Văn Hóa

Vai trò của đọc sách trong khởi nghiệp và giáo dục gia đình

Kính thưa các vị lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Hải Phòng và NXB Phụ nữ

Kính thưa các vị đại biểu tham dự hội thảo.

Trước hết xin được cảm ơn NXB Phụ nữ đã mời tôi tham gia sự kiện này.

Lúc đầu khi nhận được lời đề nghị nói chuyện về chủ đề “vai trò của đọc sách đối với khởi nghiệp và giáo dục gia đình”, thú thật tôi cũng có chút lúng túng. Người ta dễ dàng tìm ra mối liên hệ giữa “Đọc sách” và giáo dục gia đình nhưng đọc sách và khởi nghiệp thì sao? Có sợi dây nào giữa chúng?

Sự “đặt hàng” của NXB Phụ nữ đã khiến tôi có hứng thú để lần giở lại những trải nghiệm và gợi lên những suy nghĩ mới. Và rồi, ở một giây phút nào đó khi cầm cuốn sách đọc bên cửa sổ tôi sửng sốt nhận ra một sự thật: Chẳng phải “đọc sách”, “khởi nghiệp”, “giáo dục gia đình” đang là những từ khóa phổ biến nhất thu hút sự quan tâm của công chúng và đặc biệt là các bạn trẻ gần đây sao?

Thú vị hơn nữa là nhìn vào trật tự của nó người ta có thể thấy một vòng quay của đời người: học, lao động sáng tạo, sống hạnh phúc và giáo dục thế hệ tiếp theo để chuẩn bị cho cuộc hành trình vào vũ trụ mênh mông.

Trong vòng quay ấy, đọc sách – nhìn dưới góc độ rộng là một hình thức học tập mở và diễn tiến suốt cả đời người có vai trò rất lớn.

SÁCH VÀ KHỞI NGHIỆP

Trong khoảng 10, 15 năm trở lại đây, khởi nghiệp trở thành từ khóa rất quen thuộc với giới trẻ và được dùng với tần suất đáng kinh ngạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu dùng google tìm kiếm từ “khởi nghiệp” trong vòng 0,65 giây ta sẽ thu được 10.100.000 kết quả. Hãy thử hình dung mức độ phổ biến của nó khi ta biết rằng kết quả tìm kiếm từ “tuổi trẻ” – một từ rất phổ biến trong tiếng Việt và chắc chắn ra đời trước từ “khởi nghiệp rất lâu”, bằng google cho 17.000.000 kết quả.

Cho dù chưa khảo cứu kĩ nhưng tôi nghĩ “khởi nghiệp” là một từ được dịch ra từ tiếng Anh (start up) và nó mới được sử dụng trong khoảng trên dưới một thập kỉ gần đây.

Tại sao khởi nghiệp lại trở nên phổ biến và được quan tâm đến như vậy?

Sẽ có nhiều lý do được đưa ra tuy nhiên không thể không kể ra đây vai trò ngày càng lớn của kinh tế tư nhân và địa vị pháp lý của nó. Đóng góp lớn lao của kinh tế tư nhân đối với đất nước đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dân về kinh tế tư nhân, về những người chủ doanh nghiệp tư nhân.

Trở thành một doanh nhân có công ty riêng không còn nghi ngờ gì nữa đã trở thành mơ ước của không ít các bạn trẻ.

Một lý do khác nữa là nhu cầu khởi nghiệp – tìm kiếm con đường và cơ hội cho chính mình của giới trẻ để làm chủ cuộc đời và giúp đỡ người khác ngày càng lớn.

Đã có một thời, tâm lý lớn lên học xong để trở thành người nhà nước, trở thành những người ăn lương ngân sách chiếm địa vị thống trị. Nó tạo thành một nếp nghĩ héo mòn. Giới trẻ cứ thế tuần tự tiến bước như đoàn tàu được sắp đặt sẵn trên đường ray, hết một đoạn ray nào đó thì đến ga. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thức này đã lung lay và thay đổi. Yếu tố tác động lớn đến tâm lý này là tình trạng thất nghiệp của các cử nhân .

Theo kết quả được công bố chính thức năm 2017, cả nước có 200.000 cử nhân thất nghiệp. Đấy là một con số giật mình và đáng suy ngẫm.

