Về các danh xưng chỉ người Chàm

Danh xưng dùng để chỉ dân tộc đã từng có một đế quốc rộng lớn hiện nằm trên phần đất Việt, Miên, Lào, thật cũng không nhiều gì lắm. Những tên được ghi trên giấy tờ, bia đá, có khác nhau tùy thuộc ngôn ngữ sử dụng, nhưng người ta có thể dễ dàng nối kết nguồn gốc để tìm ra giải thích hợp lý. Những tên do tiếng gọi thông thường của dân chúng gây ít nhiều lúng túng cho người tìm hiểu vì tính chất thiếu cố định và thiếu lưu giữ của lời truyền khẩu. Có người bỏ cuộc, có người đoán phỏng chừng. Bây giờ đến lượt chúng ta thử cố gắng tìm một ý kiến xác quyết xem sao.

*

Danh xưng thường được dùng nhiều nhất từ dân chúng đến tầng lớp cai trị là tên tiếng Việt gọi là Chàm. Ở Hạ Lào có địa danh Cham-bassak, ở Cambodge có Kompong Cham (Vũng Chàm), Spéan-Chàm (Cầu Chàm). Vùng kinh thành Chà Bàn cũng có Cầu Chàm trên Quốc lộ số I ngang qua thành Bình Định mà sử quan đã chịu khó dịch ra một tên thơ mộng là Lam Kiều. Nhưng dấu vết còn lại nhiều nhất là ở nơi đã phát sinh danh xưng đó. Vùng tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín bây giờ cho đến cuối thế kỷ 18 vẫn được các người ngoại quốc gọi là tỉnh Chàm. Tên gọi hẳn phải dựa vào truyền thống địa phương vì thành phố Quảng Nam vẫn được vua quan Việt gọi là Chiêm Doanh. Có làng Chiêm Sơn thuộc quận Duy Xuyên, 2 làng Chiêm Lai (thượng và hạ) của quận Điện Bàn. Cù lao Chàm còn đến bây giờ, và Cửa Đại chỉ là tên rút của Đại Chiêm hải khẩu.

Cho nên, không lấy làm lạ rằng các học giả Tây phương đã đoán Chiêm “thành” do người Trung Hoa ghi lại là chuyển từ một Champàpura quanh vùng Quảng Nam: Chữ “Chiêm” với chữ “Chàm” hẳn là cùng nguồn gốc. Và tên Chàm là từ chữ Campà khắc trên bia đá đầu thế kỷ thứ VII. Tên nước thật đẹp, bởi vì Campà, chữ sansrit, là tên của cây Michelia Campaka, cây bông sứ của người miền Nam, hoa đại ở miền Bắc.

*

Thông thường trong dân chúng còn có danh từ “Hời” để chỉ sắc dân lập quốc trên bờ biển đông Việt Nam từ Quảng Nam trở vào đến Bình Thuận. Phải nói dài dòng như vậy vì có người, Ông J. Moura, không nhận người Hời là người Chàm. Dựa trên lời thuật của một viên công sứ Quy Nhơn cho rằng dân “Hois” ở Bình Thuận “không giống người Chàm, có nước da trắng hơn dân Chàm và trắng hơn cả người An Nam”. “Dân Hời không phải theo Phật giáo, Hồi giáo mà là thờ thần vật và đồ thờ chính của đạo họ là một thân cây chết có hình trạng đặc biệt (?)”. Moura bị lôi kéo bởi giả thuyết của một giáo sĩ Pháp cho rằng “màu da dân Hời không có dáng nguồn gốc nhiệt đới và có thể là họ từ các bờ biển Trung Hoa bị người Tàu rồi người An Nam dồn về Nam. Cuối cùng, người An Nam cũng trục xuất luôn người Chàm…”

Được gợi ý từ đó, Moura mới cho người Hời là một sắc dân bản thổ của đảo Hải Nam mà người Trung Hoa, theo ông nghe được, gọi tên là người “Loi”. Và từ chữ Loi đó, ông cho rằng có tương đồng với chữ Hời. Moura cũng dựa trên lời kể của một thương gia Trung Hoa lúc ấy đang ở Cao Miên mà vẽ lại một kiểu mẫu sắc dân bản thổ Hải Nam để đồng thời cố ép giải thích sao cho có tương đồng giữa người Loi đó và người Hời về các phương diện trình độ văn minh, ngôn ngữ, chữ viết…

Cứ kể ra, Moura quyết đoán có sai lầm cũng không phải là điều lạ. Ông thú nhận là chưa đi tới Bình Định, có nhờ qua trung gian của một viên công sứ để một giáo sĩ ở Bình Thuận khảo cứu giùm người Hời ở đấy, nhưng ông giáo sĩ này lại từ chối. Ông cũng quên rằng ngay trong đoạn nói về dân Chàm trong sách ông, ông cũng đã nghe một người tiếp xúc với dân Chàm Saigon từ Bình Thuận tới xác nhận rằng họ trắng hơn dân Chàm Miên, một người An Nam khoe rằng dân Chàm Bình Thuận trắng như người Việt và cuối cùng hai vị công chúa Chàm bị đuổi qua Cao Miên vì cuộc loạn 1832 đã được bô lão ở đây xác nhận là hoàn toàn trắng thì vì cớ gì ông lại nghe theo lời viên công sứ Quy Nhơn căn cứ vào màu da mà cho rằng dân Chàm khác dân Hời?

Riêng về cái tên chỉ dân bản xứ Hải Nam viết là “loi”, không biết ông thương gia Tàu vẽ cho Moura lấy âm từ đâu mà ra. Giở Từ Hải để tìm tên sắc dân bản xứ Hải Nam thì thấy gọi đó là người Lê 黎 hay Lý 俚 (phiên âm Anh Pháp: Lĩ hoặc Lee).

Hậu Hán thư, Nam man truyện rợ Tây nam viết: “Lý 里, hiệu riêng người man, nay gọi là Lý nhân”. Bác vật chí: “Tên rợ Giao châu là Lý tử”. Quảng đông thông chí: “Tục Việt gọi núi non là Lê, người Lý ở trong đó nên gọi là Lê, nay ở Ngũ Chỉ sơn, Châu Quỳnh, người ở tại Quảng Tây cũng xưng là Ly 狸”. Còn giải thích về người Lê thì có Tống Sử, truyện Lê Đỗng: “Có núi Lê mẫu, người Lê ở đó, người ở thuộc Châu huyện gọi là Thục Lê, người sống trong núi động không đánh được gọi là Sanh Lê”.

Các chữ lê, lý, ly này đều không có chữ nào phiên âm ra loi cả. Chỉ có bán đảo phía bắc Hải Nam (Châu Quỳnh) cũng gọi là Lôi châu có dáng từa tựa như vậy mà thôi.

