Hải Dương là trấn thứ nhất của kinh thành Thăng Long, vì nằm ở phía đông Kinh thành nên người xưa hay gọi đây là xứ Đông. Trong lịch sử khoa bảng, Hải Dương đứng đầu về số người đỗ đại khoa, với 472 người đỗ tiến sĩ, trong đó có 11 Trạng nguyên. Nổi danh nhất xứ Đông phải kể đến làng Mộ Trạch, được xem là làng khoa bảng, dòng họ đỗ đạt nhiều nhất là họ Vũ. Bên cạnh đấy làng Điền Trì cũng nổi tiếng ở xứ Đông với dòng họ đỗ đạt nhiều nhất là dòng họ Trần.
Dòng họ Trần làng Điền Trì vốn có nguồn gốc từ Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Theo thần phả của dòng họ, thì vào thế kỷ 13 họ Trần đến định cư ở làng Điền Trì, nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương.
Đến thế kỷ 17 thì họ Trần làng Điền Trì bắt đầu phát khoa bảng, người đỗ khai khoa là ông Trần Thọ, đỗ tiến sĩ năm 1670. Theo “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” thì khi làm Tả thị lang bộ Hộ, Trần Thọ hai lần dâng sớ lên Vua nhà Thanh phản đối việc các quan lại nhà Thanh lấn đất ở biên giới, đòi lại các vùng đất bị lấn chiếm ở các châu Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ và Quỳnh Nhai.
Với những cống hiến to lớn của mình, Trần Thọ được Vua phong làm Phương Trì Hầu, Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, Trụ quốc. Khi mất, ông được vua ban cho tên thụy là Trung Cẩn Trần tướng công.
Trần Thọ có người con trai là Trần Cảnh đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1718. Ông làm quan chuyên về giáo dục, nhiều lần được cử chấm thi, sau làm Tế Tửu Quốc Tử Giám. Sau đó Trần Cảnh lần lượt làm Thượng thư đến 4 bộ, 2 lần được cử làm Tham Tụng (tương đương Tể tướng).
Khi đang giữ chức Tham tụng, Trần Cảnh xin Vua cho nghỉ hưu rồi chiêu mộ dân ly tán khai hoang lập làng dọc theo sông Kinh Thầy. Việc thành công, Vua ban cho ông danh hiệu “Hải Dương khuyến nông sứ”.
Là người có kiến thức và kinh nghiệm về nông nghiệp, ông đã viết cuốn “Minh nông chiêm phả” dâng vua Lê Hiển Tông năm 1749. Tiếc rằng cuốn sách này bị thất lạc, nay chỉ còn lại một số ghi chép tản mát. Lời tựa của cuốn sách vẫn được ghi chép lại: “Trên từ cái lớn lao của thiên thời, nhật nguyệt và tinh tú, dưới từ cái nhỏ bé của chim muông, côn trùng, thảo mộc… Tất cả đều ghi chép cực kỳ đầy đủ và gọt giũa những chữ rườm rà…”.
Với những cống hiến của mình, Trần Cảnh được Vua ban cho tước Diệu Quận Công, Hùng Quận Công, hàm Thái Bảo. Thái Bảo thuộc hàng Tam công, đây là phẩm hàm cao nhất của triều đình. Vua Lê cũng ban cho ông danh vị Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thượng Trụ quốc.
Trần Cảnh đi đến đâu cũng được dân quý trọng, còn nhà Vua thì tin dùng, dù đã xin về hưu nhưng Vua vẫn mời ra bàn việc nước.
Khi Trần Cảnh mất, Vua thương tiếc tổ chức quốc tang, nghỉ chầu 3 ngày, ban cho tên thụy là Trung Nhã Trần tướng công.
Lúc còn sống, Trần Cảnh đã được thờ tại chùa Dâu (Thuận Thành – Kinh Bắc). Sau khi mất ông được tạc tượng Văn chỉ Linh Khê (Nam Sách – Hải Dương) cùng Mạc Đĩnh Chi và Trần Quốc Tảng. Hiện hai nơi đó vẫn còn bia và tượng thờ.
Trần Cảnh có người con trai là Trần Tiến, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1748, làm quan đến Phó Đô ngự sử, tước Sách Huân bá, sau được thăng làm Lễ bộ Thượng thư.
Trần Tiến cũng viết một số sách như “Đăng khoa lục sưu giảng”, “Cát Xuyên tiệp bút”, “Cát Xuyên thi tập”, “Niên phả lục”, “Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi”.
Các con của Trần Tiến cũng hiển đạt, như Trần Quý làm Trợ giáo Thái tử, tức dạy cho Thái tử học, nên còn được gọi là Trần Trợ, ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Tục biên Công dư tiệp ký”.
Họ Trần ở làng Điền Trì có 3 đời liên tiếp đỗ đạt là Trần Thọ, Trần Cảnh và Trần Tiến, có cống hiến to lớn cho Xã Tắc. Năm 2020 mộ và nhà thờ 3 vị tiến sĩ họ Trần ở Điền Trì được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Đến nay dòng họ Trần làng Điền Trì có hai nhà văn, nhà thơ nổi tiếng là anh em Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa. Đặc biệt Trần Đăng Khoa được xem là thần đồng khi có những bài thơ nổi tiếng lúc mới chỉ 8 tuổi.
Năm 1968 khi mới 10 tuổi Trần Đăng Khoa đã có tập thơ đầu tiên của mình và đặt tên là “Từ góc sân nhà em”, với 105 bài thơ được viết trong 2 năm, từ năm 8 đến 10 tuổi. Trong đó có bài thơ viết về làng quê Điền trì, đó là bài “Cánh đồng làng Điền Trì”.
Cánh đồng làng Điền Trì
Sớm nay sao mà rộng
Sương tan trên mũi súng
Trên sừng trâu cong veo
Nơi này mấy bác cày
Đầu nghiêng nghiêng chiếc nón
Tiếng trâu và tiếng người
Vang ruộng dài lõm bõm
Nơi kia là mấy chị
Thì thòm tát gầu giai
Nước reo theo lòng máng
Bọt tung trắng hoa nhài
Nơi ấy mấy cô cấy
Ngửa tay phía mặt trời
Mạ bén hàng đứng thẳng
Hồn nhiên trong tiếng cười
Còn em, em kéo xe
Chở phân ra lót ruộng
– Ái chà, con cà cuống
Bỏ ngay vào ống bơ!
Trong tập thơ “Từ góc sân nhà em” còn có nhiều bài nữa, nhưng bài nổi tiếng mà ai cũng biết là bài “Hạt gạo làng ta” vì được phổ thành nhạc.
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
Về sau này Trần Đăng Khoa vẫn còn sáng tác nhiều bài thơ nữa, nhưng những bài thơ đi vào lòng người của ông chính là những bài thơ hồn nhiên nơi làng Điền Trì.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…