Tuệ luận: thầy-trò (P3) – Lê Hữu Khóa

Trao sung lực cho hệ chính
(chính tri, chính trí, chính tâm, chính khí, chính đạo)

Có thầy giỏi, cao giáo lý, mạnh học lực, rộng tri thức, sâu nhận thức thì trò đừng sợ bị: tẩu hỏa nhập ma! Vì trong giáo lý của thầy có sự liêm chính; trong giáo dục của thầy có cái chính thống, làm nên giáo khoa chính lý, dựng lên giáo trình chính quy, tạo ra giáo án chính xác. Nhưng đây là chuyện mà một giáo viên, giảng viên, giáo sư có thể làm được, còn hệ chính của thầy thì cao, sâu, xa, rộng hơn, nó nằm sâu trong thử thách của thức khuya mới biết đêm dài.

Trên đường dài của học tập, trò đã nhận ra thầy là người hiếm hoi, có khi là người độc nhất đưa trò vào con đường của chính trí, đây là chuyện khó trong quan hệ thầy-trò; từ khi trò nhận được trọn vẹn hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức). Và, cũng chính thầy là người sẽ trao hệ luận cho trò: lấy lý luận để lập luận, lấy giải luận để diễn luận; rồi khi hệ luận xuất hiện, nó sẽ tạo sung lực cho hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái) có chỗ đứng ghế ngồi trong hệ giáo (giáo dục, giáo khoa, giáo trình, giáo án) của thầy; từ đó tạo hùng lực cho hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) để thăng hoa cuộc đời của trò. Nên làm thầy đúng nghĩa không hề là chuyện dễ, chuyện này khó tột bậc, khó tới độ một người thầy không những được tất cả trò tôn vinh là thầy, được nhân loại vinh danh là thầy theo nghĩa đúng nhất, có thể chính người thầy trong nội tâm vẫn chưa tin là mình xứng đáng với danh nghĩa: thầy.

Câu chuyện thầy-trò trong không gian giáo dục, qua môi trường học đường, cùng một bài giảng, cùng một bài học, nhưng phong cách của thầy khác các giáo viên, giảng viên, giáo sư, mà trò đã gặp. Phong cách giáo khoa của thầy không chỉ là bề ngoài hình thức mà chính là tư cách của thầy, mà trò phải nhận ra là sự hội tụ giữa phong cáchtư cách chính là chiều cao nhân cách của thầy. Chúng ta là trò, chúng ta cảm phục năm hệ trong nội công giảng dạy của thầy:

  • Hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức).
  • Hệ giáo (giáo dục, giáo khoa, giáo trình, giáo án)
  • Hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận).
  • Hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái).
  • Hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo).1

Chúng ta từ khâm phục tới kính trọng phong cách, tư cách, nhân cách của thầy. Chính đây là hạnh ngộ trong quan hệ thầy-trò, luôn bắt đầu bằng niềm vui học, khi được song hành cùng thầy thì sẽ biến thành niềm tin học. Tin vào chuyện học như tin rằng chuyện thay đời đổi kiếp theo hướng thăng hoa cho chính mình là chuyện thật! Mà thầy đang đứng, đang giảng trước mắt ta, và người thầy này vừa là một tấm gương học, vừa là một tấm gương đời, trong ý nghĩa hay, đẹp, tốt, lành nhất. Nên khi có thầy bên cạnh rồi thì đừng sợ: lầm đường lạc lối, mà hãy vui sướng lên, vì chuyện xuất quỷ nhập thần sẽ tới để thăng hoa trò. Vì thầy biết nhóm lửa ngay trong sự thông minh của trò, thầy biết biến giòng suối nhỏ ham học thành con thác mạnh chăm học, rồi thầy cùng song hành với trò để đưa suối, thác này ra đại dương hiếu học của bể học, nơi mà trò sẽ vừa thành tài, vừa thành người.

