Alan McGlashan là một người cho mình thấy những quan niệm về cuộc đời và hội họa của mình không phải là “lạc hậu”. Thấy yên trí rằng cuộc đời có nhiều dòng chảy, và mình có căn với dòng chảy nào thì đó là cõi tạm của mình, tự nhiên, yên bình. Vẽ, nghệ thuật, là một lối sống tự thân. Chả nên coi đó là một “sự nghiệp”.
Đây là một đoạn trong cuốn sách The Savage and Beautiful Country của Alan, có tiêu đề “In plain sight”, nghĩa là “ai chả nhìn thấy” – với nghĩa những gì con mắt dễ dãi hàng ngày của mình đều nhìn thấy. Nhưng trong tâm cảnh của mình, đang vương vấn với quan niệm mắt nhìn tay vẽ là một lối Thiền giản dị và phúc đức, mình sẽ gọi đoạn viết này là “Mắt nhìn tay vẽ”.
Ta tạo dựng một phiên bản tốc ký của thế giới thị giác để dễ bề du hành qua đó, nhưng cái ta nhìn thấy bao chứa các lượng tử thông tin và ý nghĩa ở nhiều tầng mức. Mắt nhìn tay vẽ phụ thuộc vào việc tập trung hẳn một thời gian nhìn sự vật thật kỹ lưỡng. Ta sẽ nghĩ việc này thật nhàm chán. Nhưng quá trình ấy làm nẩy sinh một hiện tượng rất hay: nhìn càng kỹ lưỡng thì nhận biết càng sâu sắc. Lúc đầu, tâm trí ta phản kháng: “Ta phải nhìn mãi cái quả táo ấy để làm gì?” Nhưng khi tâm trí đã vứt bỏ được cái phiên bản tốc ký của thế giới thị giác, ta lập tức qua được bậc đầu tiên: “À, thì ra là vì mình thực sự chưa biết gì mấy về quả táo này.” Hãy tin rằng khi quá trình ấy đã vận động có kết quả như vậy, ta sẽ khám phá được nhiều tầng bậc khác nữa. Nhìn ra ngoài, hay nhìn vào trong, sẽ luôn còn nhiều thứ nữa để thấy.
Hãy tưởng tượng một quá trình đơn giản của việc vẽ một quả táo thật bằng bút chì. Đầu tiên là một đường viền nhè nhẹ, rồi sau đó là quá trình chỉnh sửa. Sao phải thế? Vì nó vẫn chưa đúng hẳn! Lúc đầu thấy rất khó chịu, nhưng vì vậy mà có đủ sức để chữa cho bằng được. Chữa sai thì mới lại biết phải chữa thế nào cho đúng. Dần dần, cái đường viền đã khá hơn. Từng chút một, những nét tinh tế và phức tạp của hình tượng hiển lộ dần. Về cơ bản chỉ là một hình tròn, nhưng lại không như một đường tròn com-pa; còn nhiều thứ nữa. Mà có chỗ nào thực sự phẳng bẹt không nhỉ? Không có. Có chỗ nào lõm vào không? À, có. Chỉ một đường viền thôi mà sao có nhiều chi tiết diễn đạt thế chứ?
Bài học lớn của thiên nhiên bắt đầu như vậy đấy. Thế giới trong mắt ta chứa đựng một mênh mang phức tạp tự thân mà ta thường mặc nhiên không để ý thấy. Sự thực là trong đời sống hàng ngày, ta thường chỉ cố tạo dựng một thế giới khác chứ không muốn khám phá chính cái thế giới mà ta đã sinh ra với một lý do nào đó. Chỉ cần ta có ý thức sống chậm lại và nhìn mọi vật chăm chú hơn thôi, thiên nhiên sẽ hé lộ cho ta thấy nhiều hơn về cấu trúc cũng như nghĩa lý của nó. Cõi lòng sâu thẳm dịu dàng của thiên nhiên không cởi mở với những người nôn nả vội vàng; với họ, một quả táo chỉ đơn thuần là một trái cây để ăn hoặc vứt bỏ. Thái độ ấy được phép cần thiết trong đời sống hàng ngày, nhưng nó có ích gì với nghệ thuật hay không? Câu trả lời còn tùy vào ta định nghĩa thế nào là nghệ thuật: như một phản ứng tức thời ban đầu, hay như một giao đãi chỉ có được qua một thời gian trí tri cách vật. Matisse tạo ra những trái táo phẳng dẹt, Cezanne dựng hình chúng bằng những bình diện khác nhau, Chardin làm chúng hiện hình nổi ba chiều mà không cần sao chép từng điểm một, Magritte khiến chúng giống như thật, nhưng với một sự hoàn hảo rùng rợn cố tình để nghi vấn ngay cái quan niệm “thật” ấy. Những lối vẽ một trái táo rất khác nhau, nhưng đều thành công trong quan niệm riêng của mình, đều là những biến tấu của quá trình chuyển thể: người xem tranh đều biết rằng trong tranh là một quả táo, mà cũng không phải là quả táo thật, rằng cái nghịch lý ấy là bản chất cố hữu của hội họa. Sự hòa giải giữa quan điểm triết học và thực tế có thể sẽ không bao giờ có được về mọi phương diện, nhưng nó có thể diễn ra – và còn thực sự là cần thiết – trong chu cảnh của một phong cách cụ thể của họa sỹ. Mỗi họa sỹ có cách tiếp cận riêng biệt của mình. Tuy nhiên, cái thế giới được tạo ra bởi hội họa vẫn chi tiết đến mức để hiểu được một cái cơ bản về mặt khái niệm như đường viền của một quả táo, nhất thiết phải có một cách để ý khác. Cái sự thật rằng mọi sự vật ta nhìn thấy đều chứa chất phong phú hơn cái căn diện nôm na của chúng vẫn là nền tảng của hội họa kể từ thời cổ đại, có thể bắt rễ từ quan niệm của Plato coi thế giới mà ta nhìn thấy chỉ là hình chiếu vật thể của một thế giới có thật mà vô hình. Delacroix coi hình tượng trong hội họa như một ngôn ngữ biểu tượng, dẫn dắt người xem tới những tầng nghĩa sâu xa hơn. Trong khi đó, ý nghĩa lại không phải là bắt buộc, và ý đồ của họa sỹ có quyền hiển lộ hoặc không đối với người xem tranh. Họa sỹ vẫn thường phàn nàn về chuyện này – nhiều khi còn ăn miếng trả miếng lăng mạ công chúng thẳng thừng chả kém – nhưng xét rộng ra thì việc người xem có quyền bảo lưu nhận thức cá nhân của mình cũng là phải lẽ. Cái nhìn của một cá nhân, dù kiểu gì đi nữa, từ thờ ơ dễ dãi đến chuyên chú nghiêm túc, sẽ chỉ có giá trị khi nó tạo được một thế năng diễn giải giữa bề mặt nhìn thấy và cái gì đó có thể nằm bên dưới nó. Khi nào thì một hình tượng trở nên có ý nghĩa, mang một thông điệp nhất quán; khi nào thì nó chỉ là một tài liệu đơn thuần? Với thời gian, thế năng diễn giải này có tác dụng chắt lọc quá trình truyền thông thị giác của một nền văn hóa cụ thể.
Thám hiểm cái nhìn một cách tích cực, như một quá trình chứ không phải một bất biến có sẵn, sẽ dẫn đến một nghịch lý thú vị rằng càng ít đi thì lại càng có nhiều hơn. Khi ta ngưng các hoạt động nôm na thế tục, tâm thức ta cũng thôi không chạy lòng vòng trên bề mặt nữa mà bắt đầu tĩnh tại. Khi đã tĩnh tại, nó tự nhiên đi sâu xuống. Sâu đến đâu? Cũng có nhiều tầng mức, nhưng rồi, cũng như trong cơ học lượng tử, đột nhiên có một bước chuyển đổi và ta thấy mình ở một chốn hoàn toàn mới: quả táo một giờ trước đây không còn là quả táo bây giờ nữa. Những kỹ năng quan sát cần thiết để vẽ một vật tưởng chừng rất đơn giản như một quả táo có thể là một bài tập cực kỳ hữu hiệu để phát triển lòng kiên nhẫn, để tìm kiếm và chờ đợi tầng mức tiếp theo. Khi nào thì nó chỉ đơn thuần là vẽ cho thật đúng? Đến đâu thì nó trở thành nghệ thuật? Bước quá độ này diễn ra qua nhiều phức tạp hơn, nhiều đơn giản hơn, hay là một kết hợp của cả hai, mà chỉ có được sau một quá trình quan sát chuyên chú và nghiêm túc?
Xuất hiện một mối tương tác cực kỳ thú vị, một tự thức về cái tương đối hoặc khôn lường của bản thân nhận thức. Nếu họa sỹ lúc nào cũng nhìn một vật mà thấy bao nhiêu thứ nữa như thế, thì liệu mọi vật có thật đúng là chúng như bình thường nữa hay không? Đối tượng quan sát đã thay đổi, cũng có nghĩa là chủ thể quan sát cũng thay đổi. Quả táo là một khách thể, nhưng tập chú vào nó lại cho phép nó mang chức năng của một cánh cửa mở đường vào những tầng mức sâu xa hơn của tri thức. Cái việc có vẻ chỉ là một hành động sao chép lại thực sự trở thành một hành động biến cải lẫn nhau. Chủ thể quan sát được đưa đi quá giới hạn của việc mô phỏng hoặc biểu tượng hóa để vào một lãnh địa trong đó thế giới cực tiểu và thế giới cực đại đang tương tác với nhau ngay lúc ấy. Trải nghiệm ấy là khởi sự của bước chuyển lượng tử. Không có gì có thể còn “như cũ” trong nhận thức của ta được nữa, bởi lẽ chính căn tính đã bộc lộ sự tồn tại của nó trong dòng biến chuyển không ngừng.
Khi nhìn với thái độ quan sát toàn tâm toàn ý, thì không còn có những cái “ai chả nhìn thấy” nữa. Nhìn đã trở thành tương tự như tiến hóa.
Xem thêm:
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…