Các học viên Pháp Luân Công đã cùng nhau luyện tập tại Quảng Châu, Trung Quốc, trước khi cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. (Minh Huệ)
Trong sa mạc tinh thần do chủ nghĩa vô thần ở Trung Quốc kéo dài hàng chục năm để lại, một niềm tin đã trỗi dậy ở Trung Quốc và lấp đầy khoảng trống này, truyền cảm hứng cho hàng triệu người cho hôm nay và mãi về sau.
Niềm tin này chính là Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Pháp Luân Công là một phương pháp tu luyện tinh thần, được truyền ra vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, khi người dân Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm quá khứ của mình để tìm kiếm một ý nghĩa sâu sắc hơn cho cuộc sống.
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Pháp Luân Công đã được truyền bá rộng rãi khắp Trung Quốc, qua hình thức người truyền người, tâm truyền tâm, và sau gần 10 năm phát triển nhanh chóng, đã có hơn 100 triệu người tu luyện.
Mọi thứ bắt đầu từ một lớp học giản dị ở một thành phố thuộc Đông Bắc Trung Quốc.
Vào ngày 13 tháng 5 năm 1992, ông Lý Hồng Chí, đến từ Đông Bắc Trung Quốc, đã bước lên bục giảng tại một hội trường trường trung học, truyền thụ Pháp Luân Công cho khoảng 180 học viên. Đây là ngày sinh nhật lần thứ 41 của ông, và hiện nay, ngày này được cả thế giới công nhận là “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới”. Mỗi học viên đều nhận được một cuốn sách nhỏ 12 trang mang tên “Pháp Luân Công”, trong đó có các hình minh họa về động tác luyện công. Trong suốt khóa học kéo dài chín ngày, sau mỗi buổi giảng, ông Lý đều chi tiết hướng dẫn và chỉnh sửa động tác cho từng học viên, đồng thời đi lại trong đám đông để sửa sai.
Khác với hầu hết các thầy khí công và quan chức thời bấy giờ, ông Lý giảng bài mà không có bài giảng sẵn, chỉ mang theo một mảnh giấy nhỏ ghi vài ghi chú, trong suốt quá trình giảng dạy kéo dài hàng giờ, ông chỉ thỉnh thoảng xem qua mảnh giấy.
Đa số các học viên đều là những người yêu thích tập khí công lâu năm, họ từng nghe nhiều vị thầy khí công giảng dạy, nhưng Thầy Lý Hồng Chí lại để lại ấn tượng đặc biệt cho họ. Thầy không chú trọng vào phương pháp chữa bệnh bằng khí công, mà dùng ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu để giải thích khái niệm tu luyện tinh thần, giải đáp những câu hỏi mà nhiều người đã thắc mắc suốt nhiều năm.
Rất nhanh chóng, lời mời tổ chức các lớp học cứ liên tiếp đến. Trong hai năm tiếp theo, Thầy Lý đã đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, tổ chức 56 lớp học Pháp Luân Công cho hơn 60.000 người. Những người này sau đó đã truyền bá thông tin về Pháp Luân Công, và chỉ trong vài năm, trong đất nước có 1,3 tỷ người này, cứ mỗi 13 người lại có một người bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
Vào tháng 7 năm 1994, Lưu Á Cầm, người phụ trách bộ phận cho vay của ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, đã tham gia khóa học Pháp Luân Công cuối cùng tại địa phương. Cô từ Đại Liên đến Trường Xuân, mất đến 7 giờ ngồi xe mới tới nơi.
Trong suốt quá trình nghe giảng, cô Lưu Á Cầm vô cùng xúc động, mỗi khi nghe đến nội dung nào khiến cô ấn tượng sâu sắc, cô lại liên tục vỗ vào đùi người bạn ngồi bên cạnh. Khi cô Lưu 40 tuổi, cô sinh con và sau đó cơ thể bị các biến chứng, rất dễ mệt mỏi. Tuy nhiên, sau khi kết thúc khóa học vào ngày thứ ba, cô và người bạn đồng hành quyết định không đi xe buýt mà đi bộ về nhà, mất khoảng nửa giờ. Cô Lưu cho biết, từ đó về sau, cô cảm thấy mình như trở thành một con người khác; không biết từ lúc nào, tình trạng mệt mỏi kéo dài, bệnh túi mật và dạ dày của cô đã biến mất.