Trong những chặng đường của chuyện học, chúng ta hãy nhớ lại các bài giảng của thầy, không phải là những bài giảng của một kỹ thuật viên bị trùm phủ bởi cơm áo gạo tiền, một giáo viên bị vây bủa bởi chén cơm manh áo, một giảng viên bị trói buộc bởi giá áo túi cơm, lại không phải của một giáo sư mà người thầy thi ca tác giả chuyện Kiều, là Nguyễn Du đặt tên là «những phường giá áo túi cơm xá gì!». Trong các bài giảng của thầy (nếu thầy thực sự là thầy) thì ta cảm nhận từ phân tích tới giải thích, từ diễn đạt tới phê bình, xuất hiện sự cảm xúc của thầy, chính sự cảm xúc này biết đánh thức sự nhạy cảm trong thâm tâm của chính ta. Chúng ta mừng vui vì sự nhạy cảm này còn sống và sẽ mãi mãi sống còn trong ta, nó sống để chống lại vô cảm, sinh ra vô giác, con đẻ của vô tri có gốc, rễ, cội nguồn trong vô minh, làm ra hậu nạn của vô tâm, mà đáng sợ nhất là nó sẽ cho ra đời loài: vô nhân (bất nhân giữa nhân thế). Chúng ta đi học, muốn học, xin được gặp các người thầy biết bền gan vững trí chống lại hệ vô (vô cảm, vô giác, vô tri, vô minh, vô tâm, vô nhân) này.

Bi đát làm nên bi nạn của giáo dục hiện nay dưới chế độ độc đảng dùng độc quyền tuyên truyền ngu dân, để bỏ tù tri giác của công dân lẫn tuệ giác của học trò, nó dùng luôn độc đoán của độc tài mà áp đặt: chuyện này nhạy cảm đừng đụng vào, chuyện kia nhạy cảm đừng rờ vào… Kế đó, nó dùng độc trị rất độc hại là giết ngay trong trứng nước sự xúc động, lòng nhạy cảm của các học sinh, mà trong tương lai là những công dân. Chính sự xúc động, lòng nhạy cảm là thượng nguồn của mọi định nghĩa về: tự do! Khi thầy đánh thức sự xúc động về các nỗi khổ niềm đau của nhân sinh, khi thầy giúp trò tỉnh thức để có ý thức rồi nhận thức ra lòng nhạy cảm về các hoạn nạn của đồng bào, của đất nước thì đây là tâm huyết của thầy sẽ làm nên: tâm lực của trò. Chuyện trao truyền trí lực qua hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) không phải là chuyện khó trong giáo dục, chuyện khó là tạo ra tâm lực để trí lực được song hành với sự xúc động, lòng nhạy cảm. Vì tâm lực bảo vệ sự xúc cảm để trí lực dùng lý trí của trí tuệ mà tìm ra câu trả lời vừa đúng sự thật làm lên chân lý, vừa đúng giáo lý làm nên lẽ phải!

Khi độc đảng dùng hệ độc (độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn) để gây ra ung thư độc hại vừa trong não trạng, vừa trong nhân tâm của học sinh, sinh viên để ngầm ngầm tạo ra hệ vô (vô cảm, vô giác, vô tri, vô minh, vô tâm, vô nhân) này, thì tâm lực và trí lực của học sinh, sinh viên đang bị xiết cho tới gục, cho tới ngộp, cho tới chết! Nên tất cả những giáo viên, giảng viên, giáo sư vô tình hay cố ý tuyên truyền cho hệ này, họ không phải là thầy! Vì họ không xứng đáng được làm thầy, vì họ không có nhân sinh quan của nhân tính, vì họ không đủ thế giới quan của nhân tâm, vi họ không đầy vũ trụ quan của nhân từ, để được gọi là thầy đâu!

Trong bài giảng của thầy, trong lời giảng của thầy có:

  • chính tri, tri thức đúng làm nên hiểu biết trúng,
  • chính trí, lý trí đúng làm nên trí tuệ trúng,
  • chính tâm, nhân từ đúng làm nên nhân tâm trúng,
  • chính khí, khí tiết đúng làm nên tâm huyết trúng,
  • chính đạo, nhân đạo đúng làm nên nhân vị trúng2.

Thầy-trò: liên kết đúng-trúng!

Năm 1870, văn sĩ Maupassant, đại dương mênh mang của tiểu thuyết vì đã biết làm muôn vàn con suối nhỏ trong văn chương hiện thực của văn học Pháp, có kể về tầm vóc của lý tưởng mà thầy của mình có được trong từng chi tiết qua sự mô tả có trong văn phong, người thầy đó chính là văn sĩ Flaubert: «Thầy nhìn ra được trong chi tiết không đáng kể của cuộc sống, có bao ẩn số làm nên cuộc sống, thầy thấy sâu trong ngọn lửa mới được nhen nhúm, một cây mọc thản nhiên giữa bình nguyên, và thầy ngồi đối diện chúng, thầy quan sát trong tận cùng của lửa, trong thâm dạng của cây, cho tới khi thầy thấy là ngọn lửa này không giống bất cứ ngọn lửa nào đã có trên đời này, rồi thầy thấy là cây này không giống bất cứ cây nào đã gặp trong cuộc sống này. Khi đó thầy mới đi tìm văn phong cho thầy là: bất cứ chuyện gì mà ta gặp trong cuộc đời, nếu muốn nói về nó hãy tìm danh từ đúng nghĩa để tả thật về nó, với sức mạnh của động từ để đánh thức nó, với những tính từ chính xác để đánh giá nó ».

Như vậy, văn phong không hề là hình thức, mà là nội dung của nội dung, nơi mà hình thức làm nên mãnh lực cho nội dung. Trong quan hệ thầy-trò, tầm vóc tri thức của thầy củng cố niềm tin của trò trên con đường học tập; và chính thầy cũng phải nhận ra nội công của trò, để song hành cùng trò, rồi biến nội cộng này thành bản lĩnh. Giữa những bài học, thầy trao cho trò không những kiến thức mà cả niềm tin vào cuộc đổi đời qua tri thức, qua sự hiểu biết về cuộc sống; tại đây nếu trò tinh ý, «sáng dạ», sẽ hiểu thật sâu ý nguyện của thầy. Hiểu thầy không những qua tâm sự của thầy, mà qua ẩn ngữ, mật mã, tín hiệu… như những bí mật giữa thầy và trò, mà thầy muốn trao cho đứa học trò tin yêu của thầy, như gởi niềm tin của thầy vào câu: Con hơn cha là nhà có phúc, mà thầy muốn trò đổi lại là: trò hơn thầy là đời còn tri. Và, Tri thức cùng lứa để song đôi với tri ân. Nếu thật sự là thầy với nội công cùng trải nghiệm, với bản lĩnh cùng kinh nghiệm, thì thầy sẽ nhận ra ngay: trò sẽ là một môn sinh xuất sắc! Như khi Maupassant xem Flaubert là thầy, nhưng chính Flaubert khi thấy được tài năng trong nhân dạng của Maupassant đã thốt ra câu: « Người này sẽ là thầy! »

Thầy có nhiều trò giỏi, nhưng hình như thầy chỉ có một trò là tâm giao-đắc khí với thầy, chính môn sinh này sẽ là trò rễ, trò gốc, trò nguồn, trò cội, tức là trò chính mà thầy đã chọn. Có khi thầy chọn chính thức trước mặt mọi người bằng danh chính ngôn thuận, có khi thầy chọn trong âm thầm trong lặng lẽ của ý hợp tâm đầu, mà chỉ thầy và trò này mới hiểu nhau: nói ít hiểu nhiều! Và, trò này sẽ là đứa con tinh thần trong học thuật, mà thầy sẽ đồng hành như đồng hội, đồng thuyền trên con thuyền tri thức. Thầy-trò đồng hội, đồng thuyền theo nghĩa sâu đậm nhất, tức là cùng môt giòng sinh mệnh trước các thách thức của kiến thức, trước các thử thách của tri thức, trước các thăng trầm của nhận thức về nhân tình thế thái, luôn vô thường trong nắng sớm mưa chiều, trong vật đổi sao dời. Và, trò đi từ khám phá này tới khám phá khác về chính người thầy của mình, như không ngừng khám phá một kho tàng từ kiến thức tới tri thức, từ ý thức tới nhận thức3.

Veyne, cây đại thụ của cổ sử Địa Trung Hải, của cổ văn La Mã, của cổ triết Hy Lạp, mỗi khi bị hỏi một cách tò mò và tọc mạch là tại sao lại gặp được thầy giỏi lại được các đại sư xem như là bạn, nhờ đâu mà có bí quyết thành công đó? Thì Veyne hay trả lời kiểu «chọc quê»: «Tôi có hai người thầy, mà cũng là hai người bạn, người thứ nhất là Aron, gốc Do Thái thoát chết cuộc diệt chủng của Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến; người thứ nhì là Foucauld, một người đồng tính cũng đã là nạn nhân của kỳ thị trong một xã hội không chấp nhận người đồng tính». Nhưng đối với các môn sinh trung thành, các đồng nghiệp chung thủy, thì Veyne trả lời hoàn toàn khác, rất thành thật: «Cả Aron lẫn Foucauld đều là hai đại sư, người thứ nhất thì nhìn xa trông rộng, người thứ nhì thì luôn dùng lương tâm của chính mình mà nổi dậy chống lại bất công trong xã hội». Câu trả lời này đầy đủ, trọn vẹn, nói rõ hai nhân tính của một người thầy, như hai tiêu chuẩn để làm thầy: thứ nhất là nhân trí nhìn xa trông rộng, thứ nhì là nhân tính biết chống lại bất công.

