Carmen, một vở opera được đánh giá là tác phẩm kinh điển của nhạc kịch thế giới, là dấu mốc đánh dấu sự chuyển biến của truyền thống và hiện đại tại phương Tây. Nó đã đặt ra một câu hỏi mà chúng ta vẫn thường hay lẫn lộn: Là tự do hay là dục vọng?
Một số người có thể không biết đến vở opera Carmen, nhưng lại rất quen thuộc với các giai điệu của nó, ví dụ như phần nhạc chuyển từ màn 3 sang màn 4 thường khiến người ta liên tưởng tới những màn đấu bò tót, hay khúc “Toreador Song” (bài hát của những kẻ đấu bò) được trình diễn vào cuối vở opera. Những giai điệu của Carmen thực sự đã có ảnh hưởng lớn, song hành cùng thế giới điện ảnh, từ hoạt hình cho tới phim truyện.
Toreador Song:
Xét về mặt nghệ thuật, Carmen – vở opera cuối cùng của Geogres Bizet – không chỉ biến đổi thể loại opera từng ổn định trong suốt nửa thế kỷ, mà còn gây ra một bước hẫng lớn. Trong vòng vài năm, sự phân biệt giữa thể loại opera truyền thống mang tính nghiêm túc, hùng biện, anh hùng, và thể loại opera tự do hơn với nhiều đoạn hội thoại, đã biến mất.
Ở vào thời kỳ Carmen nổi tiếng nhất, người đời tán tụng Carmen vì cho rằng nó đã mô tả được sự đam mê trong tình yêu, trong một cuộc đối đầu vĩnh cửu giữa nam và nữ, cho thấy một thế giới tàn nhẫn nhưng cuồng nhiệt, minh chứng cho sự gắn bó của tình yêu với cái chết như một biểu tượng vĩnh cửu. Người ta tán tụng Carmen vì thấy được ở cô một cá tính mạnh mẽ, táo bạo, đậm chất di-gan, dám sống vì tình yêu, đam mê và tự do cá nhân. Nhưng có thật là như vậy?
Carmen lấy bối cảnh vào những năm 30 của thế kỷ XIX tại Seville, Tây Ban Nha, bắt đầu bằng câu chuyện về Don José, một sĩ quan chất phác, bị vẻ xinh đẹp hoang dại và bốc lửa của cô gái digan Carmen quyến rũ. Vướng vào tình yêu với Carmen, Don José đã trái lệnh cấp trên, phạm pháp, rời bỏ quân ngũ, chối bỏ lời hẹn ước với một cô gái trong sáng tại quê nhà, và lao theo cuộc sống ngoài vòng pháp luật với Carmen.
Tuy nhiên, Carmen có một tính tình phóng khoáng lẳng lơ cùng trái tim hoang dã, chỉ nuông chiều theo cảm xúc và dục vọng. Vậy nên khi gặp được người hùng đấu bò Escamillo hào hoa và tiếng tăm lẫy lừng, Carmen nhanh chóng rũ bỏ tình yêu với Don José. Cuối cùng, Carmen đã phải trả giá cho cách sống của mình, khi Don José trong cơn cuồng ghen và tuyệt vọng đã giết chết cô. Kết thúc vở kịch, Don José vẫn mù quáng kêu tên người đã hủy hoại cuộc đời mình trước khi bị bắt: “Ôi! Carmen! Carmen yêu mến của tôi!”
Trong buổi công diễn, Carmen không hề nhận được sự ủng hộ của công chúng tại quê nhà. Aldolphe de Leaven, Giám đốc Nhà hát Opéra Comique, nơi công diễn Carmen đầu tiên, cho rằng nội dung vở opera quá suồng sã, không phù hợp với một nhà hát gia đình và chắc chắn sẽ làm khán giả hoảng sợ. Halévy, người viết lời cho vở nhạc kịch, cam kết sẽ giảm nhẹ tình tiết câu chuyện, nhưng tình hình vẫn không khả quan. Mặc dù không bị rút khỏi nhà hát sau những đêm diễn đầu tiên, nhưng sau 48 buổi diễn, Carmen vẫn không mang lại nhiều doanh thu cho nhà hát.
Việc Carmen ca ngợi một cô gái digan dễ dãi, lẳng lơ, cùng sự đen tối của Tây Ban Nha lúc bấy giờ, như những cuộc đấu bò, thế giới ngầm, đời sống ngoài vòng pháp luật, v.v. đã khiến xã hội Pháp bị sốc. Hơn nữa, những mặt trái ấy còn được lột tả một cách “ấn tượng”, phá vỡ cấu trúc nền tảng opera, đưa một câu chuyện tình yêu điên dại vào thảm nhung của sân khấu với câu nói tự do mỹ miều của Carmen: “Free I was born, and free I shall die!” (Tôi sinh ra trong tự do và sẽ chết trong tự do). Chính vì vậy mà Carmen đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của các nhà phê bình và sự ghẻ lạnh của khán giả.
Sau khi tác giả của vở opera là Georges Bizet đột ngột qua đời sau buổi diễn thứ 30, ở tuổi 37, thì tháng 10/1873, Carmen được mang sang công diễn tại Vienna, Áo. Nó bất chợt trở thành một cơn địa chấn chưa từng thấy trong giới opera. Carmen trở nên nổi tiếng, và tai tiếng. Suốt một thời gian dài, Carmen đã nuôi dưỡng một phong trào sùng bái chủ nghĩa tự do yêu đương verismo, ngả theo định mệnh và khoái lạc, chỉ biết hưởng thụ và nuông chiều dục vọng, cũng giống như những nhân vật trong Carmen vậy.
Người tình của Carmen, José đại biểu cho loại người bất trung, bồng bột, chạy theo dục vọng thấp hèn, cuối cùng mất hết danh dự, sự nghiệp, mất đi người thực sự yêu thương mình, và còn trở thành một kẻ giết người nữa. Còn Carmen thì bất chấp tất cả để chạy theo khoái lạc, trơ trẽn thách thức mọi thứ, như câu thơ của Pushkin mà cô tự hào trích dẫn trong cảnh 1: “J’aime un autre et je meurs en disant que je l’aime” (Tôi yêu một người khác và tôi sẽ chết khi nói rằng tôi yêu anh ta). Đó là điềm báo trước cho cái chết của Carmen tại cuối vở opera, sự kết thúc của một cuộc đời gây ra quá nhiều bi kịch và ân oán.
Vũ điệu cuồng dại của Carmen có phải là sự “giải phóng nhân tính” hay là sự “giải phóng ma tính” mà người ta cần phải bao biện? Nguyên nhân thành công của Carmen phải chăng là vì người ta nhìn thấy những mặt trái đáng sợ của mình trong đó? Phải chăng người ta đang lấy vở opera ấy làm thứ để bao biện cho việc tôn sùng lối sống bản năng, dục vọng, và ích kỷ của mình? Nhưng ngay cả Carmen cũng đã chỉ ra rằng: điều chờ đợi những con người mất hết đạo đức chỉ là cái chết….
Lê Anh
Xem thêm:
Mời xem video:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…