Cũng có một tên khác chỉ người Chàm, viết ra chữ Việt gần như vậy: người Lồi. Có ba tự điển xác nhận lồi là tên gọi người Chàm, kể theo thứ tự thời gian xuất bản: Huỳnh Tịnh Của (1895), Genibrel (1898), G. Hue (1937). Ông Sallet nhắc tới Genibrel và nói thêm rằng: “Tôi không bao giờ thấy ở Quảng Nam dùng danh xưng ấy để chỉ trực tiếp giống dân đã mất, nhưng tôi cho rằng đối với chữ An Nam, ý nghĩa ấy có trong các sự vật và địa điểm: thành lồi, cồn lồi…”. Bởi vì trong một bài khảo cứu mấy năm trước về Hội An, ông cũng nhận được cái tên Chùa bà Chúa lồi hay Bà lồi ở làng Sơn Phố (Hội An), ở Thanh châu (quận Duy Xuyên). Đáng chú ý là tên “lồi” trên các địa điểm lại thấy nhiều nhất ở phía bắc Quảng Nam, vùng Quảng Trị, Thừa Thiên. LM Cadière tìm ra được tên thành Lồi ở Quảng Bình, Chùa Phật lồi ở làng Nhan Biểu, Phật lồi ở Bích La (Quảng Trị), Chùa lồi ở làng Trạch Phổ, Miễu lồi ở làng Phù Trạch… Ông dịch chữ Phật lồi là le Bouddha Chàm và cho rằng chữ “lồi” chỉ “Chàm”. Trong chiều luận lý của ông, ta thấy ông muốn nói chữ “lồi” có thể là một chữ Chàm với ý nghĩa gì đó mà người Việt dùng chỉ người Chàm và sau đó mới có ý nghĩa “lồi ra”. Ông đã cho thấy chữ “ông dàng” người Việt đang dùng chỉ một tin tưởng là từ chữ Yan Chàm mà ra. Để biện hộ, Cadière cho thấy chữ Kim đôi với nghĩa là “đống vàng” được người bình dân Việt hiểu “đôi” nghĩa là “hai” nên sửa địa điểm ra thành Kim hai!

Chúng tôi tưởng Cadière phải nghĩ ngược lại mới đúng. Các người nông phu Việt làm ruộng gần núi hàng năm phải nhọc mệt lượm đá trong ruộng ném lên bờ. Họ không hiểu rằng mưa lũ cuốn đá trôi xuống ruộng họ hay xâm thực cuốn bùn, trơ đá ra, mà họ cứ cho rằng đá dưới ruộng cứ tự động trồi lên nên họ gọi đó là hiện tượng đá mọc, đá lồi. Bởi vậy nếu họ có thấy trong đống gạch đổ nát sau cơn binh lửu lâu đời, lòi ra một tượng thần Çiva hay Po Ino Naga… rồi hoặc đem về chùa miễu thờ, hoặc xây ngay am miếu nơi đó để gọi là Phật lồi, Bà lồi, Chùa (Phật) lồi, Miểu (Bà) lồi… thì ta cũng không nên lấy làm lạ mà tìm nghĩa đâu xa.

Chữ “người lồi” có vẻ không chịu nằm trong khuôn khổ sự giải thích đó. Quyển tự điển Genibrel không còn thấy ở các thư viện Sài gòn. Nhưng G. Hue có nhắc trong lời tựa quyển tự điển năm 1937 của ông cho biết sách ông kia xuất bản năm 1898, như vậy ông lấy chữ “người lồi” trong quyển này. Cũng qua G. Hue, ta biết quyền Genibrel có căn bản là ngữ vựng Nam Kỳ. Tự điển Huỳnh Tịnh Của in trước đó 3 năm (1895) giải thích “người lồi” là người Chàm, có gợi ý cho Genibrel về nghĩa kỳ lạ của danh xưng này không? Gọi là nghĩa kỳ lạ vì như trên đã nói, Sallet (1919) không thấy dân Quảng Nam gọi người Chàm là người Lồi, Cadière (1905) không tìm được chữ “người Lồi” ở Bình Trị Thiên, Ch. Lemire không thấy ở Bình Định (1885) đến E. Aymonier không thấy chữ đó ở chuyến đi khảo sát xứ Bình Thuận (1885) mà ngay xứ Bà-rịa, quê hương của Huỳnh Tịnh Của, đầu mối cuối cùng của chữ “người Lồi”, cũng không gọi dân Chàm bằng danh từ đó.