Tới đây thì nên nhắc tới Phật (Phật tổ Thích Ca) không là thánh, không là thần, không là chúa, mà trước hết là một người thầy, làm thầy ngay trong chính bài giảng của mình, luôn biết khuyên các học trò của mình là không nên tin bất cứ một điều gì trên đời này một cách vô điều kiện. Mà hãy biến cuộc sống là một trải nghiệm trong đó có mọi thí nghiệm trực tiếp, thấy đúng thì tin, thấy sai thì bỏ, tức là chỉ lấy sự thật để làm nên kiến thức; nơi mà mỗi cá nhân thí nghiệm đúng sai, thật hư, có nhân và có quả, ngay trong chính cuộc đời của mình. Nơi mà mình vừa là thầy của cuộc đời mình, lại vừa là quan tòa của chính cuộc sống của mình, mà không quên mình cũng là nơi nương tựa bền vững nhất cho mình qua bài giảng trước khi Phật lìa đời: Hải đảo tự thân. Nơi mà tự do biết hiến tự tin, dâng tự chủ, nâng tự trọng. Một người đích thực là thầy, kẻ đó trao tự do-hiến tự tin-dâng tự chủ-nâng tự trọng một cách chân thành và trọn vẹn tới trò của mình. Và, thiền sư Thích Nhất Hạnh, người thầy thiền phái hiện đại, đứa con tin yêu của Phật học Việt Nam, đã hiểu rất rõ và rất kỹ bài học này; có lần thầy tâm sự trong một bài pháp thoại: «Có khi chỉ một chữ của thầy mà mình tu cả đời cũng không hết, cả kiếp cũng không xong…». Quan hệ thầy-trò thật lạ! Nó vừa khăng khít, nó vừa bao la…4

Mài khí tiết

Kiến thức sắc, học thức nhọn, và học tập là mài dũa tri thức tới nơi tới chốn, như mài một khí tiết của kẻ thật sự muốn làm người, muốn dựa lên thầy để được học một cách chuyên cần nhất. Khí tiết lấy nền của hệ đạo (đạo lý làm nên đạo đức), để nắm hệ thức (kiến thức dựng nên tri thức), khí tiết đúc cả hai thành một: chính khí, nơi cư trú của sự tinh khiết trong học tập. Câu chuyện chính khí trong tinh khiết có gốc, rễ, cội, nguồn trong sự học tập, mà trò sẵn sàng đi con đường tu tập của thầy, và khi được học hành với thầy thì ranh giới giữa học tậptu tập không còn nữa. Tu tập cạnh thầy, bắt đầu bằng tu tâm dưỡng tính, trực tiếp hằng ngày được thấy rõ phong cách của thầy qua an bần lạc đạo, sống vui giữa đời vì được học tập tri thức, được trao dồi kiến thức, sống với tri, vui với đạo, mà tri là sự hiểu biết, đạo là con đường phải thật sự tu tập mới nhận ra.

Trong an bần lạc đạo, thì trò quan sát tới nơi tới chốn không gian thanh tịnh của thầy, không gian này mang nội chất của thanh bạch, cái trong làm nên cái sáng, để cái sáng làm chỗ dựa bình dị, trong giản dị. Tất cả làm nên không khí học tập trong bình dị và sáng giản dị, hợp với bối cảnh thanh đạm, có ít vật chất nhưng đủ sống để học tập, không cần số nhiều của xa hoa, mà lỡ thiếu vài tiện nghi vật chất, thầy cũng chấp nhận luôn thanh bần. Không gian của thầy có thực cảnh của hệ thanh (thanh tịnh-thanh bạch-thanh đạm-thanh bần) đây chính là nội lực của an nhiên tự tại, sau này khi thầy hưu trí thì đây chính là nội công trong mai danh ẩn tích của thầy. Nếu thực sự là thầy, thì không bao giờ ồn ào ngoài chợ trời bằng cấp; nao nao trong siêu thị của học vị, học hàm, mà chỉ cần lẳng lặng mài khí tiết bằng chữ chuyên song hành cùng chữ lặng, cứ âm thầm mà chuyên cần trong yên lặng để mài dũa học lực. Khi trò được mài khí tiết cùng thầy là một cơ may bao la, mài cho sắc hệ đạo (đạo lý làm nên đạo đức), chuốt cho nhọn hệ thức (kiến thức dựng nên tri thức), qua hệ thanh (thanh tịnh-thanh bạch-thanh đạm-thanh bần) của thầy, tức là đang cùng thầy đi từ trường học tới trường đời. Nhận được từ thầy nhân lý, nhân tri, nhân trí, có nền của nhân bản, nhân văn, nhân vị, vì có cội của nhân nghĩa, nhân tâm, nhân từ để chế tác ra nhân đạo làm đường đi nẻo về cho nhân phẩm. Thầy không những dạy ta chữ, mà thấy còn dạy ta sống, từ biết-sống tới sống-biết.

