Xã Phật Tích thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh, xưa kia thuộc tổng Thụ Triền, xứ Kinh Bắc. Cho dù trải qua nhiều lần tách nhập, tên gọi Phật Tích vẫn giữ nguyên bởi nơi đây có Vạn Phúc tự mà dân gian vẫn quen gọi là chùa Phật Tích – chiếc nôi của đạo Phật thời nhà Lý.
Vào thời thuộc Hán những năm đầu công nguyên, vùng đất Bắc Ninh được gọi là Luy Lâu thuộc quận Giao Chỉ, dưới thời Sĩ Nhiếp nơi đây là thủ phủ của cả vùng Giao Châu rộng lớn. Nơi đây có nhiều sông nước, nối liền với biển đông, trở thành nơi thông thương quan trọng, là nơi gặp gỡ, giao hội các luồng giao thông thủy bộ.
Phật – Đạo – Nho cũng nhanh chóng được truyền vào, khiến nơi đây trở thành trung tâm tín ngưỡng văn hóa lớn. Đây cũng là một trong số các con đường Phật giáo truyền vào Trung Hoa. Nhiều ngồi chùa hình thành và trở thành chiếc nôi của đạo Phật như chùa Dâu nằm trong hệ thống chùa Tứ Pháp, chùa Tiên Sơn.
Khi đạo Phật mới truyền đến không có nhiều nghi thức, chủ yếu là thực tu. Đến thời nhà Lý hình thành thêm nhiều nghi thức, mô hình sinh hoạt tu tập, phát triển thành Phật giáo. Chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi với các điểm sinh hoạt tín ngưỡng giúp ổn định Xã Tắc, hình thành nên các trung tâm Phật giáo mới.
Năm 1047, vua Lý Thái Tông cho xây dựng ở Hỏa Kê (tên gọi cũ của xã Phật Tích) công trình lớn. Đến năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho xây ở Hỏa Kê tháp cao đến 42 mét, bên trong đặt tượng Phật A Di Đà. Đồng thời Vua cho xây một ngôi chùa lớn nơi đây và đặt tên là Vạn Phúc tự.
Đến năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây ở Hỏa Kê tháp cao. Sau này khi tháp đổ thì lộ ra ở trong có bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối, dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhớ sự kiện kỳ diệu này xóm Hỏa Kê được đổi tên thành thôn Phật Tích, Vạn Phúc tự cũng được dân chúng quen gọi theo tên địa phương là chùa Phật Tích.
Từ đấy chùa Phật Tích trở thành trung tâm Phật giáo của nhà Lý, chùa dần được mở rộng hơn. Thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông đã xây một thư viện lớn ở cung Bảo Hoa, nơi đây cũng từng được chọn làm nơi thi tiến sĩ.
Là ngôi chùa trung tâm Phật giáo cùa nhà Lý, chùa được xây dựng rất đẹp, thậm chí còn hơn cả hoàng cung. Thời nhà Trần sử gia Lê Văn Hưu nhận xét rằng: “xây tường cao ngất, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung điện của vua”.
Tiếc rằng năm 1947 chiến tranh đã tàn phá mất ngôi chùa, chùa Phật Tích ngày nay là ngôi chùa được trùng tu và tái tạo lại sau này.
Phật Tích là nơi lưu truyền văn hóa dân gian, như truyện chàng Vương Chất lên núi Phật Tích đốn củi, đến đỉnh núi thì thấy hai cô gái đang chơi cờ bèn đứng lại xem, khi về đến nhà thì thời gian đã trôi qua bảy đời rồi.
Nơi đây cũng lưu lại câu chuyện nổi tiếng Từ Thức gặp nàng tiên Giáng Hương, khi mà trên núi Phật Tích còn bạt ngàn hoa mẫu đơn. Dựa vào câu chuyện này mà cứ vào ngày mùng 4 tháng giêng hàng năm dân làng tổ chức lễ hội gọi là “Hội ngắm hoa mẫu đơn”. Lễ hội bắt đầu từ ngày mùng 3 tết, nhưng khách thập phương đến đây tấp nập từ mùng một tết để dâng hương, nhiều người sau đó cùng tham gia lễ hội.
Phật Tích cũng là nơi xuất sinh ra các bậc hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.
Nguyễn Đức Ánh là người ở Phật Tích, sinh năm 1675 đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1715, làm quan đến Hình bộ Tả thị lang. Ông có người con trai là Nguyễn Đức Vĩ sinh năm 1700, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1727, có tài văn chương nên được Chúa yêu quý, thăng cho làm Hữu thị lang bộ Lại.