*

Người ta hết phân vân khi bắt gặp trong hiện tại một danh từ khác cũng đã có khuynh hướng thành tên chỉ dân tộc Chàm. Nguyên trong vùng Bình Thuận và cả Bình Tuy nữa, thỉnh thoảng dân quê làm vườn đào đất tìm thấy được những vật dụng thuộc loại thờ cúng hay nhu dụng hàng ngày. Người ta bảo nhau: “Đồ Tần! Của Tần”. Chữ Tần này không có nguồn gốc lạ lùng lắm. Người Chàm không biết đến cái tên đó đã gán cho ông bà mình. Người Việt cũng phân biệt rõ rằng người sống bên cạnh mình là dân Hời và đồ chôn dưới đất chắc là của họ. Nhưng vì được hấp thụ văn hóa Trung Hoa với những ám ảnh bởi các chuyện lưu truyền về đời Tần hà khắc, dân chúng phải chôn dấu sách vở, của cải để các đời sau đào lên được kinh sử, khí dụng từ trong mồ mả, tường vách… nên tầng lớp nho học địa phương tưởng đã tìm ra được giải đáp cho những người nông dân đến họ hỏi về gốc gác vật tìm thấy: “Đồ (đời) Tần! Của (đời) Tần!”.

Đáng chú ý là đối với người địa phương, danh xưng chỉ có ý nghĩa dùng cho một loại đồ vật có xuất xứ lạ lùng, trong khi đối với những người nghe loáng thoáng ở xa thì danh xưng lại có khuynh hướng mở rộng chỉ sở hữu chủ nguyên thủy của vùng đất: “Đồ của người Tần, của người Tần”.

Cho nên, tuy ta không còn có thể yêu cầu ông Huỳnh Tịnh Của sống dậy giải thích thêm về danh từ người Lồi ông dùng, nhưng ta cũng có thể nghĩ rằng chữ người Lồi chắc cũng đã trải qua những biến chuyển như chữ người Tần đang lờ mờ thành hình trong hiện tại vậy. Ta nhắc lại lời Sallet: “Tôi không bao giờ thấy ở Quảng Nam dùng danh xưng ấy để chỉ trực tiếp giống dân đã mất… (mà chỉ thấy) ý nghĩa ấy có trong các sự vật và địa điểm: cồn lồi, thành lồi…” để từ đó không lấy làm lạ về việc Cadière không tìm ra chữ người Lồi ở Bình Trị Thiên: dân chúng không bao giờ dùng chữ người Lồi chỉ dân Chàm; danh từ ấy chỉ là một sáng chế của Huỳnh Tịnh Của cùng người đồng thời. Từ đó ta cũng có căn cứ bác bỏ luôn giả thuyết nguồn gốc Chàm của chữ Lồi do Cadière đề nghị.

*

Dân cùng xứ Huỳnh Tịnh Của gọi người Chàm là người Hời.

Viên công sứ Quy Nhơn, bạn của J. Moura gọi là người Hời (1883). A. Sallet nhắc tới các thành ngữ thông dụng ở Quảng Nam: Chỗ hời, đá hời, tháp hời, gạch hời và ma hời. Chữ “Hời” đi vào trong văn chương Việt Nam với Chế Lan Viên.

Về nghĩa của chữ này, A. Sallet thú nhận: “Thật khó mà giải thích vì sao gọi là “Hời”. Chữ viết tiếng gọi đó là hoàn toàn An Nam và có thể từ âm Hán Việt: Hợi 亥 và chữ 人 người”. E. Aymonier giải thích Hời là “barbares, hommes sans règle”, Mọi là “Sauvages”. Như vậy theo ý ông, người Chàm được đặt ở cấp bực cao hơn người Thượng. Nhưng thực ra giải thích đó chỉ lấy từ phán đoán giá trị chủ quan của các khối dân tiếp xúc với nhau mà thôi. Cũng như có ai nghe người Pháp gọi người Việt là “sale Annamite” rồi giải thích Annamite = sale thì tức là quên rằng chữ “An Nam” của người Trung Hoa dùng từ lâu, đã được các giáo sĩ Jesuite (?) ghép với tiếp-vĩ-ngữ ite mà sinh ra tên chỉ người Việt (người Việt đọc lên chữ Sémite Hittite, có thấy gì xấu đâu?).