Trong cấu trúc đạo lý: cơm cha áo mẹ công thầy, thì cơm cha áo mẹ là tiền đề vật chất để con được đi học; nhưng học thành tài, học thành người thì công thầy là chuyện vừa khó vừa dài, vì là chuyện vừa tinh vừa chuyên. Chính trong cái vốn tinh chuyên này, thầy không muốn trò phải làm giống hệt như thầy, mà trò phải đi xa, đi sâu, đi rộng, đi dài hơn thầy, bằng chính hệ đặc (đặc điểm, đặc sắc, đặc thù) làm nên đặc tính của trò. Thầy sẽ giúp trò thăng hoa ngay trong cá tính đặc biệt nhất của trò, nếu thầy có trình độ này thì thầy đúng là đại sư! Trò phải mang ơn thầy về đường đi nước bước trong phương trình thành người (thành công học đường-thành tài nghề nghiệp-thành đạt kinh tế-thành tựu xã hội). Nhưng thầy cũng phải biết để công nhận sự thông minh của trò, mà thầy thấy có trong «thiên năng bẩm sinh» của trò, và người thầy lớn thì thấy được rất sớm «thiên năng bẩm sinh» này. Có nhiều mức độ làm nên trình độ của các thầy: có thầy khá, có thầy giỏi, có thầy hay, và có thầy lớn, (rất hiếm nhưng có), lớn vì biết đưa trò thăng hoa thật cao!

Barthes, một «thiên năng bẩm sinh» trong ngôn ngữ học, đã làm nên «thiên năng thâm tri» trong phê bình văn học và nghệ thuật, đã nói về người người học trò dầy kín hệ đặc (đặc điểm, đặc sắc, đặc thù) dựng nên đặc tính, làm nên cá tính của trò, đó là Derrida, chủ trì phái tháo gỡ cấu trúc tri thức của ngôn ngữ để xây lại kiến trúc của nhân lý vì nhân tri. Barthes đã tiên tri đúng về tầm vóc của Derrida: «Người này sẽ làm nghiêng ngã mọi cấu trúc, người này sẽ mở ra các tín hiệu mới, và người này chính là kẻ sẽ mở được các mắt xích đang trói buộc chúng ta».

Nếu thầy thấy trò của mình có trí cao-chí dầy, thì thầy cũng biết dặn trò là: to đầu khó chui, không khuất phục vì không xu nịnh những đám lãnh đạo bất tài đã thành âm binh bất tín trong một xã hội tràn tham ô, ngập tham nhũng chỉ để tham tiền như xã hội Việt Nam hiện nay. Bọn này đi học không phải để học thật vì học lực, mà chỉ dùng học vị giả để mua chức bán quyền, để thành tham quan vì tham quyền vì tham tiền. Tại đây, thầy sẽ không rời bài học của ý chí làm nền cho lý trí: mưu cao không bằng chí dầy; và một người thầy vừa giỏi, vừa hay, vừa lớn là kẻ biết đưa những tia chớp, chớp nhoáng nhưng biết làm sáng lên trí tuệ của học, tuệ giác của hành, vì thầy luôn dặn trò: yêu kiến thức trước hết là yêu sự thật, yêu chân lý, làm nên lẽ phải của nhân tâm, tiền đề của mọi nhân lý.