Vào năm 1998, một cuộc khảo sát với khoảng 44.000 người tu luyện Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc cho thấy, từ 95% đến 99% người tham gia khảo sát cho biết sức khỏe của họ đã được cải thiện nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Những người tu luyện này cho biết, ngoài việc cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn, Pháp Luân Công còn giúp họ tái tạo lại nhân cách.
Một tháng sau khi tham gia khóa học Pháp Luân Công, Kim Thành Toàn, một người Trung Quốc gốc Triều Tiên 20 tuổi, đã tham gia Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được tổ chức ở Diên Biên, Cát Lâm, cùng với khoảng 4.000 người khác. Diên Biên nằm ở phía đông tỉnh Trường Xuân, là khu vực có đông người Triều Tiên sinh sống nhất ở Trung Quốc.
Lý Hồng Chí Đại Sư giảng dạy rằng “vật chất và tinh thần là nhất tính”, và điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Kim Thành Toàn.
Kim Thành Toàn nói: “Nếu vật chất và tinh thần có mối liên hệ với nhau, thì thế giới nội tâm của một người sẽ phản ánh ra thế giới bên ngoài, điều này thật sự rất hợp lý”. Pháp Luân Công dạy con người lấy “Chân, Thiện, Nhẫn” làm nguyên tắc, nhấn mạnh sự tự phản tỉnh và tự hoàn thiện. Điều này cũng bao gồm việc coi nhẹ lợi ích vật chất.
Sau đó, là chủ một cửa hàng văn phòng phẩm, Kim Thành Toàn đã chính nhờ cách này mà giành được sự tin tưởng của các nhà cung cấp.
Kim Thành Toàn mua hàng từ một nhà buôn cách đó một giờ đi tàu. Có một lần, khi về nhà, anh mới phát hiện mình đã vô tình quên trả một khoản tiền 350 nhân dân tệ cho hàng hóa, và số tiền này đối với người Trung Quốc bình thường thời đó tương đương với hơn một tháng lương. Vào thời điểm đó, Trung Quốc vẫn là một xã hội trao đổi dựa vào tiền mặt, vì vậy, do khối lượng giao dịch hàng ngày, người bán không biết việc này và không thể truy ra là Kim Thành Toàn đã bỏ sót khoản tiền đó.
Tuy nhiên, khi đi mua hàng lần sau, anh đã tìm đến nhà cung cấp và đưa số tiền đó cho họ. Nhà cung cấp rất ngạc nhiên. Anh nhớ lại rằng, khi đó nhà cung cấp đã thốt lên: “Bây giờ tìm đâu ra người như thế này?”
Kể từ đó, mỗi khi nhà cung cấp có sản phẩm mới về, họ đều để Kim Thành Toàn chọn trước.
Đại sư Lý Hồng Chí luôn lấy thân làm gương. Hàng chục người từng tham gia lớp học đều nói rằng, dù bình thường thầy Lý ít nói, nhưng thầy rất hiền hòa, khiến người ta cảm thấy rất thân thiết.
Năm 1993, bà Âu Dương Yến ở Bắc Kinh đưa cô con gái 6 tuổi tham gia một lớp học Pháp Luân Công tại địa phương. Bà Âu Dương Yến nhớ lại, vừa nhìn thấy thầy Lý bước vào, con gái bà đã nói “Con thích chú này”.
Con gái bà được chẩn đoán mắc chứng tăng động giảm chú ý, bình thường ở lớp không ngồi yên được, nhưng ở lớp học Pháp Luân Công lại nghe rất chăm chú. Sau đó, trong một chuyến tàu điện ngầm đông đúc, hai mẹ con bà phát hiện thầy Lý và con gái nhỏ của thầy đang ngồi đối diện. Trước khi bà Âu Dương Yến kịp nhận ra chuyện gì đang xảy ra, con gái bà đã chạy về phía thầy Lý mà nó đã thấy trên bục giảng, ngồi xuống bên cạnh thầy với vẻ mặt tươi cười.
Các lớp học của Đại sư Lý Hồng Chí luôn trong tình trạng “cháy vé”, đôi khi ban tổ chức thậm chí phải mở thêm các địa điểm phụ để đáp ứng nhu cầu. Vào tháng 12 năm 1993, tại Hội chợ Sức khỏe Phương Đông kéo dài 10 ngày ở Bắc Kinh, gian hàng Pháp Luân Công chật kín người. Bà Mễ Thụy Kinh, một nhân viên tình nguyện lúc đó, nói với phóng viên Epoch Times rằng bà vẫn còn nhớ như in cảnh tượng lúc bấy giờ.
Mặc dù danh tiếng của thầy Lý ngày càng lớn, nhưng thầy không hề lợi dụng điều đó để trục lợi. Các lớp học chín ngày chỉ thu một khoản phí tượng trưng, khoảng 10 đô la Mỹ hoặc ít hơn, và học viên cũ tham gia lớp thứ hai còn được giảm giá một nửa, số tiền này hầu như không đủ để chi trả chi phí tổ chức lớp. Mặc dù vậy, thầy Lý không chỉ một lần quyên góp thu nhập từ việc tổ chức lớp học cho các tổ chức từ thiện và nạn nhân của các thảm họa tự nhiên như lũ lụt.
Các học viên tham gia lớp học nhớ lại rằng lối sống của thầy Lý rất giản dị.
Không chỉ một nhân viên từng đồng hành cùng thầy Lý trong các lớp học ở nhiều địa phương nhớ lại rằng thầy Lý thường ăn mì gói là chính. Ông Diệp Hạo, một cảnh sát cấp cao đã nghỉ hưu, đã từng chứng kiến điều này. Ông nói rằng ông thường thấy thầy Lý thêm vài lát xúc xích rẻ nhất thời đó vào mì gói của mình.
Ông Diệp Hạo nhớ lại rằng thầy Lý thường tự tay giặt quần áo và phơi khô vào buổi tối. Bà Mễ Thụy Kinh, với tư cách là nhân viên tình nguyện, nhớ rằng bà đã để ý thấy áo len và giày của thầy Lý có dấu hiệu sờn cũ, nhưng “rất sạch sẽ, không có bụi”.
Bà Mễ Thụy Kinh nhớ lại rằng thầy Lý luôn nở nụ cười vui vẻ trên môi. Thầy rất đúng giờ, đôi khi vì vội đi đường mà không ăn cơm. Nếu thầy cần bà Mễ Thụy Kinh giúp đỡ điều gì, thầy sẽ hỏi: “Cô có thể làm được không? Như vậy có được không?”.
Bà Mễ Thụy Kinh nói rằng, trong quá trình giáo dục bằng cả lời nói và hành động như vậy, bà đã học được cách hạ giọng nói lớn bẩm sinh của mình, dùng giọng điệu ôn hòa để nói chuyện với người khác.
Ông Trương Nhĩ Bình, người từng tiếp đón ông Lý Hồng Chí ở Hoa Kỳ, nhớ lại rằng lần đầu tiên thầy Lý đến Mỹ để tham dự Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của các học viên Pháp Luân Công, thầy chỉ mang theo một chiếc túi xách nhỏ. Thầy Lý còn mượn kim chỉ của ông để tự vá quần áo.
Một ngày mùa xuân năm 1993, bà Hàn Liên Hương nhìn thấy vài người đang giơ tay như đang ôm một bánh xe ở công viên gần nhà.
Bà không biết đó là gì, liền giơ hai tay lên bắt chước tư thế ôm bánh xe của họ, cảm thấy lòng bàn tay nóng lên. Vài tuần sau, bà và cậu con trai mười mấy tuổi tên là Hồ Dương đã đến Nhà thi đấu Cơ xa Đại Liên. Tại cùng một địa điểm đó, bà và Lưu Á Cầm đã cùng nhau trải qua sự thay đổi về thế giới quan.
Vào ngày thứ hai của lớp học, các học viên đã không còn trò chuyện tán gẫu trong hội trường. Mọi người cũng không còn tranh giành những chỗ ngồi tốt hơn, nếu nhặt được đồ vật có giá trị, họ sẽ giao cho nhân viên, và thông thường ngày hôm sau đồ vật sẽ được trả lại cho người mất. Bà Hàn Liên Hương và Hồ Dương đã nhường vé hàng ghế đầu của mình cho một số học viên đến từ nơi khác.
Hồ Dương nói rằng cậu rất may mắn khi gặp được Pháp Luân Công trong giai đoạn trưởng thành của cuộc đời mình.
Năm 15 tuổi, cậu thường xuyên đánh nhau, chơi với đám trẻ hàng xóm và trộm cắp để mua thuốc lá. Bà Hàn Liên Hương lo lắng rằng con trai bà rồi sẽ có ngày phải vào tù.
Hồ Dương nói rằng, mặc dù trước khi luyện Pháp Luân Công cậu là người như vậy, nhưng các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn” mà Pháp Luân Công dạy đã nhanh chóng bén rễ trong tâm hồn cậu, khiến cậu thay đổi 180 độ. Gia đình cậu vô cùng kinh ngạc, nói rằng cậu đột nhiên trở nên lễ phép, điều mà trước đây họ chưa từng thấy. Cậu chủ động làm việc nhà mà không cần ai nhắc nhở, chủ động chào hỏi hàng xóm và vui vẻ giúp họ mang đồ nặng lên lầu.
“Giống như được tái sinh vậy”, cậu nói.
Bà Lưu Á Cầm, người từng nóng tính và hiếu thắng, cũng chia sẻ về sự thay đổi lớn lao trong tính cách của mình.
Trước đây bà luôn nói lớn tiếng và không chấp nhận những ý kiến khác trong gia đình. Sau khi học Pháp Luân Công, hễ bà nổi nóng, chồng bà sẽ nhắc nhở bà về “Chân, Thiện, Nhẫn”. Bà lập tức kiềm chế được cảm xúc của mình.
“Tôi không thể cứ bắt người khác phải nghe theo mình mãi, tôi nên lắng nghe những gì họ nói,” bà chia sẻ với Epoch Times.
Trong cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, ông Lý Hồng Chí có đề cập: [Nếu] thông thường toàn tâm của chư vị luôn hoà ái từ bi như thế, [thì] khi đột nhiên xuất hiện vấn đề, chư vị sẽ có thêm một khoảng hoà hoãn, [để] cân nhắc thêm.
Năm 1994, ông George Miao đã gặp phải một thử thách về tâm tính như vậy trên chuyến tàu từ thành phố Quảng Châu, miền đông nam Trung Quốc, trở về nhà.
Trước mặt gia đình và bạn bè, chị gái ông bắt đầu chỉ trích ông vì đã không điều hành tốt nhà máy in bao bì. Cảm thấy bị sỉ nhục, ông đã phản bác lại chị gái, nhưng sau vài câu, ông tự kiểm điểm, nhắc nhở bản thân rằng dù chị nói gì, cũng nên nghĩ đến ý tốt của chị. Hai người nhanh chóng làm lành với nhau như chưa có chuyện gì xảy ra.
Quá trình tự kiểm điểm này giờ đây đã trở thành thói quen tự nhiên, “giống như hơi thở vậy,” ông nói với Epoch Times, “bởi vì đó là cách sống hàng ngày của tôi.”
Những tin tức về Pháp Luân Công và những lợi ích sức khỏe thể chất lẫn tinh thần mà nó mang lại đã lan truyền nhanh chóng khắp Trung Quốc đại lục.
Bà Vương Ngọc Quang đến từ Cáp Nhĩ Tân, một trong những thành phố cực bắc của Trung Quốc, cho biết rằng sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, hơn một trăm người trong đại gia đình bà cũng bắt đầu tu luyện.
Tại một công viên gần nhà, bà dựng một máy phát nhạc để phát nhạc luyện công của Pháp Luân Công. Chưa đầy một tháng, mỗi buổi sáng đã có hàng trăm người cùng nhau luyện công. Điểm luyện công này ngày càng đông người, và chẳng bao lâu sau đã chia thành hai điểm luyện công.
Những cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở những nơi khác trên khắp Trung Quốc đại lục.
Chỉ riêng thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã có hàng trăm điểm luyện công Pháp Luân Công. Bà Âu Dương Yến và bà Mễ Thụy Kinh cho biết, vào các buổi sáng cuối tuần, đi bộ trên các con phố và ngõ hẻm của Bắc Kinh, người ta có thể thấy hàng trăm, hàng nghìn người cùng nhau luyện công tại các công viên và quảng trường ngoài trời.
Bà Âu Dương Yến nói rằng, trên đại lộ Trường An, con đường chính ở Bắc Kinh, “mỗi khi có xe buýt đi qua, tất cả mọi người trên xe đều hướng mắt ra cửa sổ (về phía các điểm luyện công)”.
Các quan chức của ĐCSTQ ban đầu khuyến khích người dân rèn luyện sức khỏe thông qua việc tập Pháp Luân Công. Năm 1995, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã mời Đại sư Lý Hồng Chí đến Paris để truyền dạy Pháp Luân Công và sắp xếp lớp học Pháp Luân Công kéo dài một tuần đầu tiên tại Pháp.
Năm 1997, tờ “Đại Liên Nhật Báo”, một cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc, đã đưa tin về câu chuyện của học viên Pháp Luân Công, Thịnh Lễ Kiếm, một cụ ông hơn 70 tuổi đã dùng tiền tiết kiệm của mình để xây dựng bốn con đường cho một ngôi làng địa phương trong vòng một năm. Vào tháng 11 năm 1998, tờ “Dương Thành Vãn Báo” của Quảng Châu đã đăng tải một bài viết trang nhất với tiêu đề lớn về một điểm luyện công Pháp Luân Công quy mô lớn với 5.000 người, đồng thời đăng ảnh một em bé 2 tuổi và một cụ già 93 tuổi đang luyện Pháp Luân Công trên trang nhất.
Tuy nhiên, bài báo năm 1998 đó đã trở thành một trong những tin tức tích cực cuối cùng về Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản vào thời điểm đó đã đầy cảnh giác với sự nổi tiếng và ảnh hưởng của Pháp Luân Công. Ông Kim Thành Toàn, một học viên người Triều Tiên gốc Trung Quốc, nhớ lại rằng ông đã nghe một nguồn tin chính quyền nói rằng, Giang Trạch Dân, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ, đã đến thị sát một thành phố bị thiệt hại nặng nề trong một trận lũ lớn. Ông Kim Thành Toàn nói rằng Giang Trạch Dân đã chú ý đến một nhóm tình nguyện viên đang làm việc chăm chỉ ở tuyến đầu, và cho rằng họ là đảng viên. Khi Giang Trạch Dân nghe nói rằng họ đều là học viên Pháp Luân Công, sắc mặt ông ta lập tức trở nên u ám. Cuốn sách “Con người thật của Giang Trạch Dân” do Epoch Times xuất bản năm 2012 cũng mô tả sự kiện này.
Vào tháng 4 năm 1999, cảnh sát ở Thiên Tân, một thành phố lớn gần Bắc Kinh, đã đánh đập và bắt giữ hàng chục học viên Pháp Luân Công. Nguyên nhân là do một tạp chí nhà nước đã đăng một bài viết công kích Pháp Luân Công, và các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã yêu cầu rút lại bài viết, kết quả là họ đã bị cảnh sát đàn áp.
Do đó, các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã đến chính quyền thành phố Thiên Tân để thỉnh nguyện, yêu cầu thả những học viên bị giam giữ. Sự việc này đã lan đến các học viên khác trên khắp cả nước, và họ cũng đến chính quyền địa phương để thỉnh nguyện. Dù đến chính quyền địa phương nào, họ cũng nhận được cùng một câu trả lời: Vấn đề này các bạn phải lên Bắc Kinh thỉnh nguyện.
Vì vậy, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công từ khắp nơi trên Trung Quốc đã đến thủ đô Bắc Kinh. Cuộc tập trung ôn hòa tại Trung Nam Hải (nơi ở của các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ) này hiện được gọi là “Thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4”. Sau khi chính quyền hứa thả những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và đảm bảo cho phép các học viên Pháp Luân Công được tự do tín ngưỡng, những người thỉnh nguyện đã rời đi một cách hòa bình.
Tuy nhiên, những lời hứa của chính quyền đã không được thực hiện. Ngược lại, 3 tháng sau, lãnh đạo ĐSCTQ Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào tất cả các học viên Pháp Luân Công, và cuộc đàn áp này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Trong 26 năm qua, những công dân gương mẫu này chỉ vì muốn thực hành tín ngưỡng của mình mà đã bị đưa vào tù và các trại lao động cưỡng bức, nơi họ phải chịu đựng những hình thức tra tấn, và nhiều người đã bị tra tấn đến chết.
Bà Mễ Thụy Kinh trong thời gian bị giam giữ đã mắc bệnh ghẻ và thủng dạ dày, dẫn đến việc bà phải cắt bỏ ba phần tư dạ dày. Cuối cùng bà đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và sau đó định cư ở New York.
Kể từ năm 2000, Đại sư Lý Hồng Chí đã bốn lần được đề cử giải Nobel Hòa bình. Hơn 25 nghị sĩ Nghị viện Châu Âu đã đề cử thầy cho giải Sakharov, một giải thưởng nhằm vinh danh những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho nhân quyền và tự do tư tưởng.
Hàng năm vào ngày 13 tháng 5, các quan chức trên khắp thế giới đều đưa ra những lời chúc mừng để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, tức là ngày kỷ niệm Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu được truyền bá; họ cũng nhân cơ hội này để lên án cuộc đàn áp tín ngưỡng Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn của chính quyền Trung Quốc.
Trước thềm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm nay, Hạ nghị sĩ Liên bang Pat Ryan, trong một đoạn video chia sẻ với Epoch Times, cho biết ông không thể nghĩ ra thời điểm nào thích hợp hơn để tuyên bố việc thông qua “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công” (the Falun Gong Protection Act) do lưỡng đảng đồng bảo trợ, đạo luật này nhằm “buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về hành vi mổ cướp nội tạng và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.”
“Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật này được thông qua tại Thượng viện, để Tổng thống ký ban hành thành luật, và sẽ luôn đấu tranh để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mọi cử tri của tôi”, ông nói.
Trong một nghị quyết được Thượng viện bang New York thông qua vào tháng 1, các nghị sĩ đã chỉ ra rằng Pháp Luân Công đã nhận được hơn 3.000 bằng khen và giải thưởng.
“Đối với người dân Trung Quốc, Pháp Luân Đại Pháp là nguồn sức mạnh khi đối mặt với áp bức”, Nghị quyết nêu rõ. Đối với hàng triệu người trên khắp thế giới, Pháp Luân Công mang lại “một cơ thể khỏe mạnh hơn và một tâm hồn bình an hơn”.
Lý Ngọc theo Epoch Times
Quốc hội Tiểu bang Texas chỉ định ngày 13 tháng 5 năm 2025 là "Ngày…
Hôm thứ Tư (14/5), Nhà Trắng loan báo rằng Hoa Kỳ và Qatar đã đạt…
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, bị cáo buộc chi tiền…
Vô sinh là một vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến khoảng 7,7% các cặp…
Mỗi khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời, con người thường chọn một trong hai…
Các lãnh đạo hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Hạ viện hôm thứ Tư…