Vấn đề người Hời là người Chàm không có gì phải nghi ngờ cả. Moura chắc không hoài nghi nếu ông ta được tới Việt Nam. Vấn đề còn lại là tìm nguyên ngữ chữ Hời. Nhắc lại, Sallet coi chữ “Hời” có tính cách Việt Nam hẳn đi nên phải dùng chữ nôm 侅 để chỉ định, hay cũng lấy chữ hán 諧 để hài thanh làm chữ nôm. Cho nên ta có thể suy đoán đó là một chữ Việt và chắc nguồn gốc của nó cũng chỉ quanh quẩn ở những tiếng gần cận mà thôi. Theo sự dò hỏi của chúng tôi, nhiều người cũng đồng ý như vậy và đoán chừng nó ở chữ “Hồi” mà ra. Tuy nhiên họ không tìm được căn cứ của một sự biến âm như vậy nên không quyết xác lắm. Chúng tôi nghĩ giản dị rằng nếu muốn tìm căn cứ của sự biến âm thì không gì hơn xem trong dân chúng có sự biến âm đó hay không. Sự việc kể cũng giản dị vì ta gặp cũng khá nhiều trường hợp lẫn lộn âm, khuôn của tiếng mà một khi có văn tự xác định thì sai lạc dẫn đi rất xa: dân Sài Gòn vẫn thấy trên báo chí chữ Rạch Ông mà có biết đâu rằng đó là Rạch Ong, sông Lòng Tàu thành Long Tào và qua thông tấn xã ngoại quốc mất dấu đi để khi trở về Việt Nam lại thành sông Lòng Tảo!

Khuynh hướng dồn về âm ao ở miền Nam cũng giống như khuynh hướng dồn âm ôi thành ơi ở những người dân quê miền Nam Trung vậy. Thay vì nói “trái ổi”, người ta nói: “trái ởi”. Để trả lời câu hỏi: “Ăn cơm chưa?” người ta nói: “Ăn cơm rời.”. Người ta cũng nghe một người Quảng nói: “Anh ớm quá!”. Chữ “mai” thành chữ “mơi”. Cho nên Sallet mới thấy người ta dùng chữ “hài”… để chỉ chữ “hời”. Vấn đề cũng còn một gút mắt là cũng có một số người dùng “âu” thay cho “ôi”, đầu gấu thay vì đầu gối, cái nầu thay vì cái nồi. Người viết không biết gì về ngữ học, nhưng chỉ dùng cái tai nghe thôi thì thấy rằng âm “âu” muốn nói phải được nhấn mạnh, và âm “ơi” thì nhẹ hơn và thông dụng theo lối người ta vẫn gọi là nói đớt. Định luật về sự dễ tính (la loi du moindre effort) chắc có thể áp dụng nơi đây cho chữ “hồi” thành chữ “hời” chứ không phải “hầu”. Thắc mắc tiếp theo là như trường hợp các chữ “lồi” trên kia sao không biến dạng? Chúng ta có thể nghĩ là chữ “lồi” quá thông thường, nên nếu phát âm là “lời” cũng vẫn được người ta dễ ghi đúng là “lồi”. Chứ không như chữ “hời” khó khăn, mấy người Việt thông thường nghĩ đến tên một tôn giáo, và mấy người Pháp đủ hiểu Việt ngữ để nghĩ đến sự biến âm của bình dân?

Cho nên ta tạm kết luận là khi viết ra chữ “Hời” chính người ta đã định mẫu sai cho điều mà dân chúng muốn nói đúng là Hồi: Dân chúng muốn chỉ một tôn giáo thế giới mà số người Chàm hiện nay là thành phần.

*

Việc xác định một nhân danh có thể đưa ra nhiều khám phá quan trọng cho sử học. Trường hợp xác nhận người Việt gọi người Chàm là người Hồi (giáo) chắc hẳn cũng không là ngoại lệ. Kết quả còn tùy thuộc vào người khảo cứu có đủ tài liệu để đối chiếu hay không.

Vấn đề đầu tiên đưa ra là xét xem tính chất Hồi giáo trong tập thể Chàm như thế nào mà một tập thể khác ở bên ngoài phải nhìn vào đó mà lấy tên tôn giáo thay thế cho tên dân tộc?

Người Chàm theo Hồi giáo từ lúc nào? Aymonier cho rằng có lẽ người Chàm theo Hồi giáo từ thế kỷ thứ 9, 10 và chính những người này chống đối quyết liệt người Việt nên mới bỏ sang Cao Miên, Xiêm sinh sống. Chứng cớ là hiện nay (năm ông viết 1891) người ta thấy toàn là Chàm Hồi giáo ở các xứ này và dân số đông gấp 3 số người còn lại ở Bình Thuận. Luận cứ của ông cũng thật là sơ hở: ông quên rằng căn bản tôn giáo của Chàm là Ấn giáo mà kinh đô Indrapura xây cất vào khoảng 875 ở Quảng Nam chứng tỏ cùng với bằng cớ khác trong đó có chuyện về trụ suttee liên can với Chế Mân ở thế kỷ 13 (triều Trần sợ Huyền Trân bị đốt). Người Hồi giáo không thể có mặt ở Chiêm Thành sớm và đông đến như vậy để làm thành phần chống đối quyết liệt người Việt. Chính địa vị thiểu số và ngoại lai của họ sẽ khiến họ hợp tác với dân Việt như ta sẽ thử bàn sau này. Còn việc Aymonier cho rằng người Chàm xa xứ là Hồi giáo ngay từ lúc bỏ xứ đi thì không có căn cứ nào hết: sao không nghĩ rằng họ bỏ đi đến những vùng gần dân Mã Lai hơn nên dễ theo Hồi giáo hơn đồng bào chính quốc của họ?

Thư viện quốc gia không còn quyển “Vương quốc Champa” của G. Maspero nữa nên ta tạm đọc một đoạn của P.G.E. Hall nói về việc Hồi giáo xâm nhập đất Chàm:

“Thế kỷ II, người ta có đề cập đến một số thương gia Hồi giáo cư ngụ một thời gian tại đất Chiêm Thành. Họ cưới hỏi phụ nữ địa phương nhưng không giao thiệp với các cộng đồng ngoại đạo… Ta không có tài liệu về thời ấy và Maspero cho rằng dân Chiêm Thành chưa theo Hồi giáo trước khi bị Việt Nam chinh phục lần cuối cùng vào năm 1470. Hồi giáo nhập vào Chiêm Thành bằng lối nào, ta chưa có sử liệu về việc này…”

Aymonier in sách viết về tôn giáo Chàm năm 1891 nhưng các tài liệu chắc đã được thu thập trong chuyến quan sát năm 1885 và cho ta biết tình hình tôn giáo hồi ấy. Theo ông, 7 tổng Chàm ở Bình Thuận (Ninh Thuận) thì một ở Padjaï (Phố hời), hai ở Parik (Phan Rý), một ở Ka-rang (Làng sông), ba ở Phan Rang có làng có người Hồi giáo, có làng không. Trừ hai, ba biệt lệ, phần nhiều dân hai tôn giáo không ở chung làng. Tổng số dân Hồi độ 7 đến 8.000 người, tức 1/3 dân số. Có khoảng mười đến mười hai đền thờ (mosquée) trong các túp lều. Truyền thuyết địa phương cho là các giáo sĩ Hồi được quyền trông coi cung điện; vợ con vua khi vua Chàm vắng mặt trong khi các ông Pothéa hay Bashêh (các người Bà La Môn của Chàm Ấn giáo) thì lại không được vào cung. Thực ra các tín ngưỡng ở đây cũng lẫn lộn với nhau trong dân chúng: các lễ về nông nghiệp thì người Chàm Hồi giáo cũng như Ấn giáo đều tham dự; còn lễ tục về việc tìm trầm thì giáo sĩ Hồi lại hành lễ theo tục lệ cổ truyền địa phương.

