Chùa Dâu còn gọi là chùa Pháp Vân, chùa Cả, chùa Tứ Pháp nằm ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Xưa kia nơi đây là trung tâm Phật giáo đầu tiên và lớn nhất trong khu vực. Chùa Dâu cũng là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam.

chua dau
Chùa Dâu. (Ảnh: Chitto, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Xây dựng

Chùa đươc xây dựng vào năm 187 và hoàn thành vào năm 226, thời đấy nơi đây gọi là vùng Dâu thuộc trung tâm văn hóa Luy Lâu. Những nhà sư từ Ấn Độ đến đây đã quyết định xây 5 ngôi chùa: Ngôi chùa đầu tiên được lấy tên vùng đất này gọi là chùa Dâu thờ thần Mây (Pháp Vân, vì thế mà chùa còn được gọi là Pháp Vân), chùa Đậu thờ Thần Mưa (Pháp Vũ), chùa Tướng thờ Thần Sấm (Pháp Lôi), chùa Dàn thờ Thần Chớp (Pháp Điện), chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Sau này chùa Đậu đã bị phá hủy trong chiến tranh, tượng được đưa đến đặt trong chùa Dâu.

Trong Tứ Pháp thì Pháp Vân đứng đầu, đại diện cho cả Tứ Pháp, vì thế mà chùa Dâu trở thành trung tâm tín ngưỡng của Luy Lâu và của cả nước.

Chùa gắn liền với niềm tin tín ngưỡng suốt chiều dài lịch sử văn hóa của dân tộc. Chùa Dâu cùng các chùa lân cận đã hình thành nên trung tâm Phật giáo lớn nhất trong nước và khu vực. Trung tâm này hình thành sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo nổi tiếng khác của Trung Quốc cùng thời kỳ của nhà Hán là Bình Thành và Lạc Dương.

Trụ trì là thiền sư danh tiếng

Trụ trì của chùa Dâu là những thiền sư danh tiếng gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc:

Khương Tăng Hội: Năm lên 10 tuổi thì ông mồ côi cả nha lẫn mẹ, đi tu học ở chùa Dâu rất tinh tấn, giỏi cả tiếng Hán lẫn tiếng Phạn. Ông trở thành trụ trì chùa Dâu, góp phần đưa nơi đây thành trung tâm Phật giáo.

Năm 247 ông đến Kiến Nghiệp kinh đô nước Ngô (nay là Nam Kinh, Trung Quốc) để truyền Pháp, tiếng tăm vang đi khắp nơi. Lúc này Vua nước Ngô là Tôn Quyền vốn không tin Phật Pháp, nhưng Khương Tăng Hội bằng sự am hiểu Phật Pháp và trí huệ của mình đã thuyết phục được vua nước Ngô.

Khương Tăng Hội được xây dựng đạo tràng cũng như các cơ sở Phật học, từ đó Phật Giáo được truyền từ Giao Châu sang Trung Quốc và dần phát triển mạnh. (Xem bài: Người sinh ra trên đất Việt, truyền Phật giáo từ Giao Chỉ tới Đông Ngô)

Tì Ni Đa Lưu Chi: Tì Ni Đa Lưu Chi (nghĩa là Diệt Hỷ, năm sinh không rõ, mất năm 594) là Thiền sư người Nam Thiên Trúc (Ấn Độ). Thuở nhỏ ông đã có ý chí khác thường, đi khắp nơi cầu Pháp. Năm 574, ông sang Trung Quốc và gặp Tam tổ Tăng Xán tại núi Tư Không và đem lòng kính ngưỡng, Tam Tổ khuyên ông nên đến phương nam truyền Pháp.

Tì Ni Đa Lưu Chi đến Vạn Xuân vào khoảng thời gian những năm 580, ở tại chùa Dâu. Tại đây Tì Ni Đa Lưu Chi phổ truyền Phật Pháp thuộc Thiền Tông, giáo hóa muôn dân, khai sinh ra thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (tức Diệt Hỷ) và trường phái võ thuật của mình, trở thành Trụ trì chùa Dâu. Dòng thiền Diệt Hỷ không những ảnh hưởng lớn đến lịch sử văn hóa mà còn vận mệnh dân tộc Việt.

Đệ tử dòng thiền này có Trần Tự Viễn học được tinh hoa võ thuật đã khai sinh ra dòng võ Đông A – là dòng võ thuật của nhà Trần sau này. Nhà Trần dựa vào dòng võ này mà nổi danh. Từ vua Trần Thái Tông đến Trần Anh Tông đều là những người tu luyện theo Phật Pháp, dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng giúp Xã Tắc ổn định, Giang Sơn hùng mạnh. Nhà Trần 3 lần đánh bại đội quân Mông Cổ. (Xem bài: Vài truyền kỳ về võ thuật của thiền sư phái Diệt Hỷ).

Thời nhà Đinh, Tiền Lê khi cần ra các quyết sách lớn, các vị Vua đều hỏi ý kiến các thiền sư dòng Diệt Hỷ. Các thiền sư cũng góp phần giúp Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra nhà Lý, dời đô về thành Thăng Long, mở ra thời kỳ văn minh thịnh vượng của dân tộc.

Tu sửa

Năm 1313, vua Trần Anh Tông sai Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thiết kế lại chùa Dâu với quy mô bề thế hàng trăm gian với tháp chín tầng, cầu chín nhịp.

Tháp chín tầng này là tháp Hoà Phong. Tuy nhiên qua thời gian 6 tầng trên đã bị mất, nay chỉ còn 3 tầng dưới cao khoảng 17 mét. Trong tháp có gắn chuông đồng đúc từ năm 1793 cùng một chiếc khánh đúc từ năm 1817, có 4 tượng thiên vương đặt ở 4 góc. Phía trái có tượng cừu đá, tượng này cũng là dấu vết duy nhất còn lại ở chùa từ thời thuộc Hán.

thap hoa phong
Tháp Hòa Phong. (Ảnh: Bùi Thế Tâm, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Có câu thơ lưu truyền dân gian:.

Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Lễ hội chùa Dâu diễn ra vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hàng năm, lễ hội gắn liền với niềm tín tín ngưỡng vào Phật, trong lễ hội có nhều nghi thức cùng các trò chơi dân gian.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: