“Thanh gươm của Damocles” là một thuật ngữ thường được người phương Tây sử dụng để chỉ một hiểm nguy hoặc một phán quyết đang cận kề. Tuy nhiên, câu chuyện về thanh gươm của Damocles còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Giai thoại về thanh gươm của Damocles xuất hiện trong một cuốn sách về lịch sử Sicily của tác giả Timaeus xứ Tauromenium (325-260 TCN). Sau này, nó cũng xuất hiện trong bộ sách “Tranh luận tại Tusuclan” (Tusuclan là một thành phố cổ ở Ý) của triết gia Cicero (106-43 TCN). Bộ sách 5 cuốn này nói về 5 chủ đề hết sức thú vị:
Trong đó, giai thoại về thanh gươm của Damocles nằm ở cuốn sách thứ 5, cuốn sách bàn về đạo đức và hạnh phúc. Bộ sách này được Cicero viết khi ông vừa trải qua một khoảng thời gian khó khăn: bị đuổi khỏi Viện nguyên lão La Mã; con gái Tullia của ông qua đời.
Người ta có thể nói rằng bộ sách này phản ánh hành trình Cicero trở thành một triết gia có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn. Sau này, vào thế kỷ 18, trong thời kỳ Khai sáng tại châu Âu, triết học của Cicero đã ảnh hưởng tới rất nhiều triết gia như John Locke, David Hume, Montesquieu và Edmund Burke. Các tác phẩm của ông cũng có tầm ảnh hưởng lớn tới văn hóa châu Âu, và là một tư liệu rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử La Mã.
Damocles là một kẻ nịnh bợ trong triều đình của vua Dionysius, một kẻ bạo chúa sống vào thế kỷ thứ 4 TCN, khoảng 300 năm trước thời của triết gia Cicero. Dionysius cai quản thành phố Syracuse nằm tại phía Nam nước Ý. Người ta nói rằng bạo chúa Dionysius rất hà khắc nhưng cũng rất ranh ma.
Về sự hà khắc của Dionysius, có một câu chuyện kể rằng, nghe nói có hai kẻ thường xuyên nói xấu vua khi uống rượu say, Dionysius đã mời hai kẻ đó tới dự tiệc. Ông ta nhận ra rằng một kẻ thì bắt đầu nói linh tinh khi say mèm, nhưng một kẻ thì lại rất cẩn thận lời ăn tiếng nói khi ở trước mặt ông. Vậy là Dionysius thả kẻ nói linh tinh, vì tội của hắn chỉ là bợm rượu, nhưng với kẻ có phần cẩn thận kia thì bị ông ta coi là kẻ phản bội và xử tử ngay lập tức.
Theo những gì mà triết gia Cicero kể lại, thì Dionysius sống trong giàu có và xa hoa. Ông ta có đủ mọi thứ đồ vật mà tiền có thể mua được, từ quần áo đến trang sức. Ông ta cũng có quyền lực trong tay và được hưởng những thức ăn ngon lành nhất trong một bữa yến tiệc. Tuy nhiên, Dionysius cũng có những nỗi lo lắng sâu kín của một kẻ bạo chúa, ông ta luôn sợ bị ám sát, sống trong căng thẳng và bất an.
Là một kẻ nịnh thần, Damocles nào có để ý đến tâm tư của vua, mà chỉ lợi dụng cơ hội để tâng bốc Dionysius, nói rằng ông ta là một con người hạnh phúc, là con người của quyền lực và giàu sang, với đủ mọi ánh hào quang quanh mình: quân đội, dân chúng, quốc khố, hoàng cung, v.v. Nhưng thay vì tự mãn với lời khen của Damocles, Dionysius ranh mãnh đã bất ngờ đề xuất một ý tưởng: để cho Damocles trải nghiệm cuộc sống của nhà vua.
Lúc đầu, Damocles lắp bắp từ chối vì sợ rằng vua đang thử mình, nhưng sau vài lần Dionysius tiếp tục kiên trì, Damocles đã đồng ý. Vậy là y được mặc y phục của nhà vua, và ngồi vào trong chiếc ngai xa hoa và êm ái. Damocles tranh thủ cơ hội để thỏa thích ăn uống, đùa bỡn cung nữ, và chẳng hề lo nghĩ gì tới công việc của một nhà vua.
Tuy nhiên, Damocles đã sớm phát hiện ra sự bất thường. Hóa ra Dionysius đã ngầm sai người treo một thanh gươm bén ngay phía trên, chĩa thẳng vào đầu của bất cứ kẻ nào ngồi lên ngai. Và điều đặc biệt là thanh gươm này chỉ được treo bằng một sợi lông ngựa.
Giờ đây, cứ mỗi khi ngồi lên ngai, Damocles lại nhớ tới thanh gươm đang treo lơ lửng trên đầu. Y chẳng còn có hứng thú để vui chơi nữa và sớm van xin Dionysius tha cho y. Damocles không còn muốn sống “hạnh phúc” như vua nữa, không còn cảm thấy thèm muốn quyền lực và tiền bạc nữa, vì y nhận ra rằng chúng sẽ đi kèm vời hiểm nguy rình rập.
Đặt trong bối cảnh của cuốn sách thứ 5: “Liệu đạo đức có là đủ cho một cuộc sống hạnh phúc?”, dường như Cicero đang muốn thông qua vua Dionysius mà nói rằng “sẽ không có hạnh phúc cho kẻ nào bị sợ hãi đe dọa”.
Cicero mô tả Dionysius là một kẻ được sinh ra trong một gia đình tốt, tiếp nhận nền giáo dục tuyệt vời, thường tỏ ra ôn hòa trong cuộc sống, rất chăm chỉ trong kinh doanh. Nhưng bất hạnh là ở chỗ, Dionysius không tin bất cứ một ai cả. Dionysius luôn chắc mẩm là người ta sẽ ghét mình vì dục vọng quyền lực quá lớn của ông ta.
Cuối cùng, Cicero so sánh Dionysius với Plato và Archimedes, trong đó Plato được xem là một trong những triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại, còn Archimedes được xem là nhà khoa học hàng đầu của thời kỳ cổ đại. Cả hai đều đã sống cuộc đời hạnh phúc trong niềm vui tìm tòi tri thức.
Cicero cũng nói rằng ông đã tìm thấy nơi Archimedes an nghỉ, và sự việc ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho ông. Nỗi sợ hãi về cái chết và sự báo thù đã khiến Dionysius khốn khổ, còn Archimedes lại luôn hạnh phúc vì ông đã không sợ hãi trước cái chết, bởi vì dù sao thì nó vẫn luôn rình rập chúng ta, như thanh gươm của Damocles vậy.
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…