Đầu thế kỷ 20, A. Cabaton cũng thấy lẫn lộn như vậy: người Chàm Bani hay Chàm Açalam (Chàm Islam) gọi Bà Po Ino Noga của người Chàm Kaphir (Chàm Bà La Môn, phái Civaite) là Po Havah (bà Eve).

Điều đáng lưu ý do Aymonier đưa ra là cho đến cuối thế kỷ 19, dân số Hồi giáo Chàm cũng không đông gì lắm để có thể đại diện cho cả tập thể Chàm. Nhưng chính tính chất thiểu số, ngoại lai của Chàm Hồi giáo ở đây mới khiến họ làm cho dân Việt lưu ý hơn. Không dự vào thành phần chính thống, họ mới không co rút trong cái thế chống đối, quay lưng hoàn toàn với tập thể Việt. Tất nhiên vì sự đồng nhất ngôn ngữ, chủng tộc, họ cũng sẽ dễ hòa hợp với thành phần Chàm Ấn giáo để tạo ra tình trạng hòa đồng lẫn lộn như ta đã thấy. Nhưng nội cái việc phân biệt “Chàm của Đạo” và “Chàm không trung thành” (Chàm Açalam và Chàm Akaphir) chứng tỏ sự cao ngạo của người Chàm Hồi giáo đối với khuynh hướng chính thống của chủng tộc và điều này, mặt khác lại khiến họ đứng ngoài một phần đối với tập thể Chàm và do đó, dễ dàng cho họ tiếp xúc với bên ngoài. Huống nữa, là thành phần của một tôn giáo hoàn cầu, có tính chất tiên tri, cứu rỗi trong thời kỳ hưng thịnh của họ, không những người Chàm Hồi giáo dám tiếp xúc với người Việt không mặc cảm tự ti mà chắc còn dám truyền bá lý tưởng của mình cho đám dân di cư này nữa! Nếu giả thuyết chúng tôi đúng về việc Nguyễn Lữ của Tây Sơn được tôn làm giáo chủ phái Chàm Ba Ni thì luận cứ trên lại có một bằng cớ chắc chắn nữa về việc thành phần Hồi giáo Chàm đã tiếp xúc mật thiết với dân Việt để khiến cho đám dân này phải dùng chữ Hồi để chỉ cả tập thể Chàm.

Như G. Maspero cho biết, Hồi giáo vào xứ Chàm sau 1470. Chúng ta cũng liệu định niên đại này vì cớ sự tan rã chính trị của vương quyền theo Ấn giáo có thể dẫn đến sự suy sụp tin tưởng trong dân chúng để dẫn đến sự cải giáo đông đúc, nhất là khi Hồi giáo lúc ấy đã đặt căn bản vững chắc ở Malacca, Java… Vậy chữ “Hời” chắc bắt đầu xuất hiện khi Chúa Nguyễn hùng cứ ở Nam Hà (từ giữa thế kỷ 16) và thông dụng từ biến loạn Tây Sơn. Trên phương diện truyền đạt, thì chắc danh xưng từ các vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận tràn ra Nam Ngãi, Bình Trị Thiên.

*

Giả thuyết nào cũng phải có thời gian thử thách. Chúng tôi chờ đợi những luận cứ phi bác hay những bằng chứng góp phần xây dựng vững chắc hơn.

Bình Thuận, tháng 12-69.
Tạ Chí Đại Trường
Tập San Sử Địa 17-18

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video:

Tạ Chí Đại Trường

Published by
Tạ Chí Đại Trường

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

28 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

36 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

53 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

1 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago