dân người Việt, còn giới thượng lưu và người Pháp thì chỉ dùng thủy tinh của Pháp.

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, con đường nhập khẩu từ Pháp đến Đại Nam bị cắt đứt. Trịnh Đình Kính cho rằng đây là cơ hội để Thanh Đức chiếm lĩnh thị trường.

Việc đầu tiên, ông tìm hiểu nhược điểm trong sản phẩm của mình. Các mặt hàng thủy tinh Việt Nam khi ấy cứ gặp nước sôi là rạn nứt, Trịnh Đình Kính phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu và thử nghiệm để cho ra sản phẩm không bị rạn nứt khi gặp nước nóng ở các nhiệt độ khác nhau.

Khi nấu thủy tinh, loại có bọt nổi lên là loại thường, còn loại đọng xuống dưới là tốt. Trịnh Đình Kình dùng loại đọng xuống dưới làm thủy tinh loại tốt, nhưng vẫn tận dụng cả loại có bọt để làm thủy tinh loại thường với giá thấp, làm như thế sẽ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng với mức thu nhập khác nhau.

Lúc này người Pháp cho xây nhà Gô Đa (Maison Godard – nay là Tràng Tiền Plaza) ở phố Tràng Tiền, đây là siêu thị đầu tiên ở Hà Nội do người Pháp quản lý, nơi đây chỉ bán những sản phẩm tốt nhất. Họ đã lấy mẫu thủy tinh của xưởng Thanh Đức ngâm vào nước đá cho thật lạnh, sau đó đổ ngay nước sôi vào. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột thế này rất dễ làm thủy tinh bị vỡ, thế nhưng thủy tinh Thanh Đức chịu được và không bị vỡ.

Maison Godard, Hà Nội, Việt Nam, năm 1903. (Ảnh: Leonard de Selva, CORBIS, Vietnam Public Domain)

Từ đó nhà Gô Đa ký hợp đồng nhận hàng thủy tinh ở xưởng Thanh Đức. Sản phẩm này đã đến được tay của giới thượng lưu và người Pháp lúc đó.

Khi nhà Gô Đa nhận hàng, họ dán tem Gô Đa lên sản phẩm rồi đem bán khắp Đông Dương. Một ly thủy tinh uống cà phê lúc đó có giá 8 xu, nhưng nhà Gô Đa trả cho xưởng Thanh Đức đến 2 hào. Dần dần thủy tinh Thanh Đức được tín nhiệm , ngày càng nhiều nơi ở Đông Dương đặt hàng.

  • Còn nữa

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng
Tags: doanh nhân

Recent Posts

Hòa Nga đấu Trung? — Tiềm năng Ngoại trưởng Mỹ Rubio chủ trương

Ông Rubio nhận định Mỹ sẽ chuyển đổi chính sách ngoại giao, kiềm chế mạnh…

15 phút ago

Những điểm chính trong thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas

Vào thứ Tư (15/1), các nhà đàm phán đạt được một thỏa thuận ngừng bắn…

20 phút ago

Hà Nội lắp camera phạt nguội tại nút giao Thanh Xuân từ 18/1

Lực lượng chức năng của TP. Hà Nội sẽ xử lý hành vi vi phạm…

57 phút ago

Vụ Hạc Thành Tower: Cựu Bí thư và cựu Chủ tịch Thanh Hóa bị tuyên 3 năm tù treo

Khi đang trong giai đoạn cổ phần hóa, các bị cáo đã xin giao đất,…

4 giờ ago

[VIDEO] ‘Hổ to’ Trung Quốc vì tham vọng quyền lực nối gót Chu Vĩnh Khang

Bất chấp bài học ‘nhân quả báo ứng’ là cái kết ngục tù mà cả…

4 giờ ago

Bộ TN-MT: Phương án dẫn nước của UBND Hà Nội không giúp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch

Lưu lượng dẫn nước thấp, chưa có phương án xử lý lắng đọng phù sa,…

4 giờ ago