Thừa tướng Lữ Gia cùng nước Nam Việt của nhà Triệu
- Trần Hưng
- •
Nhà Triệu hay nước Nam Việt nói chung là một triều đại có nhiều điểm đặc biệt, khiến các sử gia đời sau không khỏi lúng túng. Người thì phân nhà Triệu vào trong lịch sử nước ta, người lại cho rằng không phải. Tuy nhiên có hai chuyện mà chúng ta biết rất rõ: Triệu Đà là người xưng ngôi Hoàng đế đầu tiên ở đất Việt; và nhà Triệu đã dám giết sứ thần nhà Hán và những kẻ phản bội định dâng nước Việt cho nhà Hán. Trong việc chống lại phương Bắc của nước Nam Việt thời kỳ này, không thể không nhắc tới thừa tướng Lữ Gia. Ông là một vị quan đại thần gắn bó với Giang Sơn trong lúc gian nguy chống lại quân Hán xâm lược. Dưới đây là một chút dã sử về ông.
Nước Nam Việt
Năm 204 TCN, Triệu Đà lập nước Nam Việt, định đô ở Phiên Ngung (nay là thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).
Lãnh thổ Nam Việt lúc đó rất rộng lớn, bao gồm hầu hết tộc người Việt trong nhóm Bách Việt, biên giới phía bắc đến dãy Ngũ Lĩnh (phía nam vùng Giang Nam, Trung Quốc ngày nay), phía tây đến Dạ Lang, phía nam đến dãy Hoàng Sơn (Hà Tĩnh, Việt Nam ngày nay), phía đông giáp biển.
Triệu Đà từng xưng đế tại Nam Việt, “ngồi xe hoàng ốc cắm cờ bên trái, ban chiếu lệnh xưng là chế, ngang hàng với Trung Nguyên” (Sử Ký Tư Mã Thiên). Sau do việc ngoại giao với nhà Hán mà sứ giả khi sang chầu nhà Hán thì xưng Nam Việt Vũ Vương, nhưng bên trong nước thì Triệu Đà vẫn xưng là đế.
Năm 137 TCN, Triệu Đà mất, truyền ngôi cho cháu của mình là Triệu Mạt, tức Triệu Văn Vương. Triệu Văn Vương có được một Thừa tướng tài năng là Lữ Gia.
Theo “Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện” thời Nguyễn thì Lữ Gia quê ở huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa, nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Còn theo “Cổ Lôi ngọc phả truyền thư” thì Lữ Gia quê ở Tiên Lữ thuộc bộ Vũ Ninh (thuộc Bắc Ninh, Hải Dương ngày nay).
Dân gian lưu truyền rằng Lữ Gia từ 3 tuổi đã thông âm luật, 8 tuổi đã thông Bách gia chư tử, binh thư.
Lữ Gia làm Thừa tướng 4 đời vua Nam Việt là Triệu Văn Vương (136-125 TCN), Triệu Minh Vương (124-113 TCN), Triệu Ai Vương (112 TCN) và Triệu Dương Vương (112-111 TCN).
Vào thời Triệu Văn Vương, Lữ Gia được vua tin tưởng phong làm Thừa tướng. Triệu Minh Vương thì lấy ông làm Thái phó.
Chuyện kể về Lữ Gia dưới đây dẫu rằng trái với sử Tàu, nhưng cũng đáng để tham khảo thêm trong khi tài liệu về Thừa tướng Lữ Gia trong chính sử quá ít.
Nguy cơ mất nước
Năm 135 TCN, Mân Việt ở phía bắc mở các cuộc tấn công vào vùng đất biên giới với Nam Việt. Triệu Văn Vương phải nhờ người Hán giúp, sau đó vua Hán yêu cầu Triệu Văn Vương vào chầu. Sau khi bàn bạc, nhà Triệu cử Thái tử Anh Tề thay cha sang Hán. Tại đây, Anh Tề lấy một người con gái họ Cù.
Năm 125 TCN, Triệu Văn Vương mất, Thái tử Anh Tề về nước lên ngôi Vua, hiệu là Triệu Minh Vương, phong người vợ họ Cù làm Hoàng hậu. Năm 113 TCN, Minh Vương mất nhưng không nhường ngôi cho con trưởng là Triệu Kiến Đức với vợ người Việt, mà lại chọn nhường ngôi cho Triệu Hưng mới chỉ 5 tuổi vốn là con của Cù hậu người Hán. Triệu Hưng lên ngôi, hiệu là Ai Vương, Cù hậu lên làm Thái hậu.
Theo lệ khi lên ngôi thì phải đến nhà Hán chầu. Nhưng do Ai Vương mới 5 tuổi nên phương Bắc cử An Quốc Thiếu Quý vốn là người quen biết, đến yêu cầu Thái hậu họ Cù cùng đi theo Vua. An Quốc Thiếu Quý thực chất là người tình cũ của Thái hậu họ Cù khi còn ở Hán, nay hai người lại tư thông với nhau.
Dân chúng và triều đình biết được chuyện này đều rất bất bình, không ai muốn theo Thái hậu. Vua còn nhỏ, Thái hậu không được lòng triều đình liền ngả hẳn theo nhà Hán.
Vua Hán thông qua An Quốc Thiếu Quý tác động lên Thái hậu, yêu cầu dâng Nam Việt cho nhà Hán, đồng thời sai Lộ Bác Đức đem quân đóng nơi biên giới để thị uy.
