Có rất nhiều nghiên cứu về nguồn gốc của An Dương Vương và nước Âu Việt nhưng không rõ ràng và thống nhất được. Các nguồn sử chỉ ghi chép từ khi An Dương Vương sáp nhập Âu Việt và Lạc Việt gọi tên là Âu Lạc. Năm 1963 các nhà nghiên cứu dân tộc học tìm được cuốn “Chín chúa tranh vua” ghi lại các chuyện cổ của người Tày, được lưu giữ từ xa xưa, cung cấp thông tin cho giai đoạn lịch sử này.
Năm 2879 TCN, Lộc Tục khi lên ngôi Vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Qủy, đất nước rộng lớn với các thị tộc người Bách Việt.
Do môi trường sinh sống thuận lợi, lại tiếp thu được văn hóa Hòa Bình nên vùng Ba Thục có văn hóa phát triển rực rỡ. Qua các đời nhà Thương, nhà Chu, vùng Ba Thục vẫn giữ được độc lập, đến đời thời nhà Tần thì Ba Thục mới bị diệt.
Năm 316 TCN, nước Thục bị diệt, nhiều người không theo nhà Tần, di chuyển xuống đông nam, vào vùng bắc bộ ngày nay rất nhiều.
Theo “Chín chúa tranh vua”, khi nhà Thục bị diệt, một dũng tướng đã mang theo con Vua là Hoàng tử Thục Chế còn nhỏ chạy miết về hướng đông nam, vượt qua cả lãnh thổ của người Khương Nhung, chạy đến Xích Qủy nơi có người Tày cổ sinh sống thì dừng lại an cư. Đó là vùng đất thuộc Cao Bằng ngày nay. Hoàng tử Thục Chế lớn lên giữa Bộ tộc người Tày.
Lúc này thế lực người Tày rất yếu, thường bị người Miêu ở phía tây, người Nùng ở phía đông uy hiếp. Mỗi khi có tranh chấp, người Tày phải chịu thiệt thòi, nhường lại các phần đất của mình.
Chúa người Tày ngày càng già yếu, Tộc người Tày sẽ bị thôn tính hết đất đai bất cứ khi nào, trong khi hai con trai của Chúa là Tày Mô và Tày Bính còn nhỏ. Thấy Thục Chế có sức mạnh có thể đảm đương việc lớn, nên ông quyết định gả con gái lớn cho Thục Chế rồi nhường ngôi chúa Tày lại cho con rể.
Thục Chế chọn vùng đất bằng phẳng xây dựng thành Bản Phủ làm căn cứ đầu não, lại xây dựng chợ, nhà dân, đắp tường hào, hầm chông quanh thành nhằm bảo vệ bộ tộc của mình. Ông phát triển chăn nuôi trồng trọt, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh. Vì thế mà tộc người Tày có thể chống trả các cuộc tấn công của người Miêu và người Nùng.
Thấy Bộ tộc của mình đã mạnh, năm 30 tuổi, Thục Chế cho quân tấn công người Miêu ở phía tây, tuy nhiên quân Tày gặp khó khăn thất bại. Sau Tày Mô hiến kế cho anh rể theo con đường mòn vòng ra sau vương phủ của Miêu chủ, nhờ đó quân Tày giành chiến thắng, lấy được vùng đất của người Miêu thuộc Hà Giang ngày nay.
Thục Chế đưa quân tiếp tục lên bắc, tấn công vào Bắc Sách (thuộc Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay) của người Ngật Lão, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra khiến hai bên chịu tổn thất, cuối cùng người Tày lại giành chiến thắng.
Trong khi Thục Chế cho quân tiến đánh Bắc Sách thì người Pà Thẻ từ Bắc Kạn đưa quân tấn công người Tày. Tày Bính với lực lượng ít ỏi đóng chặt thành Bản Phủ cố thủ chờ anh rể đưa quân về.
Thục Chế sau khi chiếm được Bắc Sách đã kịp đưa quân về, quân Tày đánh tan quân Tà Thẻn ở Cao Bằng rồi đuổi theo sang tận Bắc Kạn. Vua Tà Thẻn phải quỳ gối xin hàng.
Sau những chiến thắng này, tộc người Tày mạnh nhất trong khu vực, các bộ tộc khác phải liên kết với nhau nhằm chống lại người Tày.
Thục Chế đưa quân đánh bại người Nùng ở Lạng Sơn, rồi đánh bại người Dao và người Đản. Rồi ông dùng thủy chiến tiêu diệt thủ lĩnh người Sán ở các mê cung đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long ngày nay.
Có được lãnh thổ rộng lớn, Thục Chế lên ngôi Vua đặt tên nước là Nam Cương, đóng đô ở Nam Bình (tức Cao Bằng ngày nay), lập thành 10 xứ bao gồm Kinh đô Nam Bình, 9 xứ mường còn lại do 9 chúa cai quản. 9 chúa Mường bao gồm 3 Nùng chủ, 2 Dao chủ, 1 Mán chủ, 1 Sán chủ, 1 Tày chủ, 1 Miêu Chủ.
Sau 10 năm ổn định đất nước, vua Thục Chế cho quân nhiều lần tấn công vào Văn Lang. Tuy nhiên đời Vua Hùng 16, 17, Văn Lang rất mạnh, đánh bại quân Nam Cương, khiến quân của Thục Chế không sao tiến sâu được.
Thục Chế xưng là An Trị Vương, ở ngôi 60 năm thì mất, gia đình họ Thục chia rẽ, tranh giành ngôi Vua. Em vợ của Thục Chế là Tày Mô sau đổi tên là Thục Mô lợi dụng sự chia rẽ này, tìm cách giúp đỡ con của Thục Chế là Thục Phán mới 10 tuổi lên ngôi Vua, để nhiếp chính nắm quyền.
Sau khi Thục Phán lên ngôi, Thục Mô nắm hết quyền hành rồi tìm cách giết Thục Phán để cướp ngôi, còn Thục Phán thì lại tìm cách hàn gắn gia tộc vốn bị chia rẽ sau khi cha mình mất.
Chín chúa mường thấy Thục Mô nắm quyền thì không phục, kéo quân đến yêu cầu được chia thêm đất cho mình, rồi tìm cách lấn áp chiếm ngôi Vua.
Thục Phán dù còn ít tuổi nhưng từ bé đã thông minh. Thục Phán hiến kế với Thục Mô rằng ngôi Vua chỉ có một mà chín chúa mường đều muốn, vì vậy hãy để 9 chúa đấu võ tranh tài, ai thắng sẽ lên ngôi Vua.
Trong khi các chúa tập trung tranh tài đọ sức thì Thục Phán hàn gắn rạn nứt trong gia đình họ Thục, củng cố lực lượng của mình ở Kinh thành Bản Phủ.
Các chúa đấu võ với nhau kết quả không ai mạnh nhất giành chiến thắng để lên ngôi Vua. Thục Phán liền ra cuộc đua “ai giỏi nghề gì làm nghề đó”, hẹn 3 ngày 3 đêm sẽ kết thúc, ai hoàn thành đúng hạn sẽ chiến thắng. Kết quả các chúa đều muốn lên ngôi nên làm khó nhau, chẳng có ai là người chiến thắng.
Sau rất nhiều cuộc tranh tài, kết cục không có chúa nào giành chiến thắng, Thục Phán tiếp tục giữ ngôi Vua, các chúa nản lòng, không còn muốn tranh nhau ngôi Vua nữa.
Thục Phán hàn gắn được rạn nứt gia tộc, quân đội ở Kinh thành đều theo mình nên lấy được thực quyền của một vị Vua, đem quân thôn tính nhiều bộ tộc thuộc Bách Việt ở phương bắc và Văn Lang ở phương nam.
Sau đó Thục Phán sáp nhập lãnh thổ Âu Việt và Lạc Việt lại gọi là Âu Lạc, lên ngôi gọi là An Dương Vương.
Ngày nay dấu tích Kinh đô Nam Bình xưa kia vẫn còn, gồm có 2 vòng thành, vòng ngoài có chu vi 5km bao quanh gò đồi thấp, dưới chân đồi được dựng thành tường thành.
Vòng trong là thành Bản Phủ có chiều dài 110 mét, rộng 100 mét, phía trước thành là hồ sen và các cánh đồng rộng lớn. Gần thành Bản Phủ có cây đa cổ thụ, tương truyền xưa kia các chúa đã thi bắn lá đa rơi tại nơi đây nhằm giành ngôi Vua.
Ra khỏi vòng thành ngoài, ở gần đầu gò còn có một đôi guốc đá khổng lồ chưa kịp đục lỗ xỏ quai, đó là kết quả đua tài của chúa Văn Thắng. Ngoài ra còn có rất nhiều địa danh khác ghi dấu cuộc thi tranh tài của chín chúa ngày xưa.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…