Schopenhauer, ngôi sao ngự ở nơi thẳm sâu của triết học, luôn bi quan trước nhân tình thế thái, nhưng ông tin là trong bi quan người ta sẽ nhận ra sức mạnh của sự thật khi đi tìm chân lý, ông tâm sự: «Tình yêu sự thật là một mãnh lực nên nó rất đáng ngại». Hãy mổ xẻ bài học này: «Tình yêu sự thật… rất đáng ngại» vì đi học là đi tìm sự thật, mà muốn tìm cho ra sự thật thì cần sự can đảm, như một quyết tâm làm nên quyết đoán, lấy đời người ra để xây lên quyết chítình yêu sự thật. Khi sự thật được ra đời thì mọi man trá, giả dối, lừa gạt, phỉnh phờ… không thể nào có chỗ đứng, ghế ngồi trong không gian giáo dục, nhất là trong quan hệ thầy-trò. Nhưng trong giáo dục hiện nay của Việt Nam đang bị chết điếng, vì đang nằm trong tay của độc đảng ôm nghiến độc tài nhưng bất tài từ lý trí tới đạo lý, ôm nghiền độc trị nhưng không biết gì về quản trị giáo dục từ giáo lý tới nhân lý. Cái độc hại của độc quyền mang theo man trá, giả dối, lừa gạt, phỉnh phờ, nó hiện thân lên với học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả, rồi nó hiện hình nhan nhản ngoài xã hội vì sau mua bằng bán cấp là tới mua chức bán quyền. Cái độc hại này là nơi mà độc tôn của độc đảng, đã lấy cái ngu (dân) thế cái khôn (ngoan), nó đã lấy cái giả để thế cái thật, thì cả thầy thật lẫn trò thật đều không có chỗ dung thân, nói chi đến chuyện dụng võ!

Hai ngữ pháp: dung thân dụng võ, làm nên mọi mấu chốt của môi trường giáo dục, thực địa của quan hệ thầy-trò. Không có môi trường giáo dục chân chính để phục vụ cho phương trình sự thật-chân lý-lẽ phải, thì thầy chỉ là nhà tiên tri lang thang trong vô định; còn trò chỉ là đứa bụi đời trong sự mồ côi tri thức. Nếu không kịp thời cứu nền giáo dục Việt Nam đang bị hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn) bẩn thỉu hóa ngay trong môi trường học đường, đang âm binh hóa học lực của học sinh, sinh viên; để man trá hóa học vị, rồi học hàm; thì các thầy thật, các trò thật sẽ thành các oan hồn;mồ côi ngay trong không gian giáo dục. Đừng để thầy và trò thành bụi đời trong nhân tri, rồi thành oan hồn trong nhân trí!

(Còn tiếp)

Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN

Chú thích:

[1] Lê Hữu Khóa, Liens méthodologiques, parenté épistémologique entre les sciences sociales, Collection Sens &Preuves. Presse Universitaire du Septentrion.

[2] Lê Hữu Khóa, Anthropologie du Vietnam, Tome I,  Anthropol-Asie, Ed. Les Indes Savantes.

[3] Lê Hữu Khóa, Anthropologie du Vietnam, Tome II,  Anthropol-Asie, Ed. Les Indes Savantes.

[4] Lê Hữu Khóa, Anthropologie du Vietnam, Tome V,  Anthropol-Asie, Ed. Les Indes Savantes.

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Xem thêm:

Lê Hữu Khóa

Published by
Lê Hữu Khóa

Recent Posts

Ukraine chính thức phủ nhận mọi bảo đảm an ninh nào không gồm gia nhập NATO

Công bố chính thức của Bộ Ngoại giao Ukraine hôm Thứ Ba xác định rằng…

31 phút ago

TP.HCM: Thêm một ca tử vong do sởi, là bé gái 12 tháng tuổi

Tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM ghi nhận 2.438 ca bệnh sởi,…

5 giờ ago

[VIDEO] Câu chuyện xúc động về “chuyến đi cuối cùng” của một tài xế taxi ở New York

Một ngày nọ, một tài xế taxi ở New York nhận được cuộc gọi xe…

6 giờ ago

38 du khách Việt Nam “mất tích” ở Jeju, Hàn Quốc

The Korea Times ngày 3/12 dẫn tin từ nhà chức trách cho biết một nhóm…

8 giờ ago

Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch sẽ có màu tem kiểm định riêng

Từ 1/1/2025, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện…

10 giờ ago

Tổng Công ty Đường sắt VN nợ hàng trăm tỷ đồng, giữ 630 cơ sở nhà đất sau cổ phần hóa

Chỉ riêng tại Cơ sở 551 Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), Tổng công ty Đường…

10 giờ ago