Lộ Bác Đức tâu về với vua Hán rằng: nước Nam Việt có Bảo Công (Lữ Gia), Lang Công (Nguyễn Danh Lang) hai tướng tài, mưu lược trí dũng, quân Hán khó mà thắng được. Kế tốt nhất là dùng mưu.
Gánh nặng Giang Sơn
Năm 112 TCN, Vua và Thái hậu chuẩn bị vào chầu nhà Hán. Thừa tướng Lữ Gia dù tuổi đã cao nhưng vẫn quyết diệt mầm họa hại nước, đưa ra lời tuyên cáo: “Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên Vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem theo nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Rồi Lữ Gia cùng em mình là Lữ Cường tiến quân vào cung, giết Thái hậu họ Cù cùng sứ giả người Hán. Sau đó ông đưa Kiến Đức lên ngôi Vua, hiệu là Triệu Dương Vương.
Đoán biết quân Hán sẽ tiến sang, Lữ Gia sai quân đóng giữ những nơi hiểm yếu chuẩn bị đón đánh.
Ngay khi được tin, tướng nhà Hán là Hàn Thiên Thu đưa quân tấn công Nam Việt, tiến thẳng đến Phiên Ngung. Quân Hán cách Kinh thành Phiên Ngung 40 dặm thì bị quân của Lữ Gia đón đánh, Hàn Thiên Thu tử trận.
Vua Hán nghe tin liền huy động 7 đạo quân với quân số 30 vạn đặt dưới sự chỉ huy của Lộ Bác Đức tấn công Nam Việt.
Cuốn “Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện” ghi chép về cuộc chiến bảo vệ Giang Sơn của Thừa tướng Lữ Gia cùng quân Nam Việt như sau:
7 đạo quân của nhà Hán tiến đến Kinh thành Phiên Ngung. Quân của Nam Việt phần nhiều chưa trải qua chiến trận, không thể chống lại đội quân chính quy của nhà Hán.
Biết Kinh thành không thể giữ được, Triệu Dương Vương cùng Triều thần lên thuyền theo đường biển về thành Đại La. Thừa tướng Lữ Gia cùng em kết nghĩa là Nguyễn Danh Lang và các tướng vẫn ở lại chỉ huy cuộc chiến với quân Hán.
Quân Nam Việt sau đó rút khỏi Phiên Ngung về phía nam, nhưng tại các vị trí trọng yếu Lữ Gia đều bố trí quân của mình chốt chặn. Vì thế quân Hán tiến binh rất vất vả và liên tục bị tiêu hao binh lực.
Thấy quân Nam Việt kiên cường đánh chặn, Lữ Gia có tài không dễ thắng được, Lộ Bác Đức liền dùng mưu. Ông ta dùng của cải đút lót các tướng Nam Việt vốn thân cận với Thái hậu trước đây, để họ báo với Triệu Dương Vương rằng Lữ Gia đã bí mật hòa ước với quân Hán.
Triệu Dương Vương nghi ngờ liền bãi chức Lữ Gia, cho ông làm tri huyện phủ Phong Châu; Nguyễn Danh Lang làm Huyện lệnh Thiên Thi. Nguyễn Danh Lang về đến quê thì mất, Lữ Gia thì nhận lệnh về Phong Châu.
Thiên Nam Thánh Vương
Biết quân Hán tiến xuống nam sẽ đến Phong Châu, Lữ Gia lại tập hợp binh lính xây dựng căn cứ quyết bảo vệ vùng đất này.
Quân Nam Việt thiếu Lữ Gia, Lộ Bác Đức dễ dàng cho quân nam tiến, đánh vào thành Đại La. Triệu Dương Vương cùng quân Nam Việt không chống nổi phải đầu hàng.
Lúc này Lộ Bác Đức cho quân đánh vào Phong Châu và dùng của cải đút lót tỳ tướng của Lữ Gia để họ làm nội gián.
Khi Lữ Gia đưa quân đến bến Nhân Mục gần Đại La để phản công, quân Hán nhờ có nội gián biết trước nên mai phục đánh úp, Lữ Gia phải chạy về Phong Châu, thiệt hại binh lực rất nhiều.
Không còn đủ binh chống giữ Phong Châu, Lữ Gia cùng một toán quân cố phá vây rồi chạy về phía nam. Quân Hán đuổi theo truy sát khiến Lữ Gia trọng thương. Chạy đến làng Lã Chỉ (còn gọi là Lữ Chử, nay thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) thì ông mất.
Người dân trong làng an táng cho ông, thờ cúng ở trong đình.
Triệu Quang Phục từng lập đền thờ Lữ Gia ở Đa Phúc, Sài Sơn, Quốc Oai cùng bức hoành phi “Thiên Nam Thánh Vương”.
Ngày nay có rất nhiều con đường mang tên Lữ Gia. Tại Sài Sòn còn có cư xá mang tên Lữ Gia. Các huyện Đan Phượng, Thanh Oai cũng có đền thờ thừa tướng Lữ Gia cùng câu đối ca ngợi công đức của ông:
Nhất phiến trung can Côi Lĩnh tại,
Thiên thu di cốt Nguyệt Giang từ.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nhà Triệu Lữ Gia lịch sử Việt Nam Triệu Đà