Đến thời Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh, Nguyễn Đức Vĩ được thăng làm Bồi tụng, Thượng thư bộ Công, làm việc bộ Lại kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông được vào hầu vua trong điện Kinh diên, thăng tước Nghĩa Phương hầu.
Khi chúa Trịnh Doang mới lên ngôi, đất nước vừa trải qua thời loạn lạc dưới thời chúa Trịnh Giang, Nguyễn Đức Vĩ cùng các quan đại thần khác thực hiện các kế sách giúp yên dân.
Năm 1764, tình hình đã yên ổn, ông cũng xin nghỉ hưu khi đã 65 tuổi, được gia hàm Thiếu bảo. Nhưng chẳng bao lâu sau Triều đình lại gọi ông ra Thượng thư bộ Binh nhưng vẫn làm việc cho bộ Lại và gia hàm Thái tử Thái phó.
Nguyễn Đức Vĩ làm quan lớn 18 năm mà gia cảnh cũng như những gia đình trung nông. Sử gia Phan Huy Chú đánh giá rằng: “Ông là người thanh bạch, cẩn thận, làm quan trải 18 năm, nhà không chứa của thừa, ai cũng phục là liêm khiết”.
Lúc này ở xã Bách Tính, huyện Nam Chân có người phụ nữ hiền đức cùng chồng sinh được người con trai đặt tên là Ngô Trần Thực. Không may người chồng mất sớm khi con còn rất nhỏ, người vợ đến xã Phật Tích làm mướn nuôi con.
Ngô Trần Thực ham học ngay từ tấm bé. Bấy giờ Nguyễn Đức Vĩ làm quan to trong Triều, về quê nhà tình cờ thấy Ngô Trần Thực còn bé mà ham học chí cao, nhưng mà gia cảnh quá khó khăn, ông liền cung cấp tiền bạc cho người mẹ để có tiền bạc dư dả nuôi con ăn học.
Nhờ đó mà Ngô Trần Thực có điều kiện ăn học. Lớn lên một chút thì ông Nguyễn Đức Vĩ cho Ngô Trần Thực đến nhà để trực tiếp dạy cho.
Đến khoa thi Hương, Ngô Trần Thực đỗ đầu tức Giải nguyên, qua tứ trường kỳ thi Hội ông đỗ đầu kỳ thi Đình tức Đình nguyên tiến sĩ khoa thi năm 1760 (khoa thi này không lấy Trạng nguyên).
Ngô Trần Thực đỗ đầu vinh quy bái tổ về làng. Nhưng lúc này xảy ra một truyện khó giải quyết, ấy là xã Bách Tính nói rằng Nguyễn Đức Vĩ sinh ra ở đây nên làm lễ long trọng đón ông vinh quy bái tổ về làng. Còn xã Phật Tích cho rằng ông từ nhỏ đến lớn đều học ở Phật Tích mà thành tài thì đương nhiên phải về Phật Tích vinh quy bái tổ.
Việc này được đưa lên chúa Trịnh phân xử, Chúa cho gọi Ngô Trần Thực cùng đại diện hai xã đến. Sau khi hiểu rõ sự tình Chúa cho rằng Ngô Trần Thực từ nhỏ đến lớn được xã Phật Tích nuôi nấng cho ăn học mà thành tài, giấy tờ dự thi đều ở xã Phật Tích, nên khi vinh quy bái tổ phải đến xã Phật Tích trước. Còn xã Bách Tính là nơi sinh ra thì sẽ đến đây vinh quy bái tổ sau.
Trong lịch sử khoa bảng duy nhất có Ngô Trần Thực vinh quy bái tổ 2 lần. Ông làm quan đến Đông các Đại học sĩ, Thự Thiêm đô ngự sử.
Nguyễn Đức Vĩ có người cháu là Nguyễn Quýnh sinh năm 1734 đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1766. Anh họ của Nguyễn Quýnh là Nguyễn Duân sinh năm 1736 đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1778.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Mỹ sắp công bố gói viện trợ quân sự trị giá 1,25 tỷ USD cho…
Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố hôm 26/12 rằng Nga sẵn sàng hợp tác với…
Đồng Nai vừa ghi nhận thêm một ca tử vong do bệnh sởi là nam…
Mức thuế chống bán phá giá là 97%, trong vòng 5 năm, áp dụng đối…
Đường dây tội phạm lợi dụng một số người dân thiếu hiểu biết, điều kiện…
Công an tỉnh Đắk Lắk trước đó đã thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ…