Vũ Xuân Đạt: Nghệ thuật thủy mặc không giới hạn tuổi tác

Anh Vũ Xuân Đạt (SN: 1991), người Hưng Yên, hiện đang sống tại Hà Nội theo đuổi vẽ tranh thủy mặc khoảng gần 10 năm, đặc biệt là trường phái Thủy Thái Mặc. Trước đây anh Đạt theo học chuyên ngành kiến trúc nhưng đam mê lớn nhất là vẽ tranh và tìm thấy nguồn cảm hứng trong các tác phẩm thủy mặc.

PV: Sống giữa phố thị, không biết nguồn cảm hứng của anh để vẽ những bức họa ưng ý đến từ đâu?

TL: Thủy Mặc có 3 trường phái chính: vật họa (chuyên vẽ nhân vật hoặc vẽ các vị Thần ngày xưa), sơn thủy họa, hoa điểu họa. Mình hiện vẽ dòng hoa điểu họa và sơn thủy họa là chính. Quan điểm của mình với tác phẩm nghệ thuật nói chung, kể cả từ hội họa, điêu khắc hay bất kỳ cái gì liên quan đến nghệ thuật, thì nó phải đạt được 2 yếu tố cơ bản: Đầu tiên là yếu tố về tạo hình và màu sắc, hai là cảm xúc khi vẽ và sau khi hoàn thành tác phẩm. Có một bức mà mình khá là thích, đó là bức vẽ về phong cảnh chùa Thầy. Mình cảm thấy khi vẽ bức ấy đã chạm được cảm xúc của một quan cảnh cuối xuân ở chùa Thầy vào một buổi chiều có hoa gạo, tiết trời khá nồm, cảnh vật mọi thứ đều hữu tình. Ngoài ra mình còn có một nhóm tranh về mùa xuân chủ đề “Xuân phong đắc ý” vẽ mai đỏ, mai trắng và đôi chim. Gió mùa xuân mang theo hơi ẩm, thích hợp cho trăm hoa đua nở làm nguồn cảm hứng thi họa.

Trong việc học hỏi vẽ tranh thủy mặc thì có sách vở, tiền bối đi trước và học từ chính thiên nhiên. Ví dụ như đối với chủ đề mùa xuân, 4 mùa luân phiên xoay chuyển lặp đi lặp lại, trong triết học phương Đông thì vạn vật đều nằm trong quy luật thành – trụ – hoại – diệt và tái sinh. Nhành hoa mùa xuân đâm chồi nảy lộc, nở hoa rồi mùa hạ trưởng thành, mùa thu trút lá rồi mùa đông khô héo để tích tụ năng lượng mới bắt đầu từ số 0. Cái triết lý nhân sinh này người vẽ và người thưởng lãm đều có thể cảm thụ được.

PV: Trong tranh thủy mặc thường chú trọng các yếu tố như: Thanh, Hòa, Đạm, Nhã, người vẽ cần có những tố chất nào để có được một tác phẩm đạt được những tiêu chuẩn này?

TL: Về kỹ thuật, bao gồm bút pháp, cách sử dụng mực, sử dụng màu, cách sử dụng các bề mặt chất liệu như giấy, lụa v.v…, ở đây việc thành thục kỹ thuật và chất liệu là điều bắt buộc phải làm được. Ngoài ra người vẽ cần có nền tảng tri thức và sự hiểu biết rõ ràng về điều mình muốn vẽ hay truyền tải trong tác phẩm. Người ta thường nói khi vẽ, đạt trạng thái tốt nhất là “tâm ý hoặc là ý bút hợp nhất” nghĩa là khi người ta vẽ thì ý có trước bút theo sau, khi người ta thuần thục về tay bút của mình và có ý niệm tốt thì sẽ có tác phẩm tốt. Mình nghĩ rằng đó là hai yếu tố rất quan trọng đối với người vẽ thủy mặc và người học vẽ thủy mặc. Nó sẽ phát triển và theo người vẽ cho đến cuối cuộc đời nghệ thuật của họ. Họ sẽ vẫn khao khát tìm kiếm và phát triển điều đó chứ ko có điểm dừng.

Trong “Lục Pháp Luận” của Tạ Hách, một họa sư rất nổi tiếng của Trung Quốc, có 6 tiêu chuẩn cơ bản cho người vẽ tranh thủy mặc là Khí vận sinh động/ Cốt pháp dụng bút/ Ứng vật tượng hình/ Tùy loại phú thái/ Kinh dinh vị trí/ Truyền di mô tả”, trong đó tiêu chí hàng đầu cho tất cả mọi người từ giới phê bình nghệ thuật cho đến người cầm bút đều thừa nhận gọi là “khí vận sinh động”. Về kỹ thuật, bút pháp v.v, theo các bậc tiền bối thì đều có thể đạt được thông qua trau dồi và luyện tập, nhưng không dễ đạt được yếu tố “khí vận sinh động” – tức là phải tạo được cái không khí sống động trong bức tranh, nó là đặc trưng riêng mà không phải ai cũng có, có thể truyền tải được thần thái, cảm xúc vào trong tranh. Có những người kỹ thuật rất tốt, nhưng “khí vận sinh động” của họ không được tốt, thì vẽ ra vẫn cứng nhắc… Người xem sẽ cảm nhận được điều này, đó là cái ông Trời phú cho.

Trong tranh thủy mặc có “ý đáo bút tùy” (trong tâm nghĩ đến thứ gì thì tay liền vẽ ra thứ ấy). Điều này thường xuất hiện khi thực hành vẽ tranh, nên người vẽ tranh thủy mặc và người thưởng lãm thường là người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và có nội tâm phong phú. Nếu một người có rất nhiều cảm xúc nhưng không có nền tảng kỹ thuật vững chãi thì cũng không thể vẽ ra cái họ nghĩ, hoặc một tay bút vẽ rất thoáng đạt nhưng khả năng cảm thụ phân tích khi họ vẽ không đạt được sự chú tâm toàn diện, thì chỉ đạt được bút pháp bề mặt, còn chiều sâu của “khí vận sinh động” sẽ bị hạn chế hoặc không có.

PV: Thủy mặc có được xem là dòng tranh văn hóa truyền thống không?

TL: Dòng chảy của thủy mặc luôn gắn liền với văn hóa và nó gắn liền với triết lý nhân sinh, nên những người có tư tưởng của người Á Đông sẽ dễ có cảm xúc và cảm thụ tốt với thủy mặc. Người vẽ, người chơi tranh, người sưu tập và nhà nghiên cứu văn hóa, đều tìm thấy sự đồng cảm ở đây.

PV: Anh sinh năm 91 và đã theo đuổi vẽ tranh thủy mặc gần 10 năm rồi, vậy là anh đã theo đuổi nó ngay từ lúc còn rất trẻ?

TL: Theo mình thì không có gì sớm và không có gì muộn cả, nếu may mắn có nền tảng học thuật từ nhỏ thì đương nhiên sẽ tiếp cận tốt hơn. Tại Việt Nam, Trung Quốc hay một số quốc gia phương Đông có khi về già mới tìm đến dòng tranh này. Đồng trang lứa với mình cũng có vài người, tuy không nhiều so với các dòng tranh khác như màu nước, sơn dầu, sơn mài, lụa… Thủy mặc tương đối khó tiếp cận hơn. Yếu tố thứ nhất vì nó không phổ biến lắm. Người ta cho rằng những người theo triết học, hiểu biết sâu, theo Đạo gia mới tiếp cận thủy mặc nhưng không phải vậy, chủ yếu là do bản thân có muốn tiếp cận không. Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có các bộ môn giảng dạy chuyên về thủy mặc nên người trẻ ở các quốc gia này tiếp cận được dễ dàng hơn so với ở Việt Nam. Tại Tp.HCM thì sôi động hơn, một số thầy và bạn của mình ở trong cộng đồng người Hoa ở quận 5, trong dòng chảy văn hóa của người Trung Hoa thì dễ tiếp cận nhiều hơn với thủy mặc do ít bị rào cản bởi ngôn ngữ. Mình đa số là tự tìm hiểu và tự học, trước khi đến với Thủy mặc thì mình đã có nền tảng hội họa cơ bản từ chuyên ngành kiến trúc. Tuy nhiên, thời điểm cách đây 10 năm còn rất hạn chế về dụng cụ giấy bút và chất liệu. Ngoài ra mình có giao lưu, theo dõi và tương tác với các bạn và thầy trong môi trường nghệ thuật tranh thủy mặc.

PV: Trong quá trình nghiên cứu tranh thủy mặc của người xưa thì anh thích tranh của những họa sư nào?

TL: Họa sư từ xưa đến nay rất nhiều, thời kỳ nào cũng có những họa sư kiệt xuất, nhưng mình hâm mộ tranh của Thạch Đào, Bát Đại Sơn Nhân. Thời cận đại thì có Tề Bạch Thạch, Trương Đại Thiên. Màu sắc của Trương Đại Thiên cũng ảnh hưởng đến tranh vẽ của mình.

PV: Vẽ tranh thủy mặc là niềm đam mê hay là sự nghiệp của anh, anh còn công việc nào khác để duy trì cuộc sống không vì đối với nhiều người, tranh thủy mặc dường như là một thú chơi hơn là một nghề nghiệp?

TL: Thời kỳ đầu khi mình còn là sinh viên mới ra trường thì mình vẫn làm chuyên ngành kiến trúc, ban ngày làm kiến trúc, buổi tối thì vẽ tranh. Mình cũng không có ý niệm nào về việc vẽ tranh để kiếm sống sau này, nhưng người ta nói là nghề chọn người, có nhiều mối cơ duyên đến với mình, nhiều người yêu thích tác phẩm của mình. Mình cũng nhận ra rằng mình không thể làm 2, 3 việc cùng lúc vì sẽ phân tán tâm trí, nên quyết định theo đuổi hội họa thủy mặc. Mình coi những gì đã học được từ ngành kiến trúc như là nền tảng kỹ thuật để mình đến với thủy mặc. Mình toàn tâm toàn ý vào tranh thủy mặc được khoảng 8 năm. Đến giờ mình vẫn thấy đó là quyết định đúng đắn trong độ tuổi thanh niên đang nhiều hoài bão. Mình khá may mắn là được bố mẹ và gia đình ủng hộ giúp đỡ, nên con đường này mình đi khá bằng phẳng và mình biết ơn điều đó. Mình nghĩ đó là cái phúc của mình. Vợ mình học về ngôn ngữ phương Tây nhưng có lẽ trái dấu thì hút nhau, nên cũng bổ trợ cho nhau nhiều trong cuộc sống thú vị.

Ngay từ đầu khi cầm bút vẽ đến bây giờ, mình có may mắn, cơ duyên và gặp nhiều người trân trọng và tự tìm đến tranh của mình, nên mình chưa bao giờ quảng cáo hay PR. Họ đều rất chân tình và yêu nghệ thuật thủy mặc, người này giới thiệu người kia, qua những mối duyên gọi là duyên khởi trùng trùng, tự đến và tự lan tỏa. Mình chỉ nghĩ một điều là cố gắng làm tốt việc của mình là vẽ tranh.

PV: Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ yêu thích tranh thủy mặc?

TL: Trước đây mình cũng từng dạy và hướng dẫn vẽ tranh thủy mặc cho đến khi dịch COVID xảy ra. Mình chia sẻ thế này, đối với người trẻ thì đam mê là quan trọng nhưng ngoài đam mê phải có nền tảng học thuật – đầu tiên phải nắm được kỹ thuật xử lý chất liệu, dùng bút dùng mực và những gì liên quan đến việc vẽ tranh thủy mặc thì phải cố tìm hiểu, thành thục và phát triển nó, thứ hai là phải có nền tảng tri thức, sự hiểu biết, phải đọc và tìm hiểu về văn hóa truyền thống, học những người đi trước để tìm được cái hay của họ và cái dở của mình để phát triển bản thân. Nghệ thuật thủy mặc không giới hạn tuổi tác.

PV: Anh còn điều gì muốn chia sẻ với độc giả của Trí Thức VN?

Là người làm nghệ thuật thì cũng có rất nhiều điều muốn chia sẻ nhưng mình muốn nói một điều ai cũng cần, đó là chúng ta hãy sống là một người tỉnh thức, là người có văn hóa và biết thưởng thức cái đẹp thì cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc hơn.

Quý độc giả có thể truy cập Facebook của anh Vũ Xuân Đạt để giao lưu tại đây.

Tuyết Mai, Lâm Lâm

Tuyết Mai, Lâm Lâm

Published by
Tuyết Mai, Lâm Lâm

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

16 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

25 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

34 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

44 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

50 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

1 giờ ago