Kinh thành Huế được xây dựng từ năm 1805 và vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Tuy nhiên lịch sử Kinh thành Huế có nguồn gốc sâu xa hơn khi từ năm 1601 chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây 2 ngôi chùa Thiên Mụ và Sùng Hóa đánh dấu vùng đất phong thủy tốt định đô lâu dài cho Đàng Trong. Đến năm 1636 thì chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ đến Kim Long, dưới chân chùa Thiên Mụ.
Năm 1600, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi thị sát khắp các nơi tìm đất có phong thủy tốt, đến tả ngạn sông Hương.
“Chúa thượng đến xã Hà Khê (nay là xã An Ninh), thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sống cái, phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương, họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền ngày trước có người trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh ngồi trên gò nói: ‘Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây, mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch’. Nói xong thì biến mất, nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa thượng bèn dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ”.
Một người phương tây là A. Bonhomme có viết trong tạp chí “Bulletin des amis du Vieux Hué” về việc Nguyễn Hoàng “không một hòn núi nào mà ngài không đặt chân đến – không một dòng sông nào mà ngài chẳng lưu tâm” để rồi tìm ra thế đất tốt của đồi Hà Khê và lập chùa Thiên Mụ trên ấy, dẫn đến những câu chuyện được dân gian thần bí hóa như: “khi chùa xây xong chưa bao lâu thì có một con rùa khá lớn từ dưới sông Hương bò lên đồi Hà Khê để vào khuôn viên chùa cư trú và mỗi lần khát nước rùa lại bò về hướng hồ nước sau chùa để uống, dần dà rùa đã làm đổ hàng rào (La thành cao 2,30m) phía sau chùa. Con rùa kỳ quặc trên đã bị sét đánh trong một cơn giông hãi hùng và bị hóa đá tại chỗ, đến nay vẫn nằm đó”.
Sau khi tìm được đất tốt, năm 1601 chúa Nguyễn Hoàng cho xây chùa Thiên Mụ ở thượng nguồn sông Hương, năm 1602 lại cho xây chùa Sùng Hóa ở hạ nguồn sông Hương, đánh dấu vùng đất có địa thế phong thủy tốt.
Chùa được xây dựng trên đồi Hà Khê, được gọi là “Thiên Mụ” tức bà mụ nhà trời. Dân gian cho rằng chùa Thiên Mụ được dựng lên là để “tụ linh khí, bền long mạch” theo lời chỉ dẫn của bà Tiên nhà trời, nhưng phải qua ba vòng hoa giáp thì linh khí mới hội tụ đầy đủ, một vòng hoa giáp là 12 năm, ba vòng hoa giáp là 36 năm, từ 1601 đến 1636 là thời chúa Nguyễn Phúc Lan.
Năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Lan lên ngôi. Năm 1636 linh khí đã đầy đủ mới dời Phủ chúa đến Kim Long dưới chân chùa Thiên Mụ bên tả ngạn sông Hương, đây là mốc quan trọng hình thành nên cố đô Huế sau này.
Theo “Đại Nam nhất thống chí”:
Dòng sông chảy đến đây thì trải mình giữa hai ngọn đồi, bên tả là đồi Hà Khê – nơi xây chùa Thiên Mụ, nơi đây có tháp Phước Duyên 7 tầng cao lớn đưa nước xuống được xem là tạo phúc lành cho vùng đất; bên hữu là gò Long Thọ linh thiêng, được xem là trường sinh bất tử, gò này án ngữ nguồn chảy, nhìn như đang gối đầu lên dòng sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ tạo thành thế mà các nhà phong thủy gọi là “thiên quan địa trục” – nghĩa là trổ cửa lên trời và là trục xoay của các vùng đất.
Nơi đây sông núi liền kề nhau tạo thành thế “núi nghênh nước” (sơn cố thủy) và “nước in bóng núi” (núi cố sơn) tạo thành vùng đất kết “dung kết chi địa dã”. Thủy ở đây là “tĩnh” và “tụ”, thủy tĩnh thì sinh ra người tuấn tú, thủy tụ thì sinh ra người giàu có. Nếu từ xa quan sát toàn cảnh thì đồi Hà Khê có hình dáng như con rùa lớn cõng trên lưng chùa Thiên Mụ, đầu rùa cúi xuống uống nước Sông Hương.
Thủ phủ Kim Long nhanh chóng phát triển thành nơi giàu có, trung tâm của Đàng Trong. Alexandre de Rhodes đến nơi đây vào thời chúa Nguyễn Phúc Lan đã mô tả lại rằng:
“Thành phố lớn” (cette grande ville) với đông đúc dân cư, nhà cửa, phố xá, chợ búa, bến nước và buổi lễ đón tiếp những người Tây Ban Nha, những nữ tu và ông vào buổi chiều tháng 2.1645 bên bờ sông Hương. Chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan) và phu nhân trong trang phục quý phái, lộng lẫy cùng đông đảo các vị quan lớn trong phủ Kim Long có mặt tại buổi đón tiếp.
Có ngót 4000 lính chia làm 4 đội sắp hàng chỉnh tề, khéo léo, không che khuất chỗ chúa Thượng và phu nhân đang đứng. Những đội cận vệ đứng sát để bảo vệ chúa, ai nấy đều cầm trong tay một thanh đao có gắn chuôi bằng bạc và mặc áo bằng nhung màu tím có thắt đai vàng ngang bụng, đứng nghiêm chỉnh và im phăng phắc. Khi đoàn Tây Ban Nha đến, chúa cho phép hết thảy binh lính của mình ngồi xuống đất, xếp bằng lại để buổi lễ bắt đầu. Chúa sai mang đến cho mỗi người một phần trà đựng trên các khay sơn son thếp vàng bóng loáng.
Đến thời chúa Nguyễn Phúc Thái, năm 1687, Chúa cho dời Phủ đến làng Phú Xuân, nơi này ở cạnh Kim Long và sông Hương, cũng nằm trên vùng đất có phong thủy tốt mà chúa Nguyễn Hoàng xưa kia đánh dấu bằng cách xây chùa Thiên Mụ ở thượng nguồn sông Hương và chùa Sùng Hóa ở hạ nguồn sông Hương.
Đến thời Tây Sơn, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ chọn đóng ở Phú Xuân. Sau khi lên ngôi Vua, Nguyễn Huệ cũng chọn Phú Xuân làm Kinh đô của nhà Tây Sơn.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video “Chùa Huyền Không: Chốn tu hành ngàn năm sương gió trường tồn”:
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…