Luy Lâu: Trung tâm văn hóa, cái nôi của Phật giáo tại Giao Chỉ
- Trần Hưng
- •
Luy Lâu nằm ở vị trí giao nhau giữa sông Dâu và sông Đuống (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Xưa kia khu vực này là trung tâm văn hóa, kinh tế của cả Giao Châu rộng lớn.
Về địa thế, đây là vùng đất cao, thoáng, bao quát được cả một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn. Nơi đây có nhiều sông nước, nối liền với biển Đông, là nơi gặp gỡ, giao hội các luồng giao thông thủy bộ, trở thành nơi thông thương quan trọng.
Theo một số nguồn sử liệu, thời đó các nước phương Tây và phương Nam muốn đến Trung Hoa phải đi theo con đường Giao Chỉ. Thương nhân nước ngoài buôn bán với Giao Châu thường có mặt ở Luy Lâu. Các chứng tích cho thấy nơi đây từng là một trung tâm thương mại lớn..
Cũng vì lý do đó, Luy Lâu từng là trung tâm kinh tế, văn hóa của người Việt ở Giao Châu. Các nhà khảo cổ học tìm được ở đây nhiều di tích như lăng Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, đền thờ các tướng thời Hai Bà Trưng. Ngoài ra nơi đây còn lưu lại rất nhiều lễ hội, tín ngưỡng thờ Phật “Thạch Quang”, “Tứ Pháp”, v.v..
Vào cuối thế kỷ thứ 2, Sĩ Nhiếp người Hán được cử làm Thái thú trông coi cả 7 quận thuộc Giao Châu. Ông chọn đóng đô ở Luy Lâu, khiến Luy Lâu ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của mình.
Sĩ Nhiếp đã dạy chữ Hán và Thi, Thư cho dân chúng. Các bậc sĩ phu người Hán đến Giao Chỉ lánh nạn cuối thời Hán đầu thời Tam Quốc cũng truyền văn hóa cho người Việt. Như vậy tiếp nối thời Triệu Đà, văn hóa người Việt đã có sự giao thoa rất lớn với văn hóa phương Bắc.
Các làng nghề cũng phát triển mạnh trong thời gian này, đặc biệt là khu lực Luy Lâu với hàng chục làng nghề như đúc đồng, canh cửi, làng tranh, v.v..
Các đời vương triều của người Việt sau này đều đánh giá cao Sĩ Nhiếp. Hậu nhân tôn ông là “Nam Giao Học Tổ”. Đến thời nhà Trần lại sắc phong cho ông là “Thiện cảm Gia ứng Linh vũ Đại vương”. Ngoài ra các đời vua khác nhau còn có nhiều sắc phong khác. Sử gia Ngô Sĩ Liên gọi Sĩ Nhiếp là “vương”, cho thấy sự kính trọng đối với ông: “Vương độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Về chính sự, vào thời điểm cuối Hán đầu Tam Quốc, Trung Nguyên loạn lạc, Sĩ Nhiếp tách biệt Giao Châu, ít chịu ảnh hưởng của nhà Hán. Thời Tam Quốc, trong khi ở Trung Quốc chiến loạn liên miên thì Giao Châu lại yên ổn, Luy Lâu nhờ đó mà phát triển vượt bậc, trở thành nơi lánh nạn của các danh sĩ nhà Hán.
Phật – Đạo – Nho cũng phát triển tại Luy Lâu, trở thành trung tâm tín ngưỡng văn hóa lớn. Phật giáo truyền vào Trung Quốc theo nhiều con đường, trong đó có một con đường chính là từ Luy Lâu.
Một thiền sư từ Ấn Độ là Già La Đồ Lê đã đến Luy Lâu đặt nền móng phát triển cho Phật Giáo ở đây. Các bộ Kinh Phật trong hệ Bát Nhã như Bát thiên tụng bát nhã, Pháp Hoa tam muội… được các thiền sư biên dịch tại Luy Lâu. Cũng bởi Luy Lâu là nơi bình yên, phát triển mọi mặt, nên đã thu hút các thiền sư Ấn Độ cùng nhiều người tu học đến đây, trở thành miền đất hưng thịnh của tín ngưỡng.
Trong “Thiền uyển tập anh” có chép truyện quốc sư Thông Biện đàm đạo với Nguyên phi Ỷ Lan về đạo Phật. Bấy giờ Quốc sư dẫn lại lời của pháp sư Đàm Thiên cho biết: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có hai mươi bảo tháp, hơn trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”. (Theo “Phật giáo Việt Nam trong một số sách Hán Nôm”)
Những người thành danh nơi đây có thể kể đến là Khương Tăng Hội và Mâu Tử. Đặc biệt thiền sư Khương Tăng Hội giỏi cả chữ Hán và chữ Phạn, là người truyền Phật giáo vào Đông Ngô thời Tam Quốc. Còn Mâu Tử là người tránh nạn binh đao Tam Quốc mà đến Luy Lâu, tại đây ông tu học, sau này thành danh trở về Thương Ngô.
Có thể nói Luy lâu là chiếc nôi Phật giáo ở Việt Nam, Phật giáo thời nhà Lý cực thịnh cũng có nguồn gốc từ thời kỳ này.
Khoảng năm 580 một thiền sư người Nam Thiên Trúc là Tì Ni Đa Lưu đã đến Luy Lâu ngụ tại ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất bấy giờ là chùa Dâu. Tại đây Tì Ni Đa Lưu Chi khai sinh ra dòng thiền Diệt Hỷ và trường phái võ thuật của mình.
Sau này dòng họ Trần kế tục trường phái võ của dòng Diệt Hỷ, đặt tên là võ phái Đông A (chiết tự từ chữ Trần). Các binh tướng nhà Trần được luyện tập dòng võ này đã 3 lần đánh bại đội quân Nguyên Mông thiện chiến nhất lịch sử lúc bấy giờ.
Các thiền sư nổi tiếng của dòng Diệt Hỷ như Pháp Hiền, Định Không, Đinh La Qúy, Vạn Hạnh, Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Thiện Ông, Ma Ha, Minh Không cũng giúp nhà Đinh, Tiền Lê chống giặc giữ nước; phá tan kế sách trấn yểm nước nam của Cao Biền; giúp nhà Lý lên ngôi và dời đô về Thăng Long. Do vậy có thể thấy đây là dòng thiền có ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Diệt Hỷ – Dòng thiền ảnh hưởng to lớn đến lịch sử dân tộc
- Chuyện Sĩ Nhiếp giúp Giao Châu bình yên sung túc, tránh nạn Tam Quốc
- Người sinh ra trên đất Việt, truyền Phật giáo từ Giao Chỉ tới Đông Ngô
Mời xem video:
Từ khóa tín ngưỡng Diệt Hỷ Luy Lâu Phật giáo lịch sử Việt Nam