Stanze di Raffaello, hay các căn phòng Raphael, chính là chuỗi căn phòng được mở cho công chúng, nằm trong quần thể kiến trúc Thánh Điện tọa lạc tại Vatican. Thánh Điện hay Điện Tông Tòa bao gồm một loạt các công trình kiến trúc như: căn hộ Giáo hoàng; các văn phòng của Giáo hội Công giáo Rôma; nhà nguyện; bảo tàng Vatican và các thư viện Vatican. Thánh Điện cũng là nơi ở chính thức của Giáo hoàng.
Tiếp nối kỳ III, sau khi tìm hiểu về căn phòng Stanza di Eliodoro và những Thần tích của Cơ đốc giáo, chúng ta sẽ tiếp tục đi tới căn phòng thứ ba trong chuỗi các căn phòng Raphael: Stanza dell’incendio del Borgo.
Căn phòng Stanza dell’incendio del Borgo từng được sử dụng là phòng họp của hội đồng tối cao của Tòa Thánh Vatican vào thời Giáo hoàng Julius II (1503 – 1513). Khi Raphael trang trí căn phòng này, Giáo hoàng Julius đã mất, và được kế vị bởi Giáo hoàng Leo X. Vì thế, những tác phẩm ở đây xoay quanh Giáo hoàng Leo X.
Trước tiên, muốn hiểu rõ được các bức vẽ trong căn phòng Stanza dell’incendio del Borgo, chúng ta cần phải nói sơ lược về tên gọi của các Giáo hoàng. Cũng như các vị Hoàng đế phương Đông có thụy hiệu và miếu hiệu, những tên gọi như Leo hay Julius là tên mà một Giáo hoàng chọn sử dụng khi đăng vị. Theo đó, ngay sau khi đắc cử, Giáo hoàng sẽ được hỏi bằng tiếng Latin rằng: “Ngài muốn được gọi bằng tên gì?”. Ông sẽ lựa chọn một cái tên, và kể từ đó ông được biết tới dưới tên gọi này. Truyền thống này được khởi xướng vào thế kỷ thứ 6, và trở nên phổ biến vào thế kỷ thứ 10. Từ năm 1555 trở lại đây, tất cả các Giáo hoàng đều có một “phong hiệu”. Tên gọi của một Giáo hoàng đôi khi còn thể hiện cả lập trường, đức tin, hay ước vọng của vị đó đối với việc dẫn dắt Tòa Thánh.
Chính vì truyền thống đó, khi Raphael trang trí căn phòng Stanza dell’incendio del Borgo, ông đã sử dụng các truyền thuyết và Thần tích xoay quanh cái tên Leo, lấy chân dung của Giáo hoàng Leo X làm hình mẫu cho các đời Giáo hoàng Leo trong bốn tác phẩm:
Trong đó, Giáo hoàng Leo III có mặt ở hai tác phẩm “Thệ ngôn của Leo III” và “Charlemagne đăng quang”; còn Giáo hoàng Leo IV liên quan tới hai truyền thuyết “Hỏa hoạn ở Borgo” và “Chiến dịch Ostia”.
Thời bấy giờ, khi Giáo hoàng Leo III đăng quang, một số người trong phe Giáo hoàng Hadrian I tiền nhiệm đã rất ghen tức với ông, và lập ra một âm mưu nhằm hãm hại Giáo hoàng: gán cho ông tội thông dâm và khai man. Bởi vì những thủ đoạn mà phe đối lập với Giáo hoàng Leo III sử dụng, Vua Charlemagne của đế quốc Karolinger đã phải can thiệp. Vào tháng 11 năm 800 SCN, Charlemagne tự mình tới Rome, và tổ chức một hội đồng để phân xử vụ việc. Tuy nhiên những người tham gia vẫn không thể đi tới quyết định cuối cùng, vì rất nhiều người cho rằng họ không có đủ quyền đề “phán xét” Giáo hoàng.
Vậy là, vào ngày 23 tháng 12 năm 800 SCN, trước sự chứng kiến của hội đồng, Giáo hoàng Leo III đã tình nguyện đề xuất thực hiện một lời thệ ngôn về sự trong sạch của mình trước Chúa trời. Trong niềm tin Cơ đốc giáo, một lời thệ ngôn trước Chúa trời chính là một lời thề thần thánh mà người ta không dám làm trái. Chính vì thế, ngay sau khi Leo III thực hiện xong nghi thức, thì ông được giải oan. Những kẻ hãm hại ông ngay lập tức bị trục xuất khỏi Rome.
Lời thệ ngôn của Giáo hoàng Leo III cũng vì thế mà trở thành một hình ảnh quan trọng về một lời thề thần thánh – Lời thề trước đức tin vào Chư Thần.
Tiếp nối câu chuyện về Thệ ngôn của Giáo hoàng Leo III là hình ảnh Vua Charlemagne đăng quang Hoàng đế La Mã Thần Thánh vào ngày lễ Giáng Sinh năm 800:
Sau khi Vua Charlemagne bảo vệ Giáo hoàng Leo III bình yên qua rất nhiều biến cố, Tòa Thánh Vatican nhận ra rằng Charlemagne đã cung cấp cho một Giáo hoàng sự bảo vệ chỉ có được từ một vị Hoàng đế. Ở thời điểm đó, Nữ hoàng Irene đang đóng vai trò nhiếp chính cho đứa con trai Konstantinos V còn nhỏ, và ngôi vị Hoàng đế La Mã đang trống vắng. Hơn nữa, việc Rome nằm trong vùng đất của Charlemagne khiến ông xứng đáng được nhận danh hiệu Hoàng đế, vì trung tâm của Đế quốc La Mã cổ đại nằm ở Rome.
Chính vì những lý do trên, Vatican đã phong cho Charlemagne là Hoàng đế La Mã Thần Thánh, giúp ông có được thanh danh để bảo vệ Tòa Thánh khỏi những ảnh hưởng từ Đế quốc phía Đông. Và quả thật, Triều đại rực rỡ của Charlemagne trở thành một thời kỳ phục hưng của Giáo hội La Mã, một thời kỳ phục hưng Đế quốc La Mã cổ đại. Charlemagne được coi là một vị Quốc vương vĩ đại của Vương quốc Frank, và một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất của nước Đức.
Và vinh quang của Charlemagne có được chính là vì ông đã bảo vệ vinh quang của Giáo hoàng, hay nói đúng hơn, vì ông đã bảo vệ sứ giả của Chư Thần.
Bức “Hỏa hoạn ở Borgo” kể câu chuyện về một Thần tích gắn liền với Giáo hoàng Leo IV diễn ra vào năm 847 SCN được ghi lại trong cuốn sách “Liber Pontificalis”, một tuyển tập những câu chuyện về các vị Giáo hoàng. Theo đó, khi hỏa hoạn xảy ra ở Borgo (một phần của Rome nằm gần Nhà thờ Thánh Peter), những người dân nơi đây đã vô cùng hoảng hốt. Khi nghe tin, Leo IV đã ngay lập tức cầu nguyện, và sau đó làm động tác ban phúc cho Borgo. Và điều không ngờ đã xảy ra khi đám cháy vụt tắt. “Hỏa hoạn ở Borgo” đã trở thành một trong những vinh quang và Thần tích mà một vị Giáo hoàng triển hiện tới người dân của Rome.
Nói riêng về bức “Hỏa hoạn ở Borgo”, người xem có thể dễ dàng nhận ra rằng Raphael đã không thực hiện tác phẩm này. Các nhân vật trong tranh được vẽ bởi những phong cách khác nhau, và dường như được lấy cảm hứng từ các tác phẩm Phục Hưng khác nhau. Ví dụ như người phụ nữ bên phải với vạt áo bay trong gió là một phong cách, người đàn ông cõng cụ già bên trái là một phong cách, và người đàn ông khỏa thân đang bám lấy thành tường lại là một phong cách khác…
Dù là bức tranh được lấy tên để đặt cho căn phòng (Stanza dell’incendio del Borgo), nhưng “Hỏa hoạn ở Borgo” lại không có được chuẩn mực của một nghệ sĩ tài ba bậc nhất thời kỳ Phục Hưng là Raphael.
Bức “Chiến dịch Ostia” kể về cuộc hải chiến nhằm đánh đuổi những kẻ cướp biển Saracen. Năm 846 SCN, Saracen đánh vào Rome và cướp đi của cải của nhà thờ Cơ đốc. Sau đó, vào năm 849, Saracen lại tiếp tục tập trung tàu tới Rome. Lúc này, Giáo hoàng Leo IV đã tới Ostia và ban phúc cho hạm đội Ý cùng các đồng minh khác. Cuối cùng, quân Ý chiến thắng, và kể từ đó, Saracen không còn bao giờ đụng đến Rome.
Trong bức “Chiến dịch Ostia”, những kẻ cướp biển bị bắt đang quỳ trước Leo IV, trong khi ông cầu nguyện và tạ ơn Chúa trời vì một số con thuyền của phe Saracen đã bị phá hủy trong một cơn bão.
Ngoài 4 bức tranh chủ đạo về những vinh quang của các đời Giáo hoàng Leo, Stanza dell’incendio del Borgo cũng có mái vòm được trang trí vô cùng mỹ lệ.
Với Stanza dell’incendio del Borgo, Raphael đã thành công khi mô tả lại vinh quang của các Giáo hoàng, với đức tin, lời thệ nguyện, trách nhiệm là sứ giả của Chư Thần, và những Thần tích mà họ đã thực hiện.
(Còn nữa)
Quang Minh
Xem thêm:
Mời nghe radio:
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…