Không một bộ máy nhà nước nào có thể có chỗ cho tất cả những người có nhu cầu trở thành công chức viên chức.

Không có một nền kinh tế nào mạnh đến độ có thể tạo ra việc làm sẵn có cho tất cả mọi thanh niên. Tự mình tạo ra việc làm cho chính mình. Tự mình cứu mình là thách thức lớn lao đồng thời cũng là ước mơ đầy hấp dẫn của tuổi trẻ trong thời đại hiện nay.

Nhưng đấy cũng không phải là con đường đơn giản và lãng mạn. Cho dù không phải là một chủ doanh nghiệp, nhưng từ trải nghiệm kiếm tìm con dường đi riêng của bản thân mình và những gì đã trải nghiệm ở Nhật Bản cũng như Việt Nam để mưu sinh, tôi cảm nhận rất rõ điều đó.

Để thành công trong khởi nghiệp, đặc biệt là thành công với mô hình kinh doanh bền vững, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức phổ quát và hợp pháp trong thời địa toàn cầu hóa, bản lĩnh văn hóa và trí tuệ sẽ trở thành thứ không thể thiếu cho người khởi nghiệp.

Có rất nhiều người đã từng hỏi tôi rất chân thật rằng: “Liệu để trở nên giàu có có nhất thiết phải học không?”, “Chẳng phải có nhiều cách để trở nên giàu có hay thành công hay sao?”

Để chứng minh cho khẳng định của mình, họ dẫn ra một loạt các tấm gương “danh nhân thành đạt” và các “đại gia” giàu có khác.

Đấy là những nhân vật có thật và tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về số tài sản họ đang có.

Nhưng nếu các bạn bình tĩnh nhìn vào một không gian rộng lớn hơn như khu vực và thế giới và nhìn ở một phạm vi thời gian dài hơn là lịch sử và tương lai (thay vì chỉ nhìn vào hiện tại), chúng ta sẽ thấy tỉ lệ những người giàu có nhờ vào trí tuệ và học thức lớn hơn nhiều tỉ lệ các doanh nhân giàu có nhờ may mắn, nhờ quan hệ thân hữu hay nhờ các mánh khóe làm ăn phản văn minh.

Ở một phạm vi hẹp người ta có thể kể ra được ông A, ông B, bà C có tài sản khổng lồ mà không cần phải học hay đọc sách thậm chí họ còn tự hào là “không cần đọc sách” nhưng ở trên phạm vi thế giới, bạn sẽ thấy những doanh nhân giàu có, thành đạt, nổi tiếng có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới cũng là những người ham mê đọc sách và có trình độ hiểu biết sâu rộng. Ngay cả tôi một người không phải doanh nhân, cũng ít quan tâm đến công nghệ, cũng có thể kể ra những tỉ phú thành công ham mê đọc sách và có được thành công, giàu có nhờ trí tuệ như Bill Gates, Elon Musk, Matsushita Konosuke…

Ngay cả nhìn ở hiện tại, thành công của một doanh nhân không chỉ là kiếm được bao nhiêu tiền mà còn ở chỗ họ tạo ra giá trị như thế nào cho cộng đồng mà họ là thành viên, họ được cộng đồng đó đánh giá ra sao. Dưới góc độ đó thì đương nhiên những doanh nhân có nền tảng văn hóa tốt, ham mê các giá trị văn hóa như đọc sách sẽ chiếm lợi thế.

Nhìn về tương lai, lợi thế này càng rõ. Kiếm tiền đã khó nhưng việc quản trị, làm cho đồng tiền sinh sôi và… bất tử rõ ràng còn khó hơn gấp nhiều lần. Trong sử sách và cả trong thực tế không thiếu những ví dụ sinh động về việc tài sản mà người chủ đã tích lũy gần như suốt đời đã bị hủy hoại trong nháy mắt do sai lầm của chính họ hoặc sự phá hoại của con cháu họ. Sử dụng, quản lý tài sản lớn luôn cần đến một bản lĩnh văn hóa lớn.

Nếu bản lĩnh không đủ người ta rất dễ trở thành nô lệ của đồng tiền thay vì là ông chủ của nó. Tệ hơn, khi nhân cách, bản lĩnh văn hóa yếu hơn sức hấp dẫn của tiền, người ta sẽ đi vào con đường tha hóa và phá vỡ hạnh phúc của chính bản thân cũng như của người khác. Lợi ích của họ khi đó trở thành thứ đối lập với lợi ích của cộng đồng.

Nếu nhìn nhận dưới góc độ này ta sẽ thấy rất dễ hiểu khi các ông chủ giàu có trên thế giới dùng tiền kiếm được đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa hoặc tài trợ cho văn học, nghệ thuật, khoa học.

Chính vì vậy, để khởi nghiệp cần phải học và khi khởi nghiệp, thậm chí ngay cả khi khởi nghiệp đã thành công vẫn cần tiếp tục học không ngừng. Học ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó .

Nó phải được diễn ra trong mọi không gian và thời gian thay vì hiểu là việc đến trường để học các môn học được định sẵn theo chương trình và chờ nhận bằng khi tốt nghiệp. Cho dù nhiều lĩnh vực cần đến các chứng chỉ nhất định mới được phép hành nghề, sản xuất, kinh doanh vẫn là một con đường rộng mở cho thực học và tự học.

Đọc sách là một cách tự học. Không phải ai cũng có điều kiện để theo đuổi việc học ở trường trong một thời gian dài. Nhiều doanh nhân thành đạt cũng đã từng ở trong hoành cảnh như vậy nhưng nhờ tự học, nhờ chăm đọc họ đã rất thành công và sau đó họ lại quay trở lại tiếp tục phát triển văn hóa đọc như là một sự tri ân, tạo ra một sự tiếp nối.

Họ đang nỗ lực để lưu lại và phát triển những gen di truyền xã hội tốt.

Xin kể ra đây hai ví dụ.

Ví dụ thứ nhất, tôi biết đến nhờ đọc sách. Đấy là ông Matsushita Konosuke, người sáng lập công ty Matsushita và sau này thường được biết tới như là tập đoàn Panasonic nổi tiếng của Nhật Bản. Ông là một tấm gương doanh nhân đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn khi không được theo đuổi việc học ở trường để tự học và tự học có hiệu quả.

Nếu nhìn dưới con mắt thông thường, Matsushita Konossuke sinh ra trong một hoàn cảnh không mấy thuận lợi. Bố mẹ ông là nông dân có tới 7 người con. Ông chỉ được học hết bậc tiểu học 4 năm, 9 tuổi ông đã phải di học việc và lao động để kiếm sống.

Ông đã làm đủ nghề từ khi còn nhỏ như bán than, phụ bán hàng cho cửa hàng xe đạp… Nhưng rồi bằng ý chí hơn người, ông vừa làm vừa mày mò tự học và trở thành ông chủ của một trong những tập đoàn lớn của Nhật, sở hữu rất nhiều bằng sáng chế có giá trị.

Ông cũng là người sáng lập trường tư thục kinh tế chính trị Matsushita, viện nghiên cứu PHP (bao gồm cả NXB PHP). Bản thân ông là người chăm đọc sách, mê đọc sách và cũng là tác giả của rất nhiều cuốn sách. Thống kê sơ bộ trên wikipedia cho biết ông là tác giả của gần 30 cuốn sách.

Người Nhật đánh giá cao và kính trọng ông không phải chỉ vì ông là một doanh nhân có trong tay tài sản lớn.

Chồng cô giáo dạy tôi tiếng Nhật (cô dạy như là giáo viên tình nguyện miễn phí trong suốt gần 5 năm), là phó chủ tịch hiệp hội chất bán dẫn Nhật Bản đã từng có một thời gian dài làm việc trong công ty Panasonic như một chuyên gia kĩ thuật đã dành cho ông chủ Matsushita những lời rất tốt đẹp khi có một lần tôi hỏi ông về chuyện của công ty (khi đó ông đã nghỉ hưu và trở thành người lãnh đạo hội chất bán dẫn).

Chúng ta có thể không có tham vọng và cũng có thể không có khả năng trở thành một người như Matsushita Konosuke nhưng chúng ta có thể cần mẫn tự học để tiến bộ và cải thiện chính cuộc sống của chính mình. Đọc sách để tự học là một cách giúp chúng ta có được sự tự tin và dũng cảm đương đầu với các khó khăn chắc chắn sẽ vấp phải trong kiếp người hữu hạn.

Câu chuyện tiếp theo là một câu chuyện có thật và cũng có liên quan đến chính bản thân tôi.

Sau khi nhận học bổng của chính phủ Nhật Bản đến Nhật du học trong tư cách là thực tập sinh trong 18 tháng, tôi xin thầy hướng dẫn cho thi cao học để có thể học tiếp. Tuy nhiên thầy cương quyết từ chối với lý do “năng lực tiếng Nhật chưa đủ”. Tôi quyết định ở lại học tự túc một năm để nâng cao trình độ tiếng Nhật.

Một năm ở lại học tiếng phải tự lo chi phí ăn ở và học phí, tôi đã tiêu sạch số tiền tiết kiệm được vì vậy khi thi đỗ vào cao học tôi gặp khó khăn. Số tiền đi làm thêm kiếm được rất ít ỏi và khi đi làm vào ban đêm, việc tập trung học tập sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó nhà trường có giới thiệu tôi nộp đơn ứng tuyển học bổng của tổ chức học bổng quốc tế Satoyo. Và thật may tôi đã trúng tuyển. Thế là tôi không cần phải đi làm thêm vì hàng tháng tổ chức này đã cấp một khoản tiền tương đối hào phóng (khoảng 30-35 triệu đồng) để tôi nộp học phí và chi dùng. Điều kiện đưa ra chỉ là “học tốt, tuân thủ pháp luật Nhật và có cống hiến xã hội”.

Cống hiến xã hội ở đây không giới hạn là ở Nhật mà là ở bất kì nơi đâu tôi sống. Người sáng lập tổ chức học bổng này ông Sato Yo cũng là một ví dụ rất sống động về tự học và khởi nghiệp.

19 tuổi ông cùng cha mình lập công ty chế tạo máy gia công tre nứa (1940). Sau chiến tranh thế giới thứ hai nhu cầu nhập khẩu máy móc gia công tre nứa ở các nước Đông Nam Á dâng cao và ông trong vai trò chuyên gia kĩ thuật đã đến làm việc tại các nước Đông nam á như Philipin, Myanmar, Thái Lan… Ở đây ông đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, hào phóng của người Đông Nam Á .

Sau đó, công ty phát triển lớn mạnh và trở thành doanh nghiệp sản xuất, phát triển phần mềm tạo mã vạch (bar code) nổi tiếng ở Nhật, có sản phẩm được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Tính đến thời điểm năm 2015, sau 75 năm hoạt động công ty có trên 4000 nhân viên có chi nhánh trên 20 quốc gia trên thế giới.

Để tri ân những người đã giúp đỡ ông trong giai đoạn gian khó, năm 1996 ông lập ra Quỹ học bổng quốc tế Sato (về sau đổi tên là Quỹ Satoyo) cấp học bổng cho du học sinh đến từ 18 nước ở Tây Á và Đông Nam Á.

Ở thời điểm tôi nhận học bổng (năm 2009) tổ chức này đã cấp học bổng cho 400 sinh viên nước ngoài trong đó có nhiều sinh viên là người Việt Nam.

Ông đã khởi nghiệp từ khi rất trẻ và tự học vươn lên không ngừng để có sự nghiệp lớn. Câu chuyện về cuộc đời của ông và những gì ông làm để giúp đỡ, khuyến khích các sinh viên châu Á khiên chúng tôi xúc động sâu sắc.

Và như vậy, qua hai ví dụ trên chúng ta thấy, sự phát triển bền vững của công ty sẽ phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh văn hóa, tầm nhìn, trí tuệ của người sáng lập cũng như triết lý mà công ty theo đuổi. Sự sinh sôi, sức sống lâu bền của tài sản và ý nghĩa của nó sẽ gia tăng hay suy tàn tùy thuộc vào nền tảng văn hóa, trí tuệ mà ông chủ có.

Khởi nghiệp và đọc sách – tự học bởi thế không phải là việc tách rời hay mâu thuẫn mà bản thân chúng là hai việc gắn bó với nhau một cách mật thiết đầy tự nhiên.

SÁCH VÀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Thế giới đang biến đổi không ngừng với gia tốc ngày một nhanh.

Cho dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển, xã hội mà chúng ta đang sống đã thay đổi rất nhiều so với xã hội của các thế hệ trước đó.

Lối sống và giá trị quan của các cá nhân ngày càng trở nên đa dạng và tương đối hóa. Sự lựa chọn đời sống cá nhân là sự lựa chọn cần tôn trọng.

Cho dẫu vậy, gia đình sẽ vẫn là đơn vị nền tảng của xã hội và là nơi con người cảm nhận hạnh phúc thông qua cuộc sống hàng ngày.

Phụ nữ ngày một độc lập hơn, mạnh mẽ hơn, thành công hơn nhưng có lẽ phụ nữ cũng sẽ vẫn là người có vai trò rất lớn trong tạo dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Cùng với sự khủng hoảng của giáo dục trường học, vai trò của giáo dục gia đình ngày càng trở nên quan trọng. Sau một thời gian mải mê và kì vọng quá mức vào giáo dục trường học với tư duy “trăm sự nhờ thầy cô” giờ đây, người dân đang từng bước nhìn nhận lại vai trò của gia đình đối với giáo dục con cái.

Nhìn ở bình diện vĩ mô, một xã hội có trở nên tốt đẹp hay không xét đến cùng sẽ phải nhờ cậy vào sự tốt đẹp ở từng con người cụ thể. Ở Nhật gần đây, cuốn sách “Phẩm cách quốc gia” của giáo sư Fujiwara Masahiko đã làm dấy lên sự tranh luận rộng rãi. “Phẩm cách” đã trở thành một từ khóa quan trọng và trở thành một xu hướng cho hàng loạt các ấn phẩm bán chạy khác ra đời như “Phẩm cách phụ nữ”, “Phẩm cách cha mẹ”… Xu hướng đó dựa trên nền tảng tư duy rằng giáo dục gia đình có vai trò lớn đối với sự trưởng thành của cá nhân và sự văn minh của xã hội. Sự chuyển biến của từng phụ huynh, từng gia đình sẽ tạo ra sự chuyển biến của toàn xã hội.

Ở Việt Nam, sự bùng nổ của các sách nuôi dạy con gần đây là tín hiệu cho thấy điều đó.

Nhưng nuôi dạy con chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Bà Kubota Kayoko, một người tốt nghiệp khoa Y đại học Tokyo, một tác giả và cũng là một bà mẹ thành công (2 con trai bà là bác sĩ rất thành công trong sự nghiệp) trong cuốn sách “Phương pháp nuôi dạy con trai” từng viết “Không thể nuôi dạy con chỉ bằng khoa học”. Mỗi đứa trẻ là một thế giới, thực thể riêng phong phú, đa dạng và luôn biến đổi. Chính vì thế mà ngay cả các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý cũng gặp khó khăn trong chính việc nuôi dạy con mình.

Có nhiều lý do, ngoài lý do mỗi đứa trẻ là riêng biệt còn phải kể tới một thực tế trên thế giới hầu như không có trường học nào dạy người ta làm cha mẹ một cách chuyên nghiệp. Hầu hết cha mẹ trên thế giới ngày đều phải TỰ HỌC ĐỂ TRỞ THÀNH CHA MẸ TỐT.

Tự học có nhiều cách: học qua phương tiện truyền thông, học qua bè bạn, học từ các thế hệ trước, học qua thực tiễn và đọc sách.

Trong bối cảnh các gia đình truyền thống đang chuyển dần thành gia đình hạt nhân và xã hội địa phương đang dần mất đi vai trò trong việc giáo dục trẻ, việc cha mẹ tự học để hoàn thiện bản thân và nỗ lực trong việc nuôi dạy trẻ sẽ càng trở nên cấp thiết.

Thuận lợi của cha mẹ trẻ hiện nay là phương tiện để học tập ngày càng phong phú và dễ tiếp cận. Số lượng sách xuất bản ngày càng lớn, chủ đề ngày càng phong phú. Tuy nhiên nó cũng là cái khó cho phụ huynh khi bị lạc trong rừng thông tin. Khi đi trong rừng thông tin đó nhiều phụ huynh sẽ có cảm giác lạc lối và hoang mang.

Như trước đó đã nói, việc nuôi dạy con không phải là việc dễ dàng cũng không phải là việc giản đơn. Kinh nghiệm của gia đình này chưa chắc đã đắc dụng với gia đình khác, biện pháp này tốt với đứa trẻ này nhưng chưa chắc đã thích hợp với đứa trẻ khác.

Rất nhiều người đã than phiền rằng tại sao tôi đọc sách về giáo dục gia đình nhiều như vậy mà chưa có kết quả.

Ở đây, cần bình tĩnh để thấy rằng giáo dục là công việc cần đến thời gian mới có thể kiểm nghiệm được kết quả. Ngay cả đối với giáo dục trường học vốn được thẩm định, đánh giá kết quả bằng điểm số thường xuyên người ta cũng không chắc đánh giá đúng được kết quả trong một thời gian ngắn. Một người học trò có thành tích tốt, thi đỗ các trường nổi tiếng rất có thể khi trưởng thành, ra ngoài xã hội lại là một con người tồi hoặc một công dân tồi. Những trường hợp ngược lại cũng không thiếu.

Nếu coi mục tiêu giáo dục là con người, thì không có cách nào khác cha mẹ vừa phải đồng hành với con, yêu thương dõi theo con và đợi cho đến ngày con trưởng thành.

Sự tác động thông qua giáo dục tới con là sự tác động từ từ đem lại kết quả từ bên trong chứ không phải là sự tác động dồn dập để có kết quả ngay.

Nôn nóng sẽ dẫn tới kì vọng hoặc thất vọng quá mức.

Đặc biệt, sự thay đổi tích cực, sự trưởng thành ở con chỉ có thể đến thông qua sự biến chuyển và trưởng thành từ chính phụ huynh. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, là tấm gương chân thật và gần gũi nhất đối với con.

Là người lớn mà con tiếp xúc thường xuyên và da diện nhất.

Vì thế, muốn con thay đổi, bố mẹ phải thay đổi. Và đây mới chính là điều khó nhất đối với những ai làm cha làm mẹ.

Tôi biết có nhiều ông bố có thói quen hút thuốc và dù yêu con, lo lắng cho sức khỏe của con họ cũng vẫn không (chưa) thể từ bỏ được việc hút thuốc. Nhiều ông chồng có thói quen xem tivi hay đi uống bia hơi vỉa hè sau giờ làm thay vì giúp vợ làm việc nhà hay chơi với con.

Thay đổi những thói quen đã hình thành trong nhiều năm thậm chí là hình thành từ nhỏ rât khó nhưng khó hơn nữa là thay đổi giá trị quan.

Muốn có giá trị quan tốt đẹp ở con, phụ huynh phải có được giá trị quan tốt đẹp đó hoặc ít nhất cũng phải chân thành thể hiện được thái độ cố gắng để có được giá trị quan đó.

Muốn con yêu thương người khác, cha mẹ phải cố gắng là người biết yêu thương.

Muốn con trung thực, cha mẹ phải nỗ lực trở thành người trung thực hay ít nhất cũng tán thành giá trị trung thực…

Đấy là chân lý cực kì giản đơn nhưng cũng là thứ cực kì khó khăn khi hiện thực hóa nó trong nhận thức và hành động.

Để hiện thực hóa nó trong tâm tưởng và hành động, cha mẹ sẽ cần đến sức mạnh của nội tâm. Sức mạnh ấy có thể đến từ những trải nghiệm hàng ngày. Nhưng thế thôi chưa đủ, những trải nghiệm đó chỉ có thể được cộng hưởng và xâu chuỗi lại tạo ra sức mạnh nội tâm khi nó được kích thích bằng việc đọc sách và suy tưởng.

Có sức mạnh của nội tâm con người sẽ không sợ hãi trước các thách thức từ thực tế.

Vai trò của đọc sách đối với giáo dục gia đình là chỗ ấy.

Tôi rất mong, ở mỗi gia đình trên đất nước Việt Nam này sẽ có một tủ sách.

Sự hiện diện của tủ sách trong cuộc sống hàng ngày sẽ nhắc ta suy ngẫm về sức mạnh của nội tâm và những sự đổi thay tốt đẹp đến từ sức mạnh ấy.

Nguyễn Quốc Vương
Hải Phòng, 31.5.2018

Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

10 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

24 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

46